7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Kết cấu theo “dòng chảy” tự nhiên của tâm trạng, cảm xúc
Lưu Quang Vũ là một con người đa cảm. Bất cứ một hiện thực nào của đời sống cũng có thể khiến ông rung động và suy nghĩ nhiều, cũng có thể là yếu tố khơi nguồn cảm hứng thi ca cho ông. Trong cách nhìn nhận vấn đề, bao giờ nhà thơ cũng để cảm xúc ở trạng thái cao trào, để mặc nó diễn biến tự nhiên. Thơ Lưu Quang Vũ ghi lại những dòng cảm xúc đó cũng bằng thứ ngôn ngữ đang tuôn chảy ào ạt trong lòng. Và chính những dòng suy tư miên man không dứt, làm nảy sinh nhu cầu nới rộng dung lượng, là yếu tố khiến thơ ông có độ dài khác thường, kết cấu đặc biệt như đã nói ở trên.
Với lối kết cấu này, bài thơ của Lưu Quang Vũ thường có rất nhiều câu, độ dài ngắn các câu thơ lại rất ngẫu nhiên, không tuân theo một quy định thể loại nào, như trong Lời cuối:
Dù sướng vui, dù buồn khổ Hãy yêu anh
Như hôm nay là ngày cuối cùng Mỗi hơi thở đều không lặp lại
Một khoảnh khắc trong mắt ta chói lọi Một đồng hoa.
Có những bài thơ của tác giả, xen giữa những câu ngắn là những câu thơ giống như một lời giãi bày trong một cuộc đối thoại nào đó. Nó rất dài, câu nào cũng có dung lượng của một câu văn xuôi nhưng lại đầy chất thơ ở bên trong:
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại Nhắc nhở cái gì đang chờ ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau Thời gian - đó là chiều dầy những trang ta viết
(Cho Quỳnh những ngày xa) Nguyên nhân không gì khác ngoài sự chi phối của những dòng tâm trạng cảm xúc, lúc vui mừng, khi buồn rầu suy tư, chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ hay xuất hiện những đoạn bình luận xen lẫn những đoạn miêu tả. Theo dòng chảy của tâm trạng, những điều cần miêu tả càng nhiều và những gì cần bình luận cũng càng nhiều. Độ dài của bài thơ vì thế càng lớn thêm ra. Cũng bởi kết cấu theo dòng chảy tự nhiên của tâm trạng cảm xúc mà thơ Lưu Quang Vũ có hình thức rất lạ về câu thơ. Có nhiều bài thơ ông viết, chỉ có chữ đầu bài thơ là viết hoa. Như trong Tìm về, hoặc câu đầu mỗi khổ là viết hoa - như trong Những chiếc lá rơi, thậm chí có lúc cách vài khổ thơ mới có một chữ đầu dòng được viết hoa. Đặc biệt nhất là nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ hoàn toàn viết thường chứ không hề có một chữ đầu dòng nào viết hoa. Điều này gắn với một ẩn ý nghệ thuật, cho thấy một dòng chảy tâm trạng cảm xúc chi phối. Đọc những tác phẩm thơ như thế có cảm giác nhà thơ đang cố gắng diễn tả cho hết những gì đang diễn ra ào ạt trong lòng mình.
Về khổ thơ, trong một bài thơ của Lưu Quang Vũ thường cũng có phân khổ. Nhưng độ dài của mỗi khổ rất tự do, có khổ chỉ có hai câu, những cũng có khổ dài đến vài chục câu. Nội dung của mỗi khổ nhiều khi khác xa nhau, cứ như là những hình ảnh, những vấn đề được sắp xếp lại bởi cõi vô thức, đem lại cảm giác ngẫu nhiên, không có liên hệ gì:
trong thành phố không màu trước một chiếc cầu
không thể đi qua Cuộc hẹn hò
trong niềm mơ ước cũ
Chuông đã rung lên trống đã đổ dồn những bức tượng đã gục ngã
những người mới đã lên đường Xao xác lá vàng
những mặt nạ của mùa thu đã chết
...
(Những chiếc lá rơi)
Do lối kết cấu này mà đôi khi bài thơ của ông cũng có những hạn chế nhất định. Nhiều khi thơ ông có sự hẫng hụt, tình không theo kịp ý. Nhà thơ thường tập trung vào một số cảm xúc nên cái tình của bài thơ chưa được phong phú. Có những mạch cảm xúc đuổi thi sỹ đi mãi khiến đôi khi ông sa vào dài dòng kể lể. Tuy vậy, đó chỉ là một vài đoạn hiếm hoi, còn hầu như, mỗi khi chạy đuổi theo cảm xúc của mình, tác giả luôn bắt kịp những rung động vụt qua, đầy ngẫu hứng, bất ngờ. Hình ảnh xô đẩy, cảm xúc dào dạt, mạch thơ như tuôn trào trên đầu ngọn bút:
Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối Đường đã hết trước biển cao vời vợi Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn Gió đã dừng nơi cuối chót không gian Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên
Anh vẫn chưa nói được cùng em Bài hát ấy vẫn còn là dang dở
(Bài hát ấy vẫn còn là dang dở)
Như vậy trạng thái cảm xúc là một trong những yếu tố chi phối tới kết cấu trong thơ Lưu Quang Vũ. Những tươi vui, buồn rầu, hốt hoảng hay trống rỗng đem lại trong thơ ông những câu thơ dài ngắn khác nhau, những khổ thơ dài ngắn khác nhau, những cách diễn đạt lạ lẫm, nhịp thơ thay đổi liên hồi. Vốn là một người đa cảm, hay suy tư, dòng chảy cảm xúc của tác giả thường rất dài, miên man không dứt. Ở đó hình ảnh này tiếp nối hình ảnh kia, cảm xúc, suy tư này tiếp nối cảm xúc suy tư kia làm cho nội dung trong một bài thơ cũng dài theo, có khi mỗi đoạn diễn đạt một ý khác hẳn nhau, dường như không có mối liên hệ nào với nhau vậy. Kết cấu mở là một ưu điểm của thơ Lưu Quang Vũ giúp tác giả tạo nên một giọng điệu riêng, rất đắm đuối.