Qua việc nghiên cứu về thị trường tiêu thụ sản phẩm của các trang trại ta có sơ đồ sau:
Hình 3.4. Sơ đồ về thị trường tiêu thụ sản phẩm của các trang trại
Qua sơ đồ về thị trường tiêu thụ sản phẩm của các trang trại ta thấy rằng các sản phẩm của các trang trại làm ra chủ yếu dùng làm sản phẩm hàng hóa (trên 86%) chỉ một phần nhỏ giữ lại gia đình tiêu dùng.
Việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các trang trại theo nhiều hướng khác nhau như: Bán trực cho các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước ở trong và ngoài tỉnh, bán trực tiếp cho lái buôn, những người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh hay là bán trực tiệp tại chợ địa phương và chợ tỉnh. Giữa các khách hàng của trang trại lại tiếp tục giao thương buôn bán với nhau đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ qua lại giữa chúng.
-Với các sản phẩm từ chăn nuôi phần lớn được cung cấp trực tiếp cho các đầu mối thu gom của các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh.
- Các sản phẩm được dùng làm thức ăn từ các loại gia súc như trâu, bò, lợn, gà, dê,…thì chủ yếu vẫn đang bán cho các lái buôn và các đầu mối thu gom giết mổ tại địa phương, một phần bán ra thị trường các tỉnh lân cận.
Sản phẩm hàng hóa từ chăn nuôi được dùng làm giống thì phần lớn được tiêu thụ trong địa bàn huyện, đó là bán cho các trang trại khác hay là các hộ gia đình tại địa phương.
Còn về các sản phẩm hàng hóa như nhung hươu, mật gấu,… thị thị trường tiêu thụ có rộng hơn như bán tại địa phương, Hà Nội, Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh,… nhưng vẫn đang bán với số lượng nhỏ lẻ, manh mún là chính. Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao và khá nổi tiếng nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho mình - điều mà rất cần thiết cho các sản phẩm hàng khi đi ra thị trường rộng lớn có thể đứng vững và phát triển được, đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Vì thế nên hiện nay chính quyền địa phương đang cùng người dân xây dựng nên thương hiệu nhung hươu cho riêng địa phương mình.
- Với các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản như: Cá trắm, cá mè, cá rô phi, cá quả, cá chép,… thì chủ yếu là được bán buôn là chính, thị trường chủ yếu là trong địa bàn huyện như: Bán cho người tiêu dùng tại địa phương, bán cho những người thu gom trên địa bàn huyện rồi sau những người thu gom này đi bán ra thị trường các vùng lân cận như: Huyện Đức Thọ, huyện Vũ Quang,…
- Sản phẩm của các trang trại trồng trọt như cam, bưởi, chanh, lạc, ngô, đậu, … được bán cho các lái buôn, các cơ sở chế biến nhỏ là chính, một phần nhỏ được bán cho các hộ gia đình trên địa bàn.
- Sản phẩm từ trang trại lâm nghiệp chủ yếu là keo, bạch đàn, nhựa thông, mây,… thì phần lớn là bán cho các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ở Cửa Lò, Nghi Xuân, cảng Vũng Áng và một phần ít bán cho người tiêu dùng trong huyện.
Qua đó ta thấy, các loại sản phẩm do các trang trại sản xuất ra chủ yếu là do tư thương tiêu thụ nên thường bị ép giá. Điều nay đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của chủ trang trại và kết quả sản xuất kinh doanh.
Các sản phẩm của các trang trại ở Hương Sơn chủ yếu là tiêu thụ trong tỉnh, khả năng vươn ra thị trường ngoài còn thấp, mặc dù có những sản phẩm có tiếng như cam bù, nhung hươu Hương Sơn, hay bưởi đường.
Mặt khác các sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chất lượng chưa cao nên khó cạnh tranh với các nông sản ở vùng khác đưa đến.
Do vậy để thúc đẩy việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng nông sản, ổn định thị trường, giải quyết đầu ra cho các trang trại để họ yên tâm sản xuất và đầu tư với quy mô lớn.