huyện Thanh Chương
Sau ngày hòa bình lập lại, cả đất nước bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại đất nước, đã dành được một số thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bên cạnh những mặt đã đạt được thì thực trạng của đất nước ta lúc
bấy giờ hết sức bi đát và “khủng hoảng trầm trọng”. Thực trạng đó đã phản ánh những mặt yếu kém, hạn chế và những sai lầm khuyết điểm trong mười năm xây dựng 1975 - 1985. Muốn đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH thì phải đổi mới. Đổi mới theo quan điểm của Đảng là quá trình giải phóng sức lao động, khơi dậy mọi tiềm năng, động viên và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam phát huy ý chí tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình và cho quê hương đất nước.
Để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng thì cần thiết phải đổi mới. Xu thế đổi mới đã phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/ 1986) đã đề ra vấn đề đổi mới. Đường lối đổi mới ấy hết sức toàn diện từ đổi mới kinh tế, chính trị, đến tư tưởng, văn hóa mà trọng tâm là đổi mới kinh tế. Đổi mới chính trị phải tích cực, vững chắc mang lại những kết quả thực tế. Đây là đại hội đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng theo Nghị quyết của Đại hội VI đề ra, Đảng bộ Thanh Chương đã tiến hành vận dụng, sáng tạo để phù hợp với địa phương đưa đất nước phát triển.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXIII (9/ 1986) trên cơ sở đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của huyện trong nhiệm kì qua. Đại hội đã đề ra phương hướng chính về kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1986 - 1990 là: “từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế nông - lâm - công nghiệp, phát triển theo hướng sản xuất lớn XHCN để có tỉ suất hàng hóa ngày càng cao. Nhiệm vụ trọng tâm số một vẫn là phát triển nông nghiệp. Cần tiến hành bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, kinh doanh tổng hợp nhằm khai thác hiệu quả cao nhất đất đai và lao động, giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực thực phẩm, tiến tới có dự trữ và làm nghĩa vụ cho nhà nước. Huyện phấn đấu đến năm 1990 đạt 65.000 tấn lương thực, bình quân đầu người 320 kg/ người. Trong vấn đề xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật chủ yếu hướng vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, kéo đường dây tải điện 10 kw từ Thanh Lĩnh đi Hạnh Lâm 17 km, xuống Thanh Hà 18 km [3; 48].
Những nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng bộ huyện đã đề ra là nhằm động viên toàn thể Đảng viên, cán bộ và toàn thể nhân dân trong huyện tích cực thi đua hoàn thành mục tiêu để vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa đóng góp vào sự ổn định tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Vừa củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN và có kế hoạch từng bước xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho đời sống nhân dân.
Trong quá trình thực hiện và triển khai đường lối chủ trương đổi mới Đảng bộ Thanh Chương luôn bám sát và nhanh chóng nắm bắt những chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy để kịp thời khắc phục những khó khăn, những tồn tại nhằm phát huy hiệu quả cao nhất quá trình đổi mới ở huyện. Vì vậy bước đầu thực hiện đổi mới, Thanh Chương đã thu được những thành tựu to lớn làm thay đổi đời sống của nhân dân trong huyện.