Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Những chuyển biến của kinh tế thanh chương trong giai đoạn 1986 2010 luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 35 - 37)

Trong điều kiện khó khăn chung, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều đổi mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động. Một số ngành nghề truyền thống được phát huy có hiệu quả như đan lát, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, công cụ cầm tay.

Một số xí nghiệp quốc doanh và cơ sở quốc doanh trên địa bàn làm ăn thua lỗ, lần lượt bị giải thể, hàng trăm lao động mất việc làm, mất chế độ bao cấp, đời sống hàng ngàn nhân khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình công nhân viên chức khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường bị chao đảo về tư tưởng. Nhưng Đảng bộ đã có sự giải quyết đồng bộ từ công tác tư tưởng đến giúp đỡ về công ăn việc làm, giúp nhau về đời sống nên nhân dân toàn huyện đã vượt qua được khó khăn, vững vàng và vươn lên, hòa nhịp với phong trào các huyện bạn.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được giữ vững và đạt kết quả khá trên các mặt sản xuất vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, công cụ cầm tay. Giá trị sản lượng đạt 42 triệu đồng (theo giá cố định năm 1982), tăng hơn bình quân 5 năm trước 32% [32; 308].

Công tác lưu thông phân phối đạt được một số kết quả khá trên các mặt thu thuế, thu nợ, xây dựng ngân sách, tín dụng, đầu tư phát triển trên sản xuất. Cơ sở vật chất kĩ thuật được tăng lên cả về điện, thủy lợi, giao thông và các công trình phúc lợi. Nhà ở của dân được “ngói hóa” ngày càng nhiều. Bình quân hàng năm thu mua 7.000 tấn lương thực, 1.400 tấn lạc, hơn 200 tấn ớt cay, 240 tấn thịt lợn hơi. Kim ngạch xuất khẩu đạt 78 vạn rúp (tiền Nga). Số dư tiết kiệm đạt 180 triệu đồng [32; 308].

Trong ngành xây dựng cơ bản thì hai năm 1987 - 1988 đạt thành tích đáng kể: Cơ bản hoàn thành đường điện 10 kw từ Thanh Lĩnh đi Hạnh Lâm, đưa vào sử dụng 9 trạm bơm, cải tạo 3 trạm cũ, tiếp tục xây dựng 4 trạm mới, đã đưa vào sử dụng cầu Vực Tán (Ngọc Sơn), cầu Thanh Giang, cầu treo Chùa, cầu Yên Sơn, Thanh Ngọc và khởi công xây dựng cầu treo Dùng.

Ngành vận tải được tăng thêm 6 ô tô, 2 máy kéo, 154 tấm thuyền đóng mới, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 127.000 tấn. Công tác thông tin, bưu chính bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.

Tuy nhiên trong 3 năm 1989 - 1991 về diện tích, năng suất, sản lượng đều bị giảm so với bình quân 3 năm 1986 - 1988 (trừ diện tích ớt). Hầu hết chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp do đại hội XXIV đã đề ra đều không đạt được 100%. Cây màu chưa được quan tâm đúng mức. Sản xuất nông nghiệp đang trong tình trạng độc canh, lao động tập trung vào trồng trọt là chủ yếu. Công tác dịch vụ và lưu thông sản xuất nông lâm nghiệp còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào sản xuất chưa đầy đủ, kịp thời.

Kết quả trồng rừng cũng đạt thấp so với chỉ tiêu đại hội XXII đề ra: 908 ha/ 5000 ha. Hiệu quả giao đất giao rừng và trồng cây phân tán đạt thấp, nhất là đối với 17.000 ha giao cho tập thể [31; 309]. Hơn nữa, nạn phá rừng vẫn trầm trọng, chưa ngăn chặn có hiệu quả. Còn về cây công nghiệp ngắn ngày, cây lạc do giống xấu, thâm canh yếu nên năng suất thấp. Ớt là cây có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được mở rộng, chưa có biện pháp và chính sách khuyến khích để mở rộng chè công nghiệp.

Chăn nuôi trâu bò chưa mang tính chất hàng hóa, việc lai tạo để tăng chất lượng đàn gia súc tiến hành chậm.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa đồng đều và chưa đổi mới, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản, ngành nghề chưa được mở rộng.

Lưu thông phân phối còn nhiều bất cập, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu. Phương hướng kinh doanh còn cứng nhắc, tinh thần phục vụ còn yếu, hoạt động tiêu cực trong kinh doanh chưa được ngăn chặn. Xây dựng ngân sách chưa tốt, bội chi ngân sách và tiền mặt còn lớn. Việc chỉ đạo mua công trái chưa tích cực, không hoàn thành chỉ tiêu. Việc cung ứng vật tư, tiền vốn cho sản xuất và đời sống còn nhiều tiêu cực, phiền hà.

Nhìn lại chặng đường 5 năm đổi mới chưa phải là dài, bên cạnh những thành tựu mà huyện Thanh Chương đạt được thì còn mắc phải những hạn chế thiếu sót. Chính điều này đã thôi thúc lãnh đạo các cấp, ban ngành cùng nhân dân phấn đấu để đưa huyện nhà ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu Những chuyển biến của kinh tế thanh chương trong giai đoạn 1986 2010 luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 35 - 37)