Đặc điểm tình hình GDTX hiện nay tại TP Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 45)

Năm học 2011 – 2012 là năm học đầu tiên toàn Đảng, toàn dân thành phố Hồ Chí Minh tích cực hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX.

Chủ đề năm học được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động: “Năm học tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Chủ đề năm học của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh: “Năm học tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện nhà trường”.

2.1.1.1. Thuận lợi:

a. Giáo dục và Đào tạo thành phố được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm của Uỷ ban Nhân dân thành phố thể hiện qua các văn bản, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GDTX.

b. Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”; các công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa được đẩy mạnh; các trung tâm học tập cộng đồng phát triển, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh và đẩy mạnh quá trình xây dựng thành phố trở thành xã hội học tập.

c. Việc tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh một số lượng lớn các đối tượng đang công tác, sinh sống, học tập (trí thức, sinh viên, học sinh, người lao động…) khiến các hoạt động lĩnh vực giáo dục, đào tạo ngày càng phát triển từ hình thức đến nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội. Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh và có sức thu hút mạnh mẽ giúp nhân dân thành phố có cơ hội được nâng cao trình độ, tiếp cận với các chương trình giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.

d. Việc chuyển toàn bộ trung tâm GDTX quận, huyện về Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý đã tạo cơ hội cho các trung tâm GDTX có điều kiện phát triển đồng bộ cơ cấu nhân sự, cơ chế tài chính và từng bước cải thiện khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học; trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

2.1.1.2. Khó khăn:

a. Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn về “làn sóng” nhập cư với nhiều đối tượng: công nhân, người lao động ở các khu dân cư mới mở, khu công nghiệp; trẻ em trong độ tuổi phổ thông, học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đào tạo nghề (từ tỉnh khác chuyển đến). Trong số này, tỉ lệ chưa hoàn thành xóa mù chữ hoặc trình độ văn hoá còn thấp so với độ tuổi khiến ngành giáo dục nói chung và GDTX nói riêng gặp khá nhiều khó khăn.

b. Nguồn chi từ ngân sách cho hoạt động GDTX tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ sức đáp ứng cho các hoạt động và thu hút đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt. Cơ sở vật chất của một số trung tâm GDTX còn thiếu, điều kiện dạy học chưa thể đáp ứng yêu cầu để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ và liên kết đào tạo, đa dạng hóa hoạt động.

c. Tiến độ xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số trung tâm GDTX còn chậm; cơ sở vật chất của nhiều đơn vị vẫn còn thiếu thốn, chưa thể đáp ứng được tốc độ đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và hiện đại hóa nhà trường thời hội nhập.

d. Mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng tuy có phát triển nhưng hoạt động chưa đồng đều, nhất là ở khu vực nội thành; một số trung tâm học tập cộng đồng còn lúng túng về cơ chế, kinh phí và nhất là nội dung hoạt động.

e. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình hình lạm phát trong nước đã gây ảnh hưởng lớn đến mức đầu tư cho các hoạt động giáo dục khiến việc duy trì sĩ số người học xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục, bổ túc văn hóa và đặc biệt là các hoạt động văn hóa ngoài giờ gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 45)