Không gian tương phản của thi sĩ cô độc chốn sa mạc cô liêu

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 88 - 100)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Không gian tương phản của thi sĩ cô độc chốn sa mạc cô liêu

Không gian rộn ràng đắm say của “vườn yêu” trong thơ Xuân Diệu được tương phản với tâm hồn thi sĩ chốn “sa mạc cô liêu”. Nhà thơ có lúc đối diện với thế giới hoang liêu cô quạnh khiến tâm trạng trống vắng cô đơn, để rồi: “Muốn trốn sầu đơn muôn vạn kiếp. Lại tìm sa mạc của tình yêu”, “Để tôi làm kẻ qua sa mạc. Tạm lánh hè gay - thế cũng vừa”, “Họ chứa nhớ thương và - mỗi tối. Ấy là sa mạc của buồng hoa”, “Mà tình ái là sợi dây vấn vít. Mà cảnh đời là sa mạc cô liêu”, “Bãi xa cũng muốn làm sa mạc. Chẳng muốn ai đi - buồn, hỡi lòng!”...

Nhà thơ luôn sống trong sự tương phản, ở trên là vườn tình ái với một thế giới tình tứ hạnh phúc, từng cặp đôi giao duyên, giao cảm với nhau, đường nét, hình thể, ánh sáng, thanh âm, hương vị đều tươi mát nồng thắm, thì ở đây sa mạc

cô liêu lại là thế giới của sự cô đơn, vạn vật bị chia tách thành từng cá thể lẻ loi, tất cả đều nhạt nhoà u uất, hiện lên sự chia lìa xa cách:

“Không gì buồn bằng những buổi chiều êm Mà ánh sáng đều hoà cùng bóng tối.

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối; Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành; Mây theo chim về dãy núi xa xanh Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ, Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ...”

(Tương tư chiều)

Trong Thơ thơGửi hương cho gió ta có thể nhìn thấy nhiều biến thể của sa mạc cô liêu: “Trên trần lạnh thẩn thơ dăm bóng nhạt”; “Chiếu xa vắng một mình ta ở giữa”, “Ta nằm đây như một ải quan xa”... đó là những không gian trống vắng, lẻ loi, hiu quạnh.

Nếu như màu sắc luyến ái mang đầy hương sắc tươi mới trong một thiên nhiên gợi tình, đầy niềm rạo rực đắm say. Thì ở sa mạc cô liêu lại mang một dáng vẻ hiu quạnh, cô đơn. Thiên nhiên của những cặp đôi đã nhường chỗ cho thiên nhiên của li tán chia rời:

“Mây biếc về đâu bay gấp gấp Con cò trên ruộng cánh phân vân Chim nghe trời rộng dang thêm cánh Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”

(Thơ duyên)

Vì bài thơ được viết theo dòng thời gian tự nhiên từ chiều mộng đến chiều thưa tương ứng với các cảnh như thế mà chúng ta dễ quên đi sự phân lập có chủ ý giữa hai cảnh sắc là mảnh vườn tình ái và sa mạc cô liêu. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy rất rõ sự thay thế của hai thiên nhiên ấy. Tất cả giờ đây đều trống trải, lạnh lẽo, lẻ loi... Khổ thơ đầy phấp phỏng, nó gợi ta nhớ đến câu thơ: “Tôi là con nai bị chiều

đánh lưới. Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối” (Khi chiều buông lưới). Cả con nai ấy, cả con cò này đều chỉ là hai biến thể khác nhau của cùng một cái Tôi cô đơn Xuân Diệu mà thôi. Trống trải, người ta cần nương tựa; lạnh lẽo, người ta cần hơi ấm; lẻ loi người ta cần có đôi. Tất cả chỉ là những biểu hiện của trạng thái cô đơn cố hữu. Làm sao có thể vượt thoát được nỗi cô đơn bất hạnh này? Tất cả những nhu cầu ấy chỉ được đáp ứng một khi con người đi đến tình yêu.

Sa mạc cô liêu là thế giới của “kẻ thất tình”, là thời phai của vườn tình đang suy biến, phôi pha, phai nhạt. Vì thế không khỏi có lúc giữa vườn tình mà đã thấp thoáng lảng vảng đó đây cái bóng cô liêu của sa mạc kia rồi: “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá. Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”, “Trăng ngà lặng lẽ như buông tuyết. Trong suốt không gian tịch mịch đời”, “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi. Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”... Khi “Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài” thì đó là lúc vườn tình ái sắp sửa thành sa mạc cô liêu.

Tình ái, niềm luyến ái là nhân tố điều hành mọi hoạt động trong vương quốc thi ca Xuân Diệu, là nơi để chứa đựng không gian khoáng đạt của vườn trần nhưng cũng là nơi thi sĩ thấy hiu quạnh, cô liêu. “Vườn tình ái” và “sa mạc cô liêu” vốn là những hình ảnh thực, đầy ấn tượng đối với thi sĩ, đã được tâm thức thơ ca Xuân Diệu dùng như cặp hình ảnh tổng quát để phân lập và quy chiếu thế giới này. Cặp hình ảnh tổng quát ấy đối lập với nhau một cách biện chứng. Nghĩa là chúng vừa tương phản nhau vừa chuyển hoá sang nhau làm nên hình tượng một thế giới toàn vẹn và sống động của Xuân Diệu. Ở phía này, thế giới hiện ra như một mảnh vườn tình ái, trong đó vạn vật đang rạo rực đắm say, đang giao duyên tình tự với nhau, bao trùm lên là một bầu sinh khí ngập tràn ánh sáng và hơi ấm. ở phía kia, thế giới lại hiện ra trong diện mạo một hoang mạc cô liêu, tất cả cứ như một cõi hoang vắng, sinh khí suy biến tiêu tán - và cảnh đời là sa mạc cô liêu; tạo vật thành lẻ loi, trống trải, lạnh lẽo, âm u, âu sầu. Nếu mảnh vườn tình ái là thiên nhiên gợi tình, thì hoang mạc cô liêu là thiên nhiên gợi buồn. Một đằng đánh thức dậy trong con người khát khao luyến ái yêu đương, một đằng lại đánh thức nỗi cô đơn cố hữu trong từng cá thể. Dù gợi tình hay gợi buồn, thế giới xung quanh đều dẫn lối cho

con người đến một cái đích duy nhất, đó là Tình yêu. Bởi chỉ đến với tình yêu con người mới được thoả những khát khao tình ái, cũng chỉ đến với tình yêu mỗi cá thể mới vượt thoát được nỗi cô đơn.

Có thể nói, trong thiên nhiên tạo vật của Xuân Diệu luôn giăng mắc hai sợi tơ như thế và sẵn sàng xe duyên cho mọi lứa đôi. Tơ duyên nảy sinh giữa những cá thể vốn xa lạ nhau chính là ý muốn của một thế giới như vậy. Một ý muốn không ai có thể cưỡng được. Không phải tơ duyên hình thành từ kiếp trước một cách siêu hình theo quan niệm nhà Phật. Mà chính tạo vật thiên nhiên quanh chúng ta đây đã xe duyên cho con người. Đó là một quan niệm rất trần thế của Xuân Diệu.

Toàn bộ thế giới nghệ thuật Xuân Diệu từ hình tượng cái tôi, hình tượng giai nhân, đến hình tượng thế giới đều được sinh ra từ chữ Tình hay nói đúng hơn là sinh ra từ niềm khát khao luyến ái. Xuân Diệu tạo ra nó bằng tâm huyết của mình để “cất giữ tuổi trẻ mình ở đó”, để được sống mãi cùng mai sau. Xuân Diệu không bắt những người khác phải theo ông. Thế giới ấy chỉ dành cho những ai đồng điệu, thanh khí, tri kỉ. Nó giúp con người thêm một lần nhận chân về ý nghĩa đích thực của sự sống trong cõi nhân sinh này.

“Đi vào thế giới không gian nghệ thuật của thơ Xuân Diệu là bước vào một vương quốc nghệ thuật riêng với nhiều tầng, mảng, hình khối không gian khác nhau (...) Tất cả những yếu tố thuộc đường nét, hình thù không gian đó đã chi phối trực tiếp đến bút pháp tạo hình và hệ thống hình ảnh” [61, 241] trong thơ ông.

Thế Lữ, Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Diệu là những nhà thơ tiêu biểu mang những phong cách khác nhau của thời kỳ Thơ mới 1932-1945. Mặc dù họ mang những phong cách khác nhau thì vẫn có những nét chung nhất của các nhà Thơ mới đương thời, đó là trong các tác phẩm của họ đã thể hiện được cái tôi nội cảm, tính đa dạng và sự quy hồi trên những mẫu gốc truyền thống. Họ là những nhà thơ đã có những đóng góp mới mẻ trên phương diện thi pháp thơ. Với quan niệm về không gian nghệ thuật mới đó, thơ Việt Nam đã bước ra khỏi ngôi nhà

quen thuộc để hội nhập với bầu trời hiện đại hoá. Sự thành công của các nhà Thơ mới trong xây dựng không gian nghệ thuật của riêng mình và của cả nền thơ, có lẽ là một thách thức, một gợi mở cho thơ đương đại.

Thơ mới và không gian nghệ thuật trong thơ mới là một đề tài đã có lịch sử nghiên cứu khá lâu dài. Luận văn của chúng tôi được hoàn thành sau khi đã có một số chuyên luận, luận án Tiến sỹ và luận văn Cao học nghiên cứu về Thơ mới được thực hiện và bảo vệ thành công, nên có thuận lợi là được kế thừa những thành quả của các tác giả đi trước. Tuy nhiên khó khăn của chúng tôi là chưa có một công trình thực sự chuyên sâu nào nghiên cứu về đề tài này một cách có hệ thống, do đó trong phạm vi khả năng của mình, chúng tôi đã phải hết sức nỗ lực cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để hoàn thành luận văn.

Xuất phát từ các vấn đề lý thuyết về không gian nghệ thuật và phạm vi khảo sát qua sáng tác của 4 tác giả tiêu biểu của phong trào như: Thế Lữ, Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, chúng tôi đã tổng hợp miêu tả một cách có hệ thống những đặc điểm chủ yếu của không gian nghệ thuật trong Thơ mới giai đoạn 1932 -1945, qua đó đã chỉ ra những nét đặc sắc đã góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật của phong trào thơ giai đoạn này.

Không gian nghệ thuật Thơ mới ngoài những nét chung của không gian nghệ thuật trong thơ như: là hình thức để cảm thụ thế giới và con người. Góp phần cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, và quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học, nó còn cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Nghiên cứu không gian nghệ thuật trong Thơ mới, nhận thấy:

1. Không gian nghệ thuật trong Thơ mới phản ánh rõ khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945: Khuynh hướng lãng mạn, lý tưởng hóa cuộc sống rối ren, rối bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và mang tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng của các tác giả giữa vòng đời. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội. Vì vậy, trong Thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng.

2. Không gian nghệ thuật Thơ mới đã góp phần cùng toàn bộ thi pháp Thơ mới hiện đại hoá thi ca nước nhà, chuyển từ thơ Trung đại sang thơ Hiện đại. Nếu trong thơ cổ, không gian, thiên nhiên, vũ trụ bao la chỉ để “nhìn ngắm”, “đề vịnh” thì trong Thơ mới không gian được chiếm lĩnh như một đối tượng thẩm mĩ. Ở đó, cái Tôi ra đời đòi hỏi giải phóng cá nhân, thoát khỏi luân lí lễ giáo phong kiến chính là sự tiếp nối và đề cao cái bản ngã đã được khẳng định trước đó. Đó là con người cá tính, con người bản năng chứ không phải là con người ý thức nghĩa vụ. Qua bốn tác giả được tìm hiểu, có thể thấy rằng nếu Huy Cận tìm ra những con đường kinh nghiệm nội tâm hòa hợp với không gian: nước, mộng mơ và tình yêu, thì Xuân Diệu kéo cả vũ trụ lại gần mà hưởng thụ trong cái thế giới trần gian của mình. Nếu Thế Lữ tìm giấc mộng lên Tiên để đắm say với cõi Đẹp thì Nguyễn Bính lại níu giữ “hồn xưa của dân tộc” với những điệu thơ du dương, êm dịu. Những cái Tôi được đề cao đó như một sự khẳng định bản ngã của mình và mong được đóng góp vào “văn mạch dân tộc”, mở đường cho sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại.

3. Không gian nghệ thuật trong Thơ mới phản ánh rõ nét sự phong phú và làm đa dạng thêm cho không gian nghệ thuật trong thơ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca nước nhà, xuất hiện hình ảnh con người là chủ thể trước không gian, con người với khát vọng chiếm lĩnh, làm chủ vũ trụ, không gian. Điều đó đã phá vỡ sự đơn điệu, nhàm chán, sáo rỗng, ước lệ, tập cổ, tạo nên dáng vẻ hấp dẫn và sức sống mới của không gian nghệ thuật, tạo tiền đề cho sự phát triển của Thơ ca sau này.

4. Kết quả nghiên cứu Không gian nghệ thuật Thơ mới 1932-1945 (qua sáng tác của bốn tác giả tiêu biểu) góp thêm một phần nhỏ cứ liệu về lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu Thơ mới. Khẳng định một lần nữa giá trị nghệ thuật, những đóng góp to lớn mà Thơ mới mang lại cho thi đàn Việt Nam. Qua việc giải mã hình tượng không gian nghệ thuật, chúng ta có thể khắc hoạ được diện mạo của của cả một trào lưu thơ và không chỉ góp thêm những cứ liệu cho việc nghiên cứu Thơ mới mà còn có thể rút ra những căn cứ để đánh giá về những biến đổi trong

không gian nghệ thuật của thơ ca đương đại, là những cứ liệu so sánh cần thiết để tìm hiểu Thơ ca trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu Không gian nghệ thuật là một công việc phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức. Bản thân chúng tôi - những người trực tiếp nghiên cứu đề tài cũng cảm thấy chưa khai thác hết các tầng sâu ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của đề tài này. Do điều kiện thời gian và năng lực có hạn, còn biết bao thông tin, bao vấn đề chúng tôi chưa có điều kiện đề cập tới. Những gì đã trình bày cũng khó tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý của các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp... để luận văn được hoàn thiện hơn.

1. Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn, 2006), Thế Lữ về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Phạm Đình Ân (2009), Kể chuyện các nhà văn Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam.

3. Phạm Đình Ân (2009), Kể chuyện các nhà văn Việt Nam thế kỷ XX, tập 2 Nxb Giáo dục Việt Nam.

4. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.

5. Huy Cận, Hà Minh Đức (chủ biên, 1993), Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Lê Tiến Dũng (1994), “Loại hình câu thơ của Thơ mới”, Tạp chí Văn học, (1).

7. Phan Huy Dũng (1999), Kết cấu thơ trữ tình (nhìn từ góc độ loại hình), Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

8. Phan Cự Đệ (1966), Phong trào Thơ mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9. Phan Cự Đệ - Nguyễn Toàn Thắng (tuyển chọn và giới thiệu, 2002), Hàn Mặc Tử, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Phan Cự Đệ (2002), Văn học lãng mạn Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

11. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2000), Văn học Việt Nam (1900-1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Nguyễn Đăng Điệp (giới thiệu và tuyển chọn, 2009), Huy Cận tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam.

13. Hà Minh Đức (1994), Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

14. Hà Minh Đức (1997), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

16. Hà Minh Đức, Lê Bá Hán (1985), Cơ sở lý luận văn học, tập 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

17. Hà Minh Đức - Đoàn Đức Phương (tuyển chọn và giới thiệu, 2003), Nguyễn Bính về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

18. Nhiều tác giả (2002), Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

19. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, 2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

20. Nguyễn Thị Bích Hải (1995), Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hoá.

21. Đỗ Đức Hiểu (1993), Đổi mới phê bình văn học, Nxb Mũi Cà Mau.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 88 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w