Hình thức giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ sở

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở huyện nghi lộc, tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 31 - 34)

Mục đích và nội dung của công tác GDPL là điều kiện cần thiết ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm của đối tượng được GDPL. Tuy nhiên, điều kiện đủ để công tác GDPL tác động vào đối tượng được giáo dục là phải trải qua một quá trình truyền tải thông tin, đó chính là các hình thức cụ thể để tổ chức quá trình GDPL, các hình thức giao tiếp giữa người giáo dục và người được giáo dục.

Điều 11 - Luật phổ biến, GDPL được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 đã xác định rõ hình thức phổ biến, GDPL như sau:

1. Họp báo, thông cáo báo chí.

2. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

3. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp - phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

4. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

5. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

6. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

7. Thông qua chương trình GDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

8. Các hình thức phổ biến, GDPL khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, GDPL đem lại hiệu quả.

Qua nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn về GDPL cho CBCC cho thấy: GDPL cho CBCC biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có sự kết hợp chặt chẽ với nhau như: Dạy và học pháp luật trong các trường; tập huấn chuyên đề về nhà nước và pháp luật; giáo dục qua tuyên truyền cổ động

(tuyên truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua báo, tạp chí, qua hoạt động nghệ thuật, qua các cuộc thi...); GDPL qua hoạt động thực tiễn của CBCC trên lĩnh vực công tác của mình, nhất là các hoạt động trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; GDPL qua hệ thống thông tin pháp luật (Công báo, các bản tin pháp luật, các văn bản pháp luật qua đường công văn nhà nước...)

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của chủ thể, khách thể GDPL, có thể chia hình thức GDPL cho CBCC nói chung, CBCC cơ sở thành ba loại.

Thứ nhất, GDPL mang tính chất phổ biến, tuyên truyền giáo dục

chính trị tư tưởng. Tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện, phổ biến pháp luật tại các địa phương, các cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu cho đối tượng là CBCC cơ sở. Tuyên truyền, GDPL qua các kênh thông tin trên truyền hình, báo chí, tủ sách pháp luật... đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về chủ đề pháp luật.

Thứ hai, GDPL mang tính chất chuyên sâu cho CBCC trong lĩnh vực

ban hành và thực thi pháp luật. Điều này xuất phát từ vai trò, vị trí của CBCC chuyên ngành pháp luật. Họ vừa là đối tượng cần được GDPL, vừa là chủ thể GDPL trong mối quan hệ với CBCC khác và nhân dân.

Thứ ba, GDPL cho CBCC cơ sở thông qua đào tạo, bồi dưỡng kiến

thức pháp luật ở các trường, các trung tâm. Đây là hình thức cơ bản nhất của công tác GDPL cho CBCC. Có thể đào tạo, bồi dưỡng pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp không chuyên luật hoặc đào tạo, bồi dưỡng pháp luật trong các trường, các khoa chuyên về ngành luật, các trung tâm, đơn vị, cơ quan có chức năng tuyên truyền, phổ biến, GDPL.

Các hình thức đào tạo này đã cung cấp cho hệ thống chính trị một đội ngũ CBCC có trình độ pháp luật vững vàng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý xã hội theo pháp luật.

Từ quan niệm và phân loại GDPL như trên, các chủ thể GDPL cho CBCC phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung ngay trong khi xây dựng các chương trình công tác, nghiệp vụ chuyên môn trong từng thời kỳ hoặc trong từng vụ việc. Trên cơ sở đó, chuẩn bị các điều kiện vật chất, cán bộ... để tổ chức hình thức giáo dục phù hợp.

Trong công tác GDPL nói chung, GDPL cho CBCC cơ sở nói riêng, cần phải kết hợp các hình thức giáo dục khác nhau nhằm phát huy mặt tích cực và khắc phục những hạn chế của từng loại hình để đạt kết quả tốt nhất.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở huyện nghi lộc, tỉnh nghệ an trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 31 - 34)