Một hồn thơ gắn bó tha thiết với quê hương

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 66 - 70)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Một hồn thơ gắn bó tha thiết với quê hương

Tình cảm gắn bó với quê hương vốn sinh thành phát triển trong chiều sâu của truyền thống văn hoá dân tộc như vậy nên thật không khó để lý giải tại sao thi ca Việt Nam có không ít những khuôn mặt thi nhân sáng giá cùng với những thi phẩm xuất sắc viết về nỗi nhớ quê. Mỗi khi buộc phải dứt áo ra đi là anh trai làng thấy chơi vơi trong nhớ thương “Anh đi anh nhớ quê nhà”.

Quê hương - hai tiếng thân thương ấy với những hình ảnh mộc mạc, giản dị đã xuất hiện trong văn chương rất lâu rồi, đã biết bao nhà thơ lớn thời kỳ trung đại có một tâm hồn thơ dào dạt tình quê hương, tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... Các nhà thơ của phong trào Thơ mới cũng đã có rất nhiều bài thơ hay viết về quê hương như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tràng giang của Huy Cận, Quê hương của Tế Hanh và rất nhiều sáng tác của Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân. Họ đều miêu tả quê hương với những cảnh vật sát thực, “các nhà thơ đã tạo dựng không khí chân thực của làng quê bằng chính cái thực của hình ảnh, âm thanh, động tác” [41, 96]:

“Dưới gốc đa già, trong vũng bóng Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai Ve ve rung cánh ruồi say nắng Gà gáy trong thôn những tiếng dài”

(Trưa hè - Bàng Bá Lân)

Thế nhưng, đến Nguyễn Bính, hình ảnh làng quê không phải chỉ là miêu tả các chi tiết sát thực của làng quê, mà được hiện lên những hình ảnh mộc mạc mà chân thành, tha thiết, rất đỗi gần gũi, quen thuộc, con người nhà quê có tâm hồn thành thị này hẳn đã ám ảnh biết bao thế hệ độc giả. Có một nhà văn Nga đã gọi Nguyễn Bính là Êxênhin của Việt Nam và Êxênhin là Nguyễn Bính của nước Nga Xô Viết là vì vậy.

“Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê. Con người và cảnh vật của làng quê thấm đượm hồn quê” [17, 131]. Một tâm hồn thơ dào dạt, da diết với quê hương

ấy đã được hiện lên qua rất nhiều trang thơ của ông. Khi nói về Nguyễn Bính, Hoài Thanh đã viết: “Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta” [64, 335-336].

Bức tranh quê của Nguyễn Bính được hiện lên với một không khí vừa êm đềm, vừa chân thực, lại vừa gợi tỏa bao hương thơm, màu sắc đẫm chất thơ:

“Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng Lúa thì con gái mượt như nhung Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng Trên đường cát mịn một đôi cô Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Lần lần tràng hạt, miệng nam mô” (Xuân về)

Nguyễn Bính đã tạo nên một hình ảnh làng quê rất riêng của mình, chất liệu thi ca của ông mang nét riêng không hòa lẫn với bất kỳ nhà thơ nào, đó là những giậu mùng tơi, những cánh bướm, giàn trầu, hàng cau liên phòng, mưa xuân, con đê làng,... và những hình ảnh ấy đã đánh thức biết bao thế hệ độc giả cảm xúc về làng quê. Những đêm hội làng rồi những lần hẹn hò của lứa đôi được nhà thơ miêu tả hòa lẫn trong cảnh sắc thiên nhiên biết bao tươi đẹp:

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”

(Mưa xuân)

Cảnh sắc hiện lên thật nhẹ nhàng khiến tâm hồn chúng ta thêm thư thái, thiên nhiên như hòa lẫn và điểm xuyết vào niềm vui của những đôi trai gái đang

yêu nhau. Không gian làng quê của Nguyễn Bính hiện lên với hình ảnh của tình nghĩa, tình người, tình yêu lứa đôi, ông tạo dựng cảnh vật với một không khí thanh bình, yên ả của làng quê:

“Đèo cao cho suối ngập ngừng

Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều” (Đường rừng chiều)

Ở đó không đơn thuần chỉ miêu tả không gian mà ẩn chứa đằng sau đó là tình người, tình quê, “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê” [17, 135].

Hồn thơ của Nguyễn Bính không chỉ là dòng chảy, mạch cảm xúc của tình cảm ngôn từ mà còn là sự sáng tạo về nội dung, cách tân về hình thức thể hiện. Nguyễn Bính sáng tạo nội dung thơ trên cơ sở thể thơ lục bát truyền thống. Thế nhưng đối với ông, sự sáng tạo đó không dừng lại ở lục bát đơn thuần mà đó “là một dòng chảy của tình cảm ngôn từ” [41, 104]:

“Hôm nay dưới bến xuôi đò Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

Anh đi đấy, anh về đâu?

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...” (Không đề)

Thi pháp của thơ ca dân gian đã đem đến cho bút pháp Nguyễn Bính sự phóng khoáng và sức mạnh. Từ trong bản thân cuộc đời của mình, một cuộc đời sống gắn bó với làng quê Việt Nam, ông đã nhìn thấy “cái bản chất” của cuộc sống, cái cuộc sống dân dã mà ông yêu và đắm mình trong đó. Với Nguyễn Bính, dù đi đâu, thậm chí đến chốn kinh thành thì lòng ông cũng không nguôi ngoai về quê hương, hình ảnh quê hương luôn mang theo bên mình thi sĩ và ông luôn là một người con thủy chung, son sắt với quê hương. Mỗi lần xa quê, khoảng cách về không gian dường như góp phần làm nỗi nhớ trong lòng nhà thơ trào dâng, không gian đó đã tạo nên một “điểm nhìn nghệ thuật”về quê hương. Hình ảnh quê hương luôn hiện hữu qua sự miêu tả con người, cảnh vật của nhà thơ:

“Quê nhà xa lắc, xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”

(Hành phương nam)

Trong ca dao cũng đã có câu:

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương, Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

Quê hương ở trong mỗi con người từ những điều đơn giản như vậy, không gian quê hương còn là hình ảnh của mảnh vườn, cây cối, có nắng sớm, mây chiều:

“Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân! Phương nao kết dải mây Tần cho ta”

(Anh về quê cũ)

Một hình ảnh quê hương nữa trong thơ Nguyễn Bính là hình ảnh “quê hương trong xa cách được kết lại bằng những kỷ niệm của tuổi trẻ và những nỗi nhớ quê” [17, 141]. Đó là tình cảm được nhen nhóm và nổi dậy trong những năm phiêu bạt, “giang hồ” của nhà thơ: “Thu sang, quán lẻ con đăm đắm; Dõi bóng quê nhà mắt lệ hoen” (Bắt gặp mùa thu). Cái gốc quê trong con người Nguyễn Bính luôn giữ cho tác giả giữ được hồn quê dân tộc:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê)

Song hành cùng với con người của hương đồng gió nội, dường như ở Nguyễn Bính còn có “con người thi sĩ giang hồ đắm đuối với sự nghiệp”. Hai con người đó hòa quyện thống nhất tạo nên “cái tôi” trữ tình trong sáng tác của nhà thơ.

Là một nhà thơ gắn bó đời mình với cuộc sống làng quê, Nguyễn Bính đã tự nhận mình là một kẻ “chân quê”: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh; Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Vì vậy Nguyễn Bính xem việc phản ánh cuộc sống và con người ở làng quê như một món nợ văn chương. Đúng như lời của Hoài Thanh: “Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” [64, 335]. Và chính sự đối lập trong cái nhìn tưởng chừng cực đoan này càng làm nổi bật không gian văn hóa trong thơ Nguyễn Bính. Phải chăng đây cũng là ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc trước sự “xâm lăng” của văn hóa đô thị trong thời kỳ “Mưa Âu gió Mỹ” lúc bấy giờ?

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 66 - 70)