Cái nhìn về con người từ góc độ thế sự, đời tư

Một phần của tài liệu Đóng góp nghệ thuật của thơ lưu quang vũ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 65 - 87)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Cái nhìn về con người từ góc độ thế sự, đời tư

2.2.2.1. Con người tổn thương và cô độc

Như trên đã nói, với Lưu Quang Vũ thơ là phần quan trọng nhất của đời ông. Đọc thơ của thi sỹ sẽ thấy rõ từng chặng đường đời ông phải trải qua. Lưu Quang Vũ viết về con người bằng cái nhìn từ góc độ thế sự và đời tư, nhất là bắt đầu từ giai đoạn ông trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến, trực tiếp chứng kiến những mất mát đau thương. Gửi gắm vào trong thơ tất cả những suy tư, những xúc cảm chân thành, sâu kín, Lưu Quang Vũ cũng khắc họa trong thơ ông một con người tổn thương sâu sắc và cô độc về mặt tâm hồn. Hình tượng con người này xuất hiện trong thơ ông từ những năm 70 cho tới những năm 80 của thế kỷ XX. Và chỉ riêng trong hai năm 1971 và 1972 thôi thì giọng thơ Lưu QuangVũ đã thay đổi hẳn. Qủa thật, những bài thơ trong tập Cuốn sách xếp lầm trang mang rất nhiều dằn vặt, nghĩ ngợi, chiêm

nghiệm. Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi giọng điệu và sự thay đổi con người trong ông. Có rất nhiều điều phải đề cập đến khi nói về vấn đề này. Thất vọng về hiện thực cuộc sống, ra quân, không công ăn việc làm, tình yêu tan vỡ, bị coi là người có vấn đề trong tư tưởng... là tất cả khiến cái tôi trữ tình trong thơ ông lúc này mang sắc độ bi thương:

Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một chiếc lá khô, như một chồng gạch vụn Một tấm gương chẳng biết soi gì.

(Có những lúc)

Cuộc sống bị vây bủa, đổ vỡ từ nhiều phía khiến ông cảm thấy tù túng. Sự tù túng ấy đã bào mòn đi tất cả những gì vốn trong trẻo, tươi lành ở ông. Nhiều khi ông thấy chán chường bởi “trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng”, khiến ông trở nên hoảng loạn với đôi mắt nhìn đời đã nhuốm màu đen. Vì thế ông viết: “Cuộc đời như một mụ già dâm đãng”, hay “một núi dây thừng bẩn thỉu và rối ren”, để ông đành “buông tay đuối sức”. Nhà thơ nhìn và khái quát việc đời bằng cái nhìn nội tâm của mình, nên thấy nó lộn xộn như một cuốn sách xếp lầm trang: chuyện đôi trai gái tự tình, chuyện chia gia tài, chuyện án mạng... tất cả đan xen vào nhau như một mớ dây thừng rối ren, khó gỡ.

Cảm thấy không ai thấu hiểu được những suy tư của bản thân, Lưu Quang Vũ chìm trong trạng thái cô đơn, hồ nghi mọi chuyện. Dường như nỗi cô đơn là trạng thái thường trực của tâm hồn ông, đem lại cho ông những ám ảnh sâu đậm. Lưu Quang Vũ nhiều lần sử dụng từ “cô đơn”, “cô độc” và những từ tương tự khác trong thơ ông cũng là hệ quả của điều đó:

Sau những lúc bông phèng bên các bạn Tôi càng thêm buồn chán đến rùng mình

(Nói với mình và các bạn)

Hắn từ mặt trận trở về ....

Rách rưới, bơ phờ, cô độc Hắn ngồi trước mặt em

(Người con giai đến phòng em chiều thu) Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát

Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực

(Không đề)

Hình tượng nhân vật trữ tình được diễn tả ở những câu thơ trên, và ở nhiều bài thơ khác của ông, dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào cũng có chung một trạng thái buồn bã, chán nản, cô đơn. Thực chất Lưu Quang Vũ không chỉ nhằm diễn tả một cuộc đời nào đó ở bên ngoài mà ông đang khắc họa bức chân dung tinh thần của chính mình. Trong thi phẩm của ông, đó là một con người gánh chịu nhiều bất hạnh, buồn chán đến mất lòng tin vào chính bản thân mình. Ông không tin và không mong một ngày mình có thể khác đi, có thể lấy lại những gì đã mất, tự nhận và oán trách mình là kẻ vô dụng, vô nghĩa với chính mình và với cuộc đời này biết bao:

Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào

Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao.

(Mấy đoạn thơ)

Sự thực, những bất hạnh xảy ra liên tiếp với cuộc đời đã đem lại cho chúng ta một Lưu Quang Vũ như thế. Ông là chàng trai đa cảm luôn coi tình yêu làm chỗ dựa để những lúc khó khăn có thể tự đứng dậy bằng sức mạnh tinh thần của nó. Nhưng cuộc sống của ông một giai đoạn, khi tất cả của ông đổ vỡ thì tình yêu của nhà thơ cũng bỏ đi khiến ông không biết nương tựa vào đâu. Khi cô đơn, Lưu Quang Vũ tìm đến tình yêu như một cứu cánh,

nhưng rút cuộc tình yêu cũng bỏ thi sĩ đi để ông phải cất giọng cay đắng, bất đắc chí:

Tôi khát khao yêu người Mà không sao yêu được

(Có những lúc)

Còn gì đau đớn hơn thế và chắc cũng chẳng có nỗi mất mát nào lớn hơn với con người đa cảm này. Trong lòng chàng trai ở lứa tuổi hai mươi tràn ngập nỗi hoang vắng. Cái tôi ấy đã tự vẽ gương mặt “thần sầu” của mình:

Mặt tôi âm u như khu rừng rậm Nghe em cười giữa bè bạn đông vui

(Có những lúc)

Ba đứa da vàng ngồi uống rượu Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu

(Đêm Đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn)

Trong thơ, để diến tả nỗi buồn đau lớn lao, có những lúc nhà thơ xây dựng một hình tượng cái tôi vô cảm. Sự nguội lạnh của tâm hồn được ông thể hiện bằng những dòng thơ giản dị như một lời nói. Cứ như nỗi buồn trong ông cũng tự nhiên như thế:

Giờ lạnh tanh anh không còn rung động nữa Không nỗi buồn không cay đắng khôngniềm vui

(Anh đã mất chi anh đã được gì)

Vì bất đắc chí nên nhà thơ nhìn đâu cũng thấy trống rỗng. Ông tự thể hiện sự tổn thương tâm hồn mình bằng những sự ví von khác lạ. Đó là

“những tấm gương chẳng biết soi gì/ một đáy giếng cạn khô, một hốc mắt đen sì”. Nhà thơ thấy đâu đâu cũng một không khí u ám, những gương mặt người lì nhẵn chen nhau rất vô nghĩa. Giữa cuộc đời, ông tự thấy mình hoàn toàn bế

tắc, chẳng biết làm gì chẳng biết đi đâu, và thấy mình vô nghĩa chẳng ích lợi cho ai. Có giai đoạn con người trong thơ Lưu Quang Vũ chán ngán mình, chán đời và chán ngán cả bạn bè nữa:

Cuộc đời như một mụ già dâm đãng Một múi dây thừng bẩn thỉu rối ren Tôi chán cả bạn bè tôi

Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới Tôi bỏ nhà ra đi, họ ngồi ở lại

(Có những lúc)

Bên cạnh những nỗi buồn trong cuộc đời riêng, nhà thơ nhạy cảm này còn cảm thấy buồn đau trước thực tại đất nước. Hiện thực dữ dằn của chiến tranh cũng là yếu tố làm xuất hiện cái tôi cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ từ những năm 70, khiến thi phẩm của ông mang một chất thơ khác hẳn với giai đoạn trước đó và với khuynh hướng chung của cả nền thơ. Thay vì sự ca ngợi, cổ vũ, động viên, mỹ lệ hóa là sự chất vấn rát bỏng, là hiện thực hết sức nghiệt ngã:

Những tuổi thơ không có tuổi thơ Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp

Chúng ăn cắp đánh nhau, chửi tục Lang thang hè đường tàu điện quán bia

Những bông hoa chưa nở đã tàn đi Những cành cây chưa xanh đã cỗi

...

Sao mọi người có thể dửng dưng Nhìn em đi trên đường tối

Mọi người đều có tội

(Những tuổi thơ, 1971)

Hiện thực đó còn là nỗi buồn hậu chiến mà Lưu Quang Vũ sớm dự cảm - như chúng tôi đã đề cập ở mục trước. Thực ra ngay từ trong những năm tháng cuộc chiến đang diễn ra, thơ Lưu Quang Vũ đã xuất hiện hình tượng cái tôi cô độc. Những ngày tháng đau đớn ở thập kỷ 70 khiến tâm hồn Lưu Quang Vũ đã già hẳn đi trong những nhận thức về đất nước về cuộc đời. Ông cứ làm thơ là cất lên những điệp khúc, những điệu hát buồn về thời đại. Với ông, đó là một thời đại đầy bạo ngược, khổ đau khiến niềm tin trong ông đổ vỡ:

Không cửa, không nhà vật vờ đói rét Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược

Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu

(Cầu nguyện)

Những điều trông thấy đã làm kết lại trong lòng Lưu Quang Vũ một nỗi buồn ám ảnh, không dễ nguôi ngoai. Nỗi cô đơn của ông người ngoài không thấy nhưng thơ ông đã diễn tả được nó rất sâu. Ý nghĩa của nó thực sự đã vượt ra ngoài cảnh ngộ của bản thân ông, để người đọc hôm nay thấy hết được số phận của nhân dân ta và của con người nói chung.

Dễ nhận ra trong thơ Lưu Quang Vũ sự biến đổi về mặt tâm trạng của ông. Ở thời kỳ đầu sáng tác, ông hay viết về những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và sau này ở giai đoạn đầu khi bước chân vào cuộc chiến ông vẫn hay nghĩ về nó như một sự an ủi. Nhưng Chỉ vài năm sau, khi ông ra quân, thơ ông không viết như vậy nữa. Bởi vì, tất cả của quá khứ không đủ để an ủi ông lúc này. Tâm hồn ông trở nên hoang vắng, rêu phong ngay từ khi ông mới ngoài hai mươi tuổi. Mang cõi lòng ấy nhìn chiến tranh, cuộc đời, thơ ông nhiều khi viết rất ấn tượng, lạ lùng: “Hạt mưa đen rơi trên ô cửa kính vỡ”, hay “nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực” ...

Hạt mưa tự nó không có màu đen mà đó là màu của nỗi niềm tâm trạng nhà thơ. Nó có dụng ý cụ thể gì không rõ nhưng quả thực nó gợi sự hoang tàn, loạn lạc và ly tán. Còn “nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực” thì lại gợi sự cô độc, bế tắc.

Có lúc, con người trong thơ Lưu Quang Vũ như một kẻ bất đắc chí, cười khóc thảng thốt, nói năng cũng khó hiểu và hay ngồi lặng xót xa. Thơ ông lúc này mang một sức chứa nội tâm rất lớn. Những vần thơ này cùng với mảng thơ viết về chiến tranh, lịch sử dân tộc của Lưu Quang Vũ ngày ấy bị coi là “lạc điệu”. Bây giờ khi cuộc chiến đã đi qua, nhìn nhận lại chúng ta hiểu và trân trọng hơn tấm lòng rất đỗi chân thực của nhà thơ, cảm thông và chia sẻ với cảnh ngộ riêng của nhà thơ tài hoa này. Một điều đáng trân trọng là, từ những đắng cay tuyệt vọng ấy mà nhà thơ trẻ trưởng thành, trải nghiệm hơn. Những phút giây gục ngã chỉ là tạm thời, cố gắng sống và vươn cao mới là con người thực của tác giả.

2.2.2.2. Con người đầy lương tri và tinh thần trách nhiệm

Trong hành trình cuộc đời, hành trình nghệ thuật của mình, Lưu Quang Vũ luôn luôn đặt tiêu chí: “Anh có tấm lòng, anh còn tất cả”. Trong một Giấc mộng đêm, đối mặt với cõi tâm linh sâu kín nhất của lòng mình, ông tiếp thu lời của ông già Nguyễn Du “áo the khăn bạc phếch, ống tay dài phất phơ, gương mặt đa tình, khóe miệng xót xa” và nhận ra rằng hạnh phúc của mình chỉ có thể có nếu như mình tiếp thu lời răn dạy của cổ nhân:

Anh chớ ngại con đường gian khổ nhất Đau nỗi đau của mỗi trái tim người Để thơ anh mang lửa đến cho người

Trên chữ “tài”, chữ “tâm” kia phải “lớn”.

Nhà thơ đã nhận ra chân lý làm người trong lời khuyên ấy. Trong hành trình cuộc đời, hành trình sáng tạo nghệ thuật, Lưu Quang Vũ là một con người đầy lương tri và tinh thần trách nhiệm. Cái tôi trong thơ ông không chỉ

trải lòng mình trên những dòng thơ để bộc bạch nỗi cô đơn, thất vọng mà còn luôn hướng về những số phận kém may mắn, những thân phận long đong cơ cực. Ông đã viết về nỗi đau thương của đất nước đói nghèo, xót xa vì nỗi khổ của nhân dân, và thể hiện khát vọng cống hiến, muốn đổi thay cuộc sống. Con người lương tri trong Lưu Quang Vũ được thể hiện ở tình cảm sâu sắc mà nhà thơ dành cho những người dân lao động. Vốn sinh ra từ một vùng trung du lam lũ, thấu hiểu cuộc sống vất vả của người dân nơi đây, nên ông trân trọng họ, gần gũi họ và yêu cuộc sống mà ông vốn gắn bó. Trong bức tranh tự họa của con người tinh thần, Lưu Quang Vũ luôn tìm thấy hình ảnh của mình ở cuộc sống lấm lem, lam lũ: “Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất/ không che dấu sự thật của lòng mình/ chỉ là bờ đê nhiều khói và than”.

Sự nhận thức về bản thân đã cho nhà thơ có cái nhìn tình cảm, gần gũi, đầy trách nhiệm với cộng đồng dân tộc. Không chỉ nhận ra trong những gì lam lũ kia biết bao chất thơ của cuộc đời, Lưu Quang Vũ còn trải lòng ra để quan tâm tới những số phận cuộc đời nhiều bất hạnh. Giữa không gian lấm dầu và nhễ nhại mồ hôi, nhà thơ mải miết suy tư về những con người vô cùng cơ cực, cũng chính là những đồng nghiệp của mình:

Đội bốc vác bảy người Một anh Hoa kiều mặt rỗ Làm trên cảng từ đời ông cụ ...

Một người Cát Bà mắt xếch da nâu Cha ngày xưa bị thổ phỉ chặt đầu Một bác thủy thủ già râu bạc

Từng lênh đênh đi Ăngiê, Băng Cốc.

Cảm thương cho những họ, nhà thơ còn hiểu thấu nỗi niềm của họ, nên có lần ông không kìm nổi lòng mình:

Tôi không nén nổi yêu thương Mỗi lần nhìn các bạn tôi nằm ngủ

Nghe tiếng nói khàn, tiếng nói mê, nhịp thở

Tôi nôn nao muốn ôm lấy từng người

(Những bạn khuân vác)

Khát khao đem tình yêu thương sưởi ấm cho nhũng kiếp người, ông còn có ước muốn thay đổi cuộc sống, để cõi đời này không còn những chiến tranh, hận thù, chém giết, loạn ly... Trong những bài thơ của mình, nhiều lần ông đã viết về những thảm cảnh vô cùng tàn khốc của chiến tranh và bộc lộ sự chán ghét, ghê sợ với nó. Nhà thơ đã chỉ ra sự vô nghĩa của cuộc sống và mong muốn chấm dứt điều đó. Con người lương tri và tinh thần trách nhiệm trong Lưu Quang Vũ thôi thúc ông dám dũng cảm nói lên sự thật. Trong hàng loạt bài thơ của Lưu Quang Vũ như Việt Nam ơi, Giấc mộng đêm, Khâm Thiên, Những đứa trẻ buồn, Ngôi nhà vắng trẻ con... người đọc thấy một tinh thần phản tỉnh với cuộc chiến rất rõ nét. Và ở bài Những đứa trẻ buồn, trước cuộc đời nghèo đói, mồ côi lang thang của những em nhỏ mà cuộc chiến gây ra, tác giả vô cùng đau đớn lên án:

Sao mọi người có thể dửng dưng Nhìn em đi trên đường tối

Mọi người đều có tội, trước tuổi thơ đã chết của em

(Những đứa trẻ buồn)

Theo nhà thơ, tất cả mọi người trong cuộc chiến, và sự dửng dưng của họ đã hủy hoại tuổi thơ của những em nhỏ. Nhưng điều đáng sợ là họ lại không nhận ra điều đó. Nỗi giận dữ choán hết tâm trí ông, trước hiện thực phũ phàng của đời sống, ông viết:

Lòng chỉ muốn yêu thương Mà cứ phải suốt đời căm giận Cuộc chiến tranh dằng dặc...

(Những đứa trẻ buồn)

Trực tiếp đi trong cuộc chiến, dù là chống lại kẻ thù để bảo vệ quê hương, nhưng chiến thắng không khiến Lưu Quang Vũ có được niềm vui. Ông thực sự buồn khi nhận ra cuối cùng mình vẫn chỉ mang một nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ, mình vẫn chỉ là viên đạn/ xoáy trong cuộc chiến tranh dài. Ngày nay, công bằng để nhìn vào những vần thơ chiến tranh của ông, chúng ta thấy ở ông có một tinh thần nhân đạo cao cả, vượt ra khỏi ranh giới của cuộc chiến, của thù địch. Với Lưu Quang Vũ cuộc chiến đã khiến tất cả loài người phải quay mặt với nhau, chém giết lẫn nhau dù họ không muốn và cả ông cũng không muốn. Quan trọng hơn, nhà thơ biết nhìn thấu nỗi đau của những bà mẹ mất con ở bên kia chiến tuyến. Ông cảm thấy như mình là kẻ có tội và thành thực xin tha thứ:

Các anh ơi đừng trách chúng tôi Các bà mẹ tha thứ cho chúng tôi Chúng tôi chẳng thể làm khác được Bao đời người ta đã giết nhau Với các anh tôi oán hận gì đâu Nhưng còn có cách nào khác được

Một phần của tài liệu Đóng góp nghệ thuật của thơ lưu quang vũ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 65 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w