Đo lường trên cơ sở khảo sát

Một phần của tài liệu Kỳ vọng lạm phát ứng dụng khảo sát và khuyến nghị kiểm soát kỳ vọng dài hạn ở việt nam (Trang 32 - 34)

2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT VÀ CHÍNH

2.3.2.1. Đo lường trên cơ sở khảo sát

Có hai nguồn thông tin chính để đo lường lạm phát kỳ vọng thông qua các cuộc khảo sát. Một là khảo sát hộ gia đình và các doanh nghiệp về kỳ vọng của họ đối với những thay đổi giá cả trong tương lai. Lựa chọn thứ hai là khảo sát những chuyên gia dự báo.

Doanh nghiệp và các hộ gia đình

Kỳ vọng lạm phát đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường lao động, vì nó là một trong những nhân tố chính dẫn đến các thỏa thuận trong tiền lương. Áp lực về tiền lương mặt khác cũng gây ảnh hưởng lên hành vi giá cả. Trong một nền kinh tế, khi sự phát triển của thị trường lao động có tác động lớn đến những thay đổi trong lạm phát thì kỳ vọng lạm phát của những người tham gia thị trường này có vai trò rất quan trọng đối với những nhà hoạch định chính sách. Kỳ vọng lạm phát của người lao động và doanh nghiệp được đo lường thông qua khảo sát người tiêu dùng, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính.

Những nội dung cơ bản trong bảng khảo sát: Thông tin cá nhân của người được khảo sát (giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập…), kỳ vọng của người được khảo sát về mặt bằng giá cả chung trong thời gian tới, giá cả của một số sản phẩm trong một số lĩnh vực (thực phẩm, y tế – giáo dục, chi phí dịch vụ, giá nhà đất…) và con số kỳ vọng cụ thể tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới như thế nào? Tùy vào mục tiêu cũng như điều kiện của mỗi quốc gia mà bảng khảo sát được điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên việc khảo sát này lại gặp phải một số vấn đề:

Đầu tiên, các cuộc điều tra đối với các hộ gia đình quá tốn kém do mẫu khảo sát tương đối lớn và không đồng nhất.

Thứ hai, sự không đồng nhất trong mẫu khảo sát có thể gây ra nhiều khó khăn cũng như sai số trong việc đo lường. Brischetto và De rouwer (1999) đã chứng minh rằng kỳ vọng lạm phát trung bình có thể biến động lớn đối với các loại đối tượng khảo sát khác nhau. Những người được tiếp cận nguồn thông tin tốt hơn hoặc có khả năng phân tích thông tin có xu hướng kỳ vọng về lạm phát chính xác hơn.

Thứ ba là các lỗi đo lường có thể xảy ra trong quá trình khảo sát. Tỷ lệ sai số trong quá trình khảo sát là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của việc ước lượng mức lạm phát kỳ vọng và những sai số này có thể rất lớn khi đo lường kỳ vọng lạm phát thông qua khảo sát hộ gia đình. Do tính kỳ vọng dễ bị thay đổi nên câu trả lời trong các cuộc khảo sát có thể bị những sự kiện tác động nếu thời gian khảo sát tương đối dài. Smyth (1992) kiểm tra những sai số trong đo lường kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình và kết luận rằng những ước lượng này bị chệch bởi vì các hộ gia đình có khuynh hướng đánh giá quá cao tỷ lệ lạm phát trong quá khứ. Điều này làm gia tăng quá mức sự quan tâm của chính phủ đối với kỳ vọng lạm phát khi đưa ra các quyết định chính sách. Cuối cùng, do việc khảo sát (đặc biệt là khảo sát các hộ gia đình) không được thực hiện thường xuyên nên tạo ra bộ dữ liệu với tần số tương đối thấp. Trong một nền kinh tế mà lạm phát không phải là vấn đề quan trọng thì sự ảnh hưởng của nó không đáng kể nhưng một khi lạm phát là mối quan tâm lớn của các chính sách thì mức độ hữu dụng của các khảo sát này sẽ giảm xuống.

Các chủ thể tham gia thị trường tài chính và các chuyên gia dự báo

Nội dung và cách thức khảo sát cũng tương tự như khảo sát đối với hộ gia đình nhưng đối tượng khảo sát là những người tham gia TTTC hoặc khu vực doanh nghiệp (do NHTW hoặc các khu vực tư nhân thực hiện). Những khảo sát loại này hiện nay tương đối phổ biến ở các nền kinh tế mới nổi (EMEs). Bộ mẫu nhỏ hơn và đồng nhất hơn có

thể cải thiện được những nhược điểm khi thực hiện khảo sát đối với hộ gia đình. Ngoài ra các dự báo này có thể hoàn toàn độc lập với chính phủ do nhiều NHTW gần như hoạt động độc lập. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất khi thực hiện khảo sát đối với các đối tượng này là họ không có đủ động cơ để cung cấp những dự đoán tốt nhất của mình, điều này dẫn đến những ước lượng chệch, làm sai lệch kết quả ước lượng.

NHTW cũng có thể tự thực hiện và công bố những dự báo lạm phát của mình. Tuy nhiên một thiếu sót ở đây chính là những dự báo này lại dựa trên giả định chính sách không thay đổi hay nói chính xác hơn NHTW thực hiện các tính toán của mình dựa trên giả định những công cụ của CSTT là ổn định. Điều này làm cho các dự báo luôn phải theo một khuôn khổ và gần như bị chi phối. Kết quả, nó sẽ ảnh hưởng đến công tác dự báo.

Một phần của tài liệu Kỳ vọng lạm phát ứng dụng khảo sát và khuyến nghị kiểm soát kỳ vọng dài hạn ở việt nam (Trang 32 - 34)