Vai trò của GDTX trong sự phát triển kinh tế xã hội và vai trò của CBQL GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 34)

của CBQL GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân

1.4.1.1. Vai trò của giáo dục, GDTX trong sự phát triển kinh tế- xã hội

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là bộ phận cấu thành của đời sống xã hội và được coi là cơ sở phát triển của hạ tầng KT - XH. Các nhà xã hội học luôn coi giáo dục như một quá trình xã hội hoá liên tục và có tính phổ quát trong sự hiện diện của nó ở tất cả các chế độ, giai đoạn lịch sử nhân loại, không hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất, cơ cấu xã hội, trong đó, nổi bật là sự chăm sóc giáo dục, bồi dưỡng con người thuộc thế hệ trẻ, xây dựng

quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh. Đây là cơ sở giúp các thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo, nâng cao những gì mà nhân loại đã học được về bản thân và thiên nhiên, về tất cả những gì cần thiết cho hiện tại và tương lai. Vì thế, giáo dục được coi là cầu nối từ chỗ không có gì đến chỗ cái gì cũng có, là khai sáng, là khối óc của cộng đồng.

Ngày nay, giáo dục được coi là nền móng, là chìa khoá cho sự phát triển khoa học kỹ thuật, là động lực của kinh tế và đem lại sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia dân tộc. Nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đã rất coi trọng giáo dục, đặt giáo dục ở vị trí quốc sách hàng đầu. Tổ chức UNESCO đã tuyên bố 4 trụ cột của giáo dục thế giới trong thế kỷ XXI, trong đó hết sức coi trọng nhiệm vụ phát triển giáo dục cho mọi người, tạo cơ hội, điều kiện học tập suốt đời, tiến tới xây dựng xã hội học tập; phải làm cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi tôn giáo phải được thụ hưởng quyền được giáo dục, quyền được học tập. GDTX là một trong những hình thức giáo dục góp phần thực hiện được những yêu cầu trên.

Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay thực chất là hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên sự phát triển công nghiệp, sử dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ; đưa đất nước tiến lên một trình độ mới. Nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được Đảng ta xác định là nhân tố con người. Nhưng, con người - động lực của sự phát triển - không phải là con người chung chung, mà là những con người cụ thể, con người được giáo dục, có đầy đủ trình độ, năng lực, phẩm chất cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có khả năng đáp ứng và giải quyết một cách sáng tạo và có hiệu quả những vấn đề do sự phát triển kinh tế - xã hội đặt ra. Con đường cơ bản để làm tăng giá trị con người phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chính là con đường phát triển giáo dục. Chỉ có giáo

dục và bằng giáo dục mới có thể tạo ra con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã thực sự coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, có nhiều chủ trương và chính sách đúng đắn, thiết thực nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phát triển.

Hệ thống giáo dục chính quy với các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông... đến đại học đã đáp ứng được nhu cầu học tập phổ thông cho đại đa số người học trong độ tuổi phổ thông. Tuy nhiên, nhu cầu học tập để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức nhằm cải thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả làm việc của người lao động là hết sức cần thiết. Chính vì vậy mà bên cạnh hệ thống giáo dục chính quy như đã nêu trên, hệ thống giáo dục không chính quy – GDTX – đã tạo điều kiện và cơ hội cho mọi tầng lớp, đối tượng nhân dân được học tập, học tập suốt đời. Đây là loại hình học tập hết sức đa dạng, phong phú mà qua đó, người dân không chỉ được học văn hóa mà còn được trang bị các kiến thức, kỹ năng hành dụng với tiêu chí “cần gì học nấy”. Đây cũng chính là nền tảng, phương thức và mục tiêu của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay, tức xây dựng nền giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, tạo điều kiện để người dân có cơ hội học tập suốt đời (Long Life Learning)

1.4.1.2. Vai trò của đội ngũ CBQL trung tâm GDTX

Mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục nước ta hiện nay là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Phát triển giáo dục tạo ra động lực trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi mọi mặt đời sống

xã hội, tạo lập nguồn nhân lực - nguồn lực quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước.

Giáo dục - muốn phát triển - phải xuất phát từ yếu tố con người, mà trước hết, quan trọng hơn hết là đội ngũ CBQL các cấp. Đây là “những người trực tiếp thực hiện và vì vậy giữ vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng và sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân”. Tổ chức Văn hoá và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã từng khuyến cáo: mọi cuộc cải cách đều bắt đầu từ người thầy giáo.

Trong nhà trường nói chung, các trung tâm trung tâm GDTX nói riêng, đội ngũ CBQL là những người trực tiếp tổ chức, quản lý quá trình dạy học theo chương trình, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với phương pháp sư phạm phù hợp nhằm đạt mục tiêu giáo dục của từng cấp học. Chính vì vậy, đội ngũ CBQL các trung tâm GDTX bao giờ cũng là lực lượng có vai trò tiên quyết đối với chất lượng giáo dục của đơn vị mình phụ trách. Có thể nói, muốn có trò giỏi, chăm ngoan, trước hết phải có thầy giáo giỏi, có đạo đức, có nhân cách tốt. Và muốn người thầy giáo thực hiện tốt thiên chức của mình, đòi hỏi phải có người lãnh đạo, người thủ lĩnh giỏi nghề, yêu nghề và gắn bó với nghề. Cha ông ta cũng đã từng rất coi trọng nghề dạy học và tôn vinh vị trí cao cả của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Người cũng khẳng định “nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, đồng thời yêu cầu phải xây dựng những “người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”. “Thầy giáo phải thật sự yêu nghề mình, phải có chí khí cao thượng, khó khăn thì phải chịu trước, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng của người thầy”.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục, coi trọng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục, lực lượng nòng cốt của sự nghiệp giáo dục. Đội ngũ giáo viên được tôn vinh là những người kỹ sư tâm hồn, những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Họ có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng và đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; khơi dậy trong người học những phẩm chất cao quý và những năng lực sáng tạo để thực hiện thành công các chủ trương chính sách phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Nghị quyết Trung ương II khoá VIII của Đảng ta đã khẳng định: đội ngũ giáo viên là nhân vật trung tâm, đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, điều khiển, lãnh đạo quá trình hình thành nhân cách con người; Luật giáo dục nước ta khẳng định: giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, với nhiều cơ hội phát triển và không ít những thách thức, khó khăn, Đảng ta xác định khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; cụ thể hoá chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, có thể nói giáo dục đóng vai trò vị trí rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng và phát triển con người - động lực chủ yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng dạy học, giáo dục. Hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với ngành giáo dục đào tạo, với đội ngũ thầy cô giáo và CBQL giáo dục các cấp.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 34)