Với thể loại tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 84 - 87)

Lý Lan là nhà văn có nhiều trăn trở trong mảng thể loại tiểu thuyết. Dầu tác giả cơ bản sáng tác trong thể loại truyện ngắn nhưng lại có những

đóng góp cho thể loại tiểu thuyết (so với truyện ngắn, thì có vẻ đóng góp trong tiểu thuyết là nổi bật hơn). Tác giả có hai tiểu thuyết là Lệ Mai và Tiểu

thuyết đàn bà. Thế nhưng, tất cả những đóng góp của Lý Lan gần như chỉ nằm

trong Tiểu thuyết đàn bà. Theo chúng tôi, đóng góp của Lý Lan trong thể loại tiểu thuyết chủ yếu ở hai phương diện: phương diện tiếp cận, chủ đề, tư tưởng và phương diện bút pháp, cách thể hiện.

Tiểu thuyết đàn bà trước hết là câu chuyện về chiến tranh nhưng được

thể hiện dưới góc nhìn của người phụ nữ. Đó là một cách tiếp cận ít thấy trong truyền thống. Điều này chứng tỏ sự tìm tòi, trăn trở của Lý Lan về hình tượng người phụ nữ, về đề tài chiến tranh. Đây chính là đóng góp quan trọng của Lý Lan cho mảng đề tài chiến tranh của văn học Việt Nam (qua đó khẳng định đề tài về nữ quyền, giác ngộ nhiều người cầm bút về thái độ đối với nữ giới).

Tiểu thuyết đàn bà vừa đặt dưới cái nhìn của chiến tranh, vừa đặt dưới

cái nhìn của thế giới đàn bà, tác giả đã phải vận dụng linh hoạt các kỹ thuật trần thuật, các cách thức thể hiện. Có như thế tác giả mới triển khai được tính khốc liệt của chiến tranh, đồng thời phản ánh được thế giới phức tạp của nữ giới. Chính vì thế nên dù viết về chiến tranh nhưng mở đầu tác phẩm lại là những trang văn miêu tả về “người đàn bà như trái chín toả hương”, mời mọc, quyến rũ. Điều đáng chú ý của Tiểu thuyết đàn bà là tác giả đã sử dụng đan cài hai kiểu điểm nhìn, đó là điểm nhìn hồi tưởng và điểm nhìn hiện tại. Điểm nhìn hồi tưởng là điểm nhìn thông qua nhân vật Thoa; điểm nhìn hiện tại thông qua thế giới hiện tại, nơi Thoa, Liễu, Không Bé đang sống. Một điểm nhìn cho ta hình dung về thân phận người phụ nữ trong chiến tranh; một điểm nhìn cho ta hình dung về tính phức tạp của cuộc sống. Các mảnh đời sống khác nhau được đan xen lồng vào nhau, khiến cho về mạch truyện khi được kéo giãn, khi dồn dập, khi căng thẳng, khi chậm rãi.

Ngôn ngữ trong tác phẩm có khi quyết liệt mạnh mẽ, giàu khẩu ngữ, tính tiếp nối, dồn dập; có khi dàn trải thiên về ghi chép các dòng ký ức. Với

mạch truyện vừa tiếp nối các tình tiết sự kiện, vừa đan cài các mảng cuộc sống khác nhau, câu chuyện đã trở nên một mạch liên tục cho đến dòng cuối cùng. Bởi thế, ta cảm giác, đến đó - đến điểm kết thúc, mạch suy nghĩ của tác giả dừng lại (hoặc sẽ phải chuyển sang mạch khác là triển khai hành trình đi tìm chị Đen của Thoa, hoặc hành trình về Mĩ của Không Bé), nhà văn cho kết thúc tác phẩm. Đối với người đọc, kết thúc ở đó là kết thúc “bỏ ngỏ”. Cả hai hành trình của hai nhân vật trên đều không được tác giả đưa vào tác phẩm, mà chỉ khơi gợi ở người đọc. Đây là một kết thúc mang tính hiện đại. Kết thúc mà câu chuyện vẫn có thể tiếp diễn như chính cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn ngoài cuộc đời.

Trong Tiểu thuyết đàn bà, Lý Lan cũng đã lồng ghép vào nhiều hình thức trần thuật khác nhau. Tác giả vừa áp dụng lối trần thuật truyền thống, thuần tuý ghi chép, vừa áp dụng hình thức trinh thám, hình thức giả tưởng. Vì thế mới có những đoạn văn như đoạn kể về cuộc sống gia đình giữa Không Bé và Ted (gần với ghi chép thuần tuý), đoạn ông Năm hành tung bí mật, đoạn Thoa cầm súng tiến tới căn nhà để bắn một người mà không được biết đó là ai (gần với lối trinh thám), hay những đoạn như miêu tả người đàn bà Mọi - một người đàn bà chưa thoát khỏi tình trạng mông muội (điều này chỉ có thể có được khi tác giả dùng lối giả tưởng). Gắn với mỗi hình thức trần thuật, có cảm giác tác giả gắn cho một kiểu giọng điệu. Bởi thế, đặc điểm cơ bản của giọng điệu trong Tiểu thuyết đàn bà vẫn là giọng đa thanh. Ở đó, có chất giọng bỗ bã, suồng sã, có chất giọng hài hước, giễu nhại, có chất giọng trữ tình, có chất giọng xót xa, tủi phận. Về một phương diện nào đó mà nói, các sắc thái này gần với các trạng thái tình cảm của nữ giới, đặc biệt là nữ giới có số phận như trong tác phẩm.

Tất cả những đặc điểm đó đã làm cho Tiểu thuyết đàn bà có được sự thành công ngoài mong đợi. Nó làm cho tiểu thuyết tiếp cận được với một đề tài chưa có tiền lệ trong truyền thống, mặt khác, làm cho tiểu thuyết chứng tỏ

được sức mạnh tổng hợp, thâu gộp được các đặc điểm của truyền thống và của hiện đại. Đây có thể xem là tìm tòi của Lý Lan. Nhà văn viết nên tác phẩm chủ yếu dựa trên những thành tựu đã có của truyền thống, trên cơ sở đó đan xen các yếu tố hiện đại. Vì thế, tính hiện đại và tính truyền thống hoà lẫn vào nhau, tạo nên sự sinh động, hấp dẫn, vừa thể hiện tính tự tôn, vừa thể hiện được bản sắc của người cầm bút (bởi tiếp thu truyền thống mà ăn theo truyền thống thì gần như các cây bút khác đều không tránh khỏi, đó là hội chứng “sính ngoại”, “sùng ngoại”).

Trên đây chúng tôi trình bày những tìm tòi, cách tân về thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết của Lý Lan. Với thể loại truyện ngắn, tác giả tìm tòi trên các phương diện: khung khổ thể loại, cốt truyện, lối viết, cách kết thúc; với thể loại tiểu thuyết, tác giả tìm tòi trên các phương diện: nội dung, đề tài, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ, giọng điệu. Những tìm tòi này không chỉ giúp nhà văn thể hiện những quan niệm về thể loại, về cách thể hiện trong tác phẩm mà quan trọng hơn, giúp chuyển tải cảm hứng chủ đạo - cảm hứng nữ quyền. Tất nhiên, để thành công trong việc thể hiện cảm hứng chủ đạo, những yếu tố như thể loại chỉ là những yếu tố ngoại biên, cái chính đó là cách xây dựng nhân vật.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 84 - 87)