3. KIỂM ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG VÀ XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP
3.2.2.3. Kỳ hạn khảo sát
Bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng để đánh giá kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn và kỳ hạn được chúng tôi sử dụng trong bảng khảo sát là 12 tháng (năm 2012) do hai nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, thống kê tỷ trọng trung bình đóng góp của CPI từng tháng vào CPI cả năm từ 1995 – 2010 ở Việt Nam cho thấy lạm phát tháng 12, tháng 1, tháng 2 chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt là 12%, 18% và 31% do thời gian này lạm phát chịu cú sốc về phía cầu từ Tết Nguyên Đáng và Tết Dương Lịch, trong khi đó CPI các tháng còn lại ít biến động và ít đóng góp vào CPI cả năm. Do đó đối với đối tượng khảo sát là các hộ gia đình, sự hiểu biết và đánh giá về lạm phát còn rất hạn chế thì việc khảo sát với kỳ hạn ngắn như một tháng hay một quý tới sẽ gây khó khăn cho họ trong việc đưa ra nhận định và dẫn đến hiệu quả khảo sát không cao. Thực tế một bảng khảo sát tương tự đã được chúng tôi thực hiện trong năm 2011 với kỳ hạn sáu tháng (thời điểm khảo sát là tháng 5 năm 2011), điều này đã gây nhiều khó khăn cho đáp viên trong việc đưa ra các nhận định của mình vì thực tế lạm phát sáu tháng cuối năm thường có xu hướng tăng thấp hơn so với sáu tháng đầu năm nhưng rất ít các đáp viên biết được điều này để đưa ra các dự báo cho mình.
Hình 3.3. Tỷ trọng đóng góp CPI tháng vào CPI cả năm từ 1995 – 2010
Nguồn: Tính toán từ số liệu GSO
Thứ hai, kết quả thực nghiệm của Jongnung và Linden (2010) cho thấy kỳ hạn 12 tháng là tối ưu nhất khi khảo sát kỳ vọng lạm phát của người dân khu vực đồng tiền chung Châu Âu, sai số dự báo kỳ hạn 12 tháng là nhỏ nhất và sai số này không phụ thuộc vào khoảng cách giữa các đợt khảo sát. Moreno và Villar (2009) tổng hợp chương trình khảo sát ở 18 quốc gia mới nổi, đa số các quốc gia đều tiến hành khảo sát giá cả trong 12 tháng tới cho kỳ vọng ngắn hạn.