Trong hệ thống ngôn ngữ, từ là đơn vị tín hiệu đích thực. Bản chất tín hiệu là tạo điều kiện cho ngôn ngữ trở thành công cụ giao tiếp của xã hội loài người. Từ vựng là một trong các bộ phận của hệ thống ngôn ngữ, thiếu từ vựng thì không có bất cứ ngôn ngữ nào. Thành phần ngữ âm, thành phần ngữ thể thiếu trong chương trình Tiếng Việt ở bậc THCS.
Dạy học từ ngữ sẽ hình thành cho HS thế giới quan khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về từ ngữ Tiếng Việt với tư cách là một hệ thống hoạt động chức năng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho HS.
Đặc biệt, việc dạy học từ ngữ giúp các em hiểu sâu thêm về Tiếng Việt. Thông qua việc học tập từ ngữ, các em hiểu được sự thể hiện, sự kết hợp của từ, học sinh mới nắm được các quy tắc ngữ pháp sắp xếp và kết hợp các từ thành câu…Tất cả nhằm góp phần giáo dục tình cảm dân tộc, tạo điều kiện phát triển năng lực trí tuệ và tình yêu Tiếng Việt, có ý thức giữ gìn và phát triển Tiếng Việt.
Để có thể kích thích sự hứng thú học tập ở HS trong dạy học từ ngữ, mỗi người GV cần có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, đặc biệt nắm được các PPDH tích cực nhằm sử dụng hợp lí trong mỗi tiết học. Trong dạy học từ ngữ, việc sử dụng các phương tiện trực quan không nhiều bằng các phân môn khác, nhưng trong chừng mực nào đó nó phát huy được tác dụng.
Nhìn chung, các phương tiện trực quan thường được sử dụng trong dạy học từ ngữ như: tranh ảnh, mô hình, hình tượng để giải nghĩa các từ trừu
tượng. Hay sơ đồ tư duy cũng được dùng khá phổ biến trong dạy học từ ngữ.
Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu, nội dung dạy học để lựa chọn phương tiện trực quan phù hợp nhằm phát huy hiệu quả trong dạy học.
Chẳng hạn, ở bài 4: “ Từ tượng hình, từ tượng thanh” (Ngữ Văn 8- Tập 1).
Mục tiêu, nội dung cần đạt của bài học là: Giúp HS hiểu được thế nào là từ tượng hình, thế nào là từ tượng thanh?
Với mục tiêu, nội dung đó, GV có thể lựa chọn một số phương tiện trực quan như: bảng phụ; hay giáo viên có thể dùng cơ thể hoặc một bộ nào đó của cơ thể để mô phỏng, hoặc làm một động tác hình thể nào đó, để đạt được mục đích dạy học đã xác định trước; cũng có thể dùng máy chiếu để dạy và ở trong máy sưu tầm một số âm thanh cũng như hình ảnh có liên quan đến bài học…
Cụ thể: Trong bài học này, sử dụng bảng phụ ở phần tìm hiểu đặc điểm và công dụng của từ tượng hình, từ tượng thanh. Trên bảng phụ GV phải chuẩn bị ở nhà trước với 3 đoạn trích trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao:
- Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm
mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc.
- Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế à ?”.
- Tôi ở nhà Bình Tư về được một lúc thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà Lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang
vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.
Những từ in đậm trên, GV dùng phấn màu để viết và tô đậm hơn nhằm giúp HS dễ quan sát, dễ nhận biết.
Để giúp HS nắm vững kiến thức hơn của bài học, GV lấy ví dụ thêm ngoài sách giáo khoa bằng cách lấy cơ thể làm vật chất trực quan: dáng điệu, cử chỉ. Ví dụ một số từ tượng hình, từ tượng thanh: đi lò dò, đi lom khom, đi rón rén, đi lạch bạch, cười hì hì, cười hà hà, khóc hu hu. Nhằm tạo ra không khí sôi nổi, ấn tượng và có chút thư giãn cho các em trong lớp học, GV gọi HS lên bảng mô phỏng những dáng vẻ, âm thanh trên. Điều này sẽ in sâu trong kí ức của HS giúp HS lĩnh hội kiến thức nhanh hơn và nhớ lâu hơn, đồng thời sẽ làm cho bài học thêm sinh động hơn.
Tuy nhiên, đối với bài học từ ngữ khác lại không sử dụng được các phương tiện trực quan trên.
Chẳng hạn ở bài 1: Từ và cấu tạo của từ Tiếng Việt (Ngữ Văn 6, Tập 1).
Mục tiêu cần đạt của bài là giúp HS nắm được định nghĩa về từ và ôn lại
các kiểu cấu tạo từ Tiếng Việt đã học ở bậc Tiểu học.
Để HS có thể nhớ lại những kiến thức đã học ở Tiểu học và nắm được những kiến thức mới, đối với bài học này trong việc sử dụng phương tiện trực quan, GV có thể vẽ bảng phân loại về cấu tạo của từ Tiếng Việt. Kiến thức này không có gì mới với các em lớp 6 nên sau khi GV lấy ví dụ và phân tích, GV để các em tự vẽ bảng phân loại rồi nhận xét; sau đó GV kết luận và hoàn thành bảng phân loại. Có như vậy, mới phát huy được tính tích cực cho HS và sự hứng thú học tập học tập ở các em.
Bảng phân loại
Kiểu cấu tạo Ví dụ
Từ đơn chạy, nói, cười, chơi, đi, học, khóc… Từ phức Từ ghép Gia đình, đất nước, xe đạp, bánh rán...
Từ láy Rì rào, lao xao, um tùm, róc rách…
Hay khi dạy về từ Hán việt ( SGK Ngữ Văn 7, tập1) GV lấy máy tính làm phương tiện trực quan cho bài dạy của mình. Mặc dù phương tiện này
còn ít sử dụng trong các trường học nhưng đây là điều kiện và môi trường tốt nhất cho việc đẩy mạnh giáo dục tố chất, bồi dưỡng ý thức sáng tạo mới và năng lực sáng tạo mới cho HS.
Tìm hiểu về đơn vị cấu tạo từ Hán Việt:
GV: Trong Tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Và chúng ta rất hay nhầm lẫn từ này với từ kia vì có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau. Qua máy tính, các em hãy nhìn màn hình (GV điều khiển máy tính, dùng máy chiếu chiếu hình ảnh lên trên màn hình, sau đó GV vừa chỉ mũi tên con chuột vừa giảng giải).
Trên máy tính xuất hiện một số từ Hán Việt đồng âm khác nghĩa, các từ này GV phải kết hợp các màu sắc khác nhau sao cho các em dễ dàng trong việc quan sát.
Hoa(1): hoa quả, hương hoa Hoa(2): hoa mĩ, hoa lệ Phi(1):phi công, phi đội Phi(2): phi pháp, phi nghĩa Phi(3): cung phi, vương phi …….
HS quan sát và trả lời các câu hỏi GV đưa ra. Để sinh động hơn, GV đưa vào máy một số hình ảnh liên quan đến bài học nhằm kích thích hứng thú học cho các em.
Như vậy, tùy vào mục tiêu nội dung bài học mà GV lựa chọn phương tiện trực quan cho phù hợp, không phải bài nào cũng có thể sử dụng được phương tiện trực quan. Có một điều rằng, sử dụng PPTQ trong dạy học kết hợp với PPDH tích cực khác sẽ làm tăng chất lượng dạy hơn như: Phương pháp học tập theo nhóm; PPDH vấn đáp, đàm thoại; PPDH và học phát hiện và giải quyết vấn đề…
Có một tình trạng GV cho rằng, dạy từ ngữ không cần sử dụng các phương tiện trực quan, bài học đó cũng đạt hiêu quả. Đây là một quan điểm
sai lầm. Như trên đã nói, không phải bài nào cũng sử dụng phương tiện trực quan, nhưng có những bài rất thuận lợi để sử dụng phương tiện trực quan. Vì vậy, GV cần triệt để tận dụng cơ sở thuận lợi đó để việc dạy học thêm sinh động, hấp dẫn, tạo điều kiện cho HS dễ dàng lĩnh hội kiến thức. Có như vậy, phương tiện trực quan mới phát huy được tác dụng đáp ứng yêu cầu bài học và đáp ứng yêu cầu đổi mới PPDH.
Chúng ta biết rằng, trong chương trình Tiếng Việt THCS phần từ ngữ cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể. Ngay từ lớp 6- khối lớp đầu tiên của bậc THCS, người ta đã đưa phần từ ngữ vào khá nhiều: cấu tạo từ, nghĩa của từ, phân loại từ theo nguồn gốc, lỗi dùng từ…Điều này nhằm trang bị lí thuyết và luyện tập để làm nền tảng cho các em chiếm lĩnh tri thức tốt hơn của phần từ ngữ; để khi các em lên lớp cao hơn của bậc học đã tích lũy được một vốn từ khá phong phú cho bản thân mình. Bởi vì, đây là điều cần thiết và vô cùng quan trọng không chỉ cho mục đích giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mĩ; mà còn là điều kiện không thể thiếu được để rèn luyện tư duy, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiếp thu tất cả các môn học khác trong nhà trường. Một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc dạy học từ ngữ ở bậc THCS.