Biển và chim bói cá hồi ức của nhà văn về một quãng sống đáng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 25 - 31)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Biển và chim bói cá hồi ức của nhà văn về một quãng sống đáng

Biển và chim bói cá được sáng tác sau 20 năm ngừng bút từ 1968 đến

1989 và trải qua những bầm dập của cuộc đời, của số phận, của nghề nghiệp. Là kết tinh vốn sống của nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong suốt hai mươi năm chứng kiến những chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một đơn vị quốc doanh đánh cá lừng danh và cũng lắm truân chuyên. Tác phẩm kể lại những câu chuyện về “đêm trước giai đoạn đổi mới của một liên hiệp đánh cá biển Đông đầy thành tích nhưng cũng lắm cơ hội tha hóa, nhiều nhân văn nhưng cũng không ít lưu manh. Bên dưới những câu chuyện, cuộc đời là những đợt sóng ngầm của một thời kỳ dữ dội và cũng đầy khắc khoải. Cái không khí, tinh thần quốc doanh đầy khẩu hiệu thi đua nhưng ẩn sau rất nhiều góc khuất: từ chuyện buôn lậu vài kí đá lửa từ Trung Quốc đến chuyện “khai phá” con đường nhập lậu điện tử gia dụng, từ chuyện mua chuộc hải quan, những vụ thanh toán lẫn nhau theo luật rừng trên biển… như chuyện vừa mới xảy ra. Có lẽ với sự am hiểu vốn sống của một thời kì từng là nhân viên quốc doanh đánh cá Hạ Long (1975 -1995), Bùi Ngọc Tấn muốn lật lại ký ức về một thời kỳ, một bối cảnh nhỏ đặt trong tương quan bối cảnh lớn của dân tộc, thời đại đầy biến động ngấm ngầm và

dữ dội mà mình đã sống qua, còn đem lại nhiều ngẫm nghĩ day dứt. Bản thân nhà văn cũng thừa nhận, ngay từ những ngày đầu còn lênh đênh đánh cá trên biển, ông đã tự nhủ, đây sẽ là mảnh đất phì nhiêu để ông canh tác. “Tôi nghĩ thế nào cũng phải viết”, ông nói và đã viết, trải rộng trên tất cả những gì mắt thấy tai nghe và ghim sâu những trăn trở của bao nhiêu năm tháng chiêm nghiệm.

Với ưu thế của một người dày dạn vốn sống, Bùi Ngọc Tấn rất tinh tế khi thể hiện cái nghèo, cái khổ khiến con người ta hèn đi của thời đoạn bấy giờ. Ông không bình luận, chỉ thản nhiên tả những chi tiết rất thực: "Khi thuyền trưởng đem bia và nước ngọt ra mời, anh đã làm ra vẻ rất tự nhiên, cười rất vô tư và khảng khái: “Hôm nay bị đầy hơi, chỉ xin thuyền trưởng chén trà thôi. Còn cái này xin phép thuyền trưởng mang về, lúc khác uống. Thực ra có phải bụng dạ làm sao đâu. Mà nó nằm trong kế hoạch của anh. Phải đem được ít nhất một lon bia, một lon nước ngọt về cho mẹ, anh Vận và lũ cháu... Anh mở lon nước ngọt, rót ra cốc. Cả nhà tròn mắt nhìn những bọt nước thẫm màu nảy lên lách tách như mưa trong cốc. Mẹ uống một ngụm. Mẹ bảo ngon rồi đưa cho cả nhà nếm mỗi người một ngụm…".

Chính vì viết như một cuộc hồi cố về với quãng đời cực nhọc của mình và cả dân tộc bằng vốn sống phong phú, tràn trề ấy, lúc này lúc kia cũng khiến người đọc ngỡ rằng nhà văn đang rối trong chính kho tư liệu của mình. Tất cả mọi chi tiết đều được ông nỗ lực đưa vào, khiến cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang có lúc như hỗn độn, như rối rắm và khó đọc, khó nắm bắt. Chính vì thế, nhà văn Châu Diên nhận định, có thể coi "Biển và chim bói cá là cuốn tiểu thuyết tư liệu, kết quả từ cách làm việc của một nhà báo mang tâm hồn của một nhà văn".

Biển và chim bói cá được viết trong cái tinh thần khổ ải, của một thời khổ

ải của một miền đất. Thành thử những chi tiết ở trong đó, thì đều là những cái tên riêng của rất nhiều từng cá nhân con người, ở một cái hợp tác xã, trong một thời kỳ bao cấp.

Biển và chim bói cá viết dựa vào bối cảnh thời bao cấp. Một thời đại luôn

tồn tại chuyện chạy chọt, cầu cạnh, bon chen, vụ lợi. Chính bối cảnh đó đã chi phối nội dung thể hiện trong tác phẩm. Tồn tại trong tác phẩm là hình ảnh những bọn quan tham, nhũng nhiễu, tiêu biểu là giám đốc Hoàng Quốc Thắng, rồi những kẻ bợ đỡ, nịnh nọt sẵn sàng dâng vợ cho sếp để được nâng cấp tiêu biểu là nhân vật Huy. Trong cái cơ chế quyền và tiền đó là sự thể hiện một hệ thống hành chính thối nát, con cái của những kẻ làm sếp thì được ưu tiên, coi trọng mặc dù họ là những kẻ dốt nát, đua đòi. Ngược lại một thế hệ những con người cống hiến cho đất nước thì không hề được chiếu cố.

Những chiêm nghiệm của tác giả được vẽ lại bằng một lối văn nhẹ nhàng đầy ắp hình ảnh, không hờn oán, hơn thế, nhiều khi như trải một tấm lòng đôn hậu. Trong suốt 500 trang giấy, trang nào cũng là một bức tranh nhỏ mang tính sự thật, phảng phất tâm hồn bao dung của tác giả. Con người còn tất cả những nét đẹp trong tác phẩm của ông. Xấu chăng chỉ là cái hệ thống, cái chế độ chính trị hư hỏng làm con người đi xuống, đi xuống mà không biết mình đi xuống.

1.3.2. Nhìn chung về thế giới nghệ thuật Biển và chim bói cá

Tiểu thuyết Biển và chim bói cá dài hơn 500 trang, tập trung vào khoảng 20 nhân vật. Một tác phẩm có thể nói không đồ sộ về số lượng trang, không qui mô về nhân vật như các tiểu thuyết ở nước ngoài nhưng tác phẩm đã để lại được ấn tượng cho độc giả vì ở đó bên cạnh giá trị về nội dung thì giá trị về nghệ thuật cũng không kém phần độc đáo.

Biển và chim bói cá là một truyện không có cốt truyện, cuốn tiểu thuyết

viết về những mẩu đời vụn của những người làm công, ăn lương cố sống, cố chết bám lấy cái xí nghiệp đang ngoi ngóp trong nguy cơ “đắm tàu”. Đó là những con người cùn mằn, tội nghiệp - nhân viên văn phòng, cạo giấy, thủy thủ…

Bùi Ngọc Tấn quan niệm về con người và cuộc đời bằng con mắt của người đã trải qua những cay đắng của cuộc đời. Con người trong quan niệm của ông là những số phận khổ đau, họ là những người gánh chịu lịch sử. Số phận của

họ chịu sự “áp bức” của cơ chế quyền, tiền. Những con người thuộc biên chế trên biển nhưng vì những lí do thuộc cơ chế nên phải nằm bờ chờ việc, ăn lương thất nghiệp và một bộ phận những con người ăn theo tại vô số phòng, ban bệ trên bờ họ đang cố công cố sức tự thay đổi trong một cuộc cải cách tuyệt vọng.

Biển và chim bói cá tập trung vào khoảng hai mươi nhân vật, được miêu

tả như những hình tượng đa phương, có phần lỏng lẻo như trong một tác phẩm sắp đặt của nghệ thuật thị giác, nói bằng thứ ngôn ngữ trực quan của mồ hôi, nước mắt, máu và cả tiếng thở dài… với vài chục ngàn chi tiết lớn nhỏ, chi tiết nào cũng hóm hỉnh khiến người đọc phải bật cười tức khắc hoặc lay động những cảm giác sâu kín của lòng trắc ẩn, lương tri… cứ như vậy, những góc khuất của đời sống và con người tại một Liên hiệp đánh cá biển Đông lẫy lừng thành tích và cũng chứa chất những trái ngang hiện ra trước bạn đọc như vật chứng không thể chối từ của một thời đại. Truyện gồm nhiều "mảnh ghép" về hiện thực, dễ đọc, sinh động, thể hiện sự từng trải, chiêm nghiệm đến từng chi tiết mà không để lại cái cảm giác "chỉ thấy tìm tòi hình thức" như ở nhiều cuốn sách ra gần đây.

Có thể xem Bùi Ngọc Tấn là một người kể chuyện thuần theo lối truyền thống, kể bằng sự kiện, nhưng lại không thể nói ông là nhà văn bị lệ thuộc vào hiện thực ở cái vỏ diễn tiến bề ngoài. Ông viết văn như người thiền quán tưởng từng hơi thở, mỗi chi tiết của cuốn sách óng lên một nỗi suy tư day dứt và cả tình cảm mãnh liệt của người viết đối với quê hương, với những nghịch lý thản nhiên đến lạnh lùng của hiện thực vượt khỏi những tiêu chí đạo đức và làm người vẫn được mặc nhiên thừa nhận.

Trên phương diện xây dựng hình tượng nhân vật, Bùi Ngọc Tấn đã chọn hình tượng trung tâm trong sáng tạo của mình (khác với quan niệm “nhân vật trung tâm” của từng tác phẩm ) là con người bình thường, hay nói cách khác, là đặc tính “phổ biến”, không nổi trội, phần phổ quát nhất trong con người nói chung, biến nó thành đối tượng mô tả văn học. Nhờ thế, phần bản năng, duy

cảm, riêng tư mà các nhà văn khác chỉ nhìn như biểu hiện đơn lẻ, hoặc coi nó là thiểu số, là bi kịch trong thời đại ý chí tập thể, lại trở thành kênh riêng biệt để khám phá một bản chất khác đầy tràn, mới mẻ, về con người, thậm chí đây mới là bản chất thiết yếu vốn dĩ, cho mọi đối tượng.

Không gian và thời gian là một trong những yếu tố cấu thành nên bộ mặt của tiểu thuyết. Nó góp phần xây dựng nội dung của tác phẩm, và cũng là một thủ pháp nghệ thuật nằm trong ý đồ sáng tác của nhà văn. Nếu trước đây không gian và thời gian được miêu tả cụ thể, rõ ràng thì trong tiểu thuyết mới nói chung và tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn nói riêng không gian và thời gian bị phá vỡ hoàn toàn. Không gian thời gian trong tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn được xắp xếp một cách lộn xộn, không theo bất kì trật tự nào. Cả câu chuyện là những mảng ghép của kí ức, trí nhớ của nhân vật.

Do sự chi phối của những hoang tưởng, thực và ảo lẫn lộn, quá khứ và hiện tại đan cài, thời gian trong tác phẩm cũng bị phá vỡ hoàn toàn, không thể hiện được sự liên tục của một sự tái diễn bình thường trong cuộc sống quá khứ, hiện tại, tương lai. Mọi thứ đều bị đảo lộn, chồng chéo lên nhau, không thể xác định được yếu tố thời gian được đưa vào trong tác phẩm khi các chi tiết, sự kiện rất rời rạc, trong những ám ảnh của người chồng mà thông qua người kể chuyện được thể hiện.

Thời gian không xác định với các từ như sáng hôm sau, sáng nay, đến chiều, buổi chiều hôm ấy, bữa cơm chiều, mẻ lưới sáng sớm… thời gian đấy không cụ thể, nó có thể là bất cứ ở đâu, dường như thời gian không trôi qua mà mãi đứng yên.

Cũng như thời gian, không gian trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá không được xác định rõ ràng và nó rất hẹp, mọi thứ chỉ nằm trong tầm ngắm của mắt thường. Không gian câu chuyện trở nên khép kín, quay tròn không lối thoát, làm nền cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Điều này cũng nằm trong đặc trưng của tiểu thuyết mới. Có một sự đối nghịch rằng không gian trong tác phẩm bị thu hẹp

đến mức tối đa nhưng nhân vật như không bao giờ với tới được, các nhân vật không bao giờ tìm thấy sự thật về mình. Trong Biển và chim bói cá ta có thể bắt gặp một số không gian quen thuộc như không gian của biển. Biển dưới tầm nhìn của nhân vật, có khi được mở rộng, có khi thu hẹp. Và nhân vật Tôi chưa bao giờ rời khỏi phạm vi biển. Đôi lúc anh ta có phóng tầm mắt ra phía chân trời theo hướng sóng “Con tàu vẫn thẳng hướng xé nước ra khơi. Tôi quay lại nhìn về

phía Tây. Mặt trời đã xuống thấp. Chân trời đỏ rực”. Anh ta chỉ quẩn quanh trên

tàu. Con tàu như một ám ảnh trong anh. Dù đã bị giới hạn một cách tối đa về không gian nhưng cái nhìn của nhân vật vẫn không thể thấu suốt. Bởi anh ta luôn gặp phải những vật cản trước mắt tác động, những gì mà một con người chưa đủ kinh nghiệm như anh đã chứng kiến. Chính điều này đã làm cho toàn bộ câu chuyện không có kết thúc.

Như vậy cả không gian và thời gian trong truyện đã được nhà văn nén lại một cách tối đa. Thời gian không chuyển động, không gian thì hẹp dưới đôi mắt của nhân vật Tôi. Nhân vật mệt mỏi và không buồn phóng tầm mắt của mình đi xa hơn cái cầu tàu, hay chân trời trước mặt.

Biển và chim bói cá là cuốn tiểu thuyết mới nổi bật bởi những tìm tòi đổi

mới của nó. Nó phá vỡ hoàn toàn cấu trúc thông thường. Không gian thời gian bị thu hẹp tối đa, không có cốt truyện, nhân vật không có nhân vật chính. Câu chuyện là những mảnh ghép của dòng suy tưởng của nhân vật kể chuyện xưng Tôi. Tất cả đã tạo nên một tiếng vang lớn. Vì nó khác với những tiểu thuyết trước đây nên Biển và chim bói cá đôi khi bị coi là khó đọc. Nhưng đó là cả một công trình, một nỗ lực tìm tòi một phương thức mới, con đường mới cho tiểu thuyết đương đại.

Chương 2

NHỮNG CẢM HỨNG CƠ BẢN CỦA BIỂN VÀ CHIM BÓI CÁ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w