7. Cấu trúc của luận văn
2.3. Nguồn gốc, thành phần các loại từ nghề biển của ngư dân huyện Hậu
Hậu Lộc
Do nhu cầu kỹ thuật sản xuất ngày càng cao và đời sống xã hội ngày càng phát triển, nên từ ngữ chỉ nghề cũng thay đổi theo. Tìm hiểu nguồn gốc của từ chỉ nghề ở một địa phương là một điều tuy khó nhưng cần thiết. Nghiên cứu nguồn gốc của từ ngữ để thấy được mối quan hệ qua lại giữa ngôn ngữ (cụ thể là từ ngữ nghề nghiệp) với xã hội. Tìm hiểu vốn từ chỉ nghề ở đây, chúng tôi cho rằng đại đa số các từ ngữ đều ra đời từ lúc khởi nguyên của nghề. Trong quá trình vận động, từ chỉ nghề cũng được bồi đắp theo thời gian. Quá trình tạo từ chỉ nghề có hai xu hướng sau đây:
- Thứ nhất, xu hướng xuất hiện thêm một số từ ngữ mới bổ sung vào vốn từ sẵn có của nghề: Sở dĩ xuất hiện xu hướng này bởi nhu cầu của xã hội, nhu cầu tiêu dùng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mở rộng kinh tế... nên tên gọi mới ra đời làm phong phú thêm vốn từ nghề nghiệp.
- Xu hướng triệt tiêu hóa của một số từ ngữ: Cơ sở của xu hướng này là do sự phát triển, nhận thức của xã hội và sự phát triển khoa học kỹ thuật... Xu hướng này không phổ biến trong các nghề của cư dân biển huyện Hậu Lộc. Bởi vì, các nghề mà chúng tôi đi khảo sát là những nghề mang tính chất truyền thống. Do vậy, các tên gọi phần nào giữ nguyên tính chẩt truyền thống
ấy. Đồng thời, do sự tiếp cận với khoa học công nghệ còn ít nên các nghề truyền thống này vẫn chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại mà vẫn còn thủ công. Các công cụ phần lớn vẫn còn là thô sơ và làm bằng sức lao động của con người. Vì thế các từ ngữ chỉ nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại.
Nhìn chung, các từ nghề biển ở huyện Hậu Lộc mà chúng tôi điều tra, cụ thể là ba nghề (đánh cá, làm muối, làm nước mắm) đều tồn tại bền vững qua thời gian. Nghĩa là, từ khi ra đời người ta gọi như thế nào thì đến nay vẫn được gọi như thế. Xét về nguồn gốc thành phần cấu tạo của từ nghề biển huyện Hậu Lộc, chúng tôi nhận thấy từ chỉ nghề có thành phần cấu tạo rất đa dạng.
2.3.1. Từ nghề biển vừa được dùng rộng rãi trong ngôn ngữ toàn dân vừa được dùng trong nghề
Trong lớp từ nghề biển huyện Hậu Lộc bao gồm một số lượng từ đang được dùng trong ngôn ngữ toàn dân, đồng thời trong lao động sản xuất nghề biển, người dân địa phương làm nghề này cũng thường xuyên dùng.
Những từ chỉ nghề được dùng trong ngôn ngữ toàn dân có phạm vi sử dụng rất lớn. Những từ chỉ nghề (cụ thể là: Từ chỉ nghề đánh cá, làm muối, làm nước mắm) được sử dụng rộng rãi, dần trở thành từ thuộc vốn từ ngôn ngữ toàn dân đã góp phần không nhỏ vào việc bổ sung làm phong phú vốn từ toàn dân. Bức tranh xã hội về mặt ngôn ngữ vì thế cũng trở nên sinh động và rõ nét hơn.
Cũng như từ chỉ nghề trong nghề trồng lúa của phương ngữ Thanh Hóa, một số lượng từ đáng kể đang được dùng trong ngôn ngữ toàn dân, trong lao động sản xuất, thì từ nghề biển của cư dân Hậu Lộc cũng vậy, nó có một số lượng từ đang được dùng trong ngôn ngữ toàn dân, trong lao động sản xuất, thì người làm nghề này cũng thường xuyên sử dụng.
Một số từ được dùng trong ngôn ngữ toàn dân như: Cá cơm, cá thu, cá chim, nước mắm cốt, muối tinh... Đây là những từ chỉ nghề nghiệp đã gia nhập, bổ sung vào vốn từ toàn dân. Do đặc điểm của các nghề này là nghề truyền thống của cư dân Việt, hơn nữa nghề cá cũng là nghề chính của cư dân. Suốt một dải bờ biển dài 3260km, nghề đánh cá của cư dân biển có khắp nơi, từ Móng Cái tận Cà Mau, vì vậy, phạm vi giao thoa, đan xen của từ nghề nghiệp với từ toàn dân là không nhỏ (tuy nghề làm nước mắm và làm muối sự giao thoa có phần hạn chế hơn so với từ nghề nông).
Nguồn gốc của những từ vừa là từ chỉ nghề dùng trong những người làm nghề, vừa là từ dùng trong ngôn ngữ toàn dân được hiểu như sau:
Đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu có một vốn từ tương ứng với bức tranh xã hội trở thành nhu cầu thường xuyên. Có như vậy, con người mới có thể hòa nhập vào cuộc sống mà không bị tụt hậu về ngôn ngữ. Vốn từ nghề nghiệp cũng như thuật ngữ hay phương ngữ đã “toàn dân hóa”. Theo cách này thì từ khi gia nhập vào vốn từ toàn dân, ban đầu có nhiều khó khăn trở ngại nhưng do cuộc sống cùng với thời gian và những từ chỉ nghề được sử dụng rộng rãi và trở thành toàn dân như thế. Phần khác, do các nghề này có tính chất truyền thống lâu đời của người Việt, vả lại, nghề đánh cá là một nghề không độc quyền vì bất cứ làm nghề nào dù làm nông hay làm lâm thì người ta cũng có thể đánh bắt cá. Thế nhưng, không phải cư dân nào cũng có thể làm muối, làm nước mắm. Ta có thể xem nghề làm muối, nước mắm như là hai nghề có tính chất độc quyền của cư dân vùng biển, cho nên các từ nghề làm nước mắm, nghề muối có mặt trong vốn từ rất hạn chế. Cũng vậy, do nghề đánh cá có số lượng dân cư làm nghề đông, địa bàn sinh sống và hành nghề rộng nên mật độ sử dụng từ của nghề cao, cho nên số lượng từ nghề cá gia nhập vào vốn từ toàn dân trở nên dễ dàng hơn (giống với sự gia nhập từ chỉ nghề trồng lúa).
Như vậy, trong vốn từ nghề biển có một số lượng từ được bổ sung, làm giàu cho vốn từ toàn dân. Những từ chỉ nghề, cụ thể hơn là những từ chỉ nghề biển được sử dụng trong ngôn ngữ toàn dân, đã đóng góp không nhỏ vào vốn từ toàn dân. Những từ chỉ nghề đã góp phần làm vốn từ toàn dân trở nên phong phú và đa dạng, bức tranh xã hội về mặt ngôn ngữ trở nên sinh động và rõ nét hơn.