3.2.1.1. Mục tiêu của giải pháp
Quy hoạch cán bộ là hoạt động nhằm thể hiện chức năng lãnh đạo, chủ động, định hướng của Đảng và Nhà nước ta về đường lối tổ chức về chiến lược cán bộ; là một trong những nội dung quan trọng của công tác tổ chức cán bộ, liên quan chặt chẽ đến các khâu của công tác cán bộ như đào tạo, bố
trí, sử dụng, luân chuyển... Nghị quyết Hội nghị TW 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Quy hoạch cán bộ là quá trình thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp để tạo nguồn và xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, trên cơ sở dự báo nhu cầu cán bộ nhằm bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị." [1]
Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ CBQL trường học bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Quy hoạch đội ngũ CBQL trung tâm GDTX là nội dung quan trọng và là quá trình thực hiện các chủ trương, biện pháp giúp cấp ủy và cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền xây dựng đội ngũ CBQL trung tâm GDTX thuộc phạm vi phân cấp quản lý. Mặt khác, quy hoạch đội ngũ CBQL trung tâm GDTX giúp cho các trung tâm GDTX có đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ; đồng thời tạo được thế chủ động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp GD & ĐT nói chung và của giáo dục thường xuyên nói riêng.
3.2.1.2. Nội dung giải pháp quy hoạch đội ngũ CBQL trung tâm GDTX
Quy hoạch cán bộ là quá trình thiết lập dự án thiết kế xây dựng toàn thể đội ngũ cán bộ; là dự kiến bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ theo một trình tự hợp lý tại mỗi thời điểm và trong một khoảng thời gian nhất định. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trung tâm GDTX, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đội ngũ CBQL và phải thật sự xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách có tính chiến lược của thành phố Hồ Chí Minh. Để đạt được điều đó, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh
cần phải phối hợp với Ban Thường vụ các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị tiến hành quy hoạch CBQL các trung tâm GDTX theo trình tự các bước sau:
a. Phổ biến cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những cỏn bộ chủ chốt quán triệt đầy đủ và nhận thức đúng đắn mục đích, quan điểm, phương châm, nguyên tắc, quy trình quy hoạch cán bộ; chủ trương của ngành về công tác quy hoạch CBQL nói chung và quy hoạch CBQL trung tâm GDTX nói riêng. Xử lý nghiêm túc những cá nhân, đơn vị coi nhẹ hoặc không làm đúng yêu cầu, quy định của công tác quy hoạch cán bộ.
b. Tiến hành phân tích số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ CBQL hiện có và phân loại CBQL theo yêu cầu quy hoạch dựa trên cơ sở thực trạng đội ngũ CBQL các trung tâm GDTX tại thành phố Hồ Chí Minh.
c. Xây dựng số lượng cho mỗi chức danh CBQL trung tâm GDTX trên cơ sở dự báo nhu cầu giai đoạn 2010- 2015 (dựa vào tình hình thực tế và các dự báo về dân số, quy mô phát triển số học viên, số trường, lớp ...); thực hiện quy hoạch “động” và “mở”, mỗi chức danh phải quy hoạch 2 – 3 người, mỗi người quy hoạch 2 – 3 chức danh. Công tác quy hoạch phải luôn được xem xét đánh giá bổ sung, điều chỉnh hàng năm; mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng.
Xây dựng nguồn bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý hàng năm, có thể tại chỗ hoặc ở các đơn vị khác. Việc quy hoạch các chức danh CBQL cần gắn với các chức danh của cấp ủy cơ sở và phải chú ý đến việc quy hoạch cán bộ trẻ có nhiều triển vọng.
d. Tiến hành lập danh sách cán bộ nguồn trong quy hoạch theo đúng quy trình: Ban Giám đốc, cấp uỷ trung tâm GDTX giới thiệu cán bộ nguồn các chức danh giám đốc, phó giám đốc; lấy phiếu tín nhiệm trong cán bộ,
giáo viên; lập danh sách quy hoạch đề nghị Sở GD-ĐT, thành phố, quận / huyện phê duyệt.
e. Tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng hoặc thực hiện điều chỉnh, luân chuyển để cán bộ được rèn luyện thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm ở các vị trí công tác khác nhau để cán bộ trong diện quy hoạch được đào tạo theo yêu cầu, tiêu chuẩn và không bị động, hẫng hụt khi cần bố trí ngay; kịp thời bố trí, sử dụng cán bộ trong diện quy hoạch trong thời điểm họ đang có xu hướng phát triển mạnh và hàng năm, định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ thuộc diện quy hoạch để rút ra bài học của công tác quy hoạch CBQL hàng năm.
Công tác quy hoạch CBQL rất quan trọng bởi thực chất đây là việc đánh giá và sử dụng con người. Đánh giá và sử dụng con người đúng thì phát huy được vai trò của người cán bộ, nội bộ đơn vị thêm đoàn kết và người được đánh giá đúng sẽ thêm phấn khởi, tăng nỗ lực trong công tác. Ngược lại, đánh giá sai, sử dụng không đúng một cán bộ thì hậu quả sẽ rất tai hại, không chỉ đối với chất lượng đội ngũ mà cả hiệu quả hoạt động của cả đơn vị. Chính vì vậy, cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc các nguyên tắc, quy định trong công tác quy hoạch cán bộ.
3.2.1.3. Cách thức tiến hành
Để công tác quy hoạch CBQL trung tâm GDTX đạt kết quả cao, từ thực tế quá trình công tác và các chỉ thị từ Trung ương đến địa phương về công tác cán bộ, chúng tôi dựa vào các căn cứ sau:
- Nhiệm vụ chính trị của ngành GD-ĐT, ngành học giáo dục thường xuyên của thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, trên cơ sở tiêu chuẩn chung mà Nghị quyết TW 3 khóa VIII, Nghị quyết Đại hội X đã xác
định và các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ trung tâm GDTX, chuẩn giám đốc trung tâm GDTX. [34]
- Thực trạng đội ngũ CBQL trung tâm GDTX hiện có thông qua khảo sát, đánh giá cán bộ của Sở GD-ĐT, giáo viên các trung tâm GDTX và tự đánh giá của mỗi CBQL trung tâm GDTX.
- Quy hoạch đội ngũ CBQL trung tâm GDTX phải mang tính liên tục, kế thừa, được bổ sung hàng năm, có hiệu lực pháp lý và khả thi; đảm bảo tính cơ cấu trong quy hoạch và việc quy hoạch cần theo hướng mở và động và phải dựa vào dự báo về quy mô phát triển hệ thống các trung tâm GDTX của thành phố nói chung và mỗi trung tâm GDTX nói riêng.