Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, nội tâm và hành động nhân vật

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 94 - 104)

3.2.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Thông thường, trong văn học, nói đến nhân vật là người ta nghĩ ngay đến ngoại hình của nó. Bởi vì, ngoại hình là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho sự tồn tại của nhân vật. Ngoại hình là “một khái niệm nhằm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tóm lại là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật” [22, 134]. Nhưng, vẻ bề ngoài này, trong nhiều trường hợp đã trở thành một “kênh” thông tin để nhà văn cung cấp một ý tưởng nào đó về nhân vật. Nghĩa là ngoại hình thế nào, tính cách, phẩm chất thế ấy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà văn đi ngược lại. Miêu tả ngoại hình là một công đoạn quan trọng trong việc xây dựng nhân vật, thế nhưng, với mỗi thời kỳ văn học ngoại hình lại được các nhà văn quan tâm miêu tả khác nhau. Văn học cổ điển chú ý miêu tả ngoại hình nhân vật theo lối ước lệ. Văn học

lãng mạn chú ý miêu tả theo hướng lãng mạn hoá, lí tưởng hóa. Văn học hiện thực miêu tả ngoại hình theo phương pháp điển hình hoá. Văn học sau 1986, nhất là thời gian gần đây chú ý miêu tả ngoại hình theo hướng cá thể hoá. Không những thế, mỗi nhà văn khác nhau đều có cách miêu tả khác nhau về ngoại hình.

Đối với Lý Lan, có thể nói rằng, ngoại hình không phải là phương diện được nhà văn quan tâm miêu tả (có nhiều tác phẩm nhân vật không được miêu tả về ngoại hình). Có thể do chỗ nhà văn quan niệm, tái hiện đời sống nhân sinh là tái hiện những trạng thái tâm lí, những biến chuyển trong tinh thần. Đó là mẫu số chung cho nhiều con người, nhiều thế hệ người. Ngoại hình chỉ có thể là một, là cá thể. Dầu vậy, nghiêm ngặt mà nói, Lý Lan vẫn tái hiện nhân vật thông qua ngoại hình. Đành rằng, về cơ bản, nhà văn thiên về nhận định, khái quát, ít có những trường hợp miêu tả cận cảnh, tỉ mỉ: “nhân vật ở đây là một phụ nữ nội trợ, nói chung không có nét đặc sắc” (Cảm giác), “Già đâu mà già? Em vẫn đẹp như xưa.” (Lòng hồ), “vẻ mặt và dáng điệu của người đàn bà trẻ này có một sức cuốn hút, mà ngay từ cái nhìn đầu tiên anh đã chạnh lòng” (Phi trường Đài Bắc), “Tóc bồng bềnh như mây, cô gái ưa thói quen đưa tay luồn sau gáy rồi hất mái tóc tung ra khi gió nổi lên” (Một đời), “Yên lúc chưa

tới mười tuổi, thân hình nhỏ xíu” (Tháng chạp), “Bên đường, cạnh Phú, Phượng đứng đợi dưới ánh đèn khuya, lộng lẫy và huyễn hoặc như trong thần thoại” (Phượng)… Ngay cả trường hợp hình ảnh chị Xuân: “một nữ sinh trung học mang giày cao gót trắng, áo dài trắng, quần trắng, tóc dài xoã tới thắt lưng cài một bông cúc trắng…” trong Xuân thì cũng chỉ là ngoại hình hiện lên qua trí tưởng tượng của nhân vật “tôi”, chứ không phải là một sự miêu tả theo đúng nghĩa. Việc miêu tả ngoại hình thiên về nhận định, khái quát kích thích trí tưởng tượng của người đọc, điều đó làm cho nhân vật trong tác phẩm trở nên đa dạng, nhiều vẻ. Hơn thế, việc miêu tả nhân vật như vậy còn khiến cho dụng ý miêu tả tâm lí, trạng thái của nhân vật trở nên phổ biến

và có tính khái quát. Những trạng thái tâm lí ấy thường gắn với từng kiểu người. Đại loại, với nữ sinh thì áo trắng, quần trắng, tóc xoã, tâm hồn mộng mơ; với người nội trợ thì “nhìn chung không có nét đặc sắc”…

Bên cạnh lối miêu tả ngoại hình thiên về nhận định, khái quát, Lý Lan còn miêu tả trực tiếp, người đọc có thể hình dung nhân vật khá rõ ràng. Trường hợp này chỉ diễn ra trong một vài tác phẩm: Tai nạn, Hồi xuân, Tiểu

thuyết đàn bà (đoạn miêu tả người đàn bà Mọi). Trong Tai nạn, ngay từ những

dòng đầu, tác giả đã miêu tả và giới thiệu về nhân vật: “Cẩm độc thân, cao một mét năm tám, nặng bốn bảy ký, toàn con người kể cả quần áo giày nón, chỉ có cái mũi là đẹp”. Thực tình, đây là thủ pháp đối lập, đối lập giữa cái tiến bộ của thế giới bên trong, của nhận thức, với cái thô vụng, thiệt thòi của ngoại hình, mục đích là để tôn lên giá trị của thế giới bên trong: khẳng định phẩm chất, phẩm giá, khẳng định bản ngã, chống lại trật tự phụ quyền đã an bài trong xã hội. Truyện ngắn Hồi xuân, với trạng thái cô đơn tự do, khi đã rũ bỏ được những gánh nặng gia đình, nhân vật Tho tự dưng hồi xuân, do thôi thúc trong vô thức, trong bản năng, Tho đã tự âu yếm mình. Những dòng miêu tả ngoại hình theo lối cận cảnh đã được hiện lên trên trang viết: “Bàn tay tôi mơn man da mình. Mịn màng. Mấy ngón tay nắn bầu vú. Vẫn còn săn. Tôi bóp nhẹ eo tôi, khẽ lật mình nằm nghiêng trong bồn tắm.”. Việc miêu tả nhân vật theo lối cụ thể, chi tiết đó là một biện pháp nhằm cá thể hoá nhân vật. Sự cá thể hoá này làm cho giá trị phản ánh (thường là một nội dung, một giá trị nào đó) trở nên thuyết phục hơn, không chung chung. Có lẽ vì thế mà đa phần các nhân vật được cá thể hoá này thường được các nhà văn miêu tả theo thiên hướng cực đoan, đã xấu thì rất xấu, thô vụng, đã hồi xuân thì thân hình phải vừa vặn, săn chắc, đã loã thể thì rất khêu gợi, mời mọc…

Nhìn chung, trong việc miêu tả ngoại hình, Lý Lan không phải là nhà văn có nhiều dụng công. Không chỉ ít miêu tả cụ thể, cận cảnh, Lý Lan còn ít phân biệt nhân vật (người phụ nữ) đẹp và không đẹp. Điều này khác với một

số cây bút nữ khác. Theo chúng tôi, đây là quan niệm, là do cách tiếp cận của nhà văn: không cần thiết phải đặt ra vấn đề người đàn bà đẹp và người đàn bà không đẹp. Điều quan trọng là tiếp cận họ (những người đàn bà) bằng giá trị nhân văn, nhân bản. Bởi thế phải nắm bắt được các trạng thái tâm lí, các rung động tinh thần, các phẩm chất tốt đẹp.

3.2.2.2. Nghệ thuật miêu tả nội tâm

Nằm trong một mối tương quan chặt chẽ, ít miêu tả ngoại hình, mục đích là tiếp cận nhân vật từ phía các giá trị nhân văn, nhân bản, nội tâm nhân vật đã được tác giả ưu tiên khắc hoạ. Nội tâm, hiểu một cách chung nhất, là đời sống bên trong. Nói đến nội tâm là nói đến các cung bậc tình cảm, các trạng thái cảm xúc, các diễn biến tinh thần.

Lý Lan là nhà văn “hồn nhiên với chữ”, “có khuynh hướng miêu tả đời thường dưới cái nhìn của một nhà báo hơn là một nhà văn” [59]. Bởi thế, tác phẩm của Lý Lan luôn cung cấp cho độc giả một lượng thông tin phong phú, nhiều chi tiết thú vị. Tuy nhiên, một cố gắng đáng ghi nhận ở Lý Lan đó là sự vận dụng cái nhìn, phong cách báo chí với sự mượt mà của ngôn ngữ người làm văn, khiến cho khách thể miêu tả hiện lên vừa chân thực, có đường nét, vừa có trình tự, duyên dáng, uyển chuyển. Điều này thấy rõ ràng nhất ở những đoạn văn miêu tả nội tâm nhân vật.

Là một người luôn tìm kiếm trong hiện thực cuộc sống những mảnh đời, “những tấm lòng yêu thương, những trái tim nhân hậu” (Bích Ngân), bức tranh nội tâm trong tác phẩm Lý Lan hiện lên khá phong phú, đa dạng. Nhưng hầu hết đều tập trung ở trăn trở, suy tư, vướng bận kiểu đàn bà (đứng từ hình thức để nhận xét thì nội tâm nhân vật hầu hết chỉ được tập trung khắc hoạ ở nhân vật nữ). Trong đó, có những “nỗi buồn lớn” - nỗi buồn của những người có ý thức phản tỉnh như Thoa, Không Bé, có những trăn trở lựa chọn cách giải quyết mâu thuẫn thường ngày, có những nỗi buồn do không thể hoà nhập em và anh trong đời sống vợ chồng, nhưng cũng có khi chỉ là những vướng bận,

những sợi tơ lòng, những trạng thái khó lòng định nghĩa… Cảm giác chung, đó là những con người mang nỗi buồn.

Nội tâm của người đàn bà thường phức tạp. Lý Lan không mang tham vọng chuyển tải hết những diễn biến đó vào trong tác phẩm, mà chỉ tập trung vào một số điểm, một số trạng huống cụ thể. Nhưng những trạng huống đó thường ăn nhập vào thế giới nội tâm nhân vật, ghi dấu sự ám ảnh mạnh mẽ. Để cùng với chồng chúc mừng người bạn năm xưa đã ngỏ lời yêu mình nhân dịp năm mới, điều cốt yếu là muốn giữ gìn, nâng niu một cái gì đó dù mỏng manh, dễ tan vỡ nhưng rất cần thiết cho cuộc đời, “Liên tìm khắp bốn tiệm chuyên bán đồ gia dụng mới mua được một hộp ly pha lê chân cao để uống rượu thật vừa ý”, nhưng người chồng lại hờn ghen, hất quăng những cái ly khi chúng đã nằm yên trong tủ: “Ánh mắt của Liên khiến Trí chợt hoang mang (…) Liên chỉ đứng lặng như bị giam giữ tứ bề những mảnh vụn pha lê. Vẻ sửng sốt nhường cho sự hiểu ra, biến dần thành nét buồn, đậm dần vị cay đắng” (Pha lê). Khoảnh khắc gặp lại những người xưa, trong khi tạo vật và con người đã chuyển dời, thay đổi: “Tôi tưởng như nghe sương rơi xuống vai rồi thấm dần vào xương sống. Lửa dần dần tắt mà không ai khều lại nhóm. Tôi chỉ còn nhìn thấy lờ mờ hình bóng của hai người bạn thuở ấu thơ. Mỗi người ngồi thu lu trong một cái giá lạnh triền miên không có lửa nào xua tan được” (Ngựa ô). Hay tâm trạng của “tôi” trong Đường dài hạnh phúc khi đã cố gắng mang lại niềm vui cho chồng nhưng chồng không thoả mãn: “Rồi tự hỏi, con người mình đó ư? Sao có thể mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì mô ̣t người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghê ̣ sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng nghe qua rồi bỏ, cứ kiểu mình thích mình làm. Mắc gì mình că ̣m cu ̣i cả ngày làm mứt?”, dầu vậy, “tôi” lại vẫn tiếp tục lừa dối bản thân mình, vẫn yêu anh … Ngoài một số rất ít tác phẩm như Tiểu thuyết đàn bà miêu tả tâm trạng của Thoa khi nghĩ về chị Đen, tác phẩm Phi trường Đài Bắc miêu tả tâm trạng của Quyên khi đối mặt với mẹ chồng, còn lại hầu hết các tác phẩm, Lý Lan

không tập trung miêu tả các đợt sóng tâm lí, không đi sâu vào can thiệp nội tâm nhân vật và chủ động bày tỏ cảm xúc như nhiều nhà văn (thường thấy là kiểu diễn đạt: ôi chao, trời ơi, hoặc cứ say mê diễn tả). Một sự chừng mực trong diễn tả nội tâm nhân vật là điểm nổi bật ở ngòi bút Lý Lan. Theo chúng tôi, điều này do quan niệm về cách viết của nhà văn. Lý Lan, như đã nói, là nhà văn viết nên tác phẩm theo cách nhìn của báo chí, thiên về ghi chép, tường thuật, ghi nhận một hiện thực, ít khi can thiệp vào đời sống bên trong (bởi đó là những vấn đề phức tạp, dễ rơi vào chủ quan khi đánh giá). Điều này làm cho tác phẩm trở nên giàu sức gợi. Ám ảnh của nhân vật là ám ảnh của một tâm trạng, một tình huống cụ thể mà không khó tìm kiếm trong cuộc đời. Việc miêu tả nội tâm nhân vật thiên về nắm bắt trạng thái, ít miêu tả theo quá trình, theo chiều sâu nội tâm còn chứng tỏ một phương diện nghệ thuật nữa trong cách miêu tả nội tâm của Lý Lan đó là miêu tả nội tâm chủ yếu dựa vào việc tạo dựng tình huống, bối cảnh. Tình huống, bối cảnh trở thành cái nền, cái gốc để nhân vật tồn tại trong đó và ghi dấu những ưu tư, những trăn trở. Cũng bởi thế, mà gần như nhân vật nữ nào của Lý Lan cũng mang tâm sự, cũng có đời sống nội tâm, dầu có khi chỉ là trạng thái buồn buồn như sự dềnh dàng của con nước (cô Chi trong Tháng chạp).

Miêu tả nội tâm nhân vật, Lý Lan thường đặt nhân vật trong mối quan hệ với chính bản thân mình. Dĩ nhiên, nhân vật quan hệ với chính bản thân mình chỉ xảy ra khi nhân vật đã “đặt” quan hệ với người khác, thông qua mối quan hệ với người khác (thường đó là quan hệ thân thuộc: với mẹ, với chồng, với bạn thân). Tuy nhiên, một đặc điểm phổ biến ở Lý Lan là nhà văn thường khám phá những nghịch lý, đặt nhân vật vào những ý thức trái chiều. Có thể, Lý Lan quan niệm rằng, cuộc sống là luôn tồn tại nghịch lí chăng? Quyên trong Mẹ và con xung đột mạnh mẽ với mẹ vì mẹ không thể biết được trật tự riêng của mỗi người, muốn đấu tranh, lên án mẹ; mặt khác, Quyên lại yêu thương, tôn trọng mẹ, không muốn mẹ phải đau khổ vì mình, vì thế mà cuối

tác phẩm: “Quyên buông thõng câu nói và buông thõng mình xuống chiếc ghế mây. Chi ̣ ngồi đó nhìn nắng chiều tắt dần trên bức tường, trong khi bà me ̣ áy náy khổ sở ra sân quét mâ ̣n ru ̣ng và khắc khoải trông chờ cô Tư bán ve chai.”. “Con” trong Cô con gái cũng đặt trong tâm trạng tương tự. Nhân vật “tôi” trong Đường dài hạnh phúc vừa muốn khẳng định cái tôi thi sĩ của mình (không vì chồng, vì người khác), trong khi vẫn còn yêu chồng, vẫn còn mong muốn hạnh phúc … Kết thúc các tác phẩm, đa phần, nhân vật rơi vào trạng thái chỉ suy tư mà không thể hành động để giải thoát khỏi suy tư đó. Theo chúng tôi, đó là những trạng thái rất chân thực, bởi con người - như quan niệm của Murakami - là “đa ngã”. Hơn thế, trong quan hệ với người khác, cái tôi ít khi có được sự hoà nhập, ăn ý.

Một đặc điểm nữa cũng khá phổ biến ở việc khắc hoạ nội tâm nhân vật của Lý Lan là nhân vật được khắc hoạ nội tâm đa phần là nhân vật có nhận thức, có học. Điều này, có thể do nhà văn trung thực với chính bản thân mình, cảm xúc trong tác phẩm là cảm xúc của nhà văn, không trá hình, vay mượn (đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho người trần thuật chủ yếu là nhân vật xưng “tôi”). Hơn nữa, có thể còn do dụng ý khẳng định nữ quyền. Nữ quyền chỉ có thể được khẳng định trong xã hội hiện đại. Đối với Việt Nam, nữ quyền chỉ có ở nhận thức của một số ít người, chưa phổ biến trong xã hội, số này, muốn hay không cũng phải có nhận thức, có học (hơn nữa, số này đa số là lớp trẻ). Bởi thế, trong tác phẩm, nội tâm nhân vật thường được tác giả đặt sóng đôi với nhận thức. Nhận thức thì thường rõ ràng, trong khi trái tim thì theo lí luận của nó.

Như vậy, có thể thấy, nội tâm nhân vật mà Lý Lan ưu tiên thể hiện trong tác phẩm chủ yếu là các trạng thái, các cảm xúc, thường tập trung vào một số điểm, một số trạng huống cụ thể và được xây dựng trên cơ sở tình huống. Nhân vật được miêu tả nội tâm thường được đặt trong quan hệ với chính mình, và đa phần là nhân vật có nhận thức, có học. Tất nhiên, khi bàn

đến nội tâm là không thể tách bạch nội tâm ra khỏi các bình diện khác. Không thể có một con người thuần tuý suy nghĩ. Anh ta phải đi đứng, nói cười, phải tiếp xúc, va chạm… nghĩa là anh ta phải hành động. Vì thế, sẽ không thuyết phục nếu tìm hiểu nội tâm mà lại không tìm hiểu hành động nhân vật.

3.2.2.3. Nghệ thuật miêu tả hành động

Hành động thường được hiểu là những cử chỉ, động tác. Đối với văn học, hành động trở thành một bình diện không thể thiếu trong miêu tả (miêu tả nhân vật). Chỉ khác ở chỗ, nhà văn không thể miêu tả hết tất cả các hành động của một nhân vật như một con người ngoài cuộc đời, mà phải chọn lọc, tổ chức. Nói cách khác, hành động ở đây gắn với quan niệm. Bởi thế, dầu trong tác phẩm, có thể nhân vật hành động rất nhiều, nhưng không phải hành động nào cũng là hành động mang nghĩa. Xét trong nghệ thuật tạo dựng, miêu tả nhân vật, hành động mang quan niệm (hành động mang nghĩa) là hành

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 94 - 104)