Không gian vũ trụ với vẻ đẹp buồn

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 60 - 63)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Không gian vũ trụ với vẻ đẹp buồn

“Lửa thiêng” của Huy Cận trước hết là tiếng lòng của một thanh niên mới lớn đang thể hiện niềm vui, nỗi buồn của chính mình. Như đa số Thơ mới, tập thơ lấy tuổi trẻ và tình yêu làm đề tài chủ yếu. Nhưng giữa lúc độc giả đã quá quen thuộc với giọng nỉ non, sầu não trong Thơ mới thì những cung bậc tình yêu dễ thương ở lứa tuổi học trò, lứa tuổi còn nhiều e ấp vẩn vơ, chưa nhuốm mùi nhục cảm - có sức hấp dẫn mới lạ:

“Ðường trong làng: hoa dại với mùi rơm Người cùng tôi đi giữa đường thơm Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng Ðất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu ... Một buổi trưa không biết ở thời nào

Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự”

(Ði giữa đường thơm)

Nhưng tình yêu ấy vẫn không bền, nhanh chóng rơi vào vô vọng. Bởi có một nỗi u hoài thường trực trong tâm hồn, bắt nguồn sâu xa từ bi kịch bế tắc, vỡ mộng. Thành ra, thơ Huy Cận vừa hồn nhiên nhất lại vừa buồn nhất trong các nhà Thơ mới:

“Hỡi Thượng Đế! Tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang. Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái! Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường.”

(Trình bày)

Buồn thương, sầu não là âm hưởng chính khiến Lửa thiêng như bản ngậm ngùi dài. Tập thơ dằng dặc một nỗi buồn nhân thế, một nỗi đau đời. Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn buồn của Ðông Á,... đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này (Hoài Thanh). Nỗi buồn như kết quả của quá trình lắng nghe tinh tế nhịp tuần hoàn vũ trụ và nỗi ngậm ngùi nhân gian. Ðó là tấm lòng “tủi nắng sầu mưa, cùng đất nước mà nặng buồn sông núi”.

Triền miên trong buồn thương nhưng Huy Cận không mất hút vào cõi siêu hình hay chán chường, tuyệt vọng - như không ít nhà Thơ mới. Nhà thơ vẫn tha thiết, chân thành hướng về phần thiên lương cao đẹp của cuộc đời; cảm nghe được hồn thiêng đất nước, hương vị nồng đượm của quê hương và nhựa sống tiềm tàng trong nhành cây ngọn cỏ. Tập thơ“Lửa thiêng” được Huy Cận viết bằng một nghệ thuật vững vàng, độc đáo mang âm hưởng nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu lắng; lời thơ, ý thơ tự nhiên, thanh thoát, tạo được ấn tượng về một không gian bàng bạc, xa vắng, đậm đà phong vị Ðường thi. Ngoài những thể Thơ mới khá phổ biến, Huy Cận đặc biệt thành công ở thể lục bát truyền thống. Với âm

hưởng phong phú, hình ảnh mới mẻ, nhà thơ đã góp phần khẳng định khả năng biểu hiện tinh tế của thể thơ dân tộc này (Ngậm ngùi, Buồn đêm mưa, Thuyền đi, Trông lên, Chiều xưa,...).

Không gian vũ trụ trong thơ Huy Cận hiện lên với nỗi buồn man mác, nỗi buồn được tác giả nói lên một cách đa dạng, lắm cung bậc và nhiều sắc thái. Lúc nghe lòng mình hay ngắm nhìn ngoại cảnh, nhà thơ đều dễ gặp nỗi buồn. Nỗi buồn tưởng như vô cớ, như nghiệp dĩ nhưng thực chất có cội nguồn từ đặc điểm tâm hồn thi nhân và đời sống xã hội.

Thơ Huy Cận rất nhiều không gian. Tâm hồn nhà thơ lúc nào cũng hướng tới sông dài, trời rộng để thoát khỏi không gian chật chội tù túng của xã hội đương thời và cũng để trở về cuội nguồn thiên nhiên, cuội nguồn dân tộc. Thơ đối với Huy Cận là phương tiện màu nhiệm để giao hoà, giao cảm với đất trời, với lòng người, là chiếc võng tâm tình giữa tâm hồn mình với bao tâm hồn khác. Nhưng trong cuộc đời cũ, nhà thơ khó tìm được niềm đồng cảm nên dễ rơi vào tâm trạng cô đơn. Sau năm 1940, thơ Huy Cận càng có khuynh hướng siêu thoát vào vũ trụ vời xa. Đó là cuộc hành trình của một tâm hồn chối bỏ thực tại để tìm đến miền thanh cao, trong sạch.

Huy Cận viết khá nhiều về cái chết, về sự tương phản nghiệt ngã giữa hữu hạn đời người với cái vô hạn của tạo hóa. Sự sống là bất tử, vũ trụ là vô cùng nhưng con người không thể tránh được cái chết. Nghĩ đến lúc từ giã cõi đời, nhà thơ không khỏi xót xa nuối tiếc. Nhưng đó không là biểu hiện của thái độ ham sống sợ chết tầm thường mà là của khát vọng được cống hiến hết mình, được tái sinh.

Nỗi buồn và niềm vui ở Huy Cận đều được đẩy đến cực đoan: lúc buồn thì buồn đến ảo não, thê thiết; khi vui thì vui tràn trề, dào dạt. Hành trình tâm tưởng của Huy Cận đi từ nỗi buồn sâu đến niềm vui lớn. Cảm nhận, thể hiện rõ hai đối cực này chứng tỏ nhà thơ rất thiết tha với cuộc đời và ý thức đầy đủ về thân phận con người. Khi nỗi buồn được ý thức, hóa thành nỗi đau đời; khi niềm vui được ý thức, sẽ thành hạnh phúc, tin yêu.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w