Nam giới giữa thế giới nhân vật nữ trong văn xuôi tự sự của Lý Lan

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 58 - 61)

Trước hết cần khẳng định rằng, như một tất yếu, Lý Lan không tách thế giới phụ nữ riêng biệt với nam giới để biểu hiện tư tưởng, chủ đề (ở đây là tư tưởng về nữ quyền). Những người phụ nữ trong tác phẩm của chị thường được đặt trong những mối quan hệ với nam giới. Nhưng, những quan hệ này thường là để bộc lộ một đặc điểm nào đó của nhân vật nữ. Bởi thế, nhân vật nam giới trong tác phẩm Lý Lan thường đóng vai trò là nhân vật phụ. Nếu đóng vai trò nhân vật chính thì hoặc câu chuyện rẽ sang quan hệ về nền các nền văn hoá (Ted trong Tiểu thuyết đàn bà) hoặc nội dung tác phẩm không liên quan đến người phụ nữ - trường hợp này rất ít, chỉ trừ truyện Đau tim.

Trong tương quan với nhân vật nữ, nhân vật nam giới trong tác phẩm Lý Lan có những “thua thiệt” cơ bản: số lượng thường ít hơn, có nhiều tác phẩm không hề có nhân vật nam (Mẹ và con,Ba người đàn bà, Cô con gái); vai trò chính trong tác phẩm thường được trao cho nữ giới (ở đây có một vài tác phẩm nhân vật nam nhiều hơn nhân vật nữ, nhưng tất cả các nhân vật nam đều trở thành “kênh”, phương tiện để làm nhân vật nữ nổi bật: Rừng mai,

Người đàn bà kể chuyện); thế giới đàn ông ít được thể hiện đầy đủ.

Mặc dù có những “thua thiệt” trên, nhưng nhân vật nam trong tác phẩm Lý Lan không bị nhìn méo mó, thậm chí có những tác phẩm không đơn giản. Điểm khác biệt cơ bản nhất, theo chúng tôi, giữa Lý Lan và một số cây bút nữ lấy nữ quyền luận làm cảm hứng, nhất là các cây bút trẻ là ở chỗ, Lý Lan không hạ bệ đàn ông, không xem đàn ông là một sự đơn giản, một trò hề. Đây chính là điểm chân thực của tác phẩm. Không phải hạ bệ đàn ông là có thể “nâng bệ” phụ nữ, thậm chí ngược lại, càng hạ bệ đàn ông càng chứng tỏ -

trong bản chất - văn hoá nam quyền đang áp chế người viết. Vậy là cách làm đó vừa đơn giản, tầm thường vừa không đạt hiệu quả, không thuyết phục. Nhà văn người Anh Byatt đã từng đạt các giải Booker, James Tait Black, thậm chí đã phê phán giải Orange - giải thưởng chỉ giành cho các nhà văn nữ, vì theo bà đó là giải thưởng phân biệt giới tính. Theo chúng tôi, không nên hiểu nam giới đơn giản, không nên biến nam giới thành trò hề, thành xấu xa, lừa lọc trong quan hệ với nữ giới, vì nam giới đã tạo nên một nền văn hoá có bề dày, dầu điều này thiên lệch. Từ đó, để khẳng định nữ quyền, có lẽ cần phải đi bằng con đường đối thoại thay cho “đối đầu” như nhiều nhà văn. Lý Lan không hạ bệ, nhưng vẫn chưa giành nhiều sự đầu tư cho việc xây dựng nhân vật nam. Nhân vật nam đa phần vẫn còn dễ hiểu. Một thế giới đấu tranh phức tạp, ở đó, khó khăn đang chồng chất cho nữ giới, các nhân vật nam giới dưới sức mạnh văn hoá (đã trở thành vô thức - một kiểu vô thức tập thể) lại vẫn duy trì vị thế của mình hoặc là nhận ra nền văn hoá phụ quyền đã có những tàn nhẫn, phân biệt… đó là điều mà tác phẩm Lý Lan chưa đi sâu thể hiện.

Nhân vật nam trong tác phẩm của Lý Lan thường đóng vai trò là nền, là cái phông để bản sắc, cá tính, chủ thể nhân vật nữ biểu lộ rõ nét. Trong Tai

nạn, Thanh đại diện cho nam giới, cho ý thức của cộng đồng để làm nổi bật

Cẩm. Trong Phượng, Tốn là nhân vật làm cho Phượng nổi bật lên ở đặc điểm quyến rũ, mạnh mẽ, yêu thiên nhiên... Vì đóng vai trò phụ, làm nhiệm vụ là cái nền, cái phông nên nhân vật nam trong tác phẩm thường ít được nhà văn dụng công miêu tả. Nhân vật nam ở đây đa phần hiện lên qua bóng dáng, qua sự hình dung (Tai nạn, Rừng mai), hầu như không có ngoại hình, thậm chí nhiều tác phẩm chỉ xuất hiện trong lời kể lại của nhân vật nữ (Người đàn bà

kể chuyện, Hồi xuân, Dị mộng), ít hành động, hoặc hành động rất tập trung,

thiếu diễn biến nội tâm, thường không xuất hiện trở lại khi mục đích biểu hiện một đặc điểm nào đó của nhân vật nữ đã đạt được. Nhìn chung, cách miêu tả

nhân vật nam không phức tạp, không sử dụng nhiều bút pháp, nhiều dụng công nghệ thuật.

Một đặc điểm khá phổ biến ở nhân vật nam của tác phẩm Lý Lan đó là thường biểu hiện những gì thuộc về nhận thức theo kiểu... đàn ông. Tư tưởng nam quyền là hệ quả của một nền văn hoá coi trọng đàn ông, hay như có người nói, là nền văn hoá duy dương vật. Nền văn hoá này có bề dày lịch sử, có sức mạnh lớn lao, bởi thế, mọi nam giới sinh ra như đã được “mặc định” đâu đó thói tính này. Trong tác phẩm Người đàn bà kể chuyện, các nhân vật ông Đạo, người bố, thầy giáo đều coi việc Tho mất trinh tiết khi còn bé là một hệ trọng đối với đạo đức, phẩm hạnh người nữ, bởi thế mà Tho khô héo, cô đơn, bị khinh bỉ. Trong Tai nạn, nhân vật Thanh chỉ vì nghĩ dư luận coi mình là “thằng đểu” nên dù không yêu thương Cẩm nhưng cũng bắt buộc Cẩm phải đồng ý chấp nhận lễ cưới của mình, bất chấp thái độ phản kháng của Cẩm. Tư tưởng này còn nhận thấy qua một vài bóng dáng như bóng dáng người dượng của Yên trong Tháng chạp, người chồng của “tôi” trong Hồi xuân, Đường dài

hạnh phúc ... Từ thuở nguyên sơ, bản sắc của giới nam, giới nữ vốn đã được

tạo hoá hình thành, ban bố. Bởi thế mà tính cách, đặc tính của nam giới và nữ giới luôn khác nhau. Thậm chí ngay cả cách lấy danh từ “đàn ông”, “đàn bà” làm tính từ trong nói năng hàng ngày đã là một bằng chứng (anh ấy rất… đàn ông/ đồ đàn bà). Bản sắc của nam giới thể hiện ở nhiều đặc điểm phân biệt với nữ giới, chẳng hạn: nam giới thiên về lí trí; trong quan hệ với tự nhiên, nam giới có khoảng cách, đối lập, thích khám phá; trong hoạt động tình dục, nam giới thường bốc đồng, chủ động, thích độc tôn, chinh phục, cảm xúc đến nhanh, kết thúc nhanh… Trong tác phẩm Rừng mai, Ninh, người lái xe, ông bố đều không gần gũi, không hoà nhập được với thiên nhiên nên đã không hiểu được Lộc, đối lập với Lộc: Ninh thì dần dần rời xa Lộc vì nghi ngờ vô cớ. Người lái xe và ông bố thì xem những cành mai rừng là một thứ để hưởng thụ - người lái xe chặt cành mai, người bố ngồi bên con trong căn nhà lại khen

cành mai đẹp. Trong Ngựa ô, Tấn dầu thương Triệu nhưng khi Triệu có dự định đưa ngựa ô lên Đà Lạt - ứng xử vì chữ nghĩa đối với con vật – thì Tấn nói: “bộ tưởng lên đó nó không chết sao?”. Người chồng trong Dị mộng không đồng cảm với vợ, anh quan tâm tới công việc, tới giờ làm, xem giấc mơ của vợ chỉ là những trò chẳng để làm gì cả. Ted trong Tiểu thuyết đàn bà khi “lên giường” với vợ thì áp đặt, coi vợ là vật sở hữu độc tôn, quỵ lụy, phục tùng... Bằng việc thể hiện nam quyền và bản sắc của giới, các nhân vật nam đã làm cho các nhân vật nữ hiện lên khá rõ nét. Đây là một đặc điểm làm nên sự hấp dẫn, sự chân thực trong phản ánh của tác phẩm Lý Lan.

Như vậy, có thể thấy, nhân vật nam trong tác phẩm Lý Lan thường đóng vai trò phụ, chủ yếu để làm nổi bật nhân vật nữ hoặc một đặc điểm nào đó của giới nữ. Nếu như trong thế giới nghệ thuật, họ có vị trí “thua thiệt” thì trong đời sống, nhân vật nam là đại diện cho nền văn hóa phụ quyền đầy tính áp chế: luôn muốn phán xét, kết tội người khác; luôn muốn áp đặt, thống trị, sở hữu; bảo thủ, độc đoán gia trưởng; quyết liệt, lý tính, tàn nhẫn... Họ hiện diện trong tác phẩm không với tư cách một cá nhân cụ thể mà là hiện thân cho nền văn hóa nam quyền. Chính vì vậy, nhân vật nam vừa là “phông nền” cho sự xuất hiện nhân vật nữ, vừa là sự đối nghịch, lực cản với nhân vật nữ trong quá trình đi tìm và khẳng định vai trò chủ thể của giới mình.

Một phần của tài liệu Cảm hứng nữ quyền trong văn xuôi tự sự của lý lan (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(130 trang)
w