Vận dụng “kĩ thuật” trần thuật của văn chương hiện đạ

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 117 - 120)

Trong nghệ thuật trần thuật, ngoài ngôi, vai trần thuật, giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật như đã nói, Lý Lan còn vận dụng “kĩ thuật” trần thuật của văn chương hiện đại. “Kĩ thuật” trần thuật của văn chương hiện đại không phải là một khái niệm có tính khúc chiết, chặt chẽ. Thông thường nó được hiểu là vận dụng các kĩ thuật của hội hoạ, điện ảnh, nhiếp ảnh… làm phương tiện cơ bản để tường thuật trong văn chương.

Lý Lan, khách quan mà nói, không phải là tác giả vận dụng nhiều kĩ thuật trần thuật của văn chương hiện đại. Trong tác phẩm của Lý Lan, kĩ thuật trần thuật của văn chương hiện đại chỉ đan xen trong các kiểu trần thuật truyền thống cơ bản. Đó là các kĩ thuật vận dụng lối kể chuyện trinh thám, kiểu trần thuật cắt dán.

Lối kể chuyện trinh thám có đặc điểm là tạo dựng một câu chuyện trong đó có nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn, lối kể chuyện gần với phóng sự điện ảnh, câu chuyện trong tác phẩm thường gây cho độc giả nhiều cảm xúc, đặc biệt là sự chờ đợi, hồi hộp. Cũng vì những đặc điểm đó mà đã từ lâu, nhắc đến truyện trinh thám người ta thường nhắc đến thám tử Sherlock Holmes như một định danh không bàn cãi. Đối với tác phẩm Lý Lan, tính chất của truyện trinh thám thể hiện ở việc tác giả tạo những xung đột, mâu thuẫn, những cuộc truy tìm và gặp nhiều thử thách của nhân vật. Nhưng tất cả đã được nhân vật

vượt qua một cách ngoạn mục. Trong Tiểu thuyết đàn bà, nhà văn đã tạo nhiều tình tiết ly kỳ, chẳng hạn như tình tiết, những người con cậu Hai chất vấn, dò hỏi, hăm doạ đối với Thoa, trong khi Thoa thách thức chúng. Đến đoạn Thoa trở về nhà nghe người khác bảo là nhà có trộm, Thoa nghĩ là chúng nó (những người con cậu Hai) đã hành động trước khi đưa tang cha mình (trộm cái phong bì bí mật mà cậu Hai gửi cho Thoa). Kết cục, người bị hiểu nhầm là trộm ấy là Liễu. Tất nhiên, cũng như thể loại trinh thám nói chung, âm hưởng trinh thám trong tác phẩm của Lý Lan có đan xen với tính chất giả tưởng. Tính chất giả tưởng vừa tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm, vừa thể hiện tính năng động của thể loại này. Trong Tiểu thuyết đàn bà, tính chất giả tưởng được nhà văn tạo dựng chủ yếu tập trung ở sự tưởng tượng của Thoa về người đàn bà Mọi. Người đàn bà Mọi ở đây hồn nhiên như thế giới thời kỳ khởi thuỷ, nó vừa hoang dại, bặm trợn, vừa quyến rũ. Nó thôi thúc, mời gọi người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời nó. Những đoạn văn miêu tả như vậy đã tạo sức hấp và sự hồi hộp riêng cho người đọc, làm cho người đọc phải đứng trong tâm lí chờ đợi. Kết quả là với hành động vừa tìm kiếm, vừa quyến rũ người đàn ông, người đàn bà cuối cùng đã cùng chung xác thịt với người đàn ông ngay bên hốc đá, để rồi sinh ra những người đàn bà “Mọi” thế hệ con. Những sự lồng ghép giữa trinh thám và giả tưởng đã tạo cho tác phẩm sức hấp hẫn, hồi hộp, có khi là sự hài hước, thích thú. Nhưng, tất cả đều nhằm phục vụ cho hành trình tìm kiếm những gì đã mất của các thế hệ đàn bà, là những chất vấn trước thực tại an bài đối với những người đàn bà trong dòng tộc của Thoa. Đó là một hành trình đầy gian khổ (tương thích với tính hồi hộp, những thử thách mà nhân vật thường trải qua trong truyện trinh thám), nhưng là tất yếu.

Bên cạnh kĩ thuật của văn chương trinh thám, kết hợp với giả tưởng, đây đó, Lý Lan còn sử dụng lối cắt dán. Đó là các trường hợp nhà văn đi vào giấc mơ của nhân vật, để cho nhân vật phân thân, vừa đánh rơi thực tại, vừa

đắm chìm vào thế giới tưởng tượng, trong khi những điều đó được miêu tả đan lồng vào nhau. Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà trong một vài tình huống cụ thể đã được nhà văn sử dụng kĩ thuật này để khắc hoạ. Nhờ vậy mà một mặt, nỗi đau, sự ám ảnh về quá khứ của Thoa hiện lên rõ nét, mặt khác, cho thấy hiện tình của Thoa, đó là trạng thái “tâm bất tại”, vừa đi kiếm quá khứ, vừa không hoà nhập được với hiện tại “với đám đông, Thoa cảm thấy xa lạ”.

Như chúng tôi đã nói, kĩ thuật trần thuật của văn chương hiện đại không được Lý Lan vận dụng nhiều, chỉ thi thoảng xen lẫn vào đây đó một vài trường hợp. Về cơ bản, theo chúng tôi, đó là do nhà văn muốn bản sắc hoá, dân tộc hoá những yếu tố tiếp nhận từ bên ngoài. Lý Lan chịu ảnh hưởng của tư tưởng và văn phong của bên ngoài khá rõ, nhưng khi thể hiện trong văn chương thì tác giả lại điều phối, xử lí, khiến cho những sự tiếp nhận ấy trở nên không hoàn toàn.

Như vậy, ở chương 3, chúng tôi đã tiến hành phân tích biểu hiện nữ quyền trong tác phẩm Lý Lan trên phương diện nghệ thuật với các bình diện chính: những tìm tòi cách tân về thể loại, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật trần thuật. Các bình diện này một mặt khẳng định đặc điểm thuần tuý hình thức của nó, mặt khác phục vụ đắc lực cho cảm hứng chủ đạo - cảm hứng về nữ quyền. Đánh giá một cách chung nhất thì Lý Lan không phải là nhà văn táo bạo trong cách tân, tìm tòi những hướng tiếp cận mới, tuy nhiên, cái đáng quý ở ngòi bút này là sự kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống và hiện đại. Điều ấy khiến cho hơi thở trong văn bà vừa tươi mới, vừa đằm thắm, dung dị, lâu bền. Cảm hứng nữ quyền, vì thế, một mặt được hiện lên, nhưng một mặt lại không có tính tuyên ngôn, không đao to búa lớn, không có cảm giác lên gân như nhiều cây bút khác đã từng làm.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 117 - 120)