1.2.2.1. Quan niệm về nữ quyền của Lý Lan qua các lời phát biểu trực tiếp Quan niệm về nữ quyền của Lý Lan là một hệ thống luận điểm, bao gồm cả việc tiếp thu những nội dung cơ bản của chủ nghĩa nữ quyền, cả việc nhận ra những nét riêng về phụ nữ Việt Nam. Quan niệm đó được Lý Lan trình bày bằng hai cách: nói trực tiếp và gián tiếp thông qua tác phẩm.
Trước hết là qua cách nói trực tiếp:
Tạp chí Tia sáng, sau đó là hàng loạt tờ báo, trang web đã đăng tải lại bài viết của Lý Lan nhan đề: Phê bình văn học nữ quyền. Bài viết đã đem lại một cái nhìn có tính hệ thống về chủ nghĩa nữ quyền. Bài viết điểm lại những ý kiến đã bàn về nữ quyền luận (Gardiner, Julie Rivkin, Michael Ryan, Gill Plain, Susan Sellers), nhìn nhận việc tiếp thu phê bình văn học nữ quyền trong sáng tác ở Việt Nam và thể hiện trực tiếp ý kiến của chính Lý Lan về chủ nghĩa nữ quyền. Chẳng hạn, thông qua việc thuyết minh một cách rành rọt các giai đoạn của chủ nghĩa nữ quyền theo cách nhìn của hai tác giả Gill Plain và Susan Sellers, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, Lý Lan đang bày tỏ sự đồng tình đối với kết quả phân chia đó. Chị cũng bày tỏ trực tiếp quan điểm của mình về sự cần thiết phải tiếp nhận và phổ biến lí thuyết về chủ nghĩa nữ
quyền: “lý thuyết nữ quyền với tư cách một bộ môn học thuật đang được nghiên cứu, dạy và học trong hầu hết các trường đại học trên thế giới, chủ nghĩa nữ quyền về mặt triết học đã có ảnh hưởng sâu sắc toàn bộ hệ thống tri thức và thiết chế văn hoá loài người, và phong trào phụ nữ vẫn đang là một động lực xã hội ở khắp hành tinh, thì một thái độ không biết đến nữ quyền, lịch sử, lý thuyết và phương pháp của nó, là một thái độ quá cao ngạo.”[58] và định hướng tiếp nhận chủ nghĩa nữ quyền trong bối cảnh văn hóa, văn học nước ta như hiện nay: “Tham khảo và thừa kế những tiến bộ tích cực trong di sản chung của nhân loại và phong trào nữ quyền phương Tây là tận dụng vũ khí có sẵn và tiết kiệm thời gian mày mò.”[58].
Ngoài hành động viết bài có tính chất nghiên cứu để cổ suý cho chủ nghĩa nữ quyền, Lý Lan còn trình bày quan niệm về nữ quyền thông qua những bài trả lời phỏng vấn. Lý Lan khẳng định nữ quyền luận là vấn đề chị quan tâm từ lâu: “là đề tài tôi nghiên cứu khi theo học cao học văn chương năm 2001” [53]. Không chỉ dừng lại ở đó, Lý Lan còn mạnh dạn bày tỏ các quan niệm của mình về nữ quyền. Trước hết, Lý Lan nhìn nhận truyền thống: “Trong xã hội Á đông, và trong “truyền thống” văn học của chúng ta, tất cả sự khẳng định mình đều bị coi là nổi loạn cả. Kể từ Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh, Hồ Xuân Hương đến Út Tịch. Nhờ họ mà chúng ta có những giá trị lịch sử và văn hóa đáng tự hào. Vì vậy, tôi coi tinh thần “khẳng định mình” chính là truyền thống phụ nữ Việt Nam, và đó là đặc điểm quan trọng để phụ nữ Việt Nam khác với phụ nữ Á đông hiểu theo nghĩa “thùy mị, ngoan hiền” [55]. Đặc biệt, Lý Lan bày tỏ sự khẳng định về cái tôi, về cá tính: “tôi là mình” [49], “với tôi sống sao cho mình thoải mái là được” [52]; thể hiện cái tôi thông qua sự gần gũi với thiên nhiên: “Tôi thích sống giữa thiên nhiên, cây cỏ đất đá đối với tôi đều có linh hồn vì tôi luôn thấy được cảm thông giữa thiên nhiên. Làm vườn là sống với cây cỏ đất đá, là tạo một thiên nhiên mang dấu ấn cá nhân chung quanh mình. Tức là một kiểu tôn thờ cái tôi của mình.”
[52]. Chị tự nhận định về đặc trưng nhân vật của mình là “mang trong mình tâm thế vùng dậy, vươn lên khẳng định mình” [55], “Nhân vật của tôi gặp nhiều sóng gió, cuộc đời dạy họ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Mỗi con người đều phải sống cuộc đời của mình, và phải tự đứng lên trong nỗi đau, trong sự cô độc của riêng mình” [50]. Lý Lan cũng nói về quyền tự do: “Dù trong thời đại nào, người phụ nữ vẫn ước vọng được làm chủ cuộc sống của mình, được tự do sống, tự do kiếm tìm hạnh phúc. Những người đi trước vẫn luôn kỳ vọng thế hệ trẻ không chấp nhận sự bé mọn, tầm thường và không chịu đựng sự áp đặt như đời mẹ, đời dì của chúng” [52]. Và, cuối cùng, Lý Lan bày tỏ ước muốn: “Tôi muốn thay đổi cái môi trường bất bình đẳng với phụ nữ Việt Nam (trong văn hóa, xã hội, kinh tế...). Không phải chỉ cần phụ nữ ý thức về bản thân như một chủ thể là có thể thay đổi xã hội, vấn đề là xã hội cũng phải thay đổi, phải có sự bình đẳng thực sự, trở thành môi trường lành mạnh về quan điểm giới. Nếu môi trường bất bình đẳng, người phụ nữ càng ý thức bản thân, càng cấp tiến càng đau khổ. Phụ nữ cần sống trong xã hội bình đẳng mới hạnh phúc, mới phát triển con người toàn diện...”[56].
Nhìn chung, qua các bài nghiên cứu và trả lời phỏng vấn, quan niệm về nữ quyền của Lý Lan đã phần nào được bộc lộ: trước hết ở việc nhìn nhận truyền thống phụ nữ dân tộc; sau đó là các bình diện thuộc nữ quyền luận: khẳng định cái tôi, cá tính, khẳng định quyền tự do. Từ đó, nhà văn khẳng định sự cần thiết phải quan tâm tới vấn đề nữ quyền, chứ không thể với một “thái độ cao ngạo”. Tuy nhiên, quan niệm nữ quyền trong những lời phát biểu trực tiếp chỉ mới thể hiện ở một vài luận điểm. Quan niệm này trở nên đầy đủ hơn khi thể hiện trong tác phẩm qua sự sinh động của thế giới nghệ thuật.
1.2.2.2. Quan niệm về nữ quyền của Lý Lan biểu hiện qua sáng tác So với những lời phát biểu trực tiếp, quan niệm về nữ quyền của Lý Lan biểu hiện qua sáng tác mãnh liệt hơn và có hệ thống hơn rất nhiều. Như chúng tôi đã nói, bài viết về nữ quyền luận của tác giả thiên nhiều hơn về việc
thuyết minh lại các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa nữ quyền, còn một số bài phát biểu – do tính chất câu hỏi – chưa đi sâu vào trình bày quan niệm một cách hệ thống. Trong tác phẩm, thông qua hình tượng nhân vật, có khi thông qua lời trần thuật của người kể chuyện, quan niệm về nữ quyền của Lý Lan được thể hiện rõ nét và có hệ thống.
Lý Lan, kế thừa quan niệm của các nhà lý luận nữ quyền, đặc biệt là Semone de Beauvoir, đã quan niệm về tính bản thể. Bản thể là cái gọi chung, trong đó có nữ giới, do vậy, không thể gọi nữ giới là giới thứ hai. Bản thể của nữ giới theo cách nhìn của Lý Lan không phải là bản thể “ăn theo” nam giới – nghĩa là lấy cái nam giới làm tiêu chuẩn để xác định nữ giới. Mà cái bản thể của nữ giới là những gì thuộc về giới họ, tách khỏi lí luận nam quyền như một sản phẩm của tạo hoá, nó thuộc về cái gọi là sex (giống). Ở đây, dĩ nhiên là phải nói về cái chủ thể cá nhân nhưng cái chủ thể cá nhân là cái ví dụ đơn nhất, không lặp lại, không chỉ là giữa người nữ với người nam mà còn là giữa nữ với người nữ, người nam với người nam.
Trên cơ sở khẳng định bản thể nữ - chủ thể riêng biệt, như một tất yếu, Lý Lan đã đẩy quan niệm của mình lên mức khẳng định quyền tự do của người phụ nữ. Người phụ nữ sống tuân theo những gì thuộc về cá nhân, cái riêng của mình. Ở đó, họ có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do ngôn luận, tự do trong bày tỏ thái độ sống, tự do theo sở thích. Đành rằng, để có được sự tự do ấy, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều thử thách.
Đi kèm với cái gốc khẳng định tính chủ thể, khẳng định quyền tự do, Lý Lan đã đưa nhận thức của mình về nữ quyền ở mức độ sát thực hơn, đó là các nhu cầu đi kèm với việc khẳng định tính chính đáng của nhu cầu. Trong chủ nghĩa nữ quyền, đa phần các lý thuyết gia không đưa vấn đề nhu cầu như một đòi hỏi tất yếu, một nội dung. Thay vào đó, họ thường đưa ra những vấn đề về quyền lợi, về tính “bằng vai phải lứa” với nam giới, dầu trong quá trình triển khai các bình diện, tất yếu họ phải đề cập đến nhu cầu. Các nhà nghiên
cứu về con người và sự tiến bộ của xã hội đã kết luận: “nhu cầu là động cơ để trí tuệ phát triển” [33, 20]. Nhờ có nhu cầu mà xã hội ngày một phát triển hơn. Nhu cầu của con người khác với nhu cầu của con vật, bởi vì con người có đời sống tinh thần. Chỉ so sánh hoạt động bản năng tính dục là đã nhận ra sự khác biệt này. Con người hoạt động tính dục ngoài thoả mãn bản năng còn để thoả mãn về tinh thần, thậm chí ở thế kỉ XVI, người Ấn Độ (trong Kamasutra) đã xem tình dục là một nghệ thuật. Nhu cầu của con người gắn với đời sống của họ, nghĩa là rất khó để khái quát hết các nhu cầu. Tác phẩm của Lý Lan đã đề cập các nhu cầu cơ bản của phụ nữ: nhu cầu tình dục, nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu làm đẹp, nhu cầu về các vấn đề trong sinh hoạt, trong bài trí các vật dụng theo sở thích…
Như vậy, quan niệm về nữ quyền của Lý Lan được phát biểu trực tiếp và thông qua tác phẩm. So với cách phát biểu trực tiếp, thì cách gián tiếp thông qua tác phẩm lại có vẻ mạch lạc hơn và có nhiều hơn các luận điểm. Các luận điểm này rải rác trong các tác phẩm, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà luận điểm này hay luận điểm kia được thể hiện nổi trội hơn. Đặt trong tính hệ thống, cảm hứng nữ quyền đã trở thành một cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong sáng tác của nhà văn.
1.2.2.3. Cảm hứng về nữ quyền - cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Lý Lan Cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”[26, 44]. Bielinski - nhà lý luận văn học Xô Viết - cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của cảm hứng chủ đạo trong sáng tạo văn học nghệ thuật. Ông coi cảm hứng chủ đạo là “điều kiện không thể thiếu được của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [26, 44]. Như vậy, cảm hứng chủ đạo là một yếu tố có
vai trò cả trong quá trình sáng tạo lẫn thưởng thức văn học nghệ thuật. Đối với người sáng tạo tác phẩm, cảm hứng chủ đạo biểu hiện ở thái độ, tư tưởng, tình cảm với hiện thực được mô tả. Bởi thế, nó có mặt và thâm nhập vào hầu hết các ngõ ngách của tác phẩm, chi phối các thành tố kiến tạo nên tác phẩm.
Đối với Lý Lan, cảm hứng về nữ quyền là cảm hứng chủ đạo. Điều này thể hiện trước hết ở số lượng nhân vật nữ, vai trò nhân vật nữ và các vấn đề nội dung khác xoay quanh cuộc sống, tâm trạng người phụ nữ. Về phương diện trần thuật, một mặt, Lý Lan để cho người trần thuật bày tỏ quan niệm của mình về người phụ nữ, về vai trò, địa vị của họ. Mặt khác, nhà văn lại thường xuyên để cho nhân vật phụ nữ bày tỏ chính kiến, bày tỏ quyền tự do, hoặc qua đối thoại, hoặc qua độc thoại nội tâm, hoặc qua các trang văn, dòng nhật kí. Bởi thế mà bên cạnh những đoạn đối thoại mang màu sắc của đời sống là những câu văn thấm đẫm chất trữ tình, tác động tích cực tới hứng thú tiếp nhận tác phẩm của độc giả.
Tất nhiên, nói cảm hứng nữ quyền là cảm hứng chủ đạo thì phải xét trong một hệ thống các cảm hứng, hơn thế, phải xem xét mức độ ảnh hưởng của nó đối với các cảm hứng khác. Trong tác phẩm của Lý Lan, bên cạnh cảm hứng nữ quyền còn có nhiều cảm hứng khác. Về nguyên tắc, cảm hứng nằm trong nội dung, thống nhất với đề tài nên ở một phương diện nào đó, tìm hiểu các nội dung cũng là tìm hiểu các cảm hứng. Về nội dung, tác phẩm của Lý Lan thường đề cập đến người lao động, đề cập đến cuộc sống bình dị, ở đó nổi bật là tình người, đề cập đến các mối quan hệ trong gia đình, đến chiến tranh và những mất mát, hơn thế, còn đề cập đến thân phận con người, những số phận bị định sẵn… Dầu xây dựng nhiều cảm hứng trong tác phẩm nhưng như để khẳng định một chủ trương, một quan niệm, Lý Lan đã chọn nữ quyền làm cảm hứng xuyên suốt các tác phẩm. Bởi vậy, cảm hứng nữ quyền chi phối các cảm hứng còn lại, đến lượt các cảm hứng này lại tác động làm nổi bật cảm hứng nữ quyền. Mối quan hệ này có thể hình dung như một hành tinh
lớn có các vệ tinh châu tuần. Ngay cả khi viết về một đề tài lớn là chiến tranh, chính cách triển khai lấy điểm nhìn là phụ nữ, đã đưa cảm hứng nữ quyền trở thành số một trong tương quan với nó.
Có một điều khá thú vị, cho thấy sự thống nhất trong thế giới quan của nhà văn, đó là các cảm hứng này không phải chỉ có trong truyện ngắn, tiểu thuyết mà còn cả trong tuỳ bút, các ghi chép. Lấy nữ quyền làm cảm hứng chủ đạo, tất yếu Lý Lan sẽ chọn hình tượng nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của mình là người phụ nữ. Có thể nói, cũng giống như Y Ban, thế giới nhân vật của Lý Lan là người phụ nữ. Người nữ xuất hiện trong tác phẩm của chị thường đóng vai trò là nhân vật chính (Hồi xuân và Tiểu thuyết đàn bà) hoặc có khi đóng vai trò là chủ thể trần thuật (tùy bút, hồi ký) hoặc nhà văn kiến tạo tác phẩm dựa trên điểm nhìn trung tâm của người phụ nữ, cách cảm nhận “rất phụ nữ” (ghi chép tản mạn). Chính hình tượng nhân vật nữ sẽ là nơi biểu hiện tập trung nhất, mạnh mẽ nhất quan niệm nữ quyền trong sáng tác Lý Lan.
Trở lên, với chương 1, trên cơ sở đặt sáng tác của Lý Lan trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam đương đại, chúng tôi đã xác định những đặc trưng và đóng góp của sáng tác Lý Lan cho văn học nước nhà trên bình diện nội dung và hình thức tác phẩm. Tất nhiên, sự đóng góp ấy chưa thực sự tạo nên sự “bứt phá” mạnh mẽ và quyết liệt của cá nhân nhà văn nhưng về cơ bản, nó đã đóng góp một dấu ấn riêng, một phong cách văn chương độc đáo trong bối cảnh văn xuôi tự sự đang nở rộ ở nước ta như hiện nay.
Bên cạnh đó, trên cơ sở xác định cảm hứng nữ quyền là cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Lý Lan, chúng tôi đã ngược nguồn truy nguyên nguồn gốc của cảm hứng này và tìm thấy nền tảng tạo nên nó chính là sự tác động của hoàn cảnh riêng và môi trường sống, sự tiếp thu những nội dung chính của Chủ nghĩa nữ quyền (nữ quyền luận) và do ảnh hưởng bởi văn hoá phương Tây. Điều ấy cho thấy cảm hứng nữ quyền trong sáng tác của Lý Lan là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố, nhiều sắc thái và đã được dung hòa, kết hợp
bởi một tư duy rất biện chứng, không cực đoan, thiên lệch. Cảm hứng nữ quyền được thể hiện theo nhiều cách (trực tiếp hoặc gián tiếp qua tác phẩm), qua các yếu tố tư tưởng, sự chi phối của nó với các cảm hứng khác, nhân vật, ngôn ngữ... nhưng theo chúng tôi, nơi biểu hiện rõ nhất cảm hứng nữ quyền