Khái niệm không gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 28 - 31)

5. Cấu trúc luận văn

1.3.1.Khái niệm không gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật

thơ ca Trung đại

1.3.1.1. Khái niệm không gian nghệ thuật

Nếu hiểu thơ ca là sự cảm nhận về thế giới và con người thì thời gian, không gian nghệ thuật chính là hình thức để cảm thụ thế giới và con người. Thời gian và không gian luôn là hình thức tồn tại vật chất, không một cá thể nào có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Trong văn học, quan hệ giữa con người và không gian - thời gian càng khăng khít hơn, nó không đơn thuần là quan hệ giữa khách thể với chủ thể mà còn thể hiện cách nhìn, cách chiếm lĩnh tự nhiên và quan niệm nhân sinh của con người. Tìm hiểu thời gian, không gian nghệ thuật của một hiện tượng văn học chính là tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và thẩm mĩ ở trong đó.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên) thì không gian nghệ thuật là “Hình thức bên trong của

hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn

nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó; cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan, ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng (...). Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hoá các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới - dùng để mô hình hoá các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hoá các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính

cản trở, như trong cổ tích, làm cho ước mơ, công lý được thực hiện dễ dàng (...) Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật” [19, 134-135].

Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, không gian trong thế giới nghệ thuật là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, là phương thức chiếm lĩnh thực tại và là hình thức thể hiện quan điểm thẩm mĩ của nhà văn. Không gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng của thi pháp học, là sản phẩm sáng tạo của nhà văn nhằm phản ánh thế giới hiện thực và bày tỏ quan niệm của mình về cuộc sống. Từ góc độ đó không gian nghệ thuật trở thành một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học.

1.3.1.2. Khái niệm không gian nghệ thuật trong thơ Trung đại

Thời Trung đại, do chủ yếu là cuộc sống nông nghiệp, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, vì vậy cách cảm thụ về không gian mang đậm màu sắc vũ trụ, “cảm nhận tính bất biến của không gian”. Họ hình dung thế giới, quốc gia là “thiên hạ”, thời gian thì tuần hoàn, con người thì nhỏ bé, vũ trụ thì lớn lao... “dù muốn hay không không gian đã được cảm nhận qua năng lực chiếm lĩnh không gian của người đương thời và mang đậm tính chất chủ quan”.

Thơ ca Trung đại, theo các nhà Thơ mới nhìn nhận là một địa hạt “thơ cũ”, tuy nhiên, giới hạn cũ - mới ấy rất mập mờ, ở mỗi người một khác. Với “khát vọng được thành thực”, một số người ghét cay, ghét đắng những bài thơ làm theo lối cũ diễn đạt những tình cảm nhạt nhẽo bằng những từ ngữ khuôn sáo, rỗng tuếch, họ gọi đó là “thơ cũ”. Với một số người thì khái niệm thơ cũ đã lấn sang khái niệm thơ cổ điển (thơ Trung đại) khi coi những bài thơ như “Qua Đèo Ngang” là một bức tranh phong cảnh hay đòi lôi những bài thơ mà từ trước đến nay mà người ta vẫn hùa nhau khen ra xem nó hay ở chỗ nào. Xét cho cùng, trên tính tổng thể của nó, “bước đà” của các nhà Thơ mới được đặt trên thơ trung đại, một mã nghệ thuật của quá khứ, mà từ đó họ có những đột phá về thi pháp thơ,

còn phần gọi là “thơ cũ” chỉ là một đối tượng để họ tranh cãi về tính nội dung trong giai đoạn sôi nổi bồng bột ban đầu. Thơ mới tự nhận và chứng minh được nó khác với thơ Trung đại trước tiên là ở cách cảm thụ và biểu đạt thế giới vì những tình cảm, những rung động mà Thơ mới sử dụng không phải độc quyền của nó.

Không gian nghệ thuật trong thơ ca Trung đại là sự ý thức về vị trí của mình trong thế giới, tương quan với môi trường xung quanh. Người trung đại sống trong môi trường xã hội “không đổi nhưng mà cứ trôi” - xã hội nông thôn, nông nghiệp cổ truyền và nếu có là môi trường đô thị thì đó là đô thị phương Đông khá êm đềm. Thơ ca trung đại hướng tới không gian vũ trụ, người ta thiên về cảm nhận tính bất biến của không gian. Con người ý thức về mình như là một bộ phận của thiên nhiên xã hội vì họ “đứng trong thiên nhiên mà nhìn thiên nhiên”. Mô tip những con người ẩn mình vào thiên nhiên trong thơ ca trung đại không phải là hiếm. Những câu thơ sau đây là một minh chứng rất dễ thấy:

“Ngư ông thụy trước vô nhân hoán Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền”

(Ngư nhàn - Không Lộ thiền sư)

(Ông chài say ngủ không ai gọi

Quá trưa tỉnh dậy tuyết phủ đầy thuyền)

hay:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”

(Qua Đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan) Giáo sư Trần Đình Sử đã chia ra một số không gian nghệ thuật chính trong thơ trung đại trong đó có: không gian nhàn tản, thoát tục; không gian hoang dại tiêu điều biến dịch; không gian luân lạc; không gian trần tục hoá; không gian thế tục hoá. Mỗi mô hình không gian nghệ thuật đó đều có một vị trí nhất định trong sáng tác thơ thời trung đại, trong đó không gian nhàn tản thoát tục có vị trí hàng đầu. Điều này được lý giải bằng con người nhân cách và con người tâm linh trong chủ thể trữ tình. Được sống trong không gian như vậy là một niềm mơ ước của

thi nhân, nó ám ảnh cả các tác giả cận đại “nhất là khi cuộc sống gặp nhiều trắc trở. Có thể xem đây như là một nét đẹp bất biến trong tư duy nghệ thuật trung đại” [55, 259]. Những ba động của lịch sử đã làm cho không gian thơ cũng đổi thay. Sự xuất hiện của không gian thế tục trong thế lựa chọn với không gian siêu thoát, sự xuất hiện của không gian tàn úa, xơ xác, sự xuất hiện của không gian luân lạc, không gian trần tục hóa là một minh chứng cụ thể.

Thơ mới đi lên từ cái cũ và tiếp thu tinh hoa của thơ trung đại, những cái mới từ phương Tây, thông qua sự vận động nội tại để tự khẳng định và giành quyền tồn tại trên văn đàn. Không gian nghệ thuật trong thơ ca trung đại sẽ là điểm để người viết quy chiếu, đánh giá sự chuyển biến của không gian nghệ thuật trong Thơ mới đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 28 - 31)