7. Cấu trúc luận văn
1.3. Lưu QuangVũ một gương mặt đặc biệt của thế hệ nhà thơ chống Mỹ
chống Mỹ
1.3.1. Nhìn chung về diện mạo, đặc điểm và hành trình thơ Lưu Quang Vũ
1.3.1.1. Khái quát các chặng đường thơ Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ thuộc loại nhà thơ bẩm sinh. Ông vốn là người yêu văn chương và say mê làm thơ. Ngay từ hồi còn là một cậu bé học tiểu học ông đã có những vần thơ về cô bạn gái học cùng lớp, về cô giáo, về những con vật xung quanh mình. Hành trình thơ của tác giả thực sự khởi sắc và được công chúng ghi nhận khi ông ở độ tuổi mười bảy đôi mươi, lúc ấy Lưu Quang Vũ là một chàng thư sinh ở đất Hà Thành.
Tập thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ xuất bản lần đầu tiên vào năm 1968 mang tên Hương cây, in chung với Bằng Việt phần Bếp lửa. Tập thơ gồm 21 bài thơ thể hiện tâm hồn tươi vui, trong trẻo của một Lưu Quang Vũ rất đỗi tin yêu cuộc đời và tin yêu đất nước, ý thức rất rõ về vai trò của bản thân trong cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc.
Bẵng đi một thời gian dài, Lưu Quang Vũ không có tác phẩm in. Không phải ông không sáng tác mà bởi những sáng tác của ông người ta không cho in, hoặc may mắn cho in thì cũng chỉnh sửa một số câu từ mà người ta cho là nhạy cảm với thời cuộc. Nhưng Lưu Quang Vũ vẫn sáng tác như một nhu cầu tự thân, như để được giải tỏa. Phần lớn các bài thơ của nhà thơ phải sống trong cõi im lặng, trong sổ tay, trong trí nhớ bạn bè và người thân. Sau này khi đất nước hòa bình, đặc biệt là sau đổi mới, nhiều vấn đề trong thơ ông được nhìn nhận lại, thơ của ông được đăng liên tục thành những tập thơ.
Năm 1989, Lưu Quang Vũ có tập Mây trắng của đời tôi, Nxb Tác phẩm mới
Năm 1993, Tập Bầy ong trong đêm sâu, Nxb Tác phẩm mới. Năm 1994, Tập Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Nxb Hội Nhà văn. Năm 1994, Tập Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Nxb Giáo dục. Năm 1997, Lưu Quang Vũ thơ và đời, Nxb Văn hóa Thông tin Năm 1998, Lưu Quang Vũ thơ và truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn.
Trong những tập thơ đã xuất bản thì sau này, tập Lưu Quang Vũ, gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, in tại Nxb Hội Nhà văn năm 2010 là tập thơ in đầy đủ nhất những bài thơ của tác giả. Các bài thơ được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ bài thơ đầu tay cho tới bài thơ cuối cùng. Vì thế, nhìn vào đó người đọc có thể thấy rõ hành trình thơ của tác giả. Bắt đầu bằng những vần thơ trong trẻo tươi vui của tuổi học trò, kế tiếp bằng những vần
thơ bi quan, chán nản, cay đắng u buồn, dừng lại bằng những vần thơ lạc quan, tin tưởng hơn và giàu suy tư cùng sự chiêm nghiệm về cuộc sống hơn. Nhìn chung hành trình thơ Lưu Quang Vũ phản ánh rõ những năm tháng của đất nước và đời riêng tác giả, cho thấy sự thay đổi và trưởng thành của con người nhà thơ cũng như giọng thơ của ông. Lưu Quang Vũ ra đi khi tài năng đang độ chín và sức sáng tạo ở thời kỳ sung sức nhất. Cái chết của ông cùng người bạn đời - nhà thơ Xuân Quỳnh, và cậu con trai Quỳnh Thơ đã gây bàng hoàng sửng sốt, gây nhiều sự tiếc nuối xót xa cho làng nghệ thuật Việt Nam. Với những gì đã làm được, ông thực sự trở thành huyền thoại của thơ Việt Nam một thời.
1.3.1.2. Khái quát đặc điểm thơ Lưu Quang Vũ
Đặc điểm thơ Lưu Quang Vũ được hình thành phần lớn chịu sự chi phối của hoàn cảnh đất nước và đời riêng của ông. Cho nên, ở từng giai đoạn khác nhau thì thơ ông có những đặc điểm khá khác biệt. Theo hành trình thơ Lưu Quang Vũ, trước năm 1970 thơ ông mang giọng hồn nhiên, tin yêu và trong trẻo vô cùng. Hầu hết những tác phẩm thơ của ông đều thể hiện niềm tin yêu cuộc đời, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, ca ngợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, và thể hiện khát vọng cống hiến. Tác giả Anh Chi nhận xét: “Qua thơ viết năm mười tám, đôi mươi tuổi, thấy anh tin yêu cuộc sống thật dễ dàng, khiến hình thành trong con người đang lớn này cách nhìn nhận đời sống xã hội vô cùng ưu việt, nên chỉ mong nhanh trưởng thành để đem hết lòng ra yêu thương và bảo vệ nó” [44; 326]... Khảo sát cụ thể những bài thơ trong tập Hương cây của tác giả sẽ thấy rõ điều đó.
Nhưng kể từ những năm 1970 trở về sau, thơ của tác giả mang một diện mạo mới, không còn là những vần thơ trong trẻo, tươi vui, ngây thơ của một chàng trai trẻ rất đỗi tin yêu đời, nó đã trở nên buồn hơn, trầm lắng hơn.
Nỗi buồn là một trạng thái xuyên suốt thơ Lưu Quang Vũ từ thời gian này. Nhà thơ hay viết về tình yêu tan vỡ, bi kịch đời sống chiến tranh với nhiều mất mát, đổ vỡ và ly tan, cả những đói nghèo cơ cực, sự chết chóc thảm khốc cũng được phản ánh. Rõ ràng, ông đã chọn cho mình một hướng đi ngược chiều so với dàn đồng ca sử thi hoành tráng của thời đại. Thơ ông như là mảng tối của đời sống mà lâu nay người ta cố tình né tránh, còn ông lại nhìn thẳng và phơi trải nó ra bằng tất cả sự chân thật nội tâm của mình.
Cùng với nỗi buồn chiến tranh, thơ Lưu Quang Vũ cũng nói về nỗi buồn trong tình yêu tan vỡ. Trong cuộc đời, tình yêu là tất cả với ông nên tình yêu tan vỡ chính là một bi kịch. Giọng thơ của ông thay đổi hẳn, trở nên buồn và cay đắng hơn bao giờ hết. Con người trong thơ tác giả là con người u buồn, tiếc nuối và xót xa, luôn khao khát về một hình ảnh người đàn bà lý tưởng. Nhà thơ phản ánh tình yêu ở góc độ con người đời thường chứ không ở khía cạnh con người sử thi. Nên tình yêu trong thơ ông thực như nó vốn có ở đời. Đặc biệt tình yêu được Lưu Quang Vũ nhìn nhận ở góc độ lương tri và tinh thần trách nhiệm. Con người trong thơ ông yêu hết mình ngay cả khi chia tay người yêu, anh ta luôn nhận hết lỗi lầm về mình và cầu chúc cho người mình yêu gặp nhiều điều may mắn hạnh phúc. Dù khi viết về tìn yêu tan vỡ hay tình yêu mới gặp, Lưu Quang Vũ đều giữ một giọng thơ vô cùng say đắm, khát khao, thể hiện một con người sống hết mình vì tình yêu.
Lưu Quang Vũ sớm đặt ra những khó khăn phải đối mặt ở thời hậu chiến, là cái đói cái nghèo, sự quan liêu, thói cửa quyền, dập khuôn máy móc, mất nhân cách của một số kẻ ngồi trên... Ông đã chỉ ra điều này ngay từ khi chiến tranh chưa kết thúc, thậm chí còn đưa ra được phương án giải quyết. Nhà thơ công khai cổ vũ cho công cuộc đổi mới ngay từ khi nó chưa được chấp nhận. Có được cái nhìn vượt thời và sâu sắc là do tác giả là con người có tinh thần trách nhiệm với đời sống và nghề nghiệp. Thơ ông cũng chỉ ra
nhiệm vụ mới của nghệ thuật, thơ văn với cuộc đời, không phải là ca ngợi cuộc sống bằng những ngôn từ hoa mĩ mà phải chỉ ra những mặt tối của nó để thay đổi.
Với những vấn đề trên, Lưu Quang Vũ đã chọn cho mình một cách diễn đạt riêng. Ông để cảm xúc của mình quyết định kết cấu và ngôn từ của bài thơ. Cho nên hình thức thơ của nhà thơ này cũng rất đặc biệt, ngôn từ giản dị như lời nói thốt ra hàng ngày, nhưng lại thấm đẫm cảm xúc, kết cấu không khuôn mẫu, là lối kết cấu mở theo trạng thái từ trường cảm xúc của nhà thơ, mạch thơ thường rất dài, độ dài ngắn các khổ thơ và câu thơ trong bài thơ cũng tùy theo cảm xúc...
Nhìn chung, diện mạo thơ Lưu Quang Vũ từ sau 1970 rất đặc biệt và khác lạ so với những nhà thơ cùng thời. Diện mạo này tạo nên một Lưu Quang Vũ được nhiều người chú ý.
1.3.2. Nguyên nhân chính tạo nên diện mạo thơ Lưu Quang Vũ
1.3.2.1. Những năm tháng “viển vông, cay đắng, u buồn” của đất nước và đời riêng tác giả
Lưu Quang Vũ Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Vào những năm trước thập niên 60 của thế kỷ XX, đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp thành công. Từ đó miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở đây thực sự đã đem đến một không khí mới rất tươi vui. Có lẽ từ nhỏ, được đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thấy cuộc sống hứa hẹn thật nhiều tươi sáng, đáng tin yêu, lại sẵn trong mình một tâm hồn thi ca, nhà thơ dành tình yêu và niềm vui cho thế giới xung quanh một cách rất dễ dàng. Mỗi tia nắng rọi, mỗi nhành hoa, ngọn gió, hay mỗi gương mặt người đều có thể đem lại cho ông những xúc cảm sâu xa. Thơ của Lưu Quang Vũ giai đoạn này mang giọng hồn nhiên, trong trẻo, tươi vui, yêu đời là vì thế. Từ năm mười bảy, Lưu Quang Vũ cho ra mắt độc giả tập thơ Hương
cây. Giọng thơ tươi trong, ngọt ngào, say đắm đã khiến ông trở thành hiện tượng đẹp trong đời sống thơ ca đương thời.
Sự thay đổi giọng thơ của Lưu Quang Vũ ở giai đoạn sau những năm 70 có nguyên nhân trước hết từ hoàn cảnh lịch sử xã hội và những nỗi buồn của cuộc đời ông.
Thời gian này, cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, sức tàn phá nặng nề của nó diễn ra ở khắp nơi. Đâu đâu trên đất nước này cũng đều là những đống đổ nát, những thảm cảnh đói nghèo, bệnh tật và chết chóc. Vốn trong những tháng năm này, người ta vẫn truyền cho nhau những vần thơ hào sảng, lạc quan và hừng hực khí thế chiến đấu. Kỳ thực, cuộc sống của muôn vạn người luôn phải trải qua những nỗi kinh hoàng, khốn khổ. Riêng mặt này, do mục đích chính trị nên thơ ca của ta đã cố làm khuất lấp đi.
Ngay cả sau khi cuộc chiến kết thúc, hiện thực vẫn vô cùng nghiệt ngã. Đó là lúc cả dân tộc phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống mới. Trong mỗi lĩnh vực, mỗi con người đều chất chứa biết bao vấn đề gay gắt. Cuộc sống hòa bình buổi ban đầu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cơ chế quản lý tập chung, quan liêu bao cấp, sự suy thoái đạo đức của một số cán bộ lãnh đạo, những hậu quả nặng nề của chiến tranh, các thế lực thù địch còn nhòm ngó... Lòng mẫn cảm của người nghệ sĩ và ý thức công dân đã thôi thúc Lưu Quang Vũ sáng tạo những tác phẩm ghi lại tất cả những bức bối này. Đứng trong bối cảnh chung ấy, tự dưng những nỗi niềm riêng của Lưu Quang Vũ cũng trỗi dậy trong lòng ông.
Về những năm tháng viển vông, cay đắng, u buồn của đời riêng tác giả, nói đúng ra đó cũng là những năm tháng gian khó của đời nhà thơ, nó bắt đầu từ quãng thời gian đầu những năm 1970. Khi đó Lưu Quang Vũ trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng cùng nhiều nỗi đa đoan - sự trả giá quá đắt cho những bồng bột, sốc nổi của ông thời tuổi trẻ. Sau đó, hạnh phúc gia đình
tan vỡ, ông như người mất hướng đi trong đêm. Không hề thấy mệt mỏi vì nỗi lo cơm áo, Lưu Quang Vũ mệt mỏi vì những bi kịch chồng chéo cứ diễn ra trong đời, và mệt mỏi vì cả những nỗi đau chung của Việt Nam. Nhà thơ lúng túng trong việc xác định hướng đi cho mình, đôi lúc trở nên cực đoan, mất lòng tin vào tương lai bản thân. Theo lời kể của những người trong gia đình ông, nỗi buồn đã đẩy con người đa cảm này tới sự bế tắc. Lưu Quang Vũ vẫn làm thơ và làm thơ với nhu cầu được bộc bạch, giãi bày tâm trạng đó. Khi đó ông già hẳn đi, có lúc cô đơn ngồi hút thuốc lào sòng sọc hoặc đi lang thang dọc theo những con phố ở Hà Nội. Lúc nào trong đầu cũng tồn tại những câu hỏi về cuộc sống và về cuộc đời mình. Tình yêu bỏ ông đi, thơ ông người ta không chấp nhận, không việc làm... Tất cả ngưỡng cửa cuộc đời dường như đang khép lại. Vì thế, đọc những vần thơ của Lưu Quang Vũ thời gian này sẽ thấy một giọng điệu đầy thất vọng, cô đơn và bế tắc. Tuy nhiên chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, Lưu Quang Vũ đã nhận thức ra được nhiều điều về bản thân mình. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong con người nhà thơ cũng tồn tại những ước nguyện tha thiết, muốn vượt lên trên nỗi mệt mỏi, hoài nghi để sống và viết. Giọng bi quan, thất vọng của ông đôi khi có xen vào bởi một chất giọng nồng ấm, nhiều khao khát hơn là vì thế. Sau này, tác giả tìm thấy tình yêu ở một người phụ nữ khác cũng yêu mình. Giọng thơ ông lại sáng bừng lên, rất lạc quan và tin yêu cuộc đời. Nhưng hai người vì lý do nào đó mà cũng không đến được với nhau. Lưu Quang Vũ lại chìm vào những dòng tâm tư thất vọng. Tất cả chỉ thực sự trở lại khi ông gặp Xuân Quỳnh, người đàn bà thứ ba, chấp nhận yêu và nguyện vì ông suốt cuộc đời này. Thơ Lưu Quang Vũ như được tiếp sức bởi tình yêu của người phụ nữ ấy mà bay vút lên, tràn trề nhựa sống. Giọng thơ của ông lại thật tự tin, giàu tính chiến đấu, nhân văn hơn bao giờ hết.
Như vậy, có thể khẳng định những yếu tố lịch sử xã hội và hoàn cảnh bản thân là yếu tố chi phối rất lớn tới việc hình thành nên giọng thơ của Lưu Quang Vũ. Từ sau những năm 70, giọng thơ ông có nhiều biến động và luôn buồn bã, bi quan chán nản. Những tháng năm viển vông, cay đắng, u buồn của đất nước và đời riêng tác giả đã thôi thúc Lưu Quang Vũ có sự nhận thức mới về hiện thực và con người, đem vào giọng thơ ông một sắc màu khác, lạc quan và giàu nhựa sống hơn.
1.3.2.2. Nhận thức mới về bản chất thi ca và vai trò của người nghệ sĩ
Giai đoạn này Lưu Quang Vũ cũng có những nhận thức khác đi về bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng và vai trò của người nghệ sĩ. Trước đây, người ta quan niệm vai trò của nghệ thuật và thi ca là phản ánh hiện thực đời sống và góp phần tích cực vào việc làm cho đời sống tốt đẹp hơn. Nay vẫn với quan niệm như vậy nhưng Lưu Quang Vũ nhìn sâu hơn, cụ thể hơn và biện chứng hơn. Đứng trước những đổi thay xô bồ của cuộc sống, nhà thơ cho rằng văn chương không cần phải ca ngợi vẻ đẹp của những buổi sớm mai, những cành hồng. Việc ca ngợi cuộc kháng chiến vĩ đại, những chiến thắng oai hùng của dân tộc cũng không phải là chủ đề trọng tâm. Văn chương cần phản ánh đúng hiện thực đời sống với những vấn đề bức thiết thời. Hàng loạt tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện rõ quan niệm của ông về sứ mệnh mới của nghệ thuật như vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Nhân danh công lý. Vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt đề cao cuộc đấu tranh hoàn thiện nhân cách con người, phê phán thói quan liêu vô trách nhiệm của Nam Tào, Bắc Đẩu đã cướp đi mạng sống của những người dân vô tội và gây nên nhiều chuyện rắc rối, sự sửa sai chắp vá của Đế Thích lại khiến cho cuộc đời hồn nọ xác kia gặp nhiều bất hạnh. Vở Tôi và chúng ta mở đầu cho đề tài đổi mới cơ chế sản xuất và quản lý, góp một tiếng nói quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tiêu
cực, xây dựng hình tượng con người mới trong cơ chế mới. Vở Nhân danh công lý lên tiếng đòi sự bình đẳng trước pháp luật... Nhìn chung Lưu Quang