Kinh tế Thanh Chương giai đoạn 1991

Một phần của tài liệu Những chuyển biến của kinh tế thanh chương trong giai đoạn 1986 2010 luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 37 - 40)

Sau gần 5 năm được sự cổ vũ mạnh mẽ của công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, nhân dân Thanh Chương đã phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước đưa công cuộc đổi mới vào cuộc sống và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên bước vào thập niên 90 của thế kỉ XX nhân dân Thanh Chương cũng như nhân dân các vùng khác phải chịu những biến động sâu sắc của tình hình thế giới và trong nước.

Tình hình quốc tế: Về chính trị, sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch tăng cường việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, kích động việc thực hiện đa nguyên chính trị, đa Đảng nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, truyền bá tư tưởng văn hóa đồi trụy, độc hại, đưa lực lượng gián điệp, biệt kích vào nước ta nhằm cấu kết với bọn phản động và các phần tử xấu trong nước, tăng cường hoạt động nhằm lật đổ chế độ.

Về kinh tế, những thay đổi ở Liên Xô và Đông Âu đã gây ra cho chúng ta nhiều đảo lộn lớn và đột ngột. Về thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, về nhiều chương trình hợp tác kinh tế và nhiều hợp đồng về lao động. Trong thời gian ngắn, nước ta phải chuyển một phần đáng kể khối lượng buôn bán từ các thị trường truyền thống sang thị trường mới, chịu những tác động mới về biến động cung - cầu và giá cả của thị trường thế giới. Nguồn vay bên ngoài giảm mạnh, sự ưu đãi về giá chấm dứt.

Song chúng ta cũng có những điều kiện thuận lợi mới. Quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta ngày càng được mở rộng, trong đó quan hệ với một số nước được cải thiện và từng bước bình thường hóa. Điều đó tạo thêm khả năng để chúng ta mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn và kĩ thuật, học hỏi kinh nghiệm của thế giới.

Ở trong nước thì trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vẫn có nhiều khó khăn bao trùm nhất là “đất nước ta vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội… Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết” [28; 50].

Trên cơ sở những kinh nghiệm đổi mới đã thu được, trong những năm tới lại được sự ủng hộ đông đảo của quần chúng nhân dân nên Đại hội lần thứ VII của Đảng đã được triệu tập tại Hà Nội (24 đến 27/ 6/ 1991). Đại hội đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện đường lối đổi mới của đại hội lần thứ VI, đề ra chủ trương, nhiệm vụ nhằm kế thừa, khắc phục những khó khăn, hạn chế mắc phải trong bước đầu đổi mới, tiếp tục đưa sự nghiệp của đất nước ta tiến lên. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH và chiến lược ổn định phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.

Đại hội đã xác định những phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm năm 1991 - 1996 với mục tiêu tổng quát: “vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay” [28; 60].

Đại hội VII của Đảng cũng đề ra mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) là: “đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, ổn định, phát triển và

nâng cao hiệu quả nền sản xuất xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân và bắt đầu có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế” [28;62].

Những mục tiêu, Nghị quyết mà Đại hội VII đưa ra đã được Đảng bộ và nhân dân tiếp thu sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXV của huyện Thanh Chương được tổ chức (3/ 1991). Đại hội đánh giá qua 5 năm đi theo đường lối đổi mới, Thanh Chương đã có một bước phát triển khá hơn về kinh tế, trình độ thâm canh được tăng lên, cơ cấu cây trồng mùa vụ có nhiều chuyển biến, sản xuất bước đầu đã mang tính hàng hóa. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát huy nhiều hiệu quả, cơ sở vật chất kĩ thuật và kết cấu hạ tầng được xây dựng nhiều. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, đời sống một bộ phận nhân dân có nhiều cải thiện, an ninh quốc phòng cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên đại bộ phận nhân dân Thanh Chương còn nghèo, mọi hoạt động kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vòng cương tỏa của tự cung, tự cấp. Văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều mặt giảm sút về chất lượng. Trên cơ sở đó, đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kì tới là: “quán triệt sâu sắc đường lối của đại hội VII, nhất là những quan điểm mới về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu kinh tế nông - lâm - công nghiệp đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng kinh tế trung du nhất là vùng hữu ngạn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nhiều thành phần, kinh tế gia đình, tập trung thâm canh toàn diện trong nông nghiệp, đẩy mạnh việc mở mang ngành nghề để tạo sự phân công lao động hợp lí, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, phát triển sản xuất tiểu - thủ công nghiệp, đẩy mạnh kế hoạch hóa dân số và phân bố lại dân cư kết hợp với xây dựng nông thôn mới, vùng kinh tế mới, ổn định và nâng dần đời sống của nhân dân, tăng nhanh hộ làm ăn giỏi, giảm hộ khó khăn, thực hiện tốt các chính sách xã hội, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước” [5; 2].

Đặc biệt đại hội lần thứ XXV của Đảng bộ Thanh Chương đã đề ra những mục tiêu kinh tế - xã hội cho đến năm 1995 như sau:

Đến năm 1995 đạt 55.000 - 57.000 tấn lương thực (trong đó có 40.000 tấn thóc, 15.000 - 17.000 tấn màu quy thóc).

Ổn định diện tích 2.200 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Mỗi năm trồng mới 100 - 150 ha chè công nghiệp.

Đến năm 1995 có đàn trâu bò 49.000 con, đàn lợn từ 57.000 con đến 60.000 con, trọng lượng xuất chuồng bình quân 80 kg/ con.

Mỗi năm khoanh nuôi và trồng mới 1.000 ha rừng (trong đó trồng mới 300 - 500 ha, cả tập thể và gia đình).

Đến năm 1995 đạt 3 tỷ đồng giá trị sản lượng công nghiệp và tiểu - thủ công nghiệp (theo giá 1991).

Tăng hộ làm ăn khá từ 11% lên 25%, giảm hộ khó khăn từ 22% xuống 10%. Hạ tỉ lệ phát triển dân số xuống 1,9%.

Xây dựng vùng kinh tế mới Ngọc Lâm với 3.000 lao động và 5.000 nhân khẩu.

Phấn đấu có 70% Đảng bộ, chi bộ Đảng vững mạnh, xóa bỏ cơ sở yếu kém, Đảng viên phấn đấu đủ tư cách [32; 325].

Mặc dù còn nhiều khó khăn do thiên tai lụt lội, thời tiết diễn biến thất thường, cơ sở vật chất kĩ thuật còn hạn chế nhưng nhân dân Thanh Chương đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu mà đại hội Đảng bộ lần thứ XXV đề ra.

Một phần của tài liệu Những chuyển biến của kinh tế thanh chương trong giai đoạn 1986 2010 luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w