Không gian vườn trần là nơi tâm hồn thi sĩ khát khao giao hoà

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 82 - 84)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Không gian vườn trần là nơi tâm hồn thi sĩ khát khao giao hoà

Mỗi nhà thơ có cách thể hiện không gian riêng của mình, sự khác biệt của mỗi không gian nghệ thuật của từng tác giả sẽ làm giàu cho tính đa dạng của

không gian nghệ thuật Thơ mới. Trong không gian nghệ thuật của thi sĩ “Gửi hương cho gió”, bằng sự quy chiếu về hình ảnh “vườn trần”, ông luôn muốn “chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”. Niềm khát khao của Xuân Diệu là thiên đường mặt đất.

Không gian “vườn trần” trong thơ ông mang trong nó sự phong phú của một hình tượng thẩm mĩ, là nơi “chim nhả hạt mười phương - Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc”. Trong thơ Xuân Diệu, cảm thức về thời gian lấn át tất cả và không gian thơ của ông cũng biến đổi từng giây phút. Chính ông là người “đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới” trong khi Thế Lữ và một số nhà thơ khác còn nuôi giấc mộng lên tiên. Có lẽ vì vậy mà chốn hạ giới - “vườn trần” - là nơi lưu đày của “người thơ tình” từ khi chưa có tuổi.

Không gian trong thơ Xuân Diệu là “không gian trần thế”, đặt trên trục đối xứng với thời gian, không gian trong thơ ông có những nét độc đáo, mới lạ, “ông không có những khoảng không gian ngút ngàn mây nước với ý thức muốn chiếm lĩnh cả khoảng không vũ trụ như Huy Cận, cũng không có những không gian Thiên đường, Bồng lai những cảnh “sơn lâm bóng cả cây già” như Thế Lữ...” [61, 233-234]. Với Xuân Diệu, không gian trong thơ luôn gắn liền với những xúc cảm của chính mình, đó là những tình cảm yêu đời, yêu người tha thiết - một không gian vườn trần đầy màu sắc trẻ trung, tươi mới với những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi.

Vườn trần trong thơ Xuân Diệu là một không gian tiêu biểu chứa đựng những ý tưởng mà thi sĩ khát khao vươn tới, đó là một không gian của cõi dương thế ấm áp, khiến nhà thơ:

“Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất”

Dù là không gian của thiên nhiên hay không gian của chính tâm hồn mình thì vườn trần của thi sĩ là biểu tượng sinh động của sức sống. Không giống với “vườn Địa đàng” trong Lửa thiêng của Huy Cận vắng bóng hình ảnh con người, vườn trần trong thơ Xuân Diệu mang đầy nhựa sống, đó là nơi con người tìm ra sự hoà hợp với thiên nhiên, sự sống, trong vườn đó tràn ngập hình ảnh của cỏ cây, hoa lá, chim muông:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật; Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất; Của yến anh này đây khúc tình si. Và này đây ánh sáng chớp hàng mi; Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;”

(Vội vàng)

Dưới cái nhìn của thi nhân, cảnh sắc đều chứa đầy màu sắc, nhà thơ đã tạo nên những hình ảnh thật sắc nét nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển:

- “Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều Bên màu hoa mới thắm như kêu;”

(Nụ cười xuân) - “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh... ... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

(Đây mùa thu tới) - “Hình eo, dáng lả, sắc xinh xinh”

(Lạc quan)

Xuân Diệu luôn vươn tới không gian khoáng đạt, ở đó có đầy màu sắc, đường nét, hương thơm. Ngay cả khi là ban đêm, khi không nhìn thấy được những màu sắc, đường nét đó, ông lại tạo nên không gian nghe thấy, cảm thấy bằng âm thanh, hương vị với sự tạo dựng không gian chứa đầy gió - trăng:

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...”

Dù có cố gắng bứt ra khỏi mặt đất để vươn đến không gian tầng cao thì Xuân Diệu cũng không thể vượt thoát như Huy Cận hay Thế Lữ, “nhiều khi người ta cảm thấy dường như ông không đủ sức chế ngự những khoảng không gian cao rộng” [61, 236]. Không gian trong thơ Xuân Diệu dù ở đâu cũng luôn gắn bó với thiên đường mặt đất, với “vườn trần”, đó mới thực sự là “vương quốc” riêng trong thơ ông.

Một phần của tài liệu Không gian nghệ thuật thơ mới 1932 1945 qua sáng tác của một số tác gải tiêu biểu (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w