Không gian nghệ thuật Thơ mới

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 31 - 46)

5. Cấu trúc luận văn

1.3.2.Không gian nghệ thuật Thơ mới

Theo Giáo sư Trần Đình Sử, Thơ mới (1932-1945) vẫn chỉ được xem xét như một trào lưu thơ, một số phong cách thơ, một số bài thơ hay, nhưng vẫn chưa được lưu ý xứng đáng với tư cách là một hệ thống thi pháp mà ý nghĩa của nó đã vượt xa ra ngoài phạm vi một trào lưu, đánh dấu một giai đoạn mới thực sự của thơ trữ tình tiếng Việt.

Các nhà Thơ mới sống cùng vui buồn của thời đại, một thời đại vừa tròn 10 năm, bắt đầu bằng bài “Tình già” của Phan Khôi và khép lại bằng tập “Mùa cổ điển” của Quách Tấn. Thời đại của Thơ mới có phải là “thời đại lãng mạn” như chúng ta thường nghĩ hay không? Truy nguyên về ngọn nguồn thực tiễn và lý luận của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây chúng ta thấy “thời đại lãng mạn chính là thời đại cách mạng, thời đại của hi vọng và thất vọng lớn, thời đại của những rung chuyển toàn bộ xã hội, trong đó con người bị hất ra ngoài các quan hệ cố định nhưng cũng chưa tìm thấy vị trí của mình trong cuộc đời. Thời đại mà mỗi con người tự cảm thấy mình là những cá nhân lạc lõng, bơ vơ đang đi tìm vị trí của mình. Đó là thời đại của buồn rầu, chán nản, mộng mơ, đợi chờ, mòn mỏi vô định” [56, 35]. Từ đây ta thấy thời đại lãng mạn là giai đoạn giao thời cộng hơn 10 năm Thơ mới. Với thời gian rộng như vậy, những biến thiên trong xã hội của thời đại lãng mạn cũng cực kỳ phức tạp. Chính khoảng giáp ranh tranh tối tranh

sáng giữa giai đoạn giao thời là nhiều ba động liên quan trực tiếp đến sự ra đời của cuộc cách mạng thơ ca này. Không gian sinh hoạt đổi thay, quan tâm của con người về thế giới, về các thang bậc giá trị, về vị trí của mình trong xã hội cũng theo đó mà thay đổi. Giai đoạn giao thời 1900-1930 có sự thay đổi toàn diện từ cấp độ vô thức đến cấp độ ý thức là cả một quá trình. Bối cảnh đó khiến không gian nghệ thuật trong thơ cũng thay đổi. Nhà thơ đòi cởi trói cho thơ, nới rộng hơn không gian nghệ thuật trong thơ nếu muốn khẳng định chất “mới” của mình. Các nhà Thơ mới chủ trương đi tìm cái tôi cá nhân của mình, sự ý thức về cái tôi trong mỗi nhà thơ được thể hiện rõ rệt, “cái tôi nằm ở trung tâm cảm nhận, làm nguyên tắc thế giới khách quan” [56, 37].

1.3.2.1. Không gian của cái tôi nội cảm

Thơ mới ra đời là một tiếng nói phủ định biện chứng sự tồn tại của thơ trung đại. Tư duy ngôn ngữ quen đến thành sáo trong thơ xưa (và cả những bài thơ Đường luật trên báo chí đương thời) tạo ra một không gian thơ chật hẹp, tù túng (tất nhiên là về mặt biểu trưng). Thời đại của Thơ mới đã xuất hiện những cái mới của không gian văn hoá khi cả cơ đồ xưa cũ phải thức tỉnh bởi sự tiếp xúc với phương Tây. Có lẽ không gian thế tục hoá mà Nguyễn Khuyến và Tú Xương gây dựng chưa đủ mạnh để những hiện tượng thơ tiếp ngay sau đó có thể bật lên làm một cuộc cách mạng. Ở đây, một lần nữa, chúng tôi muốn nói đến giai đoạn giao thời.

Chúng ta không sống trong lòng của thời đại Thơ mới - một thời đại cách đây hơn 70 năm - nên ta không thể trực tiếp vui cái vui của thời đại, buồn cái buồn của thời đại, như tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Qua những tư liệu văn học, sử học còn lại chúng ta cũng có thể thấy được sự biến thiên của xã hội đương thời. Tản Đà sau khi thổi một một cơn gió lạ khắp trong Nam, ngoài Bắc, làm thi bá trên văn đàn suốt thập kỷ 20 của thế kỷ XX đến những năm 30 đã chùng bút. Cái mới mà Tản Đà đem lại chỉ mới “phảng phất”. Thơ mới ra đời đã đi đến cùng con đường đổi mới mà Tàn Đà bỏ dở giữa chừng. Đời sống văn học có sự tham gia của các nhà in, báo, diễn đàn văn học... khiến cho sự xuất hiện của Thơ mới không suôn sẻ:

bút chiến, diễn thuyết, khẩu chiến. Đó là cửa ải đầu mà Thơ mới phải đấu tranh để vượt qua. Trên thực tế, có những người như Thế Lữ, “chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ” [64, 56]. Ở trường hợp này, những cách hiểu về mối quan hệ giữa thơ cũ và Thơ mới là “một cuộc đấu tranh quyết liệt, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống” có vẻ hơi quá chăng? Chúng tôi nghĩ đó đơn thuần chỉ là một cuộc đối thoại. Thơ mới xây dựng cho nó một không gian nghệ thuật riêng, như vậy là nó đã đưa ra giữa làng thơ một “kiểu đối thoại”.

Thơ mới không tránh khỏi “xung khắc” với thơ cũ, nó phải “khẳng định” mình để bộc lộ những “khát vọng”. Không phải ngẫu nhiên mà trong một số bài Thơ mới thời kỳ đầu hay những bài thơ ở đầu các tập thơ thường mang ngữ điệu khẳng định, “đối thoại ngầm”. Không gian nghệ thuật mới là không gian của cái Tôi. Con người thấy sự tù túng, phong bế của không gian cũ, thấy sự chật hẹp vây quanh mình như sau này Chế Lan Viên từng khẳng định:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”

(Người đi tìm hình của nước)

Cái Tôi lúc này đã là trung tâm của vũ trụ. Nó khẳng định mình trong một không gian nghệ thuật mới (chứ không đơn thuần là không gian thông thường). Mô típ “Tôi là...” xuất hiện rất nhiều trong thơ, từ tiếng thơ của Thế Lữ:

- “Tôi chỉ là một khách tình si”

- “Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu” - “Tôi chỉ là người mơ ước thôi”

đến thơ Xuân Diệu, người xuất hiện với cái “tôi” cô đơn không chia sẻ:

- “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới Chẳng biết đi đâu đứng sầu bóng tối”

- “Tôi là một cây kim bé nhỏ

Mà vạn vật là muôn đá nam châm” - “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất Không có ai bè bạn nổi cùng ta”

Không gian của xã hội cũ, không gian nghệ thuật của thơ cổ là chiếc áo của quá khứ mà một cơ thể cường tráng, trưởng thành như Thơ mới không còn vừa vặn nữa. Ước muốn phá tung ra khỏi sự quen nhàm là một thực tế:

“Quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người Vì thân quen nên quá đỗi buồn cười Môi nhắc lại cũng chỉ từng ấy chuyện”

(Quanh quẩn - Huy Cận)

Với Thế Lữ, qua lời con hổ ở vườn bách thú, bài Nhớ rừng đã “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” [64, 56] thông qua việc bộc lộ sự căm ghét “những cảnh không đời nào thay đổi” để hồi tưởng về chốn sơn lâm hùng vĩ chỉ có mình nó là chúa tể. Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân lấy mình làm trung tâm (ta biết ta chúa tể cả muôn loài) trong một không gian đối lập đến gay gắt với cái hiện thực tầm thường. Cùng với những bài như Chỉ ở lòng ta, Bài thơ vào tập Gửi hương (Xuân Diệu), Chân quê (Nguyễn Bính), bài Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ thường được coi là một trong những tuyên ngôn nghệ thuật của phong trào Thơ mới. Có lẽ chính Nhớ rừng mới là bài thơ xứng đáng với vai trò đó hơn tất cả, nó không chỉ ra đời sớm mà trong nó có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố nghệ thuật và vai trò “tuyên ngôn”. Quả thực trên diễn đàn văn học, Thế Lữ không diễn thuyết, không bút chiến nhưng những bài như Nhớ rừng của ông đã làm nên thắng lợi của Thơ mới, làm nên “những cảnh không đời nào thay đổi, tầm thường giả dối” để trả cho cá nhân (chúa tể cả muôn loài) một không gian phù hợp, không gian không biên độ. Không gian thơ của Nhớ rừng, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu...

là minh chứng cho một hồn thơ đòi hỏi thoát khỏi những không gian cũ. Bên cạnh sự đòi hỏi ấy, không gian nghệ thuật mà nó đưa ra cũng thật hấp dẫn. Trong thơ trung đại, có lẽ tiên cảnh là một không gian gốc (hiểu theo nghĩa đó là thế mạnh

của các nhà thơ ưa nhàn tản thoát tục, sống trong vai trò của con người nhân cách, con người tâm linh) nhưng không gian gốc này cũng bị Thế Lữ đột kích. Chính Thế Lữ, qua những câu thơ như:

“Lung linh vàng đội cung quỳnh

Nhịp nhàng biến hiện những mình tiên nga”

hay:

“Trời cao xanh ngắt - Ô kìa

Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”

(Tiếng sáo Thiên Thai)

đã cho ta thấy từ không gian địa danh, không gian địa lí đến không gian nghệ thuật là rất khác nhau. Cùng một không gian địa danh (tiên cảnh) nhưng khi được nâng tầm thành không gian nghệ thuật lại có sự khác biệt: Thơ Trung đại hướng tới sự nhàn tản siêu thoát, thơ Thế Lữ hướng tới thể hiện cảm quan của cá nhân mình. Chính Hoài Thanh - Hoài Chân đã rất tinh tế và hóm hỉnh khi nhận xét: “Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp như thế. Phải chăng vì cõi tiên đã cùng cõi trần Âu hoá?” [64, 57-58]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cuộc đối thoại giữa Thơ mới và thơ cũ là một cuộc đối thoại có kết thúc ngã ngũ và “lẽ phải” đã thuộc về Thơ mới. Trong thời kì đầu của Thơ mới có lẽ điều làm các nhà thơ cũ phải lùi bước chính là sự đổi thay về không gian nghệ thuật mà cuộc cách mạng thi ca này mang lại. Không gian nghệ thuật trong Thơ mới từ chỗ là một tác nhân, một phần của bối cảnh trữ tình nó đã trở thành một tín chỉ nghệ thuật thể hiện tình cảm chủ quan của cá thể, làm đối lập chủ thể và khách thể để chủ thể hiện ra. Trên bình diện sáng tạo, yếu tố thứ hai này - tín chỉ nghệ thuật - mới chính là phần hồn của không gian nghệ thuật. Tuy nhiên, trên bình diện lý luận, khi xem xét những ngày đầu Thơ mới ra đời, không gian nghệ thuật lại kiêm thêm vai trò của một “kiểu đối thoại”, là cái để người ta đối thoại đưa ra chứng minh sự khác biệt và quyền tồn tại của mình. Sự đối thoại của không gian nghệ thuật thơ cũ và không gian nghệ thuật Thơ mới về thực chất là sự

đối thoại của hai kiểu thức tư duy, của hai kiểu thức cảm nhận và chiếm lĩnh thế giới, của hai kiểu thức bộc lộ trữ tình.

1.3.2.2. Tính đa dạng của không gian nghệ thuật Thơ mới

Thời đại lãng mạn con người muốn vươn lên tới cái gọi là tự do tuyệt đối. Cuộc đời không thoả mãn ước muốn đó của họ và họ trốn vào nghệ thuật để nuôi ảo tưởng về tự do không biên giới kia. Điều này đã mở ra một địa hạt mới của thơ: chiếm lĩnh một cách đầy chủ quan thế giới ngoại cảnh. Trong quá trình chiếm lĩnh đó, mỗi tác giả có một thế giới quan riêng biệt. Chỗ giống nhau của các nhà thơ chính là sự độc đáo không lặp lại của mỗi cá tính sáng tạo. Có thể nói, Thơ mới đã chuyển hẳn từ “tự tình” sang “trữ tình”, điều này đã có một số người đề cập, với sự nở rộ của phong cách cá nhân. Có thể hình dung một cái nhìn chung đối với không gian nghệ thuật trong cuộc cách mạng thơ ca này, đó là sự đa dạng trong cả một nền thơ và đa dạng trong từng hiện tượng thơ riêng lẻ (những hiện tượng thơ có giá trị lâu bền).

Tính đa dạng của không gian nghệ thuật trong Thơ mới ta sẽ thấy qua sáng tác của một số nhà thơ, có thể bắt đầu từ Nguyễn Bính - con người nhà quê có tâm hồn thành thị này đã để lại biết bao ấn tượng trong lòng độc giả. Chu Văn Sơn đã rút ra từ thơ Nguyễn Bính hình ảnh “kiếp con chim lìa đàn” để khái quát về một tiếng thơ còn vọng về nơi có hương đồng gió nội. Chủ thể trữ tình trong thơ ông giúp ta nhớ tới hình ảnh “con người thừa” trong văn học hiện thực thế giới dù cho hai hình ảnh này được chiếu rọi bởi hai luồng tư tưởng thẩm mĩ khác nhau. Những môtíp lãng mạn trong thơ ông như được rút ra từ những ngày phiêu bạt, trông đợi mơ hồ, ước hão, buồn suông. Không gian trong thơ Nguyễn Bính có sự chia sẻ của không gian kinh thành, không gian thôn quê nhưng còn bị chi phối bởi hai không gian phụ: không gian chuyển tiếp và không gian thi cử khoa bảng. Có thể nói cái tôi trữ tình trong sáng tác của Nguyễn Bính thời kỳ này quá đa mang, nó có vẻ như ở trong cảnh “một chốn bốn quê” mà mọi người vẫn nói. Trong sự liệt kê này, không gian chuyển tiếp được thể hiện rất rõ trong bài thơ

“Những buổi học về không có nón Đội đầu chung một lá sen tơ

(...) Em đi phố huyện tiêu điều quá Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi Mà đến hôm nay anh mới biết Tình ta như chuyện bướm xưa thôi”

Đọc Trường huyện của Nguyễn Bính chúng ta lại nhớ những truyện Tình xưa, Hai đứa trẻ... của Thạch Lam. Vẫn là khung cảnh nửa quê nửa tỉnh đó nhưng thật ý nghĩa với những người nào đã trao gửi tâm hồn cho nó. Không gian “phố huyện”, “trường huyện” là bước đệm, bước chuyển tiếp của không gian thôn quê tới không gian kinh thành. Nó đã xa mà có vẻ như gần chốn chân quê quen thuộc có vườn cau, bụi chuối, có những cuộc mưu sinh dãi nắng, dầm sương nhưng còn chưa tới chốn kinh thành phồn hoa rực rỡ đông đúc có cả lọc lừa và cám dỗ. Không gian “trường huyện” là biểu tượng cho sự chuyển tiếp của tâm hồn một cậu học sinh từ quê ra tỉnh. Những rung động trong trẻo đầu tiên của một mối tình chớm nở, chưa vướng những lo toan cơm áo gạo tiền có một sức hút rất lớn. Tâm hồn trẻ mới rung những nhịp đầu tiên và còn chưa kịp biết buồn vui theo kiểu thị thành. “Tình ta như chuyện bướm xưa thôi” là lời kết của bài thơ và cũng mở ra một tâm thế mới cho chủ thể trữ tình: đón nhận những điều còn buồn và xót xa hơn thế đang chờ phía trước chốn kinh thành. Thơ Nguyễn Bính là sự dung hợp, giằng co, chuyển đổi giữa những không gian khác nhau tạo thành sự đa dạng tiêu biểu dù ông không phải là nhà thơ mới nhất trong phong trào Thơ mới.

Không gian Thơ mới là nơi con người cá nhân cô đơn, bơ vơ, lạc lõng đi tìm mình, ý thức về mình và bộc lộ mình, thể hiện mình và tìm lối thoát. Chúng ta vẫn luôn nhắc đến hình ảnh “khách chinh phu”, “du tử”, “ly khách”... cùng với môtíp “rũ áo lên đường” như là một biểu tượng của sự “vượt thoát” mà ít quan tâm để nhận thấy rằng chính hình ảnh này là một cách để các nhà thơ bộc lộ chủ thể trữ tình trong một không gian phi cổ truyền, cách tân và không biên độ. Chính tính “không biên độ” của Thơ mới đã cho phép nó dung chứa trong mình một không gian đa dạng, phong phú. Trong không gian đó những nhà thơ có phong cách khác nhau như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... đứng cạnh nhau mà người

đọc vẫn hào hứng tiếp nhận tất cả. Chính sự khác biệt của mỗi không gian của từng nhà thơ sẽ làm giàu cho tính đa dạng trong không gian nghệ thuật Thơ mới.

Trong sáng tác, không gian nghệ thuật là tiếng nói của con người về cái đẹp trong quan điểm thẩm mĩ của mỗi nhà thơ. Thơ mới đã đem lại cho thơ Việt Nam phạm trù thơ hiện đại, thay thế cho thơ trữ tình trung đại. Ở Thơ mới và qua Thơ mới, các nhà thơ vừa có thể tả chân, kí sự trực quan... lại vừa có thể khắc họa những mảng hiện thực tâm hồn đầy chất tượng trưng và siêu thực. Sự giảm bớt tính ước lệ, sự phong phú về sắc thái của không gian nghệ thuật trong Thơ mới

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 31 - 46)