Khi bón phân cho cây trồng thường có một phần thấm qua đất đến mực nước ngầm. Trong thành phần các loại phân bón có chứa các hợp chất của nitơ, phospho và kali. Phosphat và những loại phân bón kali dễ dàng bị các hạt đất hấp phụ nên ít gây các hiện
tượng ô nhiễm. Ngược lại hợp chất nitơ trong dạng hòa tan chỉ được thực vật sử dụng hay
đất hấp thu một phần, phần còn lại di chuyển theo nước gây nên tình trạng ô nhiễm. Các chất dùng để cải tạo đất bao gồm vôi, thạch cao, lưu huỳnh nhằm thay đổi tính chất vật lý và hóa học của đất. Tuy nhiên sự thẩm lậu của những chất này xuống đất lại làm tăng độ mặn của nước ngầm.
Do hiện tượng khuếch tán mà các loại thuốc trừ sâu ở các vùng sản xuất nông nghiệp có thể gây ô nhiễm nước ngầm. Sự có mặt của những chất này ngay cả khi nồng độ nhỏ
cũng gây những hậu quả trầm trọng, đặc biệt khi nước ngầm được khai thác cho sinh hoạt. Tác động của thuốc trừ sâu lên chất lượng nước ngầm phụ thuộc vào tính chất của thuốc trừ sâu như cấu trúc phân tử và thời gian bán hủy của chúng, vào lượng nước mưa hay nước tưới và các tính chất của đất.
Những hậu quả của hiện tượng ô nhiễm nước bởi các nguồn chất thải khác nhau:
- Chất hữu cơ chịu phân hủy sinh học sẽ bị phân hủy làm cho nồng độ oxy hòa tan của nước giảm xuống. Các loài thủy sản có thể bị ngạt và nếu toàn bộ oxy bị sử dụng hết thì sẽ xuất hiện các mùi hôi thối do H2S, mercaptan, các amin hữu cơ... được tạo ra. - Các chất lơ lửng lắng đọng trong sông hồ tạo hiện tượng bồi lấp có thể gây ra lụt lội.
Nếu chất rắn lơ lửng thuộc thành phần hữu cơ sẽ diễn ra hiện tượng phân hủy, khí hình thành sẽ đẩy nổi chất rắn lên mặt nước tạo nên những khối bùn trôi nổi gây mất mỹ quan và hôi thối. Các loại chất lơ lửng phủ lên đáy sông hồ sẽ ngăn trở sự sinh đẻ
của cá và làm giảm số lượng các động vật là thức ăn của cá.
- Các chất gây ăn mòn (các acid, kiềm...) hoặc các chất độc (như xyanua, fenol, kẽm,
đồng...) có thể làm chết cá, vi khuẩn và các sinh vật sống trong nước. Sự hủy diệt các vi khuẩn có ích trong nước có thể tạo nên một thể nước bị tiệt trùng làm giảm khả
năng tự làm sạch của nước. Những loại nước như vậy có thể gây nguy hiểm khi sử
dụng cho sinh hoạt hay cho gia súc uống.
- Nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp gây nên những ảnh hưởng vật lý bất lợi như
tăng độ đục gây biến đổi màu sắc, tạo bọt. Nước thải nóng gây hại cho chất lượng nước vì nhiệt độ tăng lên dẫn đến sự phân hủy bất lợi trong thể nước đã hoàn toàn bị ô nhiễm bới các chất hữu cơ và có thể tiêu diệt cá trong những loại nước tương đối ít ô nhiễm. - Các vi sinh vật gây bệnh có thể được thải theo nước thải sinh hoạt trong thời gian có
dịch bệnh. Thông thường nước thải công nghiệp không chứa các vi sinh vật gây bệnh loại trừ nước thải của ngành thuộc da.
- Một số nước thải công nghiệp có chứa những chất tạo vị và màu (fenol, chất thải từ
công nghiệp luyện dầu mỏ...) khi xả vào sông hồ làm cho nước không còn sử dụng
được vào sinh hoạt hoặc gây tốn kém cho việc làm sạch bằng các quá trình làm sạch thông thường.
- Nước thải các loại có thể gây sự phát triển quá mức của nấm hay những sự phát triển bất lợi khác trong các dòng chảy. Những sự phát triển đó có thể gây tắc dòng chảy và gây mùi khi chúng bị phân hủy.
- Một số thành phần vô cơ (canxi, magiê) có thể gây độ cứng lớn trong nước sông hồ
làm giảm giá trị sử dụng của nước vào một số quá trình sản xuất. Những lượng lớn muối được xả vào một dòng chảy hay một hồ nào đó là điều bất lợi nếu nồng độ
clorua của nước tăng đến giá trị gây hại cho cá và thực vật.
Khung 4.4 Ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp gia tăng
Ngày 30/9/2008, hội thảo “Bảo vệ môi trường ở ĐBSCL trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa” - do Tạp chí Cộng sản, Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam và UBND Thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức - diễn ra tại thành phố Cần Thơ.
Ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý cho thấy: Bình quân những năm gần đây, mỗi năm tại ĐBSCL chất thải rắn sinh hoạt lên đến trên 606.000 tấn, chất thải rắn công nghiệp (trên 222.000 tấn), nước thải sinh hoạt (102 triệu mét khối), nước thải công nghiệp (47,2 triệu mét khối)...
Việc phát triển ồạt các khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN-CCN), xu thế bùng phát nuôi - chế biến thủy sản chưa theo quy hoạch, cùng với tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu và áp lực gia tăng đã làm cho tình trạng ô nhiễm - đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước - hết sức nghiêm trọng.
Toàn vùng hiện có trên 150 KCN-CCN; hầu hết trong sốđó đều chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn. Nơi có đầu tư xây dựng thì vốn đầu tư xử lý chất thải bình quân chỉ đạt 1 ÷ 2%/tổng vốn đầu tư, trong khi theo quy định tối thiểu phải 10 ÷ 15% so với tổng vốn đầu tư của một dự án.
Kỹ sư Phạm Đình Đôn (Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường khu vực Tây Nam Bộ) cho rằng: “Ô nhiễm ngày càng lớn đối với hệ thống sông, rạch gần các KCN-CCN, khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư...”.
Tại Cần Thơ, nước sông Hậu ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng (Phước Thới, Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7; tại Long Hòa (Phú Tân, An Giang) vào mùa khô nồng độ NH3 cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép...
“Trong sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm đang gia tăng với cấp số nhân”. Báo cáo đề dẫn của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) còn cho biết: Khảo sát tại Trà Vinh cho thấy, 100% diện tích đất canh tác
đều lạm dụng và sử dụng không hợp lý trên 1.234 chủng loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, kích thích tăng trưởng... Bình quân 1 ha đất sử dụng trên 1kg các loại hóa chất bảo vệ thực vật; năm nào có dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá... thì số lượng sử dụng tăng đột biến rất cao.
IV.2.4. Ô nhiễm vi sinh vật trong nước ngầm
Về nguồn gốc thì ô nhiễm nước ngầm tương tự như ô nhiễm nước mặt. Tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm nước ngầm có thể tồn tại lâu dài, khó đánh giá và việc kiểm soát lại càng khó khăn hơn. Do vậy việc ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm có ý nghĩa rất quan trọng.