2.1.1. Một cái nhìn chung vềi nhân vật trong văn xuôi tự sự Lý Lan
2.1.1.1. Một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng
Như chúng tôi đã trình bày ở chương 1, Lý Lan sáng tác trên nhiều đề tài (về chiến tranh, phụ nữ, về thiếu nhi, về quê hương đất nước) và thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, tùy bút). Bởi vậy,thế giới nhân vật trong tác phẩm của chị thường phong phú, da dạng, mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Đằng sau những nhân vật bình dị, đời thường là vỉa tầng văn hoá Nam Bộ với chiều dài 300 năm, năng động, cởi mở và mang nhiều nét tính cách độc đáo. Có thể nói rằng, dù độ tuổi, tính cách, nghề nghiệp, nhận thức, sinh sống trong các không gian khác nhau nhưng các nhân vật của Lý Lan đều có đặc điểm chung đó là mang những dấu ấn của con người Nam Bộ. Hơn thế, ở khía cạnh nhân sinh, dầu là trí thức, người buôn bán, người nông dân hay những đứa trẻ vỉa hè nhưng hết thảy đều mang nỗi buồn, có khi là sự xung đột văn hoá, có khi là những mất mát trong cuộc đời, có khi là đời sống vật chất cơ cực… Dù thế nào đi nữa, họ vẫn thuỷ chung, nghĩa tình và luôn biết khao khát tình yêu thương, hạnh phúc. Để miêu tả được điều đó, Lý Lan đã đi vào tâm lí nhân vật một cách nhẹ nhàng, âm thầm nắm bắt những giây phút rất “người” và tinh tế miêu tả lại theo quá trình, diễn biến. Đặc biệt là nhà văn đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc đối với những khát vọng rất nhân văn, đời thường của nhân vật. Theo chúng tôi, đó chính là phẩm chất đáng quý của một người cầm bút.
Khảo sát các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết của Lý Lan, chúng tôi thấy, nhân vật trong tác phẩm của chị thuộc nhiều kiểu khác nhau. Đó có thể
là những người lao động bình dị (Người đàn bà kể chuyện, Tháng chạp, Ngựa
ô, Chờ đến sang năm, Đau tim, Cần Giuộc), là nhân vật trí thức (Tiểu thuyết đàn bà, Đường dài hạnh phúc, Tình chỉ đẹp…), là công chức (Tai nạn, Rừng mai, Ngựa ô, Tháng chạp), là giáo viên (Cần Giuộc, Người đàn bà kể chuyện, Quá chén, Lắp ghép hạnh phúc), là người buôn bán nhỏ (Người đàn bà kể chuyện, Tiểu thuyết đàn bà), kép hát (Diễn viên hạng ba), nhân vật trẻ em (Chị ấy lấy chồng chưa?, Chờ đến sang năm, Một thằng nhỏ). Tất nhiên do tính
chất của tác phẩm nên vai trò, vị trí, tần suất xuất hiện của các kiểu nhân vật ở các tác phẩm có sự khác nhau. Tính chất, mức độ miêu tả cũng khác nhau, chẳng hạn: có tác phẩm, kiểu nhân vật trí thức hiện lên rõ nét, các nhân vật khác chỉ được điểm qua và ngược lại. Chính điều này đã làm nên tính thuyết phục của tác phẩm, bởi nhân vật cần có mối quan hệ sinh động của nó, hơn thế, các nhân vật đóng vai “phụ” lại có khi là một “kênh” để người ta hiểu hơn về nhân vật chính.
Lý Lan, trong trả lời phỏng vấn đã nói: “Tôi dám viết về những gì tôi biết và trải nghiệm ở Việt Nam, vì dù sao đi nữa tôi cũng có hơn 40 năm để mà lăn lóc, trầy trụa ở đây” [56] và “Tám năm đầu đời, sống trong tình yêu đầy đủ của cả cha mẹ ông bà họ hàng xóm làng ở nông thôn an lành hình thành nên giá trị căn bản con người tôi” [52] vì thế con người nơi đây đã ghi một dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí của chị. Những dấu ấn này được thể hiện lặp đi lặp lại trong hệ thống nhân vật. Gần như những tình cảm của quê hương đã ăn nhập vào hồn cốt nhà văn đến nỗi chị cảm thấy “mang nợ”, mà bằng ngòi bút, trả sao cũng không hết được. Ta có thể bắt gặp lại hình ảnh người con gái gốc Việt sinh sống ở hai quốc tịch khác nhau trong các tác phẩm: Mẹ
và con, Cô con gái, Tiểu thuyết đàn bà, Đêm thảo nguyên, Ba người đàn bà.
Nếu Hồi xuân là một tập truyện có nhiều nét từ cuộc đời chị thì phải chăng nhiều nét đó trước hết là ở việc tái hiện một hoàn cảnh như lấy ra từ thực tế cuộc sống của chị? Nghĩa là, thêm một lần chúng ta khẳng định tính chân thực
trong cảm xúc, trong cách biểu hiện của Lý Lan. Không những tái hiện trong tác phẩm nhiều hình ảnh nhân vật với độ tuổi, tính cách, nghề nghiệp khác nhau, mà quan trọng hơn, Lý Lan đã sử dụng ngòi bút rất mộc mạc, tự nhiên, khiến cho các nhân vật hiện lên không có tính ước lệ, càng không có tính hư cấu cao. Có thể đó là những ông lão như ông Thăng trong Đau tim, ông Hai trong Ngựa ô hay những cô gái mang nỗi niềm hoài hương: “tôi” trong Ngựa
ô, Tuyết (Snow) trong Đêm thảo nguyên, Yên trong Tháng chạp, Không Bé
trong Tiểu thuyết đàn bà hay là những đứa trẻ ngây thơ, đáng thương trong các câu chuyện về thiếu nhi của chị …
Thế giới nhân vật phong phú, đa dạng đã tác động tích cực tới chỉnh thể tác phẩm. Trước hết, xét về mặt hiện thực, như đã nói, tính hiện thực đạt đến mức độ cao nhất, nhân vật cần được bộc lộ ở trong các mối quan hệ, có khi chỉ là những quan hệ thoáng qua, chỉ là một sự gặp gỡ tình cờ (như “tôi” và ông Hai trong Ngựa ô). Điều này cho thấy khả năng bao quát đời sống, khả năng quan sát của Lý Lan, dĩ nhiên trong tâm khảm đó là cái “tình” của người viết với đất và người Nam Bộ. Bên cạnh việc tác động đến tính hiện thực, thế giới nhân vật phong phú, đa dạng còn tác động đến tư tưởng của tác phẩm. Chính sự tham gia của nhiều nhân vật vào tác phẩm đã làm cho tác phẩm bị xé lẻ thành các chủ đề khác nhau, có khi nằm trong hệ chủ đề (dĩ nhiên phải có chủ đề chính). Sự đa nghĩa, phong phú của tư tưởng tác phẩm còn thể hiện ở chỗ, nếu ta coi các tác phẩm của Lý Lan là một tập hợp, thì trong đó có những tác phẩm - tức tập hợp con - nói về những nội dung khác nhau liên quan đến các kiểu nhân vật khác nhau.
Ngoài việc tác động đến tính hiện thực, tư tưởng của tác phẩm, thế giới nhân vật phong phú, đa dạng còn tác động tích cực tới nghệ thuật kiến tạo tác phẩm. Điều này thấy rõ nhất ở việc sử dụng bút pháp. Mỗi kiểu nhân vật khác nhau, do gắn với đặc thù công việc, môi trường, đặc biệt là nhận thức, nhà văn phải dùng các bút pháp khác nhau để tái hiện. Chẳng hạn, miêu tả người
lao động bình dị, Lý Lan luôn dùng ngòi bút nhân hậu, chỉ miêu tả những hành động thầm lặng có tính lặp lại, gắn với thứ ngôn ngữ dân dã: hình ảnh cô Chi trong Tháng chạp, ông Hai trong Ngựa ô, người thợ trong Người đàn bà
kể chuyện. Miêu tả công chức hay những người có học, Lý Lan thường thiên
về miêu tả những nét cá tính của họ, những hành động dứt khoát, những quyết định nhanh gọn, đặc biệt là ngôn ngữ thực tế, quyết liệt, chẳng hạn Thoa, Không Bé, Ted trong Tiểu thuyết đàn bà, Quyên trong Mẹ và con, “con” trong
Cô con gái…
Không gian, thời gian đối với việc tái hiện nhân vật khác nhau cũng khác nhau. Chẳng hạn, gắn với nhân vật là công chức hay người có học, không gian thường là căn phòng; không gian xung quanh và thời gian thường tạo nên sự chèn ép riết róng đối với nhân vật, đòi hòi con người phải gấp gáp, vội vã. Ngược lại, tái hiện người lao động bình dị, không gian thường gắn với đồng ruộng, căn nhà, đường làng; thời gian thường trôi chậm chạp, thường gắn với những giấc mơ đẹp, kéo dài.
Nhân vật trong tiểu thuyết, truyện ngắn Lý Lan không chỉ phong phú, đa dạng mà còn tỏ rõ sự phức tạp, mâu thuẫn. Xét về một phương diện nào đó, sự phức tạp, mâu thuẫn là một khía cạnh của tính hiện thực trong tác phẩm.
2.1.1.2. Một thế giới nhân vật đầy phức tạp, mâu thuẫn
Về bản chất, thế giới nào phong phú, đa dạng cũng là thế giới phức tạp, mâu thuẫn. Giữa các thành phần, nhân tố khác nhau bao giờ cũng đại diện cho các phẩm chất, tính cách khác nhau. Bởi thế, khi đề cập đến một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng là đã bao hàm trong đó nội dung tính phức tạp, mâu thuẫn. Vấn đề là ở chỗ, tác giả đã để cho điều đó bộc lộ như thế nào?
Trước hết, theo chúng tôi, tác giả đã đặt các kiểu nhân vật khác nhau vào trong một môi trường, một không gian - thời gian, cùng chung những mối quan hệ. Đó có thể là không gian hẹp, thời gian ngắn; hoặc không gian rộng lớn, thời gian dài; hoặc có khi không gian không biến đổi nhưng thời gian lại
biến đổi theo ngày tháng. Về trường hợp thứ nhất ta có thể điểm qua vài tác phẩm: không gian là trên xe buýt, thời gian là thời gian chuyến xe đi và đến, mối quan hệ giữa cô giáo trẻ và những người ngồi trong xe - những mối quan hệ qua đường nhưng có vai trò lớn trong việc tác động đến nhận thức của cô giáo trẻ trong tác phẩm Cần Giuộc; không gian là căn phòng, thời gian là đêm, mối quan hệ là anh và em trong Dị mộng; không gian là gian nhà cô Chi, thời gian là đêm Yên trở về, mối quan hệ giữa Yên và những người nhà quê trong Tháng chạp… Còn trường hợp thứ hai: không gian là nước Mỹ, thời gian là thời gian hai vợ chồng Không Bé và Ted chung sống, và không gian là Sài Gòn, thời gian là những sự kiến lớn nhỏ từ khi Thoa chào đời đến khi Thoa bắt đầu hành trình đi tìm chị Đen trong Tiểu thuyết đàn bà; không gian là không gian di động từ nhà ông Quyền, tới cơ quan tới rừng mai, thời gian là những ngày tháng chạp, mối quan hệ là giữa hoạ sĩ và cô gái trong Rừng mai… Trường hợp thứ ba ta có thể thấy trong tác phẩm Mẹ và con - không
gian là căn phòng Quyên, thời gian là ngày nối ngày, mối quan hệ là giữa mẹ và con, những người thế hệ khác nhau, nghề nghiệp khác nhau; không gian là nhà hàng của Tho, thời gian là những ngày tháng buôn bán, gắn với kí ức, mối quan hệ là giữa người buôn bán và người thợ, người thầy, và nhiều đối tượng xã hội khác… Điểm qua một vài tác phẩm đại diện cho những không gian, thời gian khác nhau trong đó các nhân vật có cùng những mối quan hệ nhất định để thấy hành động đó là chủ ý của Lý Lan. Điều này đã tạo nên tính chất chằng chéo, phức tạp trong thế giới nhân vật của Lý Lan, làm người đọc có nhiều lúc bối rối vì không biết nhà văn đang dẫn mình vào một “ma trận” các mối quan hệ theo chiều hướng như thế nào? (có thể thấy rõ nhất điều này trong Tiểu thuyết đàn bà).
Không chỉ dừng lại ở việc đưa các nhân vật với tên tuổi, nghề nghiệp, tính cách khác nhau vào trong một không gian, thời gian nhất định, mà hơn thế, Lý Lan còn đưa nhân vật vào trong các mối quan hệ, từ đó tạo dựng xung
đột, mâu thuẫn. Có khi đó là xung đột về lối sống, văn hoá khác nhau trong mối quan hệ vợ - chồng (mẹ - con) (Tiểu thuyết đàn bà, truyện Cô con gái). Có khi đó là mâu thuẫn trong tư tưởng tính cách, nhưng không xẩy ra xung đột trong những mối quan hệ thoáng qua giữa những người không quen biết (Cần Giuộc). Có khi là mâu thuẫn về tính cách khác nhau trong Mẹ và con…
Điều đáng chú ý ở Lý Lan là chị không giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để. Kết thúc tác phẩm Lý Lan thường để ngỏ (kết thúc mở), vì thế có cảm giác tác phẩm kết thúc nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn dai dẳng, vẫn y như cuộc sống. Có thể dẫn chứng bằng mâu thuẫn giữa Không Bé và Ted trong Tiểu
thuyết đàn bà (cuối tác phẩm Không Bé đáp máy bay về Mỹ với chồng); mâu
thuẫn giữa mẹ và con trong Mẹ và con (dù Quyên đã mua một bó hoa tặng mẹ để xoá hết mọi mâu thuẫn, lệch hướng, nhưng cái bình hoa đã bị mẹ bán mất, mẹ phải chờ bà bán ve chai)… Điều này tạo nên tính phức tạp dai dẳng của hệ thống nhân vật ngay cả khi ngôn ngữ đã chấm dứt vai trò biểu hiện của nó trong tác phẩm.
Sự phức tạp, mâu thuẫn trong thế giới nhân vật trong tác phẩm Lý Lan không chỉ thể hiện ở việc nhà văn đặt các kiểu nhân vật khác nhau vào trong một môi trường, một không gian - thời gian, cùng chung những mối quan hệ mà sâu sắc hơn thế, nhà văn tạo dựng sự phức tạp, mâu thuẫn trong chính một con người. Mâu thuẫn trong một con người, theo lý thuyết của M. Bakhtin đó là “vi đối thoại”, khác với đối thoại lớn - đối thoại giữa những con người với nhau. Hiện tượng “vi đối thoại” biểu hiện ở việc cùng lúc trong một con người có những tư tưởng khác nhau, vang lên những tiếng nói khác nhau, không nhất quán, tạo nên sự lưỡng lự, làm cho hành động không dứt khoát, hành động trái ngược với ý nghĩ. Thông thường, các tư tưởng, các tiếng nói này là đại diện cho hai dạng thức trong một con người: lí trí và tình cảm, ý thức và vô thức. Âu đây cũng là một hiện thực đối với đối tượng là người phụ nữ, bởi người phụ nữ thường trọng tình, ứng xử của họ thường thiên về cảm
tính. Bởi thế, kiểu đối thoại như các nhà văn khác sử dụng, như lí trí với lí trí, gần như không xuất hiện trong tác phẩm Lý Lan. Sự mâu thuẫn trong chính một con người, ta có thể bắt gặp trong tác phẩm ở nhân vật “con” trong Mẹ và
con (Quyên quyết định xoá hết mâu thuẫn với mẹ, nhưng chính hành động
mua hoa tặng mẹ lại làm cho mâu thuẫn kéo dài thêm. Rõ ràng, Quyên không thể hành động như dự tính); Không Bé trong Tiểu thuyết đàn bà (Không Bé quyết không trở lại với Ted nhưng cô đã không thực hiện được); Tho trong
Người đàn bà kể chuyện (ý nghĩ đòi bắt ông Đạo trả giá đã không được Tho
thực hiện như dự tính, khiến Tho thất bại); Cẩm trong Tai nạn (một câu nói trước khi đóng cửa phòng, chia tay Thanh và khi đã mang giọt máu của Thanh... Khảo sát trong tác phẩm Lý Lan, chúng tôi nhận thấy, kiểu nhân vật tự đối thoại này có tần số xuất hiện khá nhiều. Có những tác phẩm nhân vật thường xuyên tự đối thoại như Những viên sỏi cầm chơi, Một đời, Lắp ghép
hạnh phúc… nhưng cũng có những tác phẩm nhân vật tự đối thoại chỉ xuất
hiện ở một vài tình huống: Ngựa ô, Dị mộng… Và, gần như nhân vật tự đối thoại chủ yếu tập trung ở những người phụ nữ có nhận thức, có ý thức coi trọng cái tôi cá nhân. Chính sự mâu thuẫn nội tại đã làm gia tăng mâu thuẫn bên ngoài, giữa nhân vật với các nhân vật khác, làm cho các mâu thuẫn phức tạp hơn, kéo dài, trong khuôn khổ hạn hẹn của tác phẩm thường không giải quyết được.
Thế giới nhân vật phức tạp, mâu thuẫn như cách khắc hoạ của Lý Lan cho thấy sự am hiểu của tác giả về tâm lí con người và các mối quan hệ trong thế giới loài người. Tất nhiên, để làm được điều đó, theo chúng tôi, trước hết là do lối viết, văn phong của Lý Lan - lối viết giản dị, ngôn ngữ, cách diễn đạt sáng rõ, tạo dựng những nhân vật, những câu chuyện chân thực, không cường điệu, không màu mè. Nhờ có bút pháp phù hợp, cách viết sáng rõ mà nhân vật là con người thực, câu chuyện là câu chuyện thực. Từ những con người thực, câu chuyện thực mà tác giả tạo dựng trong tác phẩm, ta có thể nhận thấy Lý
Lan đã ý thức được tính chất “người” của con người và bản chất của cuộc sống. “Con người là một tiểu vũ trụ”, trong đó có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Những cung bậc đó đan xen, cùng tồn tại, chúng có khi tương sinh, có khi tương khắc, có