3.1.1. Với thể loại truyện ngắn
Trong quá trình sáng tác, Lý Lan luôn có ý thức tìm tòi, cố gắng truyền đạt ý tưởng sao cho nó đạt đến một giá trị nghệ thuật nào đó. Tác giả quan niệm, phải viết, dù viết những truyện không có nhiều về ý nghĩa nội dung, sao cho tác phẩm không bị coi là “nhảm nhí”. Có thể nói, mỗi tác phẩm là mỗi trăn trở của nhà văn giành cho cách viết. Chính vì thế, sẽ không đầy đủ, nếu đề cập đến cảm hứng nữ quyền mà không đề cập đến phương diện cách tân thể loại của nhà văn.
Lý Lan đã tìm tòi, cách tân về truyện ngắn trên nhiều phương diện. Đầu tiên đó là phương diện thể loại - hiểu theo nghĩa, chỉ một dạng thức văn bản tự sự. Ở đây, thể loại truyện ngắn đã được tác giả làm “mềm hoá”, các đường biên thể loại được xoá nhoà, bởi thế, rất ít khi ta bắt gặp tác phẩm có kết cấu, cách tổ chức như truyền thống. Một đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Lý Lan là gần với bút ký. Có nhiều tác phẩm nhà văn thiên về trữ tình, ghi chép cảm nhận (Những viên sỏi cầm chơi, Cảm giác…), câu chuyện thường đơn giản, có nhân vật, nhưng cốt truyện không rõ ràng, mạch cơ bản trong truyện được dẫn dắt bởi các cảm xúc. Đọc những tác phẩm này, ta có cảm giác như đang đọc những trang bút ký về dòng sông, theo mạch chảy tuôn của con thuyền xuôi mái. Bên cạnh đó, Lý Lan lại có những tác phẩm lại tạo dựng mâu thuẫn, xung đột - nhưng cũng là kiểu mâu thuẫn, xung đột theo con mắt của nhà bút ký ghi chép một hiện thực được chứng kiến (bằng chứng là tác giả không quá tập trung vào mâu thuẫn, mà chú trọng tạo các chi tiết ngoại biên; hơn thế, kết thúc tác giả thường không giải quyết mâu thuẫn): Mẹ và con, Đường dài hạnh
phúc, Dị mộng,…. Tuy vậy, dù đưa vào tác phẩm chất trữ tình hay những mâu
thuẫn, những nghịch lý thì tác giả vẫn luôn sử dụng giọng văn kể chuyện nhẩn nha, có khi chêm xen các mẩu đối thoại rất bình thường trong cuộc sống, trong lúc ít khi can thiệp vào đời sống nhân vật. Chính điều này đã làm cho tác phẩm của Lý Lan có một độ chùng, độ dàn trải về cảm xúc nhưng không dư thừa, không “phản tác dụng”.
Sự cách tân về thể loại còn được tác giả thực hiện trong những tác phẩm có tính chất ngụ ngôn, nhưng ở đây là ngụ ngôn hiện đại (tất nhiên, tác giả vẫn dùng văn phong, lối kể như trên). Những tác phẩm này đã đưa truyện ngắn hiện đại nối gần với quá khứ. Truyện ngắn Núi không là ngụ ngôn về mặc cảm tội lỗi, dù bản thân chưa hề gây nên tội lỗi bao giờ. Tình bạn là ngụ
ngôn về tình cảm, sự tri âm giữa những cá nhân với những cá nhân. Cảm giác là ngụ ngôn về một trạng thái chân thực của con người …
Bên cạnh tìm tòi, cách tân về khuôn khổ thể loại, Lý Lan còn tìm cách làm “mờ hoá” cốt truyện. Đọc các truyện ngắn của Lý Lan, nhìn chung, người đọc đều khó nhận ra cốt truyện. Điều này biểu hiện ở hai đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất: gần như nhà văn không cố tình tạo nên cốt truyện, mà chỉ cố tình kể một tình huống mà mình đã chứng kiến ngoài cuộc đời (nắm bắt và ghi lại). Ở những tác phẩm này, điều Lý Lan tâm đắc là tình huống. Nhà văn chú ý khai thác tình huống, chứ không tổ chức tình huống thành cốt truyện - hiểu theo nghĩa có quá trình, có vận động. Chẳng hạn như truyện ngắn Cảm giác, đó chỉ
là một tình huống một người phụ nữ bị té, sau đó hỏi người khác về chuyện mình té mà thôi. Hay truyện ngắn Dị mộng kể về tình huống người vợ có một giấc mơ, sau đó kể cho chồng, nhưng chồng lại quan tâm chuyện giờ giấc làm việc và công sở… Tất nhiên, như đã nói, nhà văn xoay quanh tình huống đó để tạo nên kết cấu của truyện. Từ tình huống, nhà văn đi vào tâm lí nhân vật, phơi bày lên trang giấy những cảm nhận, những trạng thái (mà nhân vật nhận về từ tình huống). Với cách triển khai ấy, truyện ngắn Lý Lan cũng cho thấy
bút pháp trữ tình đặc sắc. Tuy chưa sâu sắc và tinh tế như Thạch Lam nhưng đọc Lý Lan, ta vẫn có thể liên tưởng tới Thạch Lam, bởi cả hai đều sử dụng lối viết dựa trên cơ sở nắm bắt cảm giác, trạng thái tinh thần (ít đi theo quá trình tâm lí) và tác phẩm kết thúc thường đem lại cho người đọc một cảm giác, một điều gì đó khó nắm bắt. Đặc điểm thứ hai: hình thức xẻ lé câu chuyện theo hướng trần thuật từ các phía khác nhau. Một câu chuyện liên quan đến các nhân vật, nhưng nhà văn lại trần thuật từ các phía của nhân vật, khiến cho câu chuyện bị “loãng”, thiếu tính tập trung. Đành rằng, ngay cả ở những tác phẩm này, điều mà nhà văn quan tâm vẫn là trạng thái cảm xúc, tình cảm, những yếu tố chân thực bên trong con người. Trong truyện Lòng hồ, câu chuyện là về Hà nhưng nhà văn vừa giành những khoảng trần thuật về Hà, lại giành những khoảng để cho Mai suy nghĩ và hành động. Câu chuyện chỉ có thế! Truyện Phượng¸ nhà văn đã giành những đoạn nói về Phượng nhưng ngược lại, dung lượng câu văn miêu tả về “tôi” và mọi người lại nhiều hơn. Truyện kết thúc khi Phượng xuống đường, còn “tôi” thì suy nghĩ… Một số tác phẩm khác có sử dụng hình thức này là: Tai nạn, Tình chỉ đẹp khi…,
Ngựa ô… Như vậy, có thể thấy, cả hai đặc điểm ở đây đều rất phù hợp với
cách triển khai đi sâu vào đời sống nhân vật nữ. Phụ nữ là những người coi trọng tình cảm, vì thế, các quá trình tâm lí họ thường quan tâm, trong khi cách triển khai của nhà văn lại cố tình nắm bắt điều đó, coi đó là một đặc điểm lớn, một quan niệm về cách viết.
Để hài hoà với khung khổ thể loại truyện ngắn, hình thức làm mờ cốt truyện, Lý Lan còn tìm tòi, sử dụng bút pháp, giọng văn phù hợp. Lối văn mà Lý Lan sử dụng là lối văn chịu ảnh hưởng của báo chí, nhưng đồng thời biết kết hợp vào đó tính hình tượng, tính bóng bẩy của văn chương. Nhờ đó mà tác phẩm một mặt vẫn đảm bảo độ súc tích, ngắn gọn; mặt khác, giàu tính liên tưởng, rộng mở. Đối với mục đích phục vụ cho cảm hứng chính - cảm hứng nữ quyền, bút pháp như vậy vừa thích hợp để trình bày trong tác phẩm những
diễn biến tâm lí của người phụ nữ; đồng thời, gợi những liên tưởng giữa tâm lí ấy với thiên nhiên, với tâm lí nhân vật khác. Đặc điểm này phổ biến trong hầu hết các truyện. Xin trích một đoạn: “Từ cuối thiên niên kỷ thứ hai, ước muốn thâm căn hoàn thiện thể hình của đàn bà bắt đầu được khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Ban đầu họ điều chỉnh ngoại hình, sửa chữa những đường nét họ cho là khuyết tật hay chỉ là khiếm khuyết thông thường vô hại. Rồi họ sửa sang tâm hồn, gạn lọc dần những gien mình không thích nữa, như gien buồn phiền, gien thất vọng, gien tức giận. Bởi vì đàn bà hay thay đổi, hoặc chính là thay đổi, nên đến một lúc họ không còn biết mình là ai.” (Biển như tôi nhớ). Bên cạnh đó, tìm tòi và cách tân ở thể loại truyện ngắn còn được Lý Lan thể hiện ở phần kết thúc. Tác phẩm của Lý Lan hầu hết đều kết thúc theo lối bỏ ngỏ. Như chúng tôi đã nói ở chương 1, đó là một quan niệm, không phải một thói quen.
Như vậy, đối với thể loại truyện ngắn, sự tìm tòi, cách tân của Lý Lan thể hiện trên các phương diện: khung khổ thể loại, cốt truyện, lối viết, cách kết thúc. Những đặc điểm này không chỉ phục vụ thuần tuý cho thể loại, hiểu theo nghĩa hình thức, mà đáng chú ý hơn, phục vụ cho sự thể hiện cảm hứng nữ quyền, làm cho cảm hứng quan trọng đó có một phương tiện thể hiện phù hợp. Một mặt, chị tận dụng ưu điểm của thể loại bút ký để gia tăng tính hiện thực, “thời sự” cho tác phẩm (đây vốn dĩ được quan niệm là thế mạnh của các nhà văn nam). Mặt khác, Lý Lan vẫn tiếp tục “đầu tư” để giữ thế mạnh viết văn của một nhà văn nữ, đó là chất nồng nàn nữ tính, giàu có về cảm xúc, nhạy cảm trước những biến động rất tế vi của đời sống và tâm hồn, chú trọng “cảm giác” hơn sự kiện... Đây chính là những điểm mạnh mà không phải nhà văn nam nào cũng dễ dàng có được.