Đặc điểm của hoạt động dạy học trong các trườngTHCS

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 10, thành phố hồ chí minh (Trang 28 - 30)

Trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta đến năm 2020, giáo dục phổ thông trong đó có cấp THCS được định hướng phát triển như sau:

- Thực hiện giáo dục toàn diện: đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, lao động kỹ thuật ở tất cả các bậc học phổ thông, trong đó có bậc học THCS hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành.

- Ở các thành phố, đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm và những nơi có điều kiện cần phải thực hiện phổ cập THCS. (Tính chung cả nước có khoảng 60% trẻ em ở độ tuổi 11 - 15 là học sinh THCS).

- Mở rộng và nâng cao chất lượng dạy kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, ngoại ngữ, tin học ở trường THCS. Nâng cao năng lực tự học và thực hành cho học sinh.

Luật Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác định hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm những cấp và bậc học cụ thể được cấu trúc với nhau một cách liên thông và được thực hiện một cách mềm dẻo bởi các phương thức và loại hình trường khác nhau. Cấp THCS là cấp học thuộc bậc trung học trong hệ thống giáo dục của nước ta. Đây là cấp học đóng vai trò trung gian giữa bậc tiểu học và cấp trung học phổ thông - một cấp học mà từ đây tất cả các học sinh hoặc sẽ tiếp tục học lên cao hoặc sẽ trực tiếp bước vào cuộc sống lao động. Vì lẽ đó, đây là một cấp học có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi học sinh phổ thông.

Theo tinh thần của Luật Giáo dục, mục tiêu và đặc điểm của cấp THCS được xác định như sau:

* Hoạt động dạy học ở bậc THCS góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục trung học. Cụ thể là:

+ Giúp học sinh hình thành được cơ sở học vấn phổ thông. Từ đó mà hình thành cho thanh thiếu niên trong độ tuổi có một trình độ văn hóa phổ thông của dân tộc.

+ Chuẩn bị cho một bộ phận học sinh sau khi ra trường trực tiếp tham gia lao động và học nghề kỹ thuật theo những con đường khác nhau.

+ Đảm bảo cho học sinh những điều kiện thuận lợi vào học các trường THPT phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.

* Hoạt động dạy học ở bậc THCS tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu cơ sở của những khoa học với sự phong phú và đa dạng của các bộ môn, với khối lượng nội dung lớn hơn, phức tạp hơn, sâu hơn ở hệ thống bậc tiểu học.

Các thành phần của nội dung dạy học ở trường THCS được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, đảm bảo mối quan hệ giáo dục phổ thông, giáo dục kỹ thuật tổng hợp, giáo dục hướng nghiệp và tăng cường giáo dục nhân văn chuẩn bị cho học sinh THCS trở thành người công dân, người lao động năng động, sáng tạo, tham gia tích cực vào các hoạt động trong xã hội đang không ngừng đổi mới và phát triển.

* Hoạt động dạy học theo từng môn học được sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của giáo viên bộ môn tương ứng. Nhờ vậy, học sinh được tiếp xúc, giao lưu và cùng tham gia hoạt động với nhiều giáo viên, với những cách dạy, những phong cách giao tiếp khác nhau. Điều đó góp phần mở rộng nhãn quan, tầm hiểu biết của học sinh.

* Lứa tuổi học sinh THCS là lứa tuổi thiếu niên. Đó là lứa tuổi có chuyển biến đột ngột, độc đáo từ tình trạng trẻ em sang tình trạng người lớn. Điều này có liên quan đến việc xây dựng lại một cách cơ bản các quá trình, các hoạt động tâm lý của học sinh. Vì vậy, đòi hỏi những biến đổi có tính chất quyết định trong các hình thức quan hệ qua lại, trong cách tổ chức hoạt động, trong sự lãnh đạo mọi mặt của người lớn, trong đó đặc biệt là của giáo viên. Do đó, nếu áp dụng những hình thức, phương pháp dạy học ở bậc tiểu học đối với lứa tuổi thiếu niên ở bậc học THCS sẽ dẫn đến việc trẻ phản kháng, chống đối lại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 10, thành phố hồ chí minh (Trang 28 - 30)