Nhìn chung có bước chuyển biến theo cơ chế kinh tế mới. Tổng các nguồn thu ngày càng tăng, năm 1995 đạt 3.276 triệu đồng. Việc thu thuế sử dụng đất nhanh gọn, các loại công nợ dây dưa giảm dần.
Vốn tín dụng cho dân vay để phát triển sản xuất bình quân mỗi năm có 12 tỷ 265 triệu đồng với 11.334 lượt hộ. Riêng năm 1995 đạt 20 tỷ 159 triệu với 11.254 lượt hộ vay. Ngoài ra các tổ chức quần chúng như hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh huy động được gần 2 tỷ đồng cho hội viên vay, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quỹ “tín dụng nhân dân” tuy mới hình thành nhưng đã có ba cơ sở hoạt động với doanh số 350 triệu đồng [32; 330].
Tính từ 1991 đến cuối 1995, huyện đã tiếp nhận 29 dự án từ các chương trình đối ngoại, 27 dự án giải quyết việc làm từ quỹ Quốc gia với tổng số 13,6 tỷ đồng. Các dự án đầu tư bước đầu đã phát huy hiệu quả [32; 330].
Bên cạnh những thành tựu mà huyện Thanh Chương đã đạt được về lĩnh vực kinh tế, qua hơn chín năm tiến hành công cuộc đổi mới tại Thanh Chương vẫn còn nhiều khuyết điểm:
Việc đưa tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất còn chậm, nhất là về giống cây con, các giống có năng suất cao còn chiếm tỉ trọng thấp. Chất lượng đàn trâu bò chậm được cải thiện. Các loại con đặc sản đưa vào địa bàn Thanh Chương vừa khó vừa kém hiệu quả.
Kinh tế vườn chuyển biến chậm chưa tương xứng với tư tưởng chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy, cơ cấu kinh tế vườn đồi, vườn rừng có định hướng đúng nhưng sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa tập trung cao độ, hiệu quả sử dụng đất rừng, đồi núi trọc qua mấy năm vẫn chỉ có các loại cây hoang dại. Tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép là một vấn nạn lớn kéo dài nghiêm trọng, gây hậu quả xấu về môi trường sinh thái.
Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm, chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế chung. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển biến rất chậm, dẫn đến thu nhập thấp, đời sống nhân dân chưa được cải thiện. Tình trạng không có việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều. Phần đông lao động làm nông nghiệp thuần túy, trong khi đó lao động tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn thanh niên nông thôn sau khi học xong trung học cơ sở, trung học phổ thông là đi làm thuê ở các thành phố lớn và các tỉnh miền Nam.
Do sản xuất chậm phát triển nên các hoa ̣t động tài chính, tín dụng gặp nhiều khó khăn và bất cập: Nguồn thu ít, mức thu nhập thấp và còn để thất thu, nhất là thuế công thương nghiệp (hàng năm chỉ đạt từ 20 - 30%). Bội chi ngân sách hàng năm trên 50%. Nguồn tín dụng hoạt động tại chỗ còn hạn chế. Hiệu quả vốn đầu tư thấp so với lãi suất chung vì lợi tức ít.
Cơ sở hạ tầng còn bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống. Nhiều công trình xây dựng từ những năm 1975 - 1985 bị hư hỏng, xuống cấp như hệ thống giao thông, trường học và các cơ sở y tế đang là nỗi băn khoăn lo lắng lớn nhất của cấp ủy chính quyền và nhân dân toàn huyện.
Những điểm yếu kể trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Về khách quan, do địa hình Thanh Chương phức tạp, bị chia cắt bởi những sông suối nên huyện không có lợi thế phát triển kinh tế hỗn hợp so với nhiều vùng trong tỉnh. Trong sản xuất việc đầu tư chi phí lao động lớn nhưng hiệu quả thu lại thấp.
Về chủ quan: Trong lao động, việc đề ra chủ trương phần lớn là đúng nhưng khâu chỉ đạo điều hành thực hiện các chỉ thi ̣ nghị quyết chưa nghiêm, nửa đầu nhiệm kì chỉ đạo dàn trải nên hiệu quả không cao, chậm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, tư tưởng bảo thủ, ngại khó vẫn còn nặng trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Năng lực nắm bắt cái mới, mở rộng quan hệ với bên ngoài còn hạn chế. Trình độ cán bộ nói chung còn thấp nên hiệu quả chỉ đạo phong trào còn hạn chế trên một số lĩnh vực.
Thực tế đến thời điểm 1995, Thanh Chương vẫn là huyện nghèo, mức sống nhân dân vẫn còn thấp cả về vật chất lẫn văn hóa. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế - xã hội là một thách thức rất lớn đối với Đảng bộ và nhân dân toàn huyện.
Trong 10 năm đầu đổi mới từ 1986 - 1995 khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp. Trận lụt lịch sử tháng 10/ 1988, Thanh Chương bị thiệt hại rất nặng nề. Trong giai đoạn này, trên thế giới xảy ra biến cố chính trị vô cùng nghiêm trọng: Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào bước thoái trào. Các khoản viện trợ lớn của Liên Xô và các nước bạn khác đối với Việt Nam bị cắt đứt hoàn toàn, làm cho kinh tế cả nước, cả tỉnh nói chung và Thanh Chương nói riêng gặp muôn vàn khó khăn nhất là các vật tư phục vụ nông nghiệp hết sức khan hiếm…
Trong bối cảnh đó, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo kể từ đại hội VI đã tạo ra bước ngoặt mới đầy triển vọng tươi sáng cho đất nước ta, dân tộc ta. Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương đã kiên định lập trường, tin tưởng tuyệt đối vào con đường mà Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy còn nhiều khuyết điểm nhưng Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương đã bước đầu đổi mới tư
duy, hòa nhịp với phong trào chung cả tỉnh, cả nước đạt được những thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới, tạo đà cho những thắng lợi trong thời gian tới.
Thoát ra từ khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ sự bế tắc do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đến thời kì đổi mới, sản xuất được “bung ra”, mọi lĩnh vực như đều trỗi dậy, vươn lên, bộ mặt huyện khởi sắc trông thấy, có thể nói “thay da đổi thịt” hàng ngày.
Chưa bao giờ mà tổng diện tích gieo trồng và tổng sản lượng lương thực lại tăng cao như giai đoạn này, chưa bao giờ mà việc ứng dụng khoa học kĩ thuật nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi lại mạnh và đạt hiệu quả to lớn như bây giờ. Diện tích trồng rừng và khoanh nuôi tái tạo rừng ngày càng tăng cao, độ che phủ rừng ngày càng lớn. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm sau thường cao hơn năm trước. Các ngành dịch vụ bắt đầu phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt phục vụ đời sống nhân dân. Tỉ trọng kinh tế nông nghiệp được giảm dần, trong khi đó tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tăng lên. Về xây dựng cơ bản cũng đạt được những thành tích to lớn với những công trình vĩnh cửu như: Cầu treo Dùng và các công trình thủy lợi, điện, bệnh viện, trạm xã, trường học, trụ sở cơ quan… Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có sự đổi mới nhất định và đạt được những thành tích xuất sắc rất đáng biểu dương.
Mặc dù tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương trong giai đoạn 1985 - 1995 còn có nhiều khuyết điểm, nhược điểm nhưng những thành tựu đạt được trong 10 năm đầu của thời kì đổi mới đã tạo nền móng cơ bản cho bước đường đổi mới tiếp theo. Với đà tiến triển đầy hứa hẹn, nhất định Đảng bộ và nhân dân toàn huyện sẽ vượt qua những khó khăn thách thức giành được những thành tích to lớn hơn nữa trong giai đoạn cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Điều này chúng ta sẽ được chứng kiến trong chương 3.
Chương 3