V. Tiến trình dạy học
c. Tiền công danh nghĩa
3.2.3. Đối với giảng viên
Trong đổi mới phương pháp day học nói chung và vận dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề nói riêng, đặc biệt coi trọng nghệ thuật giảng dạy của người GV, vì sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào GV. Tài nghệ của GV trong công tác giảng dạy cũng cần thiết không kém bất cứ một lĩnh vực sáng tạo nào khác. Công tác này có thể trở thành một hình thức sáng tạo nhất, nếu người GV khéo léo phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của SV. Hay nói cách khác, GV là nhân vật trung tâm quyết định chất lượng giáo dục.
Bản thân mỗi cán bộ, GV trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang, đặc biệt là GV môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phải có nhận thức đúng, đầy đủ về đổi mới phương pháp giảng dạy, cũng như vai trò và trách nhiệm của mình khi tham gia vào quá trình giảng dạy hay trực tiếp đứng trên bục giảng phải thay đổi thói quen sử dụng phương pháp dạy học truyền thống thuần túy, bằng việc sử dụng thường xuyên và kết hợp các phương pháp dạy học khác, trong đó có phương pháp dạy học nêu vấn đề. Mỗi cán bộ, GV phải thực hiện được các yêu cầu sau:
GV phải nghiên cứu để am hiểu thêm phương pháp dạy học nêu vấn đề, và nên thường xuyên vận dụng phương pháp dạy học này, đồng thời trao đổi với đồng nghiệp, để bài giảng đạt hiệu quả cao nhất.
Sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách hợp lý, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với đặc trưng của môn học, nội dung, tính chất của bài học, đặc điểm và trình độ SV, thời lượng dạy học và các điều kiện dạy học cụ thể của trường, địa phương.
GV tích cực lựa chọn các vấn đề liên quan đến chuyên môn, liên hệ với thực tiễn để hiểu sâu sắc hơn vấn đề.
Ngoài những yếu tố kể trên, GV còn phải biết đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để có sự điều chỉnh cho kịp thời và phù hợp. Điều cần thiết hơn nữa là phải biết theo dõi tình hình thời
sự, những diễn biến xảy ra trong nước và thế giới để trau dồi kiến thức và kỹ năng cho mình, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy.
GV phải được đào tạo đúng chuyên môn: Phương pháp là phương tiện để chuyển tải nội dung, có liên hệ chặt chẽ với nội dung. Vì thế, GV không thể nào vận dụng phương pháp học tốt nếu như không nắm được nội dung chương trình, nội dung bài học một cách sâu sắc. Điều này đúng trong việc vận dụng tất cả các phương pháp chứ không chỉ riêng đối với phương pháp dạy học nêu vấn đề. Vì vậy, GV muốn dạy tốt phải được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn. Riêng đối với phương pháp dạy học nêu vấn đề, một phương pháp có nhiều ưu thế nhưng vận dụng khó, càng đòi hỏi GV phải nắm chắc nội dung. Nếu hiểu nội dung một cách mơ hồ thì không thể tiến hành giảng dạy bằng phương pháp dạy học nêu vấn đề. Thực tế cho thấy có nắm vững kiến thức chuyên môn GV mới có thể khai thác, sắp xếp một cách khoa học các thông tin từ sách vở, tài liệu, các phương tiện thông tin liên quan tới nội dung dạy học. Có nắm vững kiến thức chuyên môn GV mới có đủ tự tin đi đứng trên lớp, không e ngại trước thắc mắc của SV, băn khoăn của đồng nghiệp cũng như những đòi hỏi của các cấp quản lý.
GV phải có tâm với nghề nghiệp: Thực tế cho thấy, trong bất cứ công việc gì, người làm việc mà không tâm huyết với nghề thì không thể thành công trong nghề, nghề dạy học cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Có tâm với nghề ở mỗi GV thể hiện ở hai mặt chính: Yêu nghề và yêu người. Bởi vậy, mỗi GV khi xác định được con đường mình đang đi, sự nghiệp mình đang giữ thì trước hết phải yêu nghề. Yêu nghề được thể hiện ở chỗ biết vượt khó, say mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tri thức, chuyên môn giảng dạy. Mỗi GV khi được đào tạo chu đáo, đúng chuyên môn đều được trang bị những tri thức khoa học cơ bản nhất cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Tri thức chuyên môn có mối quan hệ mật thiết với khoa học khác và gắn với thực tiễn. Điều này đòi hỏi người GV đồng thời vừa nghiên cứu tri thức chuyên môn,
vừa nghiên cứu tri thức khoa học liên quan trong mối quan hệ chặt chẽ với thực tiễn. Do đó, GV không ngừng nghiên cứu, liên hệ với thực tiễn sẽ giúp người GV cập nhật thông tin, mở rộng và phát triển tri thức.
Tuy nhiên, giỏi chuyên môn, vững tay nghề đối với GV như thế chưa đủ, ở họ phải có tình yêu thương con người, tình cảm yêu quý, tôn trọng SV. Tình cảm yêu thương gắn bó, gần gũi với SV là một phẩm chất đạo đức cao quý trong nhân cách của người GV. Hơn nữa, trong dạy học hiện đại, tình yêu thương gắn bó, sự tôn trọng và hiểu biết SV không chỉ đơn thuần là phẩm chất đạo đức cần có ở người thầy mà nó còn có ý nghĩa là yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp.
Cần có một số cơ chế khuyến khích, quan tâm giúp đỡ đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần để GV yên tâm công tác, tâm huyết với nghề nghiệp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.