7. Cấu trúc luận văn
2.1. Khái niệm cái nhìn nghệ thuật
Nói tới cái nhìn là người ta nghĩ ngay ra một hành động của con người mà ở đó anh ta quan sát về thế giới xung quanh, trải nghiệm và rút ra chân lý sống cho mình. Từ cách hiểu này về khái niệm cái nhìn có thể hiểu được cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cái nhìn nghệ thuật là một năng lực tinh thần đặc biệt của con người. Ở người nghệ sĩ, đó là khả năng quan sát thế giới, thâm nhập vào sự vật, phát hiện những nét riêng, độc đáo của sự vật, bảo đảm sự toàn vẹn, thẫm mĩ của sự vật, và từ đó có thể bóc tách những vấn đề của cuộc sống bằng chính sự suy luận lôgic và trừu tượng. Để có cái nhìn nghệ thuật, người nghệ sĩ phải có khả năng lĩnh hội những đổi thay, những diễn biến của cuộc sống một cách nhạy bén và sâu sắc hơn, phải biết lưu giữ những ấn tượng, thâm nhập, thấm qua những giới hạn bên ngoài của sự vật mà cho đến thời điểm đó chưa ai biết tới.
Cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ đối với cuộc sống vốn hiện hình từ sự trải nghiệm thực tế cuộc sống của họ. Nhờ những điều kiện xã hội cụ thể mà anh ta có được những khái niệm hết sức hệ thống và chính xác về thế giới. M. Khrapchenco khẳng định: “Chân lý cuộc sống trong sáng tác nghệ thuật không tồn tại bên ngoài mà cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối với thế giới vốn có ở từng nghệ sĩ thực thụ”. Cái nhìn được thể hiện qua nhiều cấp độ quan sát, tri giác, cảm giác… do đó nó có thể giúp người nghệ sĩ phát hiện ra cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài trong cuộc sống.
Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo và chính cái nhìn nghệ thuật của mỗi nhà văn là yếu tố làm nên sự sáng tạo đó. Bằng những nhận thức rất riêng
về thế giới, họ có những cách phản ánh và lý giải thế giới khác nhau trong tác phẩm của mình.Vì sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu từ sự đổi thay của cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, của người nghệ sĩ, cho nên cái nhìn nghệ thuật của nhà văn đem lại cho người đọc những cái nhìn mới về đời sống, có ý nghĩa nghệ thuật và ý nghĩa xã hội tích cực.
Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn được hình thành trong một không gian và thời gian nhất định. Nó phụ thuộc vào yếu tố tâm lý của anh ta lúc bấy giờ. Tâm lý ấy có được bởi những yếu tố như là giới tính, lứa tuổi, vốn sống, hoàn cảnh lịch sử - thẩm mĩ của xã hội... Từ vị trí của mình, nhà văn nhìn nhận thế giới bằng nhiều góc độ, nhìn xa, gần, trên, dưới, lệch, thẳng. Thậm chí từ những gì đang diễn ra trước mắt anh ta có thể hướng cái nhìn của mình về quá khứ hay tới tương lai. Trong tác phẩm văn chương, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật ngôi kể, cách xưng gọi sự vật, cách dùng từ ngữ, kiểu câu, cách nhà văn dùng hàng loạt ký hiệu nghệ thuật, từ hệ thống các chi tiết, sự phân bố các kết nối thưa, dày, sự thay thế các loại chi tiết này bằng các loại chi tiết khác
Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, như đã nói chính là biểu hiện phong cách của nhà văn. Nó cung cấp một phương diện để nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó. Thực tế thì phong cách của một nhà văn không chỉ được thể hiện ở một tác phẩm nào đó mà phải được thể hiện qua hàng loạt các sáng tác của họ. Cũng như vậy, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn đôi khi chỉ được biểu hiện đầy đủ thông qua tất cả các sáng tác ấy. Có thể thấy được cái nhìn nghệ thuật của Ban Zắc không phải chỉ qua một
Ơgiêni Grăngđê mà qua cả bộ Tấn trò đời, cái nhìn nghệ thuật của Nam Cao không chỉ qua một Chí Phèo mà qua hàng loạt các tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của ông. Dù vậy thì trong mỗi tác phẩm văn học cũng đã thể hiện cái nhìn nghệ thuật của nhà văn ở một góc độ nào đó của đời sống. Cái nhìn có
thể bao quát không gian, thấu suốt thời gian nhưng ngược lại nó cũng bị thời gian và không gian chi phối. Ở mỗi một thời gian nhất định nào đó thi nhà văn cũng có thể có những cái nhìn nghệ thuật khác nhau. Do chịu sự chi phối của các yếu tố như là tâm lý, không gian và thời gian mà mỗi nghệ sĩ trong từng khoảng thời gian nhất định lại có một cái nhìn khác nhau về thế giới. Và nhiều khi, cùng một đối tượng, một vấn đề ở trong cùng một không gian và thời gian nhưng cái nhìn của người này khác người kia. Khi ta nhận thấy nhà văn chú ý đến cái này, chú ý đến cái kia tức là ta đã đồng thời thấy được con người của tác giả. M. Bakhtin gọi cái nhìn của tác giả là “trường nhìn bao trùm, trường nhìn dôi ra, lập trường tác giả”. Cái nhìn nghệ thuật của Lưu Quang Vũ cũng là một khía cạnh lớn mà đề tài quan tâm làm sáng tỏ. Do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lịch sử xã hội, hoàn cảnh bản thân mà ông luôn có cái nhìn nghệ thuật rất đặc biệt về đời sống xã hội và con người. Bằng cái nhìn nghệ thuật rất riêng đó, ông đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn học Việt Nam giai đoạn chống Mỹ và cả sau này. Thông qua cái nhìn nghệ thuật đó chúng ta cũng sẽ thấy được phong cách thơ của Lưu Quang Vũ.
2.2. Đặc điểm cái nhìn nghệ thuật của thơ Lưu Quang Vũ
2.2.1. Cái nhìn mang tính “phi sử thi” về chiến tranh, lịch sử, dân tộc
2.2.1.1. Cái nhìn về chiến tranh
Lưu Quang Vũ được coi là một nhà thơ bẩm sinh. Tác giả làm thơ với cảm xúc hết sức tự nhiên, dễ dàng bày tỏ mọi suy nghĩ, niềm vui và nỗi buồn của mình trên trang giấy. Có những vấn đề ông viết khá nhạy cảm với thời đại ông đang sống. Đó là những bài mà người ta không chấp nhận in. Nó chỉ tồn tại trong trí nhớ của những người thân, gia đình và bạn bè ông, hoặc được lưu lại trong sổ tay của tác giả. Những cảm xúc của Lưu Quang Vũ về chiến tranh chính là một mảng thơ nằm im như thế.
Đây là mảng thơ rất cần lý giải thấu đáo. Các nhà phê bình đều thừa nhận cái độc đáo, tài hoa của ông trong những dòng thơ này. Nhà thơ viết về
hiện thực không với tư cách chính trị, tư cách người lính mà viết về nó như một nhân chứng: “Chúng ta cần phải sống/ Làm chứng nhân cho tấm kịch thê thảm này/ Những câu thơ âm thầm/ Muốn nói hết sự thực/ Về đất nước của mình”. Vì vậy, ông đưa ra được một góc nhìn khác. Ở đó, hiện thực không được nhìn từ góc độ sử thi mà được nhìn từ góc độ thế sự, đời tư.
Trước Lưu Quang Vũ đã có nhiều người viết về đề tài chiến tranh nhưng đa số họ viết về nó với những chiến thắng vang dội, bằng một giọng điệu tươi vui, hào hùng. Thậm chí nếu viết về những mất mát, hy sinh thì họ cũng lý tưởng hóa, khai thác nó ở khía cạnh bi hùng, mỹ lệ. Có thể thấy rõ điều đó trong Tây Tiến (Quang Dũng), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm),
Quê hương (Giang Nam), Núi đôi (Vũ Cao)… Vũ Cao có những vần thơ: Anhđi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm ngát cánh hoa thơm.
(Núi đôi)
Viết về sự hy sinh, gian khổ trong kháng chiến của binh đoàn Tây tiến, Quang Dũng cũng tạo nên một bức tráng ca không dễ nguôi quên. Sự hy sinh của người lính được nhìn nhận ở khía cạnh oai hùng, linh thiêng. Sông núi cùng cất khúc tráng ca ghi nhớ công ơn của họ:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông núi gầm lên khúc độc hành
(Tây tiến)
Hiện thực đã được các nhà thơ kể trên phóng chiếu trên một nền sử thi rộng lớn. Dù là những mất mát nhưng không dễ tìm trong những vần thơ của họ chất hiện thực nguyên vẹn của thời cuộc.
Lưu Quang Vũ là một trường hợp khác.Trước hết, ông thấy chiến tranh chỉ toàn là những điều bất thường, phi lý và vô nghĩa. Cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa. Hàng triệu người con của Tổ quốc ra đi không tiếc đời mình, đó là sự thực. Cuộc kháng chiến hào hùng, vĩ đại, đáng ngợi ca, đó là sự thực. Song còn một sự thực nghiệt ngã khác đó là chiến tranh đã cuốn vào nó bao nhiêu số phận, làm đổi thay, dang dở biết bao nhiêu cuộc đời. Nó cũng cuốn đi cuộc đời của những đúa trẻ, cướp đi của các em tuổi thơ dưới mái trường. Các cuộc lên đường tình nguyện vẫn không khỏi xót xa:
Những đứa trẻ con vô tư
Những đứa trẻ con mười bảy tuổi Hôm nay tòng quân
(Lại sắp hết năm rồi)
Để ý thấy những cuộc lên đường trong thơ Lưu Quang Vũ thường mang âm hưởng da diết. Bao nhiêu chuyến lên đường không về, mà những người ra đi vẫn tiếp nhau:
Thôi nhé ngày mai tiễn Khánh đi Đường xa bom phá tàu không về Lênh đênh ai hát ngoài song cửa Bài ca thanh bình đêm cũ
(Đêm đồng chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn)
Một điều đáng chú ý là Lưu Quang Vũ luôn nhìn chiến tranh bằng cái nhìn hướng nội, bằng trái tim yêu thương của con người luôn hướng về hạnh phúc và tình yêu. Cho nên với ông, cuộc chiến mà cả dân tộc đang gồng mình gánh vác, dù được trang sức bằng những mĩ từ đẹp nhất, thì vẫn chỉ là “thời loạn”, “đời loạn”, “loạn lạc”, với những “thù hận mênh mông mặt đất bùn
lầy”. Nó đã phá vỡ cuộc sống bình yên cùng những ngày xưa êm ấm với “Trẻ hát đồng dao trên phố/ Con trai xách điếu đi cày/ Con gái quang liềm gặt lúa”. Chiến tranh hủy diệt mọi thứ, làm biến mất những nụ cười, tiếng hát và thay vào đó là máu và nước mắt. Thơ Lưu Quang Vũ đã bóc trần bộ mặt thật của chiến tranh và khiến chúng ta muốn lên án, nguyền rủa nó.
Đó còn là tấm kịch phi lý, gây nên những nghịch cảnh trớ trêu. Nhà thơ đã xem xét ở một tiêu chí cao hơn cả hận thù giai cấp, để chỉ ra những thảm kịch đau lòng:
Đất nước bắt đầu thời cắt chia Bắt đầu những nguyên nhân Của một cơn bão mới
(Năm 1954) Bạn cùng phòng mỗi đứa mỗi phương Kẻ lính ngụy người thành quân giải phóng.
(Mùa xoài chín)
Chiến tranh khiến hai bên chiến tuyến có thể là những người đã từng thân thiết, là anh và em của ngày xưa êm ấm. Có lúc nhà thơ ao ước thời gian quay trở lại, để cuộc chiến không thể chia cắt những tình nhân:
Nếu biết từ hôm ấy sẽ là biền biệt cách xa ở giữa hai ta
sẽ là cuộc chiến tranh sẽ chỉ là rào gai thù hận ta sẽ nói với nhau khác hẳn sẽ giữ em ở lại
làm sao đừng phải chia tay (Năm 1954)
Chiến tranh xét cho cùng đã hủy diệt tất cả trong vòng xoáy của nó:
“Xác kẻ giết người và người bị giết/ Đều đã thành bùn đất”. Sự thực, nó đã gây nên những thương tổn mất mát rất lớn, khắc hằn thành nỗi ám ảnh trong nhà thơ về một “vườn dâu đánh mất”. Ở thơ Lưu Quang Vũ, hình ảnh vườn dâu giống như biểu tượng của sự yên ấm, thanh bình.
Tuy nhiên điều đáng quý là ở chỗ, chỉ ra chiến tranh là cái bất thường, phi lý, vô nghĩa, Lưu Quang Vũ cũng đồng thời tin ở những điều lớn hơn thù hận:
Sau căm giận cắt chia lửa đạn
Những vườn dâu còn lại với con người Những trái vàng hy vọng thắm trên tay
(Mùa xoài chín)
Chiến tranh đem lại những sự chia rẽ tình thân, những nghịch cảnh nghiệt ngã, đẩy đưa những mối tình đẹp đẽ vào cảnh lỡ dở:
Em ở phía bên kia Giữa ta la đạn lửa
(Những vườn dâu đánh mất)
nhưng mãi không lấy đi được ở con người những tình cảm cao quý, thiêng liêng, sự tin tưởng mãi mãi mà họ dành tặng nhau:
Dẫu chồng em là kẻ Giội bom xuống đất này Anh cũng chẳng gọi em Là quân thù cho được.
(Những vườn dâu đánh mất)
Ở Lưu Quang Vũ, tình yêu thương, sự nhân hậu bao dung sẽ lớn hơn thù hận và có sức mạnh vô biên, có thể hàn gắn thế giới. Tư tưởng của ông thực ra là cốt yếu tinh thần của người Việt.
Cảm hứng về chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ còn là một hiện thực tàn khốc, dữ dội và đau thương. Ông trung thực với những gì diễn ra trong cuộc chiến, từ chối những lời dịu ngọt, lộng lẫy, thành thực bày tỏ một giai đoạn vô cùng nghèo đói của đất nước.
Nhức nhối trong thơ của tác giả là một không khí ảm đạm, ngột ngạt với cuộc sống đói nghèo cơ cực:
Những năm khó khăn
Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu Quần áo và mặt người màu cỏ héo Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà Người đợi tàu ngủ chật sân ga Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ
(Viết lại một bài thơ Hà Nội)
Ở Việt Nam ơi, tác giả vẽ tả một khung cảnh tương tự mà chiến tranh mang lại:
Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ Lèo tèo mỳ luộc canh rau
Mấy mươi năm vẫn mái tranh này Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh Tin chiến trận miền xa
(Việt Nam ơi)
Với quan niệm thơ là phần thật nhất của lòng mình và cũng là phần thật nhất của đời, khi sáng tác Lưu Quang Vũ đã đưa vào thơ ngay cả những hiện thực đau xót nhất. Chính nhờ điều đó, thơ ông trở nên ám ảnh hơn bao giờ
hết. Có thể thấy văn học chống Mỹ viết về sự hy sinh của người lính nhiều hơn viết về cái chết nói chung, và phần nhiều ca ngợi cái chết bất tử, gieo mầm cho sự sống. Còn cái chết được đề cập trong thơ Lưu Quang Vũ là cái chết của những con người, những nạn nhân hết sức thương tâm, cái chết của sự phi lý, đớn đau. Không gian chiến tranh được dựng lên tràn đầy những sự hãi hùng, kinh hoàng như: hạm đội Mỹ, xác con tàu trúng thủy lôi, tàu đắm, phố phường gạch vụn, cột đèn siêu đổ, cổng nhà thờ gạch vỡ, nhà hoang, điệu gọi hồn, quan tài, vải liệm, em bé ngủ trong mồ, máu tươi, khăn tang trắng, dàn đồng ca khóc than, còi báo động, mùi thịt cháy, những nén hương, nấm mồ, những mặt người lộn ngược... Đặc biệt, trong Khâm Thiên, nhà thơ còn dựng lên cả những cảnh chưa từng có trên thế gian. Sau một trận ném bom của kẻ thù, thành phố trở thành đống đổ nát, với những cái chết hãi hùng:
Phố đông đúc thành bãi bằng đổ nát không nhận ra những vỉa hè quen xác người nằm ngổn ngang
báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám bé ngẩng đầu ngơ ngác
bên xác anh xác chị mẹ cha.
(Khâm Thiên) còn người đang sống cũng rơi vào hoảng loạn:
tôi đi như mù lòa
đỡ em gái đập đầu ngã ngất bà cụ phát điên vật mình ôm bặt
người mất tích đang tìm, người chết chẳng kịp chôn của chúng ta.
Tất cả những chi tiết ấy hợp lại thành một không gian đổ vỡ, chết chóc, loạn lạc. Con người là những nạn nhân khốn khổ, hoặc rã rời đau xót, hoặc phẫn nộ nghi ngờ.
Phản ánh chiến tranh dưới góc nhìn của một chứng nhân, với những thảm cảnh mà nó gây ra, Lưu Quang Vũ cũng lên án gay gắt những kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến này. Đó là những vị tổng thống Mỹ được gọi cụ thể bằng tên, những chính khách, những nhà thơ, và cả những kẻ chế tác ra những vũ khí hủy diệt vốn được nước Mỹ ca tụng vì những cống hiến vĩ đại của chúng:
Những Kít-xinh-giơ và những Ních-sơn Ta nguyền rủa chúng mày cho đến chết