Cái nhìn trào lộng trong văn xuôi Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 57 - 59)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Cái nhìn trào lộng trong văn xuôi Việt Nam đương đại

Sự xuất hiện của bút pháp trào lộng ngày càng nhiều trong tiểu thuyết đương đại, xuất phát từ ba căn nguyên cơ bản: thứ nhất, có ý nghĩa cân bằng sinh thái văn học sau một thời gian dài văn học ta quá nghiêm trang. Thứ hai: là một nhu cầu giải tỏa áp lực của đời sống hiện đại. Thứ ba: quan trọng hơn, thể hiện tinh thần dân chủ hóa trong văn học. Không nên hiểu đơn giản trào lộng và giễu nhại chỉ nhằm tới một mục đích giải thiêng mà cần hiểu sâu hơn, đó là hình thức tiếp cận các giá trị đời sống một cách dân chủ, đa nguyên, phi quy phạm. Như vậy là cảm hứng trào lộng xuất hiện giải tỏa áp lực của cuộc sống hiện đại với những căng thẳng, phức tạp mang đến cảm giác dễ chịu đồng thời góp phần nhìn nhận lại một thời gian văn học do hoàn cảnh lịch sử đất nước mà chỉ đề cập tới những vấn đề thiêng liêng, hệ trọng của đất nước vì vậy văn học mang tính nghiêm trang và ít nhiều khắt khe. Điều đó giải thích vì sao văn học 45-75 không có sự hiện diện của cảm hứng trào lộng.

Văn học sau 75 với khí thế sôi động khi đất nước đang trong quá trình thay da đổi thịt, với nhiều khởi sắc, đặc biệt là trong những năm gần đây cuộc

sống ngày càng trở nên hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề, điều đó giải thích vì sao cảm hứng trào lộng lại chiếm vị trí lớn trong văn học đương đại.

Văn học đương đại nổi lên với Thời xa vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Cõi người rung chuông tận thế và Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái),

Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), T. mất tích (Thuận)... là những tác phẩm sử

dụng bút pháp trào lộng, giễu nhại thành công. Trong Thời xa vắng người trần thuật là người đã nếm trải nhiều cay đắng, đi qua nhiều nỗi bi hài và anh ta kể lại hàng loạt câu chuyện về một “thời xa vắng” nhưng chưa hề xa. Cũng phải nói thêm rằng, bản thân cách nói “thời xa vắng” đã hàm chứa trong đó tư tưởng khá sâu sắc của Lê Lựu.

Trong số các nhà văn đương đại, Nguyễn Khải được coi là nhà văn nhạy cảm. Ngay từ sau 1975, Nguyễn Khải đã có Gặp gỡ cuối năm, Cha và con và... Ông sớm nhận ra phải nhanh chóng từ giã thời lãng mạn, đơn giản, dễ dãi để viết những tác phẩm mang quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, khi Thượng đế thì cười xuất hiện, người đọc vẫn bất ngờ khi nhận thấy một Nguyễn Khải mới mẻ với chất giọng giễu nhại sắc sảo. Màu sắc “tự trào” hiện ra qua cách xưng hô “lão Khải”, “anh Khải”, “thằng Khải”, “hắn” cùng với những chi tiết giàu chất hài hước, hóm hỉnh. Cái cười của Nguyễn Khải vừa bao dung vừa nâng tầm nhận thức về một thời giản đơn và ấu trĩ, đầy ngộ nhận. Những điều vụn vặt lại tưởng lớn lao, những thứ đơn giản lại cố phức tạp và cho rằng thế mới là quan trọng!

Người sông Mê của Châu Diên cũng sử dụng thủ pháp nhại: nhại nhịp điệu sống

quẩn quanh (qua cách tổ chức ngữ điệu, nhịp điệu, nhại các loại giọng, giọng quyền uy bên cạnh giọng dân dã, giọng nghiêm túc và giọng bông phèng...). Hồ Anh Thái cũng là nhà văn có ý thức sử dụng bút pháp giễu nhại thành công và phong cách trần thuật này ám cả vào giọng điệu của nhà văn. Chất phóng túng ấy có ở Mười lẻ một đêm. Trước hết, nó được thể hiện qua các nhân vật đậm tính nghịch dị (grotesque, mà hầu như tất cả các nhân vật của cuốn sách đều là nhân vật nghịch dị). Họa sĩ Chuối Hột chẳng hạn: "Bốn mươi tám cái xuân xanh là

bốn mươi tám mùa cởi mở. Thời trang yêu thích nhất là bộ cánh lúc lọt lòng mẹ". Sở thích - nếu có thể gọi đó là sở thích - khoả thân của Họa sĩ Chuối Hột

được tác giả phóng đến cực đại. Ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh này: "Trong

một góc nhà gã chống đầu xuống đất hai chân dốc thẳng lên trời, thân người bóng nhẫy, trắng lôm lốp như thân chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở quãng lưng chừng trời". Đó là cảnh hoạ sĩ Chuối Hột khoả thân tập yoga khi cửa

nhà mở ra thông thống! Cảnh này, không hiểu sao cứ khiến tôi phải liên tưởng tới chàng hiệp sĩ xứ Mantra của Cervantes - nhân vật nghịch dị vĩ đại trong văn học thế giới: khi điên cuồng nhớ tới nàng Dulcinea, Don Quijote đã trồng cây chuối, áo sơ mi dốc xuống trùm mặt và chàng ta không hề mặc quần!

Nhân vật Bà mẹ cũng đậm chất nghịch dị. Cái dâm của người đàn bà này được mở rộng tới mức quá khổ trên văn bản. Qua năm lần đò và vô vàn những cuộc phiêu lưu tình ái - tất cả đều diễn ra trước cặp mắt của đứa con gái, "con bé phải chứng kiến tất cả các thể loại đàn ông của mẹ" - Bà mẹ quả là mẫu người ham hố nhục dục đến mức vô độ và vô sỉ. "Về làm gì, ở lại đây ngủ cho vui" - đó là câu nói được bà mẹ lặp đi lặp lại với từng đối tác mới trong thú vui xác thịt triền miên vô tận. Cũng có thể coi đó như một dấu hiệu cá biệt hoá nhân vật, giống câu "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của cụ Cố Hồng trong văn Vũ Trọng Phụng. Nhìn chung cảm hứng trào lộng xuất hiện nhiều và đã trở thành một xu hướng nghệ thuật của văn học. Cái trào lộng mang lại cho độc giả một khuynh hướng mới về văn học, cái trang nghiêm trong văn học nhạt dần mà thay vào đó là một làn gió mới, tiếng cười trở thành một cảm hứng mới cho người đọc nhưng đồng thời đưa lại cho người đọc suy nghĩ sâu sắc hơn về con người, về xã hội.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w