Không gian làng quê với vẻ đẹp văn hoá truyền thống

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 72 - 75)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Không gian làng quê với vẻ đẹp văn hoá truyền thống

Không gian thôn quê có ưu thế hơn không gian kinh thành trong thơ Nguyễn Bính. Những câu thơ như: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”, hay “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay. Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” đã đánh thức một điều sâu nặng ở mỗi con người, đó là luôn giữ được “hồn xưa của đất nước”. Thế nên đằng sau những rộn rã của thiên nhiên bao giờ cũng đọng lại dư vị của nỗi buồn, của niềm trắc ẩn, tiếc nhớ một thời quá vãng. Vì vậy không gian làng quê, nhất là không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Bính còn là không gian tâm linh, tâm thức, tâm cảm với những hoài niệm, nhớ mong đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đọc những bài thơ của Nguyễn Bính như “Mưa xuân”, “Xuân tha hương”, “Cô lái đò”, “Chân quê”… ta đều bắt gặp ở đây những câu thơ đong đầy nỗi nhớ đến nao lòng:

… Cố nhân chẳng biết làm sao ấy … Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân … Một cánh đào rơi nhớ cố nhân”

Cụm từ “nhớ cố nhân” được thi sĩ sử dụng ở nhiều bài thơ như một dụng ý nghệ thuật. Và chính mô típ nghệ thuật này đặt trong quan hệ với cảnh, với tình đã hình thành một không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Bính. Dường như việc miêu tả thiên nhiên chỉ là cái cớ để tác giả bộc lộ nỗi nhớ của mình với cảnh cũ, người xưa đã một thời vang bóng. Và sự tiếc nuối đầy “chủ nghĩa cảm thương” này cũng là âm thanh đồng vọng của thời đại dội vào thơ Nguyễn Bính. Một thời đại mà biết bao nhà thơ cùng thời với ông đều muốn hướng về quá vãng đến nỗi muốn ngăn cả bước đi của thời gian. Với Nguyễn Bính sự hoài niệm về những cái đã qua, đã xa cũng là một điều nhức nhối trong tâm hồn thi sĩ. Đó là những nỗi đau về tình yêu tan vỡ, những mộng ước không thành nên bao giờ cũng để lại trong lòng thi sĩ những tiếc nuối, nhớ mong. Điều đó đã tạo nên không gian tâm tưởng trong thơ Nguyễn Bính.

“Tất cả mùa xuân rộn rã đi Xa xôi người có nhớ thương gì Sông xưa chảy mãi làm đôi ngả Ta biết xuân nhau có một thì”.

(Cô lái đò)

Không gian tâm tưởng này cũng là một biểu hiện của không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Bính. Không gian tâm tưởng ấy là lôgic biện chứng của tâm trạng nhân vật trữ tình, mà cũng chính là của tâm hồn thi sĩ. Đó là hệ quả của không gian hoài niệm, không gian nỗi nhớ. Vì vậy, không gian tâm tưởng trong thơ Nguyễn Bính không chỉ là những hoài niệm, nhớ mong của tình yêu tan vỡ mà còn là nỗi xa xót đến quặn lòng về cố hương mỗi khi xuân về mà thi nhân vẫn phiêu bạt, tha hương:

Đã mấy mùa qua én nhạn bay Xuân đến khắp trời hoa rượu nở Riêng ta với người buồn vậy thay!”

(Hành phương Nam)

Câu thơ “Riêng ta với người buồn vậy thay!” như một lời độc thoại, là nỗi buồn lặn vào bên trong âm ỉ mà rất đỗi mãnh liệt rồi kết tinh lại thành nỗi cô đơn làm rợn ngợp tâm hồn. Trong không gian phiêu bạt, không gian tha hương ấy, nỗi nhớ và sự hoài niệm về quê hương luôn là tình cảm thường trực trong tâm hồn thi sĩ. Nỗi nhớ ấy ngày thường chỉ là một cơn gió thoảng qua rồi tan biến trong những bộn bề của cuộc mưu sinh. Những lúc xuân về, nỗi nhớ ấy nhiều khi trỗi dậy, đông kết lại thành giá băng làm nhức buốt tâm hồn thi nhân. Ta hãy nghe Nguyễn Bính tâm sự:

“Tết này chưa chắc em về được Em gửi về đây một tấm lòng Chao ơi, tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng” (Xuân tha hương)

Mùa xuân gần như là một định mệnh trong cuộc đời Nguyễn Bính. Tính từ ngày ông “ra ngoài cõi sống” đến nay đã trên bốn mươi năm. Bốn mươi năm ông vĩnh viễn giã từ mùa xuân của nhân gian, để về một cõi khác. Nhưng sự nghiệp thơ ca của ông nói chung và những bài thơ xuân nói riêng vẫn sống mãi với muôn đời. Những bài thơ ấy đã vượt lên cái “định mệnh” ngắn ngủi và khắc nghiệt của đời ông để trở thành bất tử. Bởi lẽ, thơ ông tự nó đã là mùa xuân bất tận, vì nó mang trong mình hồn thiêng của quê hương đất nước. Đó là một điều, nói như Hoài Thanh: “mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quí vô ngần: hồn xưa của đất nước”. Và cái hồn xưa của đất nước ấy cũng chính là cái hồn của không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Bính. Nó là nguồn mạch tạo nên cảm hứng sáng tạo độc đáo cho thơ ông.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 72 - 75)