Không gian vũ trụ với vẻ đẹp hài hoà và trong sáng

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 57 - 60)

5. Cấu trúc luận văn

2.2.2.Không gian vũ trụ với vẻ đẹp hài hoà và trong sáng

Hồn thơ Huy Cận luôn vận động giữa nhiều đối cực: vũ trụ - cuộc đời, sự sống - cái chết, nỗi buồn - niềm vui, hiện thực - lãng mạn. Vũ trụ và cuộc đời luôn song hành tồn tại, thành hai cực hấp dẫn hồn thơ Huy Cận. Thơ ông ngày càng gắn bó với đời, nhưng cảm hứng về cuộc đời không tách rời cảm hứng về vũ trụ. Vươn lên tìm hiểu những bí ẩn của không gian vô cùng cũng đồng thời nhìn về trái đất để hiều hơn chính mình. Khát vọng ấy mang bản chất triết lý, nhân văn cao cả. Bởi đích đến cuối cùng của nó không phải cõi siêu hình nào mà chính là mặt đất, cõi sống của con người.

Trong tâm thức của Huy Cận, có ba tầng không gian tương ứng với ba thế giới: trên cao, dưới thấp, chiều sâu. Tương ứng với ba thế giới đó là ba kiểu tổ

chức không gian khác nhau. Không gian trên cao là không gian vũ trụ, không gian của trời xa, cõi biếc; không gian chiều sâu là địa ngục, chốn hư vô đang giam hãm những linh hồn; không gian dưới thấp là không gian trần thế. Huy Cận không quan tâm nhiều về đường nét, màu sắc mà tập trung nhìn thấu bên trong để cảm nhận đầy đủ dòng sự sống đang chảy và hương thơm đang lan tỏa của không gian vũ trụ:

“Luống đất hương thơm mùa mới dậy Bên đường chân rộn bước trai tơ Cây xanh cành đẹp xui tay với Sông mát tràn xuân nước đậm bờ”

(Xuân)

Đối với Huy Cận, cảnh là hiện hữu của không gian, một không gian đầy tâm trạng. Huy Cận ít nói đến một không gian địa danh cụ thể. Chúng ta có thể tìm thấy cảnh làng quê Bắc bộ qua thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ; cảnh thiên nhiên Trung bộ qua thơ Hàn Mặc Tử, Tế Hanh. Với Huy Cận, ông có thể miêu tả cảnh thiên nhiên như ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời gian nào, không gian là phương tiện bộc lộ của thi nhân. Không gian trần thế trong Lửa thiêng giàu sắc thái thẩm mĩ nhưng thường bị chia cắt, bị bó hẹp trong giới hạn và tạo nên nhiều đối cực.

Huy Cận có năng lực cảm nhận cuộc sống thật đặc biệt, có thể nghe được từ những biểu hiện tinh vi của tạo vật đến những biến đổi lớn lao trong vũ trụ vô cùng vô tận. Ðây là nhà thơ có “cái nghiêng tai kỳ diệu” (Xuân Diệu). Huy Cận cảm nhận được trọn vẹn từ những mùi vị dân dã của đất đai đồng ruộng đến lời ru của gió, nhịp thở của biển, để rồi nói lên linh hồn của cảnh sắc thiên nhiên bằng giai điệu trong trẻo, dễ rung động lòng người.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng đen tối, Thơ mới dần đi vào ngõ cụt, mỗi nhà thơ loay hoay tìm lối thoát cho riêng mình. Huy Cận thoát ly vào vũ trụ và thiên nhiên. Ông hoàn chỉnh cả một hệ thống triết lý ngợi ca niềm vui siêu thoát ấy trong tập văn xuôi Kinh cầu tự (năm 1942). Nhà thơ kêu gọi mọi người trở về

hòa nhập vào tạo vật, tìm nguồn vui từ thiên nhiên vũ trụ: Có lẽ tạo vật đau thương, đất trời vắng lạnh vì nỗi lòng ta xa cách tạo vật đó thôi. Ta hãy trở về, ta hãy nhập cuộc, có nhịp sống đưa nâng, có dòng đời xô đẩy, cái vui lớn, cái vui trọng đại dâng sóng tràn khắp cõi đời.

Triết lý ấy được thể hiện đầy đủ, cụ thể trong Vũ trụ ca - tập thơ viết năm 1942. Thoát vào vũ trụ, hồn thơ Huy Cận - với những cảm xúc mới lạ - trở nên khoáng đạt, mạnh mẽ hơn. Nhà thơ say sưa với cái vô cùng của trời đất, trăng sao. Nhiều tứ thơ hay, nhiều hình ảnh rực rỡ xuất hiện:

“Trời thắm duyên rằm vừng nhạc mở Chuông sao rung nhớ, tiếng vàng bay Lượng vui muôn kiếp cân đầu sóng Biển rủ rê lòng nhập cuộc say”.

(Lượng vui)

Bay vào vũ trụ, Huy Cận đã tìm thấy niềm vui ở đó, một không gian khoáng đạt rộng mở trước mắt nhà thơ. Ông say sưa hòa nhập với không gian vô cùng, vô tận đó và reo ca khi:

“Trời xanh ran lá biếc Biển chóa ngập buồm vàng Gió thổi miền bất diệt Mây tạnh đất hồng hoang”.

(Trời, Biển, Hoa, Hương)

Huy Cận như gặp lại niềm vui thuở trước, lại hân hoan, hồ hởi và rạo rực những khát khao của tuổi trẻ:

“Ta vận tấm xuân đi hớn hở Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi”.

Thế nhưng, đọc kỹ từng vần thơ, ta thấy rằng một điều rất dễ nhận ra ở trong Vũ trụ ca là cái vui gượng, cố vui nên không trọn vẹn, vẫn mang vẻ chông chênh, vô vọng. Cho nên đôi khi để đạt ý đồ nghệ thuật, tác giả rơi vào cường điệu, cầu kỳ; hình ảnh đậm màu sắc tượng trưng, tình thì mới nhưng ý tứ dễ đơn điệu, cũ mòn. Ðiều này là tất nhiên, bởi vì dù có trốn tận đâu vẫn không chạy khỏi chính mình, nỗi buồn đã nằm trong sâu thẳm từ tận đáy tâm hồn nhà thơ. Chính cái Tôi giàu cảm xúc, nặng tình với đất nước, dân tộc đã không để yên nhà thơ trong sự huyễn hoặc:

“Về đâu những bước thời gian đã In dấu mong manh trên cánh đào? Về đâu hạt bụi vàng thao thức

Theo bánh xe quay vòng khát khao?”

“Về đâu?”... Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại như một ám ảnh, day dứt khôn nguôi về ngày mai, về ý nghĩa của kiếp người trong thơ Huy Cận, một hồn thơ mang vẻ đẹp hài hoà và trong sáng.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 57 - 60)