Nhân vật trào phúng trong truyện ngắn của Azit Nexin là một vấn đề tương đối lớn, bao gồm nhiều phương diện cần khảo sát, có thể là đề tài nghiên cứu của một luận văn thạc sĩ. Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi chỉ tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trào phúng như một phương tiện gây cười gắn với mâu thuẫn mang tính hài kịch.
Nhân vật là "yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề và tư tưởng chủ đề, đến lượt mình nó được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa. Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học" [59; 109].
Đặc điểm chung của kết cấu truyện ngắn trào phúng là ở cách thức tổ chức các hệ thống: tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian, không gian, tổ chức các thành phần cốt truyện sao cho ngắn gọn, chặt chẽ. Trong truyện ngắn trào phúng nhà văn chỉ đề cập đến những mảnh đời, những nét tính cách, những khoảng khắc thời gian xuất hiện trong cuộc đời nhân vật. “Đó là những mảnh đời đáng cười, tính cách đáng cười, khoảng khắc đáng cười của nhân vật [76, 109].
Trong truyện ngắn của Azit Nexin, thế giới nhân vật xuất hiện đa dạng phong phú với những thói hư tật xấu, những điều phi lý đáng cười, đáng phê phán. Một hiện tượng đáng cười trước hết phải hàm chứa trong nó một tình trạng mâu thuẫn mang tính hài kịch nhằm tạo ra tiếng cười. Chính loại mâu thuẫn này xác định phẩm chất hài kịch của đối tượng bị cười nhạo, phê phán. Mâu thuẫn trong đối tượng trào phúng là mâu thuẫn giữa cái trống rỗng, sự vô nghĩa, bản chất tồi tệ, xấu xa bên trong nhưng lại được che đậy dưới một bề ngoài, có tham vọng, tự gắn cho nó một nội dung tốt đẹp, cao cả. Mâu thuẫn hài kịch chủ yếu này có nhiều biến thái, biểu hiện cụ thể như mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, mâu thuẫn giữa bản chất nghèo nàn và mặt biểu hiện của bản chất, mâu
thuẫn giữa nguyên nhân và kết quả, giữa nhận thức chủ quan và thực tại ... Mỗi một đối tượng thường mang trong nó những dạng mâu thuẫn khác nhau.
Trong truyện ngắn trào phúng của mình, Azit Nexin đã xây dựng hệ thống nhận vật trào phúng gắn với các dạng mâu thuẫn mang tính hài kịch chủ yếu sau:
- Mâu thuẫn giữa bản chất bên trong và biểu hiện bề ngoài của nó. -Mâu thuẫn giữa hành động và lời nói.
-Mâu thuẫn giữa nhận thức chủ quan và thực tế khách quan.
3.1.1. Nhân vật với mâu thuẫn giữa bản chất thật xấu xa với biển
hiện bề ngoài
Trong trường hợp này mâu thuẫn mang tính hài kịch nằm ngay trong bản thân đối tượng, đó là mâu thuẫn giữa bản chất thật và mặt biểu hiện bề ngoài của nó.
Bản chất thật ở đây thường là cái xấu, cái lỗi thời, cái kệch cỡm, quái gở… nhưng lại được che đậy bởi những biểu hiện bề ngoài là tốt đẹp, là chân chính, cao cả, tiến bộ… Đây là một trong những mâu thuẫn hài kịch chủ yếu, khá phổ biến trong nhiều truyện ngắn trào phúng của Azit Nexin. Ở những nhân vật hàm chứa trong chúng mâu thuẫn hài kịch chủ yếu này ta bắt gặp trong một số truyện như: Miếng tây sắt rỉ trong quốc khố, Chiếc chìa khóa, Cậu cho bao nhiêu cũng được, Nhà tiên tri Isut và hai ngời, Đừng bắt trẻ em khóc, Hội nghị phụ huynh.
Trong Hội nghị phụ huynh {2 ; 611}, các ông bố, bà mẹ tranh nhau phát
biểu rất hăng say và rất hay về bổn phận, trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái. Bề ngoài, họ tỏ ra là những người hết lòng vì con cái, vì thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Nhưng thực chất bên trong họ là những kẻ vô tâm, thiếu trách nhiệm. Có phụ huynh không biết con mình, cháu mình học ở trường, lớp nào nữa-"... thì ra cháu gái tôi học ở trường
đây”. Có vị phụ huynh đến họp vì tưởng đây là buổi tổ chức dạ hội. Một vị khác nghĩ cách làm thế nào chuồn ra được khỏi đây vì bị nhầm lẫn, ngồi họp phụ huynh học sinh mà tưởng đang họp công đoàn- “suýt nữa thì đứng
lên phát biểu về tự do bãi công thì rõ chán mớ đời” .Có phụ huynh con xin
tiền cũng không rõ lí do vì "hết ngày này sang tháng khác cô con gái tôi xin tiền chẳng biết để làm gì". Đến lúc đi họp phụ huynh mới biết rằng con gái bà “từ sau kỳ nghỉ hè chỉ đi học có một buổi thôi, còn sau đấy không thấy đến trường nữa. Chẳng hiểu nó lang bạt ở đâu? Tôi với bố nó đã li dị nhau. Cháu nó sống với ông ấy" [2; 613].
Trong truyện Chiếc chìa khoa [2; 221], những biểu hiện bề ngoài, hành
động, cử chỉ, phong thái, lời nói của nhân vật cô gái quán bar Alix mâu thuẫn hoàn toàn với bản chất thật sa đọa, gian dối bên trong. Bề ngoài, đó là một thiếu nữ hấp dẫn, đáng yêu, không uống rượu, cũng không mồi chài khách uống rượu, tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc, nói năng lịch thiệp, dịu dàng, có một trái tim nhân hậu. Những đến cuối tác phẩm, bản chất bên trong sa đoạ, lưu manh được phát lộ đột ngột khi có muời lăm, hai mươi anh chàng cùng lăm lăm cầm chìa khoá đến trước căn hộ của cô.
Azit Nexin đã xây dựng một loạt những nhân vật trào phúng gắn với mâu thuẫn giữa bản chất tồi tệ, quái gở bên trong với những biểu hiện bề ngoài trái ngựơc. Khi mâu thuẫn bị bóc trần, nhân vật hiện lên thật lố bịch, đáng cười, bị phủ nhận quyết liệt.