Không ngừng tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm hạnh phúc, tự do và

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 66 - 72)

nhân phẩm

Vấn đề tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm hạnh phúc, tự do và nhân phẩm có quan hệ mật thiết với vấn đề nhân vật ý thức về mình như một chủ thể độc lập. Thậm chí trong nhiều trường hợp, một biểu hiện vừa là để thể hiện ý thức

về mình như là chủ thể, vừa là biểu hiện ý thức tìm kiếm bản ngã, chỉ khác nhau ở cách nhìn. Tuy nhiên, các khái niệm này cũng có những sự phân biệt tương đối. Nếu chủ thể ý thức về mình với tư cách là người sở hữu (sở hữu các thuộc tính, tách biệt với bên ngoài) thì bản ngã là ý thức đi tìm những thuộc tính thuộc về mình, là cái gốc của ngã (tôi). Khái niệm cái “ngã” hay cái “tôi” (le Moi) được hiểu: “mỗi cá nhân được xác định một cách tách rời, trong tính độc đáo riêng, đối với một nhóm, và người ta có khuynh hướng tán dương sự khác biệt kì dị của nó đối lập với những đòi hỏi của tập thể”[10, 535].

Hành trình tìm kiếm bản ngã là một hành trình khó khăn, phức tạp. Trên thực tế, hành trình này đã để lại những dấu mốc lịch sử. Dầu vậy, ngay cả đến thời điểm hiện tại, việc đi tìm kiếm bản ngã cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Ảnh hưởng của truyền thống, của điều kiện sống đã làm cho con người, đặc biệt là người phụ nữ, đôi lúc quên đi bản ngã của mình. Bởi vậy, việc đi tìm bản ngã là việc đòi hỏi cả một quá trình “tự thân vận động”, từ ý thức đến việc biến ý thức thành hành động. Lý Lan đã chuyển tải được tinh thần này trong truyện ngắn, tiểu thuyết của mình. Nhân vật “tôi” trong

Hồi xuân chỉ thực sự hồi xuân khi “đang hưởng lạc thú cô đơn: chồng li dị,

hai cô con gái đã gả, cô lớn ở nước ngoài, cô nhỏ lấy chồng khá giả. Sau mấy ngày căng thẳng ở toà, tôi được con gái đưa đi resort San Hô nghỉ một tuần”. Hà trong Lòng hồ đi tìm lại tình yêu - tức một phần của bản ngã ở đó - phải trải qua nhiều phen thách thức. “Tôi” trong Đường dài hạnh phúc đang muốn tìm kiếm lại mình do những xung đột với M.: “Mắc gì mình cả ngày làm mứt? Mình sinh ra để làm thơ, thì tại sao mình không làm mà mình làm mứt? Mình bèn ngồi vô bàn để viết.” nhưng thử thách cũng lại chính là cuộc sống gia đình với M. Ngay cả việc nhân vật Quyên trong Mẹ và con trăn trở tìm lối thoát cho bản thân và cho mẹ cũng là một thử thách gian nan. Như vậy, có thể thấy, hành trình đi tìm kiếm bản ngã của nhân vật gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Điều đó, bắt buộc nhân vật phải ưu tư, suy nghĩ rất nhiều. Điểm nổi bật

ở nhân vật đi tìm bản ngã là ý thức, là sự ưu tư, sự quyết định lựa chọn đường hướng. Tìm về bản ngã của mình, đồng nghĩa với việc rũ bỏ những gì không thuộc về mình, là vay mượn, là tạm bợ. Nhân vật Cẩm trong Tai nạn đã cố

gắng giữ bản sắc của mình, cái con người mình dầu chuyện xảy ra với Cẩm là hết sức trọng đại. Cẩm không thể chấp nhận một người chồng như Thanh vì đơn giản Cẩm không hề xúc động trước Thanh, thà rằng Cẩm chấp nhận một người con, thừa nhận đó là con của hai người, còn hơn phải chấp nhận một người chồng mà Cẩm thấy không yêu thương, gắn bó. Không Bé trong Tiểu

thuyết đàn bà cũng dằn vặt rất nhiều khi khẳng định cái tôi bản ngã đã đánh

mất khi ở bên Ted - chồng cô và cô quyết định sẽ tìm lại cho mình.

Không chỉ thể hiện sự ưu tư, nhân vật tìm về bản ngã của Lý Lan còn mạnh dạn trong hành động, trong sự lựa chọn. Như đã nói, việc nhân vật hành động là một mắt xích, một khâu trong quá trình của tìm về bản ngã. Tìm hiểu tác phẩm của Lý Lan, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy nhân vật thường xuyên chủ động hành động theo nhu cầu cá nhân, theo sở thích và cá tính. Có khi đó là hành động vì ý thức tự tôn (Không Bé, Thoa trong Tiểu thuyết đàn

bà), có khi vì nhu cầu bản năng (Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà, “tôi”

trong Hồi xuân, “con” trong Cô con gái), cũng có khi hành động vì cái đẹp (Lộc trong Rừng mai). Ở một chừng mực nào đó, khi nhân vật nhận ra chân lí và hành động vì chân lí đó, họ đã đạt được trạng thái hạnh phúc. Hạnh phúc này thường không hiểu ở nghĩa là hạnh phúc gia đình (vì trong tác phẩm Lý Lan dầu có nhiều nhân vật cố gắng vì hạnh phúc gia đình, nhưng cuối cùng những mâu thuẫn vợ chồng đã làm nhân vật nhận thức lại) mà là hạnh phúc của trạng thái tự do, được sống cho bản thân mình, vì mình như Thoa trong

Tiểu thuyết đàn bà, Lộc trong Rừng mai, Phượng trong Phượng, Hà trong Lòng hồ…

Như một phần quan trọng trong hành trình tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm tự do, nhân vật trong tác phẩm của Lý Lan đã quan tâm đến nhu cầu bản

năng, tính dục. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, Lý Lan không phải là nhà văn hay miêu tả bản năng tính dục. Chẳng qua, đó là vì mục đích phản ánh chất người, nữ quyền, trong một số tác phẩm cụ thể, Lý Lan buộc lòng phải đề cập đời sống tính dục. Tính dục là nơi con người thể hiện sự chân thực của mình, thực hơn con người xã hội. Tính dục có thể cho thấy sự áp chế, hoặc cho thấy sự bình đẳng. Truyền thống phương Đông không cho phép người phụ nữ chủ động trong quan hệ tình dục (biểu hiện nổi bật là tư thế nam trên, nữ dưới). Nhưng trong cuộc sống hiện đại, khi người phụ nữ đã ý thức cao về bản thân mình thì việc họ chủ động trong tình dục là điều đang phổ biến. Nói như triết gia Nietzsche: "Chừng nào cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng đồng nhất". Qua sự chủ động này, người ta có thể nhận thấy một cấp độ mới của quan hệ xã hội giữa nam và nữ. Trong Tiểu thuyết đàn bà, ngoài việc tác giả giành nhiều trang viết về sự tự nhiên như “trái chín toả hương” của người đàn bà Mọi, người đàn bà khêu gợi, dụ giỗ người đàn ông để rồi hai người chung hợp trong một lùm cây bên hốc đá, tác giả cũng đã giành một số trang nói về sự chủ động trong hoạt động tình dục của Không Bé: “Không Bé trườn tới trườn lui trên bụng chồng, hai đầu gối kẹp chặt hai bên hông anh. Từng câu đối thoại tác động như nhịp cho mỗi cái trườn, mỗi cái thúc”. Trong tác phẩm Tình chỉ đẹp khi… tác giả miêu tả cảm giác của nhân vật “tôi”: “Cảm giác hiến dâng tuyệt đối, tự đánh mất mình hoàn toàn, như tan biến, như không tồn tại nữa xả thân, không hiện hữu cả ý thức. Tôi ôm siết tấm thân người đàn ông, ngất ngây cảm giác hoà nhập, là một, thành kẻ khác, được ôm nuốt, được bao bọc trong hình hài kẻ khác… Trong giây lát đó người đàn ông trong vòng tay tôi là tất cả ý nghĩa, là toàn bộ vũ trụ. Là tình yêu”. Kể cả cơ chế tự yêu của người đàn bà “ngũ thập tri thiên mệnh” cũng là một hành động biểu hiện sự tự do: “Bàn tay tôi mơn man da thịt mình. Mịn màng. Mấy ngón tay nắn bầu vú. Vẫn còn săn. Tôi bóp nhẹ eo tôi, khẽ lật mình nằm nghiêng trong bồn tắm … Khi nhắm mắt nằm ngửa ra, tôi mơ

màng cảm giác được ôm ấp, như thể mình đã lặn, đã thấm đã nhập cùng nước. Đôi bàn tay đang vuốt ve thật dịu dàng, trìu mến từng nơi tròn khuyết, âu yếm từng chỗ mỏng dày” (Hồi xuân). Theo lí giải của phân tâm học, cái “ấy” - nơi chứa đựng các xung năng (bản năng tính dục - libido sexuelle) xung đột với cái siêu tôi (le Surmoi), cái tôi (le Moi, Ego) hoà giải chúng. Tại đây, cái tôi ghi dấu một phần quan trọng khi để cho cái “ấy” được thể hiện theo một tinh thần thuần tuý tự nhiên. Xét về mặt hiện thực, nếu người phụ nữ cứ tự do tìm kiếm trong nhục dục, mà nhục dục nói như Nguyễn Hoàng Đức: “là cái đầy quyến rũ nhưng cũng là cái dễ lầm lạc nhất về mỹ học, bởi lẽ, nó rủ rê tán tỉnh và tiêm chích nhiều hơn là cứu chuộc tâm hồn”[21], sẽ rơi vào trạng thái sợ cả tự do tình dục như Saba trong Bên kia là núi của Lệ Hằng (1998). Từ đó, kết luận rằng, đối với tình dục, tự do không có nghĩa là vô độ, chủ động không có nghĩa là đã hoàn toàn làm chủ được trạng thái tinh thần. Vậy nên, một sự chừng mực trong miêu tả, trong thể hiện hành động (cả nam và nữ) như Lý Lan thiết nghĩ là một lựa chọn đúng. Tuy nhiên, hạn chế của Lý Lan lại cũng chính là ở chỗ này: chị chưa thật sự quan tâm đến tính dục hiểu theo nghĩa đó là một đề tài, một đề tài hiểm địa.

Nói đến nữ quyền, tất cả các nhà văn, trong đó có Lý Lan luôn đề cập đến sự tự do. Tự do có thể hiểu nôm na là “ở trạng thái không bị ràng buộc”, ở “quyền quyết định cho bản thân mình sẽ làm gì hoặc trở nên như thế nào” [1, 340]. Biểu hiện của tự do chung quy là phá bỏ sự ngự trị của kẻ khác nhằm bảo đảm nhân phẩm và độc lập của mình. Tự do thường được hiểu trên các bình diện cơ bản: tự do trong các quan hệ chính trị - xã hội (quyền làm tất cả những gì mà sự cấm đoán không thực hiện được, loại ra ngoài sự phòng ngừa của xã hội), tự do trong nghệ thuật (từ bỏ không theo những quy luật), tự do triết lí, tự do lựa chọn quan điểm sống (không tuân theo những ràng buộc; hành động phù hợp với ý chí và bản chất của mình). Trong tác phẩm của Lý Lan, các bình diện tự do này thể hiện theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên,

nhìn chung, nhà văn ít đề cập đến quan hệ chính trị - xã hội, chủ yếu đề cập tự do trong nghệ thuật và trong triết lí, trong lựa chọn quan điểm sống. Nhân vật nữ trong tác phẩm Lý Lan có một bộ phận lớn là nhân vật nhà văn. Những nhà văn này thường tìm cho mình một quan niệm, một hướng đi. Đó có thể là lối tiếp tiếp cận truy nguyên quá khứ của Thoa, viết lại hành trình của người đàn bà từ thuở nguyên sơ đến ngày thành “con đàn cháu đống” và tiếp tục tìm kiếm sự ảnh hưởng của người đàn ông (cậu Hai) đối với thế hệ mình, thậm chí là sau mình nữa. Đó cũng có thể là quan niệm làm thơ của “tôi” trong

Đường dài hạnh phúc, về lối viết của “tôi” trong Tình chỉ đẹp khi… Nổi bật

trong tác phẩm của Lý Lan đó là nhân vật tự do triết lí, tự do lựa chọn quan điểm sống cho mình. Đa số nhân vật nữ trong tác phẩm Lý Lan đều mang nỗi buồn do tác động của những nguyên nhân thuộc về lịch sử. Bởi vậy, trong tác phẩm, Lý Lan đã khắc hoạ họ là những con người chống lại những định kiến, những áp đặt. Có khi đó là định kiến của lớp người như mẹ (Mẹ và con, Cô

con gái, Ba người đàn bà), có khi là định kiến của nam giới, của xã hội

(Người đàn bà kể chuyện, Tình chỉ đẹp khi…, Tai nạn, Phi trường Đài Bắc). Xin điểm qua một vài tác phẩm tiêu biểu. Tho trong Người đàn bà kể chuyện là nạn nhân của chế độ trọng nam khinh nữ, chà đạp người phụ nữ - mà hiện thân là ông Đạo, tiếp đó là người cha, rồi thầy giáo, rộng hơn là xã hội. Cả xã hội quan niệm về người phụ nữ phải là người trinh tiết, bất luận xét về mặt sinh học, trinh tiết ấy đã bị mất trong hoàn cảnh nào. Tho trở thành nạn nhân của quan niệm, bởi vậy, cuối tác phẩm Tho quyết đòi lại công bằng cho bản thân mình. Cẩm trong Tai nạn cũng chống lại sự áp đặt của xã hội, tuy nhiên, cuối cùng Cẩm cũng không thể giữ quan niệm của riêng mình. Hành động công khai đứa con trong bụng là của Thanh, nhưng từ chối lời đề nghị làm lễ cưới của Thanh đã trở thành một hành động có tính thách thức xã hội. Quyên trong Phi trường Đài Bắc dầu nhận ra chồng là người “lù ù” một mặt Quyên phải chấp nhận những giới hạn của đàn bà, nhưng mặt khác Quyên cũng ý

thức được sự áp đặt của nam giới: “tối ngủ dưới bụng con bà”. Thoa trong

Tiểu thuyết đàn bà quyết đi tìm lại nguồn gốc, phản tỉnh lại những gì mà cuộc

đời những người thân và bản thân mình đã trải qua. Thoa đặt câu hỏi về chị Đen: “Ba bước, đứng lại, không quay lại. Chị Đen, không biết đó là án tử hình của chị sao? Hay chị biết và chị cứ đi lên đoạn đầu đài? Có thai năm tháng. Tại sao chị cho phép mình đi vào chỗ chết với đứa con trong bụng? (…) Chị Đen! Khi em cúi xuống đất lượm khẩu súng đánh rơi trong con hốt hoảng, chị đã ngoảnh lại, phải không? Chị đã ngoảnh lại và nhận ra em phải không? Chị đã nhận ra em nên bỏ chạy. Nếu kẻ thi hành án là một kẻ khác, chị có trốn cái chết hay không? Hay chị chờ kẻ đó lượm súng lên bắn chị, vì đó là chỉ thị của ông Năm…?” …

Như vậy, có thể thấy hành trình đi tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm hạnh phúc, tự do và nhân phẩm là hành trình phải trải qua nhiều thử thách, nhiều lực cản. Tuy vậy, với tư cách là con người tách biệt, nhân vật nữ ở đây cũng đã quyết tâm đi tìm lại những gì mình đã mất. Đầu tiên đó là ý thức, tiếp đến là việc hành động. Từ ý thức đến hành động là một quá trình biểu hiện sự giác ngộ. Nhưng có một điểm chung, đó là tất cả những gì nhân vật ý thức và hành động đều đang hứa hẹn mang lại kết quả. Dù đó là “tôi” trong Hồi xuân, Tho trong Người đàn bà kể chuyện, Cẩm trong Tai nạn hay Thoa trong Tiểu thuyết

đàn bà. Tất cả đều đã ý thức, đã phản tỉnh nhưng những hành động của họ vẫn

chưa có kết quả mĩ mãn sau cùng. Dầu sao họ vẫn là những cá nhân đơn lẻ. Điều quan trọng là cả xã hội rộng lớn này.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w