Quản lý lưu vực sông là một vấn đề đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nửa cuối của thế kỷ 20 và phát triển rất mạnh trong vài thập kỷ gần đây nhằm đối phó với những thách thức về sự khan hiếm nước, sự gia tăng tình trạng ô nhiễm và suy thoái các nguồn tài nguyên và môi trường của các lưu vực sông. Hiện nay trên thế giới đã có hàng trăm các tổ chức quản lý lưu vực sông được thành lập để quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước, đất và các tài nguyên liên quan khác trên lưu vực sông, tối đa hóa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng nhưng không làm tổn hại đến tính bền vững của hệ thống môi trường trọng yếu của lưu vực, duy trì các điều kiện môi trường sống lâu bền cho con người.
Trên thế giới, kể từ sau Hội nghị Dublin (1992) và Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và phát triển của thế giới họp tại Rio de Janiero (1992), phần lớn các nước trên thế giới
đều trong tiến trình thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước với việc lấy lưu vực sông làm đơn vị quản lý nước càng được chú trọng và được coi là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng nước, điều phối và giải quyết tốt các mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước giữa các vùng, các khu vực thượng hạ lưu của lưu vực sông. Nước là một tài nguyên thiết yếu và quan trọng nhất của lưu vực sông. Việc sử dụng nước có mối liên quan mật thiết với sử dụng đất và ảnh hưởng đến hệ sinh thái lưu vực nên quản lý nước theo lưu vực sông sẽ giúp cho sử dụng và bảo vệ tốt hơn tài nguyên đất và môi trường lưu vực, quản lý và giảm nhẹ các tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người đến tài nguyên và môi trường sống.
Quản lý nước theo địa giới hành chính là phương thức truyền thống vẫn phổ biến trên thế
giới nhiều thế kỷ gần đây và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ở nước ta cũng vậy, điều 58 của Luật Tài nguyên nước đã giao nhiệm vụ quản lý nước thuộc trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì nước cũng cần thiết phải được quản lý theo lưu vực sông. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của vấn đề này, điều 64 của Luật Tài nguyên nước đã thể chế hóa về quản lý lưu vực sông bằng việc quy định nội dung quản lý quy hoạch lưu vực sông và việc thành lập cơ quan quản lý quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông lớn ở nước ta. Việc thực hiện quản lý nước theo lưu vực sông là một xu thế và định hướng mà nước ta sẽ phải thực hiện trong các giai đoạn tới. Tuy nhiên đây là vấn đề rất mới và trong bối cảnh của nước ta thì việc thực hiện trong thực tế không phải dễ dàng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu để từng bước giải quyết. Phương hướng chung là phải tiếp cận
kinh nghiệm của các nước trên thế giới và nghiên cứu vận dụng với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của các lưu vực sông ở nước ta, thông qua trao đổi rộng rãi để tìm ra một mô hình hợp lý.
Việc thực hiện quản lý nước theo lưu vực sông luôn gắn chặt với việc thành lập trên lưu vực một tổ chức có vai trò chủ yếu là điều hành tất cả các hoạt động có liên quan đến sử
dụng nước và các yếu tố liên quan đến nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông, gọi chung là Tổ chức lưu vực sông (TCLVS). Việc thành lập TCLVS không có gì khó khăn vì đã
được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ cũng như hình thức của TCLVS, xây dựng các cơ chế cho tổ chức này có thể
hoạt động được một cách hiệu quả mới là vấn đề quan trọng, tránh tình trạng TCLVS thành lập chỉ mang tính hình thức mà không triển khai được hoạt động và không phát huy vai trò của mình trong thực tế.