Nhân vật nữ ý thức về mình như một chủ thể độc lập

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 61 - 66)

Trong các phần phân tích trên, chúng tôi đã khẳng định, Lý Lan đã rất tập trung trong việc khắc hoạ nhân vật nữ. Nhà văn giành cho họ nhiều ưu ái hơn. Bởi thế, nhân vật nữ trong tác phẩm của Lý Lan hiện lên khá rõ nét, về cả ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, về cả tích cách và tư tưởng. Tựu trung, ở mặt này hay mặt kia, mức độ, tính chất khác nhau, nhân vật nữ trong tác phẩm Lý Lan đều tập trung làm bật nổi ý thức về nữ quyền. Điều này biểu hiện trước hết ở đặc điểm: Nhân vật nữ ý thức về mình như một chủ thể độc lập.

Chủ thể, theo cách định nghĩa của Từ điển tiếng Việt là “con người với tư cách là một sinh vật có ý thức và ý chí, trong quan hệ đối lập với thế giới bên ngoài, gọi là khách thể”[73, 173]. Nói như vậy, nghĩa là tất cả những gì ngoài ta đều là “cái khác”. Chủ thể là toàn bộ những gì thuộc về ta, thuộc về giá trị tự thân, khẳng định sự sở hữu. Xét theo truyền thống, Việt Nam và các quốc gia Đông Á nói chung không có truyền thống coi trọng chủ thể, bởi vì cá nhân con người thường bị che khuất sau gia đình, dòng tộc. Chỉ đến khi văn hoá phương Tây du nhập, trong tính cách của con người các quốc gia này mới hình thành ý thức coi trọng chủ thể. Ở Việt Nam, những năm đầu thế kỷ XX có thể xem là mốc đánh dấu. Từ đó đến nay, ý thức về chủ thể đã phát triển lên một tầm cao mới, điển hình là sự ra đời của luật về quyền cá nhân.

Văn học hiện đại, dưới ánh sáng của lý thuyết đa thanh do M.Bakhtin đề xướng, các nhân vật trong tác phẩm đa phần hiện lên mang dáng dấp của chủ thể tách biệt, tách biệt cả đối với nhà văn. Tuy nhiên, miêu tả nhân vật nữ như một chủ thể thì không phải nhà văn nào cũng có ý thức, có dụng công. Lý Lan là nhà văn của phụ nữ, thế giới mà chị muốn đề cập là thế giới liên quan đến phụ nữ, nhân vật nữ lại thường đóng vai trung tâm trong tác phẩm, số lượng nhân vật nữ cũng nhiều hơn nhân vật nam, bởi vậy, nhân vật nữ trong tác phẩm của Lý Lan đã được nhà văn xây dựng như những chủ thể. Trước khi đi vào phân tích, cũng cần phải khẳng định rằng, việc nhà văn xây dựng nhân vật nữ như những chủ thể trước hết phải nhờ vào đặc điểm loại hình của văn học hiện đại. Chỉ có trong văn học hiện đại nhà văn mới miêu tả nhân vật như một chủ thể.

Trong tác phẩm của Lý Lan, nhân vật nữ ý thức về mình như một chủ thể thường là những nhân vật trung tâm (Thoa - Tiểu thuyết đàn bà, Quyên -

Mẹ và con, Tho trong Người đàn bà kể chuyện, Lộc trong Rừng mai), hoặc

nhân vật chính (Không Bé - Tiểu thuyết đàn bà). Không những vậy, xét về tuổi đời và thế hệ, những nhân vật này đa phần là nhân vật trẻ tuổi, hoặc một

ít nhân vật trung tuổi (“tôi” trong Hồi xuân, Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà). Những nhân vật nữ này lại là nhân vật có học (Yên trong Tháng chạp, Cẩm trong Tai nạn,Quyên trong Mẹ và con), một số lớn chịu ảnh hưởng của nền văn hoá phương Tây: “con” trong Cô con gái, Nhi trong Ba người đàn bà, Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà, Tuyết trong Đêm thảo nguyên, “tôi” trong

Lắp ghép hạnh phúc… Trong số những nhân vật chịu ảnh hưởng của văn hoá

phương Tây, có nhiều nhân vật mang dáng dấp của tác giả, đó là những nhân vật sống ở hai nơi Việt Nam và phương Tây (“con”, Nhi, Không Bé).

Bằng nghệ thuật khách quan hoá trong quá trình trần thuật, gán cho nhân vật những tư tưởng để bảo vệ hoặc theo đuổi, nhân vật nữ trong tác phẩm của Lý Lan đã hiện lên như một con người bằng xương bằng thịt ngoài cuộc đời, mạnh mẽ, quyết liệt, sẵn sàng chấp nhận sự đối đầu. Đó là hành trình đi kiếm cha của mình, mà theo cô gái, là “con có quyền hiểu biết về con” trong Cô con gái, cho dù điều ấy khơi lại nỗi đau buồn người mẹ ủ kín đã từ lâu. Đó là ý thức tự nhận thấy sự âm thầm cố chấp lấy nỗi đau khổ làm lẽ sống để “biến người khác thành lẽ sống của mình” để “chất mô ̣t gánh nă ̣ng tồi tê ̣ nhất lên vai người đó” của Quyên (Mẹ và con). Đó là những phát ngôn

và hành động nhằm khẳng định cái “tôi” đang bị tổn thương của mình trước chồng của Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà: “Tại sao tôi phải câm miệng lại? Tại sao tôi phải ra vẻ yêu kính một kẻ lang chạ, ích kỷ, dối trá?”. Đó là một người độc lập, luôn giữ cho mình những tư tưởng quan niệm riêng, một sự tách biệt cá thể: “Thoa luôn mang cảm giác không thể hòa nhập với đám đông”…

Ý thức về mình như một chủ thể dẫn đến nhân vật thường tự quyết trong hành động, trong ngôn ngữ. Ta có thể nhận thấy dễ dàng trong tác phẩm Lý Lan việc nhân vật nữ tự chọn lựa hành động: hành động ra đi của Không Bé; hành động tự nhận về mình nhiệm vụ sinh con và nuôi con mà không cần đến người chồng của Cẩm trong Tai nạn; hành động tự rút vào thế giới riêng khi mà xung quanh không ai hiểu mình của Lộc trong Rừng mai; hành động tự

chọn lựa, tự mua sắm của “con” trong Mẹ và con… Ngôn ngữ của nhân vật cũng trở nên mạnh bạo, quyết liệt, nhiều lúc thể hiện sự đối đầu: “Xúc phạm cái đéo gì? Tôi ghê tởm anh.” - Không Bé; “Nếu sau này anh không từ chối đứa trẻ thì nó là con anh. Nhưng tôi không cần một người chồng” - Cẩm trong

Tai nạn… Thậm chí trong tác phẩm của Lý Lan, nhân vật nữ ý thức về mình

như một chủ thể còn thể hiện trong việc họ là chủ thể thẩm mỹ, chủ thể sáng tạo. Rất nhiều hình ảnh nhân vật nữ trong tác phẩm Lý Lan là nhà văn có tư tưởng, có quan niệm, có nhu cầu thẩm mĩ: Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà, “tôi” trong Đường dài hạnh phúc, Tình chỉ đẹp, Phượng trong Phượng…

Chú trọng xây dựng nhân vật nữ là chủ thể, Lý Lan ý thức được việc cần tạo cho nhân vật những sự khác biệt với nhân vật xung quanh. Điều này được nhà văn tiến hành theo hai cách: hoặc là dụng công xây dựng nhân vật chính hoặc dụng công trong việc xây dựng nhân vật ngoại biên. Cách thứ nhất thì việc khảo sát trên đã cho thấy. Đối với cách thứ hai, dầu Lý Lan thể nghiệm chưa nhiều nhưng đã có những tác phẩm thành công. Các nhân vật khác ở đây gồm cả nhân vật nam và nhân vật nữ. Vậy là, chủ thể nữ được đặt cạnh chủ thể nam và những chủ thể nữ khác. Cái chính yếu của cuộc sống là các bản thể và sự đối thoại giữa các bản thể đó. Trong cuộc “đối thoại” ấy, sự khác biệt độc đáo, tính chủ thể của từng nhân vật được biểu hiện. Trong Tiểu

thuyết đàn bà, chúng ta có thể rất dễ nhận thấy các chủ thể tách biệt nhau. Một

Không Bé chưa thật từng trải trong cuộc đời; một Thoa từ lâu đã là cá nhân tách biệt, vững chãi; một Ted ý thức về cái tôi cá nhân tuyệt đối đến mức tự phụ. Truyện ngắn Ngựa ô, nhân vật “tôi” hoàn toàn tách biệt khỏi Triệu, Tấn, cả ba không có sự ăn nhập với nhau, mỗi người có mỗi quan niệm, cách sống dầu là bạn thân thiết của nhau một thời. Truyện ngắn Lòng hồ nhân vật Hà, mặc dù là bạn của Mai, nhưng hoàn toàn khác nhau về quan niệm, cá tính, sự lựa chọn. Trong truyện ngắn Rừng mai, Lộc, Ninh là các chủ thể tách biệt, hai người không đến được với nhau bởi vì hai người không cùng quan niệm với

nhau. Như vậy, đặt nhân vật là chủ thể cạnh các chủ thể khác, Lý Lan muốn nói rằng mỗi người là một chủ thể tồn tại độc lập không phụ thuộc, có quyền tự do lựa chọn, tự quyết và tự chịu trách nhiệm bởi sự lựa chọn của mình. Khoảng cách trong các mối quan hệ giữa người – người một phần cũng bắt nguồn từ chỗ ai cũng muốn mình trở thành một chủ thể độc lập, không phụ thuộc. Đành rằng, ở đây cần phải ngợi ca Lý Lan ở đức tính giản dị, ở ngòi bút có sự làm chủ, không riết róng, không thích “nói to” (La Khắc Hoà). Thậm chí trong trần thuật, đôi lúc Lý Lan còn tỏ ra nhẫn nại, từ tốn: Những

viên sỏi cầm chơi, Ngựa ô…

Để xây dựng mẫu nhân vật ý thức về mình như những chủ thể độc lập, ngoài yếu tố trần thuật như đã nói (trần thuật khách quan hoá, tạo khoảng cách giữa người kể và đối tượng được kể, kể cả trong tác phẩm người kể chuyện là nhân vật “tôi”), Lý Lan còn kết hợp rất nhiều biện pháp nghệ thuật. Những biện pháp này không tách biệt, không phân vai ngôi, thứ mà kết hợp trong tính chỉnh thể, tác động biện chứng, qua lại. Đầu tiên, phải khẳng định đó là nghệ thuật tạo tình huống. Chính tình huống mới làm bật nổi nhân vật, nói như M.Bakhtin đó là: bối cảnh để nhân vật thể hiện. Lý Lan thường đặt nhân vật trong những tình huống có tính thử thách, những tình huống mà nếu nhân vật lựa chọn, hành động, phát ngôn, thì tính chủ thể con người bộc lộ rõ nét. Đó là các tình huống, con trước mẹ (Mẹ và con; Cô con gái), cô gái trước

người đã cưỡng bức mình (Tai nạn), người vợ trước người chồng - hiện thân của 2 nền văn hoá khác nhau (Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà)… Dĩ nhiên đi kèm với tình huống, tạo dựng bối cảnh, đó là việc khắc hoạ ngôn ngữ. Ngôn ngữ này gồm cả ngôn ngữ nhà văn và ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhà văn – thông qua người kể chuyện - thì trung tính, khách quan, có đôi lúc vẫn trữ tình nhưng đó là lúc nhân vật người kể chuyện tự phơi bày trạng thái riêng. Lý Lan cũng chịu ảnh hưởng của văn phong báo chí ở một vùng đất có truyền thống, vì thế, tính chất “ghi chép” của nhà văn cũng đạt đến trình độ

giản dị, tính thông tin và tính khách quan cao. Nhờ đó, câu chuyện và nhân vật thường hiện ra có khoảng cách với người trực kiến. Ngôn ngữ nhân vật thì nhiều cung bậc hơn. Có lúc thủ thỉ, nhẹ nhàng: “Thôi mà mẹ!” – “con” trong

Mẹ và con. Có lúc chát chúa, gay gắt: “Đồ đa ̣o đức giả! Đồ chó dái! Mày còn tồi ba ̣i hơn súc vâ ̣t! Mày dày vò tan nát cuô ̣c đời người ta mà còn vênh váo cao nga ̣o hả? Mày khốn na ̣n…” - Tho nắm hai tay đấm vào mặt vào cổ ông Đạo và hét trong Người đàn bà kể chuyện. Có lúc thì đắm chìm trong nội tâm dằn vặt: “Nếu kẻ thi hành án là một kẻ khác, chị có trốn cái chết hay không? Hay chị chờ kẻ đó lượm súng lên bắn chị, vì đó là chỉ thị của ông Năm…?” – những lời độc thoại của Thoa trong Tiểu thuyết đàn bà… Như vậy, khi nhân vật ý thức mình là chủ thể độc lập thì theo đó, nhân vật sẽ tự lựa chọn con đường cho mình, tự mình hành động, tự mình lựa chọn ngôn ngữ, nghĩa là dần dỡ bỏ cái rào cản để đạt đến sự tự do, độc lập.

Theo chúng tôi, xây dựng nhân vật ý thức về mình như một chủ thể độc lập là đặc điểm nổi bật nhất thể hiện tinh thần nữ, cảm hứng nữ quyền trong sáng tác Lý Lan. Chủ nghĩa nữ quyền, trong truyền thống, từ thế kỷ XX, vốn đã khẳng định, trong cái gọi là chủ thể có cả chủ thể nam và chủ thể nữ, bản thể là dùng cho cả hai giống (sex), chỉ khác là ở chỗ cả nền văn hoá sau này đã áp chế phụ nữ để đến nỗi hình thành giới tính (gender), hình thành “giới thứ hai”. Mà điều này là hết sức bất công. Xây dựng nhân vật như các chủ thể là một hành động khẳng định ý thức tự tôn, tự quyết. Nó khẳng định sự cần thiết phải nhận thức rõ ràng về quan hệ bình đẳng nam/ nữ trong xã hội. Nó cũng sẽ tác động đến hàng loạt vấn đề liên quan đến chủ thể này, đó là bản ngã, tự do.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 61 - 66)