7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Ngôn ngữ kết hợp linh hoạt giữa tả thực và tượng trưng
Sáng tạo thơ văn là quá trình con người in đậm dấu ấn tâm hồn mình vào một phương tiện vật chất là ngôn ngữ. Các thi nhân xưa nay luôn dụng công tìm tòi để văn bản thơ của mình đạt tới mức ý tại ngôn ngoại. Như đã nói ở trên, thơ Lưu Quang Vũ không phải là thành quả của sự dụng công đó. Nó là tiếng thơ giản dị, trong sáng, tự nhiên, cất lên từ cõi lòng dịu dàng thương mến. Nhà thơ không bận tâm việc đi tìm hình thức biểu hiện, cũng không cầu kỳ biến đổi câu thơ sao cho nó thật mới lạ, độc đáo. Bao giờ ông cũng để cảm xúc của mình lên cao nhất. Chính cảm xúc ấy đã tự lựa chọn
ngôn ngữ của nó. Nhưng ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ vẫn in đậm dấu ấn phong cách riêng. Kết hợp linh hoạt giữa tả thực và tượng trưng là đóng góp về mặt ngôn từ của thơ ông cho nền thơ chống Mỹ.
Đọc hết những tác phẩm thơ của Lưu Quang Vũ, từ bài thơ đầu tay tới bài thơ cuối cùng, chúng ta thấy ngôn ngữ thơ của ông có sự thay đổi rất lớn. Khi mới bắt đầu sáng tác, Lưu Quang Vũ rất hay sử dụng thứ ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu:
Chiều ấy các anh đi
Nắng nhật vàng hoe gốc rạ Gió xạc xào qua lũy tre Em đứng nhìn theo sau cửa
(Gửi tới các anh)
Về sau này, khi có nhiều trải nghiệm, khi nhà thơ thấy cuộc sống xã hội và bản thân có nhiều điều đáng bận tâm thì những suy tư khiến Lưu Quang Vũ tự nhiên sử dụng một thứ ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu hơn. Để diễn tả thế giới và tâm hồn con người, ông đã sử dụng thứ ngôn ngữ có sự đan xen nhuần nhị giữa tả thực và tượng trưng, ít nhiều gây khó hiểu cho người đọc:
Sương ướt đằm hai vai Bình minh vàng nhợt nhạt Cánh chim trắng muốt Là cô gái của ngàn khơi Bay từ bãi sú
Tới cửa bể của niềm vui Nhìn xoáy hầm tối đen ghê sợ
(Viết cho em từ cửa biển)
Hiện thực được mô tả ở đây là một bờ vai ướt sương, một bình minh vàng nhợt nhạt, còn cái tượng trưng mờ ảo lại nằm ở “cánh chim trắng muốt”
được so sánh với “cô gái của ngàn khơi”. Màu trắng tạo sự mờ ảo, xa xôi khiến cho hình ảnh cô gái của ngàn khơi hiện lên khó nắm bắt. “Bãi sú” ở đâu, “cửa bể của niềm vui” ở nơi nào, cách nói “hầm tối đen ghê sợ” ẩn ý gì?... Sự kết hợp giữa yếu tố tả thực và tượng trưng ở đây tạo cho người đọc sự tò mò, muốn tìm hiểu cho tận những hình ảnh mơ màng kia một cách rõ ràng. Nhưng điều đó là không thể bởi ngôn ngữ Lưu Quang Vũ dùng trước tiên nảy sinh từ hiện thực đời sống, nhưng sau đó lại nảy sinh từ tâm thức ông - dòng tâm thức chảy dài theo thời gian. Lưu Quang Vũ giống như một con người mê mải theo đuổi những dòng suy tư phóng túng không dứt của mình. Có thể thấy tại sao thơ Lưu Quang Vũ lại có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai loại ngôn ngữ khác hẳn nhau. Đó là do hiện thực đời sống đã khiến ông suy nghĩ nhiều. Sự suy nghĩ ấy tạo ra trong nhà thơ một thế giới mới, thế giới của tâm thức, có sự xuất hiện của những hình ảnh rất lạ, ngôn ngữ cũng khó nắm bắt. Vì thế đọc những vần thơ của Lưu Quang Vũ sẽ thấy dường như tác giả đang miêu tả giấc mơ của ông và dường như ông chỉ nói với riêng mình. Đó là sự lý giải về mặt tâm lý. Một điểm lưu ý khi nghiên cứu ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ là đặc trưng ngôn ngữ thơ ông có được do tác giả đã dùng một số biện pháp nghệ thuật khác trong thơ của mình. Ở đây chúng tôi nhận thấy phép liên tưởng kết hợp với sự so sánh chính là yếu tố tạo nên ngôn ngữ tả thực và tượng trưng, là cái giúp những tả thực và tượng trưng được đan xen nhuần nhị vào nhau. Nhờ phép liên tưởng so sánh này, ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ mở ra những liên kết lạ, từ thực đi gần đến tưởng tượng:
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi
Bắt đầu từ một sự liên tưởng: lá chuối của một khu vườn có thực
“nghiêng như một cánh buồm”. Liên tưởng này tiếp tục mở rộng, đến câu thứ hai đã trở thành một hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng: “cánh buồm hạnh phúc”. Riêng ở những câu thơ sau thì dường như tác giả đã chìm vào một thế giới tâm tưởng:
Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn Như một tấm gương chẳng biết soi gì
Một đáy giếng cạn khô, một hốc mắt đen sì Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng Thành phố đầy bụi bặm
Những mặt người lì nhẵn chen nhau ...
Cuộc đời như một mụ già dâm đãng ...
Mặt tôi âm u như khu rừng rặm Nghe em cười giữa bạn bè đông vui
(Có những lúc)
Thơ Lưu Quang Vũ hay đem so sánh những thứ vốn không cùng loại với nhau, vì thế đem lại cảm giác lạ lẫm, trừu tượng cho người đọc: Con sông như anh thợ tàu mười bảy tuổi/ Quả cảm và du đãng/ Nhem nhuốc và mơ mộng, hay: Người đi như nước đông như cỏ/ Sáng suốt và tối tăm/Uyên thâm và nhẹ dạ.
Rồi còn cả cách so sánh: “nhà cửa như quần áo rách”, “thời gian như bà già điên ngoài chợ sắt, tóc trắng ôm hoa te tái mỉm cười”. Những so sánh trên không nhằm lý giải cuộc sống, bởi lý giải cuộc sống mà vừa thực vừa tượng trưng như vậy thì không ai hiểu nổi. Tác giả chỉ nhằm diễn tả tâm trạng trống rỗng, rã rời và mất tin yêu của bản thân mình.
Ở trường hợp của những câu thơ khác:
Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà
Như thác trắng vỡ tan, như bạc của trời, như bước chân ký ức Em vuốt nước mưa chảy dòng trên mặt
Ngoảnh đầu nhìn về đâu
(Mưa dữ dội trên dường phố)
Lưu Quang Vũ đối sánh một sự vật với nhiều sự vật khác, nhằm diễn đạt cảm xúc, ấn tượng đầy tràn trong tâm hồn mình và nhằm phát hiện đối tượng trong độ phức tạp, sâu sắc của nó. Việc sử dụng những định ngữ nghệ thuật dày đặc đã nói ở phần trước không chỉ giúp cho hình ảnh trong thơ ông say đắm hơn lên, sang đẹp hơn lên mà còn làm cho sự vật hiện lên vừa giản dị thân quen, vừa khái quát trừu tượng. Đó cũng chính là nét mới làm nên chất thơ của Lưu Quang Vũ.
3.1.3. Sự xuất hiện đậm đặc các yếu tố tượng trưng, siêu thực - một nét độc đáo trong bút pháp Lưu Quang Vũ