Vai trò trung tâm của nhân vật nữ

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 54 - 58)

2.1.2.1. Trong truyện ngắn

Trước hết phải khẳng định rằng, nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Lý Lan đa phần là nhân vật nữ. Điều này cho thấy, thế giới mà Lý Lan muốn thể hiện, thông báo là thế giới liên quan đến phụ nữ. Vậy, nhân vật trung tâm là gì? Có thể hình dung nhân vật trung tâm là nhân vật thể hiện tư tưởng của tác phẩm, thường có mối quan hệ quan trọng với các nhân vật khác, trong đó mỗi mối quan hệ làm hé lộ một nét bản chất của nhân vật. Do đặc điểm của các thể loại khác nhau nên nhân vật trung tâm trong đó cũng khác nhau.

Truyện ngắn, theo cái hình dung chung, là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, câu chuyện được kể trong truyện thường “diễn ra trong một không gian hạn chế” [26, 370] để “nhận ra một điều gì đó sâu sắc ở cuộc đời” [26, 371]. Nói như Tô Hoài, truyện ngắn là “cách cưa lấy một khúc của đời sống”[70, 8], Chế Lan Viên thì nói hình tượng hơn: “mỗi truyện ngắn là một chương của cả đời văn tác giả”. Chính những đặc trưng của truyện ngắn đã chi phối đến đặc điểm của nhân vật, cụ thể: nhân vật thường được tập trung tái hiện trong một “khoảnh khắc” thời gian, trong một mảnh nhỏ đời sống, qua một lát cắt tâm lí. Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn trước hết là nhân vật mà nhà văn thông qua đó để thể hiện một thông điệp tư tưởng đối với cuộc đời nhưng trong một tình huống cụ thể, trong một đoản khúc đời sống nhân vật.

Đối chiếu với luận điểm trên, trong truyện ngắn Lý Lan, đa phần nhân vật trung tâm là nhân vật nữ, câu chuyện bao giờ cũng xoay quanh những “chuyện của đàn bà” (Lý Lan) nên cứ mỗi nhân vật trung tâm trong đó sẽ hé lộ một điều về “câu chuyện đàn bà”. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này thông qua một số nhân vật. Nhân vật Phượng trong Phượng, Lộc trong Rừng

đàn bà kể chuyện lại là câu chuyện đi tìm chân lí, tìm lẽ công bằng cho phụ

nữ; nhân vật tự xưng “mình” trong Dị mộng cho thấy sự hời hợt của đàn ông đối với phụ nữ (người chồng đối với người vợ)… Mà những “câu chuyện đàn bà” trong tác phẩm Lý Lan lại đều tập trung vào vấn đề nữ quyền: bản sắc các chủ thể nữ, các nhu cầu và khát vọng của người nữ, đòi bình đẳng, lên án áp lực của văn hoá nam quyền …Từ đó, ta có thể thấy, mỗi nhân vật đóng vai trò chuyển tải một câu chuyện, một bình diện về vấn đề nữ quyền. Đây có thể xem là vai trò lớn nhất của nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Lý Lan.

Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Lý Lan không chỉ hầu hết là nhân vật nữ, mà còn hầu hết là nhân vật trẻ tuổi. Những nhân vật trẻ tuổi này thường đặt cạnh những nhân vật nữ lớn tuổi hơn hoặc bên cạnh những nhân vật khác giới. Nhân vật nữ lớn tuổi và nhân vật nam này có khi đóng vai trò là nhân vật chính (Mẹ và con, Cô con gái, Cỏ hát…), có khi đóng vai trò là nhân vật phụ (Thanh trong Tai nạn, thầy giáo trong Người đàn bà kể chuyện, Triệu trong Ngựa ô). Đặt cạnh hai kiểu nhân vật này, nhân vật nữ trung tâm của Lý Lan đã cho thấy sự xung đột, mâu thuẫn, từ đó nhằm khẳng định bước tiến mới của ý thức về nữ quyền trong “lớp” phụ nữ mới. Những nhân vật phụ nữ lớn tuổi đa phần họ là những người của thế hệ trước. Đặc điểm cơ bản của họ là cam chịu, mang tư tưởng bảo thủ, cố chấp, chưa thật sự tôn trọng cá nhân mình (người mẹ trong Mẹ và con, Cô con gái, Ba người đàn bà), rất ít trường hợp có ý thức tự tôn bản thân, ý thức về chủ thể (Hạnh trong Cỏ hát). Còn

nhân vật nam trẻ tuổi lại là con đẻ của tư tưởng cha ông, sản phẩm của nền văn hoá áp chế, đó là Thanh trong Tai nạn sợ áp lực xã hội: “người ta coi tôi là thằng đểu”, là thầy giáo trong Người đàn bà kể chuyện vì dư luận xã hội mà quên ngay người con gái chính mình ngỏ lời yêu. Như vậy, ở đây, trong so sánh với những nhân vật nữ lớn tuổi, những nhân vật nữ trẻ tuổi đã mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trên con đường đi tìm cái “ngã”, họ mâu thuẫn, xung đột với chính lớp trước họ. trong đối sánh với nam giới, họ tỏ ra mình bằng vai phải lứa, không

chịu xếp sau, xếp thứ hai sau nam giới. Đây là điểm tiến bộ của công cuộc đấu tranh nữ quyền của nữ giới (Dĩ nhiên là trong tác phẩm của Lý Lan).

Như chúng tôi đã nói, nhân vật trung tâm trong tác phẩm ở mỗi thể loại khác nhau sẽ đóng vai trò khác nhau. Trong sáng tác Lý Lan cũng vậy. Tuy nhân vật nữ của chị đều là nhân vật trung tâm trong cả thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn nhưng trong từng thể loại, vai trò của nhân vật nữ có những biểu hiện riêng biệt, cụ thể.

2.1.2.2. Trong tiểu thuyết

Cũng như truyện ngắn, nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của đặc trưng thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết là “tác phẩm tự sự trong đó sự trần thuật tập trung vào số phận cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó. Sự trần thuật ở đây được triển khai trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt cơ cấu của nhân cách” [3, 313], “với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội … tái hiện được nhiều tính cách đa dạng” [66, 225]. Vì tiểu thuyết có những đặc trưng như vậy, trong đó nổi bật là tái hiện số phận, cuộc đời nhân vật (khác với truyện ngắn) nên nhân vật trung tâm của tiểu thuyết hiện lên với tư cách là một con người có tính cách, số phận nằm trong quá trình phát triển. Bởi vậy, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là nhân vật tái hiện thông điệp bằng cả cuộc đời. Với chủ đề cơ bản về nữ quyền, nhân vật nữ trong tiểu thuyết Lý Lan đã phản ánh ý thức nữ quyền bằng cả cuộc đời mình, với những vỉa tầng, những đặc điểm khác nhau, khác với truyện ngắn chỉ một bình diện nào đó (ví như nhân vật Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà vừa thể hiện cá tính, chủ thể, vừa thể hiện sự bình đẳng với đàn ông, lại vừa là nhân vật khơi nguồn cho ý thức nữ quyền ở nhân vật khác).

Nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết của Lý Lan là nhân vật người đàn bà trung tuổi. Người đàn bà này trở thành khâu nối giữa các thế hệ với nhau.

Từ đây có thể hình dung một mạch nguồn chảy từ quá khứ xa xăm đến thế hệ hiện tại. Trong mạch nguồn ấy, vị trí những người đàn bà hiện lên, có sự thay đổi theo thế hệ. Như vậy, vai trò của nhân vật người đàn bà trong tiểu thuyết, một mặt, vừa tiếp nối, vừa phản tỉnh và nhận thức lại về truyền thống, mặt khác, lại là người cổ vũ, thúc giục thế hệ đàn bà tiếp theo khẳng định vị thế của mình. Thoa là sản phẩm của thế hệ những người đàn bà như bà ngoại, như mẹ, xa hơn là bà tổ Mọi - những người đàn bà thầm lặng, nhẫn nhục, bé nhỏ và khuất lấp giữa thế giới đàn ông. Nhưng, Thoa lại là người phản tỉnh, không chịu an bài theo những gì một nền văn hoá để lại. Thoa đặt lại những câu hỏi về bà tổ Mọi, về bà ngoại, về chị Đen, về bản thân mình, rồi Thoa quyết liệt đối thoại, đương đầu với ông Năm, cậu Hai, các con của cậu. Cả một thế hệ đàn bà, kể cả Thoa, là một thế hệ mất mát. Khi Thoa nhận thức và ý thức được việc đòi hỏi cái giá của những mất mát đó để khẳng định sự bình đẳng với nam giới thì chị đã dần bước sang cái tuổi mà cuộc đời không thể hi vọng được gì nhiều, may thay chỉ đi tìm được một mất mát hiện hữu, một ví dụ đó là chị Đen. Bởi thế, Thoa truyền lửa cho thế hệ kế tiếp. Người đại diện đó là Không Bé. Kết thúc tác phẩm, Không Bé trở về Hoa Kỳ mang theo lời khuyên của Thoa: “Mình phải tự quyết định cho dù số phận hay thế lực này nọ luôn áp đặt hay xô lệch con đường đời của mình chọn.” Cũng không biết Không Bé liệu có hạnh phúc, có “là mình” được hay không, nhưng lời khuyên của Thoa đã tiếp cho Không Bé một nhận thức, một sức mạnh. Không Bé phải tự quyết định con đường của mình.

Qua những phân tích trên có thể thấy, nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Lý Lan đa phần là nhân vật nữ. Những nhân vật này chi phối các mối quan hệ trong tác phẩm, đóng vai trò chính trong việc triển khai cốt truyện và quan trọng hơn, nó là nơi thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm một cách tập trung và sâu sắc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: liệu có phải Lý Lan đơn giản chỉ miêu tả thế giới phụ nữ để nói về phụ nữ hay không, hay là còn

thông qua những nhân vật là nam giới? Nếu Lý Lan không thể hiện đơn giản, không tách phụ nữ khỏi những quan hệ với khác giới thì những người khác giới ở đây đã hiện lên như thế nào? Đó là những vấn đề mà phần 2.1.3 chúng tôi sẽ giải quyết.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w