TRONG TRUYỆN NGẮN TRÀO PHÚNG CỦA AZIT NEXIN 2.1 Vài nét về đối tượng cười nhạo

Một phần của tài liệu Tiếng cười trong truyện ngắn trào phúng của azit nexin luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 36 - 40)

2.1. Vài nét về đối tượng cười nhạo

Có thể nói, đối tượng cười nhạo trong tuyện ngắn trào phúng chính là cái hài trong đời sống xã hội được phản ánh vào trong tác phẩm văn học. Phạm vi thể hiện cái hài trong cuộc sống khá rộng. Nó có thể có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cái hài là một phạm trù mỹ học mang tính khách thể, đó là tính trống rỗng và tính hoàn toàn vô nghĩa bên trong nhưng lại được che đậy dưới một lớp bề ngoài có tham vọng tự gắn ghép cho nó một nội dung, một ý nghĩa có thật, cụ thể đó là những cái sai (về mặt nhận thức lô gích), những cái xấu (về mặt đạo đức), những cái không đẹp (về mặt thẩm mỹ), những cái lỗi thời lạc hậu (về mặt thời gian).

Cái hài thường gắn với tiếng cười. Nếu cái hài là hiện tượng khách quan thì tiếng cười là phản ứng chủ quan trước khách thể đó. Cái hài là khách thể thẩm mỹ thì tiếng cười là chủ thể thẩm mỹ. Cũng như cái hài, tiếng cười – kết quả sự tác động của cái hài khách quan đến chủ thể – cũng có nhiều cung bậc, nhiều sắc thái khác nhau. Tiếng cười trong văn học trào phúng là một vũ khí hùng mạnh. Đối tượng mà văn học hướng tới là con người. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của mình, việc xác định đối tượng cười nhạo trong văn học trào phúng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Nhà văn châm biếm người Nga Xatưcop - Sedrin có nói: "Muốn cho văn học châm biếm thực sự trở thành văn châm biếm và đạt được mục đích của nó thì ... nó phải hoàn toàn nhận thức được một cách rõ ràng đối tượng mà mình chỉa mũi nhọn vào" [64; 199]. Không xác định được chính xác đối tượng trào phúng, tiếng cười rất dễ trở nên lạc điệu. Gô gôn đã từng nói:

"Nghệ thuật chân chính không dạy người ta cái mũi bị vẹo mà dạy người ta cười một tâm hồn lệch lạc" [7; 141]. Bởi, "xét đến cùng, bất kỳ nền văn nghệ nào cũng hình thành trên một cơ sở hiện thực nhất định. Bất kỳ một nghệ sỹ nào cũng thoát thai từ một môi trường sống nào đó. Bất kỳ một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống" [55 ; 63]. Nghệ thuật trào phúng, bằng cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt, hướng đòn đánh vào những cái xấu, nhưng không phải bất kỳ cái xấu nào cũng là đối tượng của văn học trào phúng. Đó phải là những cái xấu, cái tiêu cực về đạo đức, nhân cách, về lối sống, những cái không phù hợp với hoàn cảnh bình thường xung quanh, lại được che đậy dưới một vỏ bọc tưởng là tốt đẹp, có ý nghĩa.Cái hài bao giờ cũng là kết quả của sự mâu thuẫn, đối lập, sự không tương xứng, không hài hoà giữa thực chất bên trong với vẻ bề ngoài mà hiện tượng ấy muốn có hoặc giả vừa có. Tiếng cười bật ra khi chủ thể cười bất ngờ nhận thức được mâu thuẫn đó chứa đựng trong đối tượng, hay nói cách khác là nhận thức được bản chất của đối tượng.

Có thể khảo sát đối tượng của tiếng cười trào phúng từ nhiêù góc độ khác nhau, tuỳ thuộc vào mục đích khám phá của người nghiên cứu.

Trong luận văn này, chúng tôi xem xét đối tượng cười nhạo trong truyện ngắn trào phúng của Azit Nexin từ góc độ các thói xấu xã hội bị phê phán bằng tiếng cười. Tiếng cười hướng đòn đánh vào các thói xấu trong phạm vi rất rộng. Đối tượng cười nhạo trong truyện ngắn trào phúng của Azit Nexin hết sức đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều loại người, không phân biệt giai cấp, giai tầng. Đó chủ yếu là các thói xấu xã hội nói chung, các trạng thái phi lý của con người. Con người trong đó là con người tha hóa, sống và hoạt động hầu như phi nhân tính.

Xét đối tượng cười nhạo từ góc độ các thói xấu xã hội, chúng tôi thấy xuất hiện các biểu hiện sau:

2.2. Quan liêu, vô trách nhiệm, tàn nhẫn

Một trong những đối tượng cười nhạo chủ yếu trong nhiều truyện ngắn trào phúng mà Azit Nexin đề cập đến là những kẻ quan liêu, vô trách nhiệm, tàn nhẫn. Nhà văn đả kích, châm biếm cay độc các loại quan liêu, vô trách nhiệm, vô lương tâm trong những truyện ngắn tiêu biểu như

Không phải việc của tôi, Ngài bò đực và ngài ác mét, Quê hương đất nước muôn năm, Không cầm được nước mắt, Thanh tra sẽ đến, Hội nghị phụ huynh, Cấm, ...

Trong truyện Không phải việc của tôi [2; 281], tác giả phê phán bằng tiếng cười thái độ vô trách nhiệm của giới công chức cảnh sát. Một người đàn ông không quen biết nạn nhân, kêu cứu cảnh sát vì có vụ giết người. Các loại cảnh sát đều đùn đẩy trách nhiệm cho rằng không phải việc của họ. Người đàn ông hét to lên giữa quãng trường: "Ôi trời đất ơi, sao lại tồi tệ thế này". Các loại cảnh sát xúm lại, thổi còi bắt ông ta về đồn. Viên cảnh sát tòa thị chính đi qua, nói về nạn nhân đang thoi thóp trên vũng máu: "Rõ khiếp! bao nhiêu là máu! hãy nằm chờ đấy, lúc quay về phải phạt hắn làm bẩn đường phố". Sự thờ ơ lãnh cảm của các loại cảnh sát thông qua hành động và lời nói đã chứng tỏ họ thật nhẫn tâm. Azit Nexin đã phanh phui thái độ đùn đẩy trách nhiêm của cả một tập thể cảnh sát, không phải một cá nhân.Vô trách nhiệm thực chất là thái độ đối xử tàn nhẫn, mất nhân tính đối với con người của bộ máy cảnh sát.

Tiếng cười trong Quê hương đất nước muôn năm [2; 35]. Truyện hướng tới phê phán thói quan liêu, máy móc, hình thức của giới công chức, thực chất là thái độ vô trách nhiệm đối với con người. Nhân vật "Tôi" lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, bi hài kịch. Một loạt những điều phi lý, quái dỡ do bệnh quan liêu gây ra. Theo hồ sơ giấy tờ: đã chết, nên không được cấp giấy khai sinh để nhập học trường công lập; đi lính chết trận khi mới được bốn tuổi; cha sinh sau con một năm; con sinh trước mẹ đẻ tám năm.

Tệ nạn quan liêu máy móc, giấy tờ hình thức đã đày đọa nhân vật "Tôi" cả một đời người. Khi muốn đi học trường công lập, người ta bảo đã chết, để bắt đi lính, người ta bảo còn sống, đến lúc được giải ngủ lại thành người chết, khi phải trả nợ được hồi sinh, nói đến quyền thừa kế thì không còn tồn tại trên đời, nhưng khi cần bỏ tù thì bổng được sống lại, con người sống trong xã hội ấy thật vô lý. Tác phẩm kết thúc bằng một câu nói đầy mỉa mai, châm biếm: "Quê hương đất nước muôn năm. Còn chúng ta, chúng ta không tồn tại cũng chẳng sao".

Truyện Ngài bò đực và ngài Acmét [2; 471] đã kích loại người vô lương tâm. Acmét một thương gia buôn bán lúa mì nổi tiếng, không cho con mua giày mới {giày kém chất lượng, hai tháng mất một đôi}. Hai mẹ con chất vấn người buôn dày , người này đổ lỗi cho thợ đóng dày, thợ đóng dày đổ lỗi cho chủ buôn da, chủ buôn da đổ lỗi cho nhà sản xuất da, nhà sản xuất da đổ lỗi cho chủ buôn nguyên liệu thô, chủ buôn nguyên liệu thô đổ lỗi cho chủ chăn gia súc, chủ chăn nuôi chất vấn bò đực, bò đực trả lời: tất cả do ông chủ cho ăn lúa mạch một nửa là cát, rơm mục mốc meo. Chủ chăn nuôi thanh minh: Tôi phải mua rơm đại mạch của ông Acmét. Bị chất vấn, Acmét thản nhiên trả lời : "Chúng ta không ai có lỗi cả. Thời gian đã đổi khác. Con người ta không còn chút nào lương tâm và danh dự" [2; 475].

Azit Nexin châm biếm sâu cay bộ máy hành chính máy móc, quan liêu trong truyện Cần phải ho lao [2 ; 215]. Cặp uyên ương vừa cưới nhau, cần mua than để sưởi ấm. Cưới nhau xong, điều đầu tiên phải làm là dự trữ than cho mùa đông, nhưng họ đã vấp phải bức tường đá của bộ máy hành chính quan liêu, máy móc. Đến mua than, người ta thông báo bị bệnh tê thấp mới được mua than. Có giấy xác nhận mẹ vợ bị tê thấp, vẫn không được chấp nhận, yêu cầu giấy xác nhận phải do hội đồng y khoa cấp thì mới hợp pháp. Họ phải mất một tháng sau mới lấy được giấy xác nhận. Có được giấy xác

nhận bị bệnh tê thấp hợp pháp, người ta lại không bán cho người bị bệnh tê thấp, vì than ít, phải ho lao mới được mua than. Tác giả kết thúc tác phẩm bằng một câu mỉa mai cay đắng: “Biết đâu khi bị ho lao thì họ lại nói: Muốn mua than thì phải chết trước đã. Chỉ bán than để đun nước rửa thi hài ...

Đối tượng cười nhạo trong truyện Không cầm được nước mắt

[2; 44], là thói hình thức chủ nghĩa. Giám thị mới đến nhận chức liền chia tách tù nhân nhí giam riêng để khắc phục tình trạng giam chung lộn xộn. Y cho một thầy giáo bị kết án sáu năm tù về một tội rất kinh khủng đến giáo dục tù nhân trẻ em hát hành khúc: "Tổ quốc ơi! Hãy gạt khô dòng nước mắt, bởi chúng con đã trưởng thành! ... ". Anh ta dồn hết tâm huyết, nghị lực để "dạy dỗ" bọn trẻ thành những con nghiện ma túy. Chào đón bộ trưởng, để khoe thành tích, giám thị cho tập hợp bọn tù nhân nhí hát hành khúc "Tổ quốc ơi …". Chúng không hát, chỉ khi đưa hêrôin đến (người chạy lao đến đầu tiên là vị giáo viên), cả bọn mới chịu hát một cách đầy phấn kích. Thế mà vị bộ trưởng cảm động "không cầm được nước mắt" chúc mừng thầy giáo, cử thầy đến trại khác dạy dỗ, tin tưởng thầy sẽ giáo dục được những đứa trẻ ở trại mới thành những cậu bé như ở đây. Các vị quan chức nhà nước chỉ chú ý đến hình thức bề ngoài, không hề quan tâm đến nội dung, hiệu quả giáo dục của trại giam. Azit Nexin phê phán tệ quan liêu, làm người đọc liên tưởng đến một nền giáo dục đang ngày càng xuống cấp do thói hình thức chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Tiếng cười trong truyện ngắn trào phúng của azit nexin luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w