Tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới. Các ngành nghề truyền thống được duy trì, mở rộng như sản xuất vật liệu xây dựng, công cụ cầm tay, mộc dân dụng, mộc cao cấp, cơ khí xây dựng, đan lát mây tre, chế biến nông sản. Đã hình thành được các làng nghề truyền thống: Nghề làm chổi ở xã Thanh Lĩnh, làm bánh ở xã Thanh Tường, làm nón ở xã Đồng Văn…
Thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” vừa chú trọng huy động sức dân vừa tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước để đẩy mạnh tốc độ xây dựng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm 1991 - 1995 đạt 57,2 tỉ đồng trong đó nhân dân đóng góp 50%. Toàn huyện đã đào đắp trên 1 triêu m3 đất đá làm mới cầu cống, sửa chữa nâng cấp 120 km đường huyện và trên 1.000 km đường liên xã, các công trình thủy lợi, điện và nhiều công trình phúc lợi như: Bệnh viện, trạm xã, trường học, trụ sở nhà văn hóa, hệ thống thông tin đã hòa vào mạng lưới quốc gia. Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 1992 huyện đã xây dựng đài truyền thanh, truyền hình, sáp nhập nhà văn hóa, rạp Thanh Chương, hiệu sách thành trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao [32; 330].
Điều đặc biệt trong giai đoạn này đó là sự kiện ngày 1/ 9/ 1992 huyện đã khánh thành cầu Dùng, đưa vào sử dụng tạo nên một sự chuyển biến lớn, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cả hai vùng tả - hữu ngạn sông Lam. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, của cán bộ, Đảng viên và nhân dân toàn huyện với sự
đầu tư thích đáng của Nhà nước. Trong thực tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “nhân dân làm trước, Nhà nước hỗ trợ sau”, Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương đã phấn đấu suốt 3 năm trời, tích góp vốn từ làm cây công nghiệp xuất khẩu như ớt, lạc… Huyện ủy đã khai thác xuất khẩu lạc nhân, nhập 32 tấn thép cáp mã kẽm (phi 57) của Nhật Bản để làm cầu treo Dùng. Hiện nay cầu treo Dùng đang được sử dụng và phát huy vai trò tác dụng, làm cho sự trao đổi buôn bán của cư dân hai bên dòng sông Lam trở nên thuận lợi hơn.
Các hoạt động dịch vụ, thương mại, chợ nông thôn được tổ chức lại, mở rộng nông thôn. Đến tháng 3/ 1996 đã có 28 chợ và các thị tứ với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần quan trọng làm cho nền kinh tế sống động phát triển không ngừng.
Giá trị tổng sản phẩm xã hội bình quân 5 năm là 54.147 triệu đồng (theo giá cố định 1989). Tốc độ tăng hàng năm đạt 6,61%, trong đó trồng trọt chiếm tỉ trọng 61,9%, chăn nuôi 21,4%, sản xuất lâm nghiệp 4%, thủ công nghiệp và dịch vụ 12,7% [6; 2].