4. KẾT QUẢ KHẢO SÁT KỲ VỌNG LẠM PHÁT – ĐÁNH GIÁ THỰC
4.3.1.3. Kỳ hạn, khoảng cách giữa các đợt khảo sát
Việc xác định kỳ hạn và khoảng cách giữa các đợt khảo sát cần phải đạt được mục tiêu theo dõi biến động trong kỳ vọng lạm phát, mức độ tín nhiệm đối với NHNN Việt Nam và xây dựng một kho dữ liệu về kỳ vọng phục vụ cho công tác dự báo, phân tích (Potter, 2011, nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp đo lường và kỳ hạn của nó). Về cơ bản, chúng ta đã đánh giá được độ lệch nhất thời của kỳ vọng ngắn hạn khi khảo sát kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới. Như vậy, phần này cần phải xác định được kỳ hạn khảo sát trung, dài hạn và khoảng cách giữa các đợt khảo sát trên hộ gia đình và các công ty niêm yết để đạt được mục tiêu đánh giá mức tín nhiệm và hình thành kho dữ liệu kỳ vọng với kỳ hạn thích hợp.
Về kỳ vọng trung và dài hạn, Gnan, Scharler và Silgoner (2009) cho rằng kỳ vọng lạm phát trung – dài hạn giúp NHTW đánh giá được mức độ tín nhiệm của các thành phần công chúng. Tuy nhiên, các dự báo với kỳ hạn lên đến 5 năm không có nhiều ý nghĩa.
Do đó, sử dụng khảo sát trung hạn (2 hoặc 3 năm) phục vụ tốt nhất cho việc đánh giá mức độ tín nhiệm.
Hơn nữa, dựa theo kết quả khảo sát 2012, có đến 25% người được hỏi không thể đưa ra khoảng dự báo về kỳ vọng lạm phát trong 12 tháng tới (20% năm 2011 với kỳ vọng 6 tháng tới). Điều này khiến chúng tôi lo lắng về khả năng đưa ra kỳ vọng của công chúng trong kỳ hạn dài hơn. Do đó, chúng tôi sẽ lựa chọn kỳ hạn ngắn nhất có thể phục vụ theo dõi sự tín nhiệm đối với NHNN Việt Nam, cụ thể là 2 năm.
Đối với khoảng cách giữa các đợt khảo sát, các phân tích về lạm phát Việt Nam đều sử dụng các dữ liệu theo tháng hoặc dữ liệu quý nội suy về tháng, do đó, để đạt được mục tiêu xây dựng dữ liệu cho công tác phân tích, bảng khảo sát phải đưa ra được số liệu kỳ vọng lạm phát theo tháng hoặc ít nhất là theo quý. Nói cách khác, đáp viên sẽ phải trả lời kỳ vọng của họ trong tháng/quý tới hoặc các đợt khảo sát cách nhau tháng/quý. Các phân tích ở hình 3.3 cho thấy, việc đưa ra dự báo lạm phát trong tháng hoặc quý tới là công việc khó khăn. Do đó, chúng ta sẽ chọn giải pháp thực hiện khảo sát kỳ vọng vào đầu mỗi quý.
Tóm lại, từ các lập luận trên, chúng tôi đề xuất thực hiện khảo sát kỳ vọng dài hạn Việt Nam trên cả hai đối tượng là các công ty niêm yết trên 2 sàn chứng khoán và hộ gia đình ở 5 thành phố lớn. Người tham gia sẽ được hỏi về kỳ vọng giá cả trong 12 tháng tới cho kỳ hạn ngắn và 2 năm tới cho trung hạn. Các đợt khảo sát sẽ diễn ra vào đầu các quý của năm. Song song với các chương trình khảo sát, chúng ta cần đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm neo giữ kỳ vọng.