5. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Không gian vườn trần nhuộm sắc màu luyến ái
Chính trong không gian này, trong từng trường hợp cụ thể với quy luật tâm lý “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nhà thơ đã đưa cái nhìn chủ quan đậm sắc màu tình yêu của mình vào hình ảnh “vườn trần” để nhìn nó như là một “mảnh vườn tình ái” hay “sa mạc cô liêu”. Trong thơ Xuân Diệu, “vườn trần” là một không gian lưỡng trị: nó vừa là tình trường, vừa là “đường trần gian” - nơi cá nhân có thể “xuôi ngược để vui chơi” tùy ý thích.
Thế giới Xuân Diệu là thế giới của chữ Tình. Cho nên vườn tình ái là gương mặt tập trung nhất, sống động nhất của thế giới ấy. Trong mảnh vườn kia, vạn vật đang dậy men tình ái, tất cả đều khát khao ân ái. Tạo vật ở đó tất phải được phân lập thành những cặp đôi. Mà đáng nói hơn là quan hệ giữa những cặp đôi kia phải là quan hệ luyến ái. Có như thế mới thành thơ yêu. Thiên nhiên thật khéo đặt bày, là vườn tình ái nên phải đủ cả địa chỉ dành cho loài vật và con người. Trong bài Thơ duyên điểm nhìn trong thi phẩm cứ dịch chuyển dần từ địa chỉ này sang địa chỉ khác. Bắt đầu, tất phải từ những gì tự nhiên, thiên nhiên nhất. Cho nên bốn câu đầu nghiêng về cảnh trí dành cho cuộc giao duyên của loài vật, mà tâm điểm là cây me đương lúc thu về. Dầu sao, cây me, mới chỉ là địa chỉ dành cho cuộc hẹn hò tình tự của loài vật. Đối diện với cảnh tình tứ ở đấy lòng người có xao động nhưng chưa phải là những xao động thật mãnh liệt. Cái nhìn của nhân vật trữ tình di chuyển từ cây me sang con đường. Đây mới là địa chỉ dành cho hò hẹn của con người:
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều”
Một con đường xinh xắn duyên dáng với những đường nét tình tứ. Tất cả đều đang ở trạng thái say men luyến ái. Các động thái ở đây đều là những biến thái tinh vi của cảm xúc luyến ái.
Không gian vườn trần trong thơ Xuân Diệu được cụ thể hóa khá nhiều trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá. Ánh sáng tuôn đầy các lối đi”, “Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim”, “Vườn non sao! Đường cỏ rộng bao nhiêu”... Không gian ở đây xuất hiện dày đặc của những khu vườn yêu thương, đó là cái ấn tượng bao trùm về thế giới trần gian trong mắt Xuân Diệu. Có lúc ông đã gọi đó là “vườn tình ái”: “Đem chim bướm thả vào vườn tình ái”.. “Nhìn kĩ có thể thấy màu sắc luyến ái của “vườn trần” chính là hình ảnh một thế giới đương khi “tình thổi gió màu yêu lên phấp phới”, khi “vạn vật nức xuân tâm” [61, 48]. Tình yêu đã khiến cho vạn vật có mối tương giao với nhau, vạn vật thì giao duyên, con ngưởi dường như cũng đang bén duyên với nhau. Tình yêu đã đánh thức niềm khát khao luyến ái trong lòng vạn vật, tất cả đều rạo rực, căng đầy nhựa sống. Những:
“Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên. Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá. Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”
(Thơ duyên)
đến “Buổi tối bầu trời đắm sắc mây” rồi “Những lời huyền bí toả lên trăng. Những ý bao la rủ xuống trần”... diễn ra trong lòng cái vũ trụ mênh mông đó, là cảnh tượng luyến ái ngây ngất.
Không gian đậm màu sắc trữ tình, luyến ái, không phải chỉ là một vườn trần đơn thuần, mà cảnh vật ở đây mang một màu sắc mới mẻ được thi nhân miêu tả có tình ý với nhau giống như con người, mang đầy ý vị:
“Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy...”
Những câu thơ giống như một bản nhạc du dương, một cảnh tượng thật trữ tình thế nhưng lại mang một trạng thái lẻ loi đơn chiếc, giống như: “Tôi tìm em, em lại tìm ai. Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung?”. Để rồi đến khi:
“Những tiếng ân tình hoa bảo gió. Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân”
(Với bàn tay ấy)
Rồi ở một góc nọ thì:
“Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao Cây vàng rung nắng, lá xôn xao Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào” (Nụ cười xuân)
Vô tình hay hữu ý mà những tác nhân xung quanh đã đưa những sự vật có tình lại gần nhau hơn. Khuya nào cũng là lúc muôn vạn hoa đêm xao xuyến động tình... Người đọc cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng: dù cảnh trí có thể rất đa dạng với những cảnh sắc khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện được một hình ảnh hết sức ấn tượng đó là vườn tình ái.
Trong vạn vật của tạo hoá, con người là một thực thể được ban cho tình cảm luyến ái. Con người khi yêu đã phổ cho vạn vật luồng sinh khí riêng của nó, khiến cho mọi tạo vật đều đồng loạt giao duyên, bén duyên nhau. Luyến ái làm nên điệu sống, vẻ đẹp của chúng. Bao trùm lên tất thảy là một “Nỗi yêu trùm không giới hạn. Dịu dàng toả xuống tự trời xanh”. Theo với “trăng ngà lặng lẽ như buông tuyết”, lan toả theo những khúc nhạc. “Vườn tình cứ mở rộng mãi vào thế giới của du dương, thế giới huyền diệu, của mộng và thơ. Vì thế mà, có lúc, Xuân Diệu đã coi đó là cuộc hoà thơ kì diệu của sự sống, coi cả thế giới là một bài thơ dịu, một bài thơ tình mênh mông” [61, 49]:
“Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ. Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ”
Và rồi kẻ đang yêu cảm nhận rất rõ rằng:
“Khí trời quanh tôi làm bằng tơ Khí trời quanh tôi làm bằng thơ” (Nhị hồ)
Thế Lữ đã rất đúng khi cảm nhận rằng, thế giới thơ Xuân Diệu tràn ngập Xuân và Tình. Thơ Xuân Diệu có nguồn sống bên trong là tình, biểu hiện ra bên ngoài là vẻ xuân. Nói bao quát hơn, thế giới Xuân Diệu là thế giới của chữ Tình:
- “Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới” (Giục giã) - “Ái tình đem máu lên hoa diện Thi sĩ đi đâu cũng thấy cười”
(Lạc quan)
Thơ Xuân Diệu ngập tràn niềm yêu, trong thế giới ấy, lúc cười cũng là lúc tình tứ ngập lòng, đó là vẻ đẹp xuân tình của tuổi trẻ. Tất cả là nhờ men tình ái mà vườn tình tràn đầy ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hương thơm... Đọc thơ Xuân Diệu ta có thể nhận thấy màu sắc nổi bật trong không gian vườn tình này là sắc “thắm”. Nói như Chu Văn Sơn: “Đây là một đặc điểm nổi bật trong cảm quan Xuân Diệu (...) Dường như, trong thơ Xuân Diệu, “thắm” gồm cả mọi sắc thái đẹp đẽ nhất của nó. Thắm là vẻ xuân tình sung mãn nhất. Thắm là luyến ái ngất ngây dào dạt nhất. Vì thế mà vườn tình cũng mời mọc khiêu gợi nhất” [61, 50]. Đọc những vần thơ như:
“Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều Bên hàng hoa mới thắm như kêu; Nỗi gì âu yếm qua không khí,
Như thoảng đưa mùi hương mến yêu”
(Nụ cười xuân)
ta thấy rõ ràng rằng, Xuân Diệu đã lấy con người ra làm chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên. Thế nhưng, cái mang đậm màu sắc Xuân Diệu là “tình nhân yêu kiều và tình tứ”. Thơ ông, tạo vật thường được quy chiếu về vẻ đẹp của những
cuộc tình tự, như vậy cái nhìn của thi sĩ phải phân lập vạn vật thiên nhiên thành những cặp đôi. Trong cái nhìn thiên nhiên của thi sĩ Hồ Chí Minh, cũng có sự phân lập thành những cặp đôi: “Núi ấp ôm mây mây ấp núi”, “Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây”, “Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”, “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”... Nhưng các động thái trong đó nghiêng về quan hệ bằng hữu, bầu bạn. Nên đó chỉ có thể là thiên nhiên thân ái. Còn quan hệ của các cặp đôi trong thơ Xuân Diệu là tình tự, thiên nhiên trong thơ ông cũng là thiên nhiên của luyến ái: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Ánh sáng ôm choàng những ngọn cao. Cây vàng rung nắng lá xôn xao”, “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời”, “Gió chắp cánh cho hương càng toả rộng. Xốc nhau đi vào khắp cõi xa bay. Mà hương bay thì hoa tưởng hoa bay”, “Những tiếng ân tình hoa bảo gió. Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân”...
Trong thơ Xuân Diệu, không gì đẹp hơn là màu sắc luyến ái, màu sắc đó tràn đầy vườn tình trong thơ ông. Chỉ với những câu thơ như: “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu. Lả lả cành hoang nắng trở chiều” cũng đã đủ để dừng việc minh hoạ về mảnh vườn tình ái; không khí tình tứ bao trùm hết thảy cảnh vật, tất cả đều được dâng lên từ mọi động thái tình tự luyến ái của những “cặp vần” sánh duyên trong vườn tình ái.