Nét mới trong cái nhìn nghệ thuật của Lưu QuangVũ

Một phần của tài liệu Đóng góp nghệ thuật của thơ lưu quang vũ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87)

7. Cấu trúc luận văn

2.3. Nét mới trong cái nhìn nghệ thuật của Lưu QuangVũ

Khác với nền thơ chống Mỹ, Lưu Quang Vũ giữ cho mình cái nhìn của một nhân chứng trước một giai đoạn lịch sử khốc liệt, cái nhìn thế sự đời tư về con người. Do đó tác giả bổ sung cho nền thơ chống Mỹ một góc khuất của đời sống thực mà nó đã bỏ quên.

Trước hết viết về chiến tranh, thơ chống Mỹ thường nhìn vào những chiến công vang dội, sự dũng cảm chiến đấu. Điều này được thể hiện rõ trong các bài thơ Xuân của Tố Hữu. Ngoài ra bài các bài thơ của phạm Tiến Duật cũng đã phác họa được bức chân dung của những người lính nơi chiến trường khốc liệt. Giữa bao nhiêu đạn bom họ vẫn coi thường, vẫn sống và chiến đấu với một niềm tin tuyệt đối vào sự thắng lợi vẻ vang của dân tộc

Hố bom ư?những cái hố ra gì

Khi đặt cạnh núi sông và đồng bằng bát ngát Cái hùng khí của một thời sát thát

Lại nhân lên trong buổi sớm mai nay,

Thế đứng Trường Sơn bền vững nhường này

(Trước mùa xuân – điều tôi muốn nói)

Lưu Quang Vũ lại khác, ông nhìn vào những sự dữ dội, khốc liệt của chiến trường, những mất mát tan hoang của làng mạc, phố phường và con người. Từ đó, ông khẳng định cái vô nghĩa của những cuộc chiến tranh cứ kéo dài liên miên. Tác giả bày tỏ tinh thần phê phán, phản đối cuộc chiến, dù là đứng về phía nào. Không ở đâu như trong thơ Lưu Quang Vũ những vần thơ

chiến tranh lại khốc liệt đến thế. Ông không viết về những chiến thắng mà viết về những mất mát khổ đau nó mang lại. Rất nhiều hình ảnh ghê rợn về cái chết, sự hoang tàn, âm u, lạnh lẽo của cuộc chiến được vẽ ra. Một điểm khác biệt nữa của Lưu Quang Vũ so với những cây bút cùng thời đó là tác giả không chỉ chú ý tới sự tàn phá dữ dội mà còn chú ý tới sự nghèo khổ của người dân trong cuộc chiến này. Ông viết rất nhiều về vấn đề đó. Điều nhà thơ muốn nói ở đây vượt ra khỏi những suy nghĩ thông thường. Ông mong muốn gieo vào lòng người sự chán ghét chiến tranh, đi đến phản đối và chấm dứt nó.

Viết về lịch sử dân tộc, Lưu Quang Vũ cũng có những vần thơ ca ngợi. Nhưng ngay trong những vần thơ này cũng in đậm cá tính riêng của ông. Không chỉ ca ngợi lịch sử theo cách phác họa đơn thuần mà ca ngợi bằng hình tượng. Lịch sử dân tộc theo nhà thơ là lịch sử của Bà Trưng, Bà Triệu, những nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng với bánh chưng, bánh dày, với điệu chèo, câu quan họ, những làng ngề chăn tằm dệt vải,... và đặc biệt là giá trị to lớn của tiếng Việt. Trong những sáng tác của Lưu Quang Vũ lịch sử dân tộc hiện lên mang vẻ đẹp sống động, nồng nàn. So sánh Đất nước đàn bầu của ông với

Đất nước của Nguyễn Đình Thi hay Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm sẽ thấy rất rõ điều đó. Nếu Nguyễn Đình Thi đi khắc họa hình tượng đất nước với chất giọng sử thi trầm hùng, thiết tha sâu lắng, Nguyễn Khoa Điềm khắc họa hình tượng đất nước với màu sắc dân gian đậm đà thì Lưu Quang Vũ đi khắc họa hình tượng đất nước trong suốt dọc chiều dài lịch sử, từ thưở hồng hoang cho tới hiện tại, với tất cả các bình diện : huyền thoại, hiện thực; oai hùng, thương đau mất mát; đời sống văn hóa vật chất, tinh thần... Và ở khía cạnh nào ông cũng phản ánh hết sức chi tiết, cụ thể. Lịch sử dân tộc theo nhà thơ không chỉ là lịch sử của Bà Trưng, Bà Triệu, những nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng với bánh chưng, bánh dày, với điệu chèo, câu quan họ, những làng

ngề chăn tằm dệt vải,... mà quan trọng hơn còn là lịch sử của tiếng Việt, của nhân dân. Rõ ràng trong thơ của tác giả, lịch sử dân tộc hiện lên mang vẻ đẹp vừa sống động, nồng nàn lại vừa đậm chất hiện thực.

Đóng góp lớn hơn của Lưu Quang Vũ khi viết về lịch sử là cái nhìn đậm tính hiện thực tỉnh táo. Theo ông bên cạnh sự hào hùng, lịch sử dân tộc còn bị bủa vây bởi cái đói cái nghèo, của những cuộc chiến tranh liên miên. Đây thực sự là cái nhìn lịch sử rạch ròi, nghiệt ngã. Ta không thể chối cãi một sự thực lịch sử như thế. Có điều thơ ca bấy lâu vẫn quen ngợi ca. Nhà thơ nhận thấy sự phiến diện đó chính là mối nguy hại đẩy lùi tiến trình lịch sử dân tộc. Cần phải có cái nhìn đúng đắn, dũng cảm hơn để tiến lên. Tất cả mọi sự né tránh chỉ khiến người ta chìm trong ảo tưởng và tự hủy hoại cuộc sống. Quan niệm này của Lưu Quang Vũ cho thấy tinh thần công dân ở ông. Tác giả khiến người đọc nhìn thẳng vào những năm tháng đau thương, hãi hùng, khiến họ cảm thấy cần phải chung tay góp sức mà thay đổi, dựng xây.

Thơ Lưu Quang Vũ xây dựng một hình ảnh con người có khát vọng lớn lao, muốn cống hiến và thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn, nhận thức rõ về vai trò thực sự của văn chương với đời sống là gì. Ngay từ trước chiến tranh và cả với những năm đầu hòa bình, khi cái giọng ca ngợi chiến thắng, ca ngợi cuộc sống mới còn đang nóng hổi thì thơ Lưu Quang Vũ đã chỉ ra được những hạn chế của chế độ, những mặt xấu bên trong con người đời tư, những gì sẽ diễn ra trong thời hậu chiến. Đó chính là những đóng góp lớn lao nhất của ông dành cho thơ một thời. Những vần thơ ấy không chỉ phủ kín khoảng trống của thơ chống Mỹ mà còn có tác dụng thay đổi xã hội và nếp nghĩ thông thường của con người. Không làm thơ với mục đích chính trị, nhưng trên thực tế, thơ Lưu Quang Vũ rất có ý nghĩa về mặt tư tưởng, chính trị. Trong bối chung của nền thơ lúc bấy giờ còn đang bị cái nhìn sử thi chi phối thì những quan niệm của Lưu Quang Vũ đã khiến người ta phải băn

khoăn và thức tỉnh, khiến họ phải thay đổi con mắt nhìn hiện thực, thi ca. Sau 1986, cái nhìn lịch sử chân thực được tiếp tục đẩy tới trong thơ của Nguyễn Duy, Chế Lan Viên, Phùng Khắc Bắc, Trần Nhuận Minh...

Đáng kể nhất chính là cái nhìn đời tư về con người trong thơ Lưu Quang Vũ. Đây là mảng ít được quan tâm trong thời thơ chống Mỹ. Các nhà thơ bị chi phối bởi cái nhìn chung của thời bấy giờ. Người ta quan niệm, giữa những năm mà cả dân tộc đang phải gồng mình gánh vác cuộc chiến chống xâm lược thì mỗi cá nhân không thể chỉ ích kỷ nghĩ cho riêng mình. Nhiều khía cạnh đời tư con người do đó cũng bị văn chương bỏ quên, đặc biệt về những tình cảm lứa đôi, riêng tư. Một số cây bút đã quan tâm tới điều này nhưng cũng chưa phản ánh sâu sắc ở khía cạnh đời tư. Trường hợp của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu cũng vậy. Nhà thơ bày tỏ nỗi nhớ người yêu không với những cảm xúc riêng tư, đời thường mà đặt nó trong tình yêu quê hương, đất nước:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Thơ Lưu Quang Vũ lại rất quan tâm tới tình yêu lứa đôi với những gì vốn có của nó. Những mất mát, lầm lỡ của bản thân khiến ông thực sự chú ý tới đời sống tâm hồn con người. Dùng thơ để bày tỏ tư tưởng, tâm trạng cảm xúc là cách nhà thơ vực mình đứng lên trước những mất mát thương đau. Ở thơ ông, chúng ta tìm thấy những bức tranh tinh thần của con người vô cùng phức tạp, đa chiều. Còn ở mảng thơ tình, Lưu Quang Vũ thực sự đã đem lại một tiếng thơ đầy nồng nàn say đắm khi đi sâu phản ánh những rung động yêu đương, những đổ vỡ mất mát, những khát khao được chìm đắm trong tình yêu của họ. Điều quan trọng, tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ là thứ tình yêu

của con người đời thường, xuất phát từ trái tim, không phải là tình yêu lý tưởng lấy nền tảng là tình yêu Tổ quốc thường gặp trong thơ Cách mạng. Tình yêu say đắm ấy là một hiện thực tự nhiên, tốt đẹp. Trung thực với tâm hồn con người là một điều tất yếu mà thơ cần phải làm. Quan niệm tiến bộ này của ông trong bối cảnh xã hội nó ra đời còn chưa được chấp nhận nhưng sau này thơ chống Mỹ dần dần tự nó cũng đón nhận như một tất yếu trong sự vận động của thi ca

Tiểu kết

Có thể thấy, những đóng góp về cái nhìn nghệ thuật trong thơ Lưu Quang Vũ là không nhỏ. Trên tất cả những vấn đề của đời sống, ông đều đưa ra một cái nhìn riêng mà chúng ta không thể phủ nhận sự tiến bộ cùng tính nhân văn cao cả của nó. Không tự gò ép bản thân, ông muốn sống thật với lòng mình, để cho những mạch nguồn cảm xúc tự chảy như nó cần có. Thơ Lưu Quang Vũ, đặc biệt là mảng thơ được viết từ 1970 trở đi, có một giá trị cách tân thực sự trong cái nhìn về hiện thực đời sống, về chiến tranh, đất nước, nhân dân… Nhưng phải chờ cho tới những tháng năm sau đổi mới người ta mới có cái nhìn công bằng hơn và thực sự công nhận. Điều đó cũng không phải là quá muộn, bởi Lưu Quang Vũ đã thực sự để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả yêu thơ.

Chương 3

ĐÓNG GÓP VỀ HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ

3.1. Ngôn ngữ, hình ảnh, bút pháp trong thơ Lưu Quang Vũ

3.1.1. Hình ảnh gợi cảm, giàu ấn tượng tạo hình

Có thể coi hình ảnh thơ là một trong những yếu tố góp phần cho cái tôi trữ tình một không gian và một thời gian thể hiện. Trong một tồn tại cảm tính với những cái phi vật thể khó nắm bắt thì hình ảnh chính là một phương tiện hữu hiệu làm cho cái tôi sống động, cụ thể hơn. Hình ảnh còn có khả năng khái quát hóa, cụ thể hóa những dòng cảm xúc trừu tượng, khó nắm bắt của con người. Nó có thể giúp diễn đạt bộ mặt tinh thần và chiều sâu tâm hồn của cái tôi trữ tình trên cơ sở kết hợp trí tưởng tượng, liên tưởng, suy tưởng... để đi sâu vào dòng ý thức của nhân vật với các yếu tố tiềm thức, vô thức. Do đó hình ảnh thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tại để cái tôi nhìn thấy chính mình.

Trong thơ Lưu Quang Vũ, những hình ảnh thơ cũng được sử dụng như những phương tiện nghệ thuật để thể hiện cái nhìn độc đáo của nhà thơ về thế giới và con người. Sự khác biệt, có thể coi là những đóng góp về mặt này của thơ ông được thể hiện rất rõ.

Đó là thứ hình ảnh gợi cảm, giàu ấn tượng tạo hình. Không cầu kỳ tìm kiếm, xuất hiện trong thơ Lưu Quang Vũ là thứ hình ảnh đến từ cuộc sống, hết sức sinh động, gần gũi. Người đọc dễ dàng cảm động với thế giới trong thơ ông bao gồm hoa bưởi, hoa chanh quen thuộc chốn quê nhà, hương đất hương cây nơi phố huyện, hương mùa hạ “thơm ngát mặt”, “trời thu hương cốm mát trong”... Từ thế giới hình ảnh ấy tỏa ra hơi ấm của sự sống, nồng nàn hương sắc của cỏ cây. Chất gợi cảm trong thơ Lưu Quang Vũ không đến từ sự

dụng công, cầu kỳ gọt giũa ngôn ngữ mà nó có được từ chính tâm hồn yêu đời, nhạy cảm với cuộc đời của nhà thơ. Vì thế hình ảnh trong thơ ông mang vẻ đẹp của sự giản dị, gợi cảm từ bên trong. Ngay cả những vần thơ viết về cuộc sống thô nhám, xù xì ông cũng làm toát lên vẻ đẹp riêng đáng trân trọng:

Đường lập lòe đom đóm bay cao Ta ghé cửa nhà nhau xin lửa Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở

Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...

(Những con đường) cũng trở thành hình ảnh chất chứa cảm xúc:

Một quán nhỏ nghiêng nghiêng vách nứa Khách đợi tàu ghé lại giữa ban trưa Uống bát nước chè xanh thơm ngát dạ Một cái gì rộng rãi trong đơn sơ

(Quán nhỏ)

Đó quả thực là những hình ảnh thơ rất gợi, có sức lay động. Lưu Quang Vũ không phải là nhà thơ viết cho nông thôn, viết về nông thôn nhưng chỉ bằng những câu thơ trên cũng đủ để làm sống dậy trong mỗi người chúng ta hình ảnh làng quê của một thời đã xa “ta ghé cửa nhà nhau xin lửa”. Tình làng nghĩa xóm hiện lên với biết bao mộc mạc chan hòa.Có lẽ khi viết về cuộc sống con người, Lưu Quang Vũ để lại những hình ảnh sinh động nhất, đáng yêu nhất ở mảng viết về dời sống thôn quê. Đọc những câu thơ trên, người đọc bất giác nhớ về một miền quê của mình, thèm cái cảm giác thanh bình, yên ả của quê hương. Thơ ông giàu ấn tượng tạo hình khi dựng lên một không gian hiền hòa có quán nhỏ đơn sơ, khách đợi tàu ghé lại giữa ban trưa uống bát nước chè xanh. Chỉ một chữ ngát thôi cũng đủ để diễn tả sự ngất ngây của

con người. Đúng như Lưu Quang Vũ viết, hương chè thơm trong cảnh quê thanh tĩnh khiến tâm hồn bay bổng, rộng lớn hơn.

Sau này Nguyễn Duy cũng viết những câu thơ tương tự:

Nước chè tươi rót vàng mơ

Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng

nhưng xem ra cảm xúc không gợi như ở thơ Lưu Quang Vũ.

Thơ Lưu Quang Vũ còn có những hình ảnh thiên nhiên khác. Ở nhiều bài thơ của ông chúng ta như được nhìn ngắm một bức tranh thiên nhiên đẹp với nhiều chi tiết quấn quýt, liền mạch nhau. Mà hình ảnh nào cũng đẹp, tràn đầy hương sắc.

Thơ Lưu Quang Vũ vẽ tả khung cảnh thiên nhiên ở mọi miền. Đó là không gian trung du đẹp tuyệt vời với những đồi mua tím, đường ven suối, những rừng bưởi chín thơm ngát, quả vả vàng ươm, với tiếng chim chào mào hót líu lo, và có cả sự che mát của lá cọ, rợp sườn non của măng vầu, mùi hoa xoan tây, sắc hoa chuối đỏ, hoa sở trắng,...

Đó là hình ảnh một ngoại ô với vườn trong phố - một khoảng không gian trong lành, kỳ diệu giữa ồn ào phố xá. Trong đó vẫn có cả một thế giới tự nhiên với bầy ong đi kiếm mật, hoa dẻ góc vườn, hoa tím, sương rơi trên cỏ, con nhện giăng tơ...

Đặc biệt, trong thơ Lưu Quang Vũ có sự xuất hiện của không gian Hà thành rất đặc trưng với lá cơm nguội rụng đầy, những cây táo nở hoa, con đường nhỏ lát đá, những mái nhà ẩn hiện trong sương, cây phượng đỏ rực bên những quán cà phê, con đường đầy hoa sấu rụng, cây bàng cao lá tím...

Đó còn là không gian thị trấn ven sông với vườn dưa hấu nước ngọt trào ướt vỏ, với giàn thiên lý, giàn bầu, hoa mướp vàng, hoa bìm, cùng chú gà vỗ cánh...

Có thể khẳng định, hình ảnh trong thơ Lưu Quang Vũ luôn đầy ắp. Nhà thơ luôn nhìn thấy ở những hình ảnh đời thường những nét mới lạ đáng yêu.

Cùng với hình ảnh của cuộc đời thực, những hình ảnh của thế giới tự nhiên cũng đi vào thơ Lưu Quang Vũ. Từ vẻ hết sức dân dã nó đi vào thơ ông và thực sự làm ta ngạc nhiên bởi ấn tượng tươi tắn mát lành:

Vườn em là nơi đọng gió trời xanh Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng Con nhện đi về giăng tơ trắng Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi

(Vườn trong phố)

Lưu Quang Vũ phát hiện ra và thể hiện rõ trong bức tranh thơ của mình một sự hấp dẫn của cảnh. Đằng sau cái vẻ đơn sơ, quen thuộc kia, đôi khi thiên nhiên lại ẩn bên trong nó một vẻ lộng lẫy, thanh cao khiến nhà thơ không thể không rung động. Hình ảnh trong thơ ông rất gợi cảm xúc là vì thế. Đến lượt người đọc, họ không thể không rung động trước vẻ đẹp trong trẻo của thiên nhiên với những “hoa cúc xanh trên đầm lầy”, với “thị trấn nhỏ ven

Một phần của tài liệu Đóng góp nghệ thuật của thơ lưu quang vũ luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(137 trang)
w