Phân tích cơ bản (fundamental analysis)

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN (Trang 82 - 91)

2. Điều kiện niêm yết trái phiếu doanh nghiệp:

5.2.2.1.Phân tích cơ bản (fundamental analysis)

Phân tích cơ bản bao gồm các hoạt động phân tích môi trường đầu tư (như phân tích nền kinh tế toàn cầu, phân tích nền kinh tế quốc gia, phân tích ngành) và phân tích doanh nghiệp làm cơ sở cho việc ra quyết định thị trường đầu tư, lĩnh vực và danh mục các loại chứng khoán đầu tư.

● Phân tích kinh tế vĩ mô và phân tích ngành

Trong nền kinh tế thị trường, nhất là trong xu thế hội nhập sự tồn tại, phát triển cũng như sự suy thoái của các doanh nghiệp là hệ quả tất yếu khách quan, đôi khi hoàn toàn không phụ thuộc vào chủ quan của chính bản thân doanh nghiệp. Tương lai của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế quốc gia, xu hướng phát triển của ngành và các chiến lược kinh doanh cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp. Xu hướng biến động giá cổ phiếu cũng như khả năng cổ tức và thu nhập dự kiến của doanh nghiệp phụ thuộc vào tương lai của doanh nghiệp. Do đó, để có thể lựa chọn chứng khoán và các phương thức đầu tư tối ưu thì việc phân tích và dự đoán tương lai của doanh nghiệp phát hành trong mối quan hệ hữu cơ với các tình huống kinh tế vĩ mô và ngành sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả vốn đầu tư.

►Phân tích nền kinh tế toàn cầu

Xu hướng kinh tế hội nhập đã tạo ra một sự ràng buộc lẫn nhau về sự phát triển của các nền kinh tế cũng như bản thân các doanh nghiệp. Trong thời đại ngày nay, sự tăng trưởng hoặc suy thoái kinh tế của quốc gia, khu vực này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng hoặc suy thoái kinh tế tất yếu của các quốc gia khác. Điều đó đã đặt ra không ít các câu hỏi khác nhau cho các chuyên gia kinh tế trong phân tích nền kinh tế hoàn cầu về các yếu tố cũng như sự ảnh hưởng của nó tới các nền kinh tế.

Các yếu tố cơ bản thuộc môi trường kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng đến tương lai của doanh nghiệp bao gồm:

- Các diễn biến về chính trị trong khu vực cũng như của từng quốc gia; - Tốc độ tăng trưởng GDP của các khu vực cũng như của từng quốc gia;

- Các chiến lược và chính sách kinh tế tài chính của các quốc gia như: chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất, hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ cho nền kinh tế nội địa…

- Sự can thiệp của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như: chính sách đầu tư, hỗ trợ, chính sách lãi suất..

- Các liên kết kinh tế của các khu vực, các quốc gia, các tập đoàn kinh tế … - v.v…

Tất cả các yếu tố trên đã, đang và sẽ luôn luôn là các yếu tố tác động trực tiếp tới tương lai của từng doanh nghiệp trên các khía cạnh như: khả năng xuất khẩu, sức cạnh tranh, quan điểm và các chiến lược đầu tư trong nước cũng như ra nước ngoài của doanh nghiệp…

►Phân tích nền kinh tế quốc gia

Thực tế đã chứng minh rằng bên cạnh sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, mỗi nền kinh tế của từng quốc gia đều có những thế mạnh và khó khăn riêng trong chiến lược phát triển của mình. Điều đó đã là lời giải đáp thỏa đáng là tại sao trong cùng một giai đoạn lịch sử có những nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, nhưng ngược lại có không ít những nền kinh tế vẫn chưa thể thoát ra khỏi cảnh đói nghèo và lạc hậu. Nền kinh tế quốc gia là ngôi nhà thường trú mà trong đó các doanh nghiệp tồn tại và hoạt động. Do đó, để đánh giá tương lai của một doanh nghiệp thì không được bỏ qua việc xem xét môi trường kinh tế vĩ mô của quốc gia sở tại.

Các yếu tố cơ bản thuộc môi trường kinh tế vĩ mô của các quốc gia ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai bao gồm:

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): sự tăng trưởng GDP phản ánh sự phồn thịnh của quốc gia, là chỉ tiêu cơ bản phản ánh tổng quát thực trạng của nền kinh tế, thể hiện mức độ cơ hội để doanh nghiệp có thể thực thi các chiến lược đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.

- Tỷ lệ lạm phát: là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá thực lực cũng như triển vọng phát triển của từng nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát cao và có xu hướng gia tăng làm giảm sút thu nhập thực tế từ đầu tư chứng khoán.

- Tỷ lệ thất nghiệp: là tỉ lệ người lao động trong tổng lực lượng lao động chưa tìm được việc làm. Chỉ tiêu này phản ánh công suất hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi xem xét chỉ tiêu này cũng cần phải đặt trong mối quan hệ về trình độ phát triển công nghệ của từng quốc gia để có thể đánh giá khách quan nền kinh tế của từng quốc gia.

- Lãi suất: lãi suất bình quân của nền kinh tế là yếu tố cơ bản cấu thành chi phí sử dụng vốn, chi phối thường xuyên đến quá trình ra các quyết định đầu tư. Các mức lãi suất cao sẽ làm giảm giá trị hiện tại của các dòng tiền tương lai, từ đó làm giảm tính hấp dẫn của các cơ hội đầu tư chứng khoán. Lãi suất (lãi suất thực) là yếu tố chủ yếu cấu thành chi phí đầu tư kinh doanh, là giới hạn để lựa chọn phương hướng đầu tư. Do đó, khi phân tích tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán, chúng ta phải xem xét và dự báo lãi suất. Lãi suất phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: quy mô nguồn tiền gửi tiết kiệm; quan hệ cung cầu vốn trong nền kinh tế; sự can thiệp của chính phủ;...

- Thâm hụt ngân sách: Là yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu của chính phủ, tăng lãi suất huy động vốn,... từ đó sẽ ảnh hưởng đến lãi suất thị trường, giá cả và tình hình lạm phát, nghĩa vụ đóng thuế của các chủ thể kinh doanh, nhu cầu của thị trường,...

- Tâm lý của công chúng: tâm lý của công chúng ảnh hưởng trực tiếp quy mô cầu tiêu dùng của thị trường. Nếu người tiêu dùng tin vào thu nhập trong tương lai của họ sẽ tăng thì họ sẵn sàng tăng chi tiêu. Tương tự, nếu người kinh doanh dự đoán rằng nhu cầu đối với sản phẩm của họ sẽ tăng thì họ sẽ gia tăng sản xuất và dự trữ. Do đó, tâm lý của công chúng người tiêu dùng ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế nói chung cũng như cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Chu kỳ của nền kinh tế: sự thay đổi tuần hoàn các trạng thái kinh tế theo trình tự: Tăng

trưởng - Suy thoái - Phục hồi của nền kinh tế quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các

doanh nghiệp. Điều này lưu tâm các nhà đầu tư chứng khoán rằng trong đầu tư luôn luôn phải có một cái nhìn xa hơn, rộng hơn về viễn cảnh của doanh nghiệp trong mối quan hệ với chu kỳ của nền kinh tế.

► Phân tích chính sách của Chính phủ

“ Người ta không thể vỗ tay bằng một bàn tay”. Điều đó đã khẳng định vai trò tất yếu khách quan của Nhà nước, của Chính phủ đối với nền kinh tế của từng quốc gia. Nói cách khác, sự phát triển hay suy thoái của nền kinh tế vĩ mô chịu sự chi phối trực tiếp bởi vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trong phân tích chính sách của Chính phủ liên quan tới đầu tư chứng khoán cần quan

tâm đến 2 chính sách lớn là:

- Chính sách tài chính: chính sách tài chính của Chính phủ bao gồm các chính sách thuế và chính sách chi tiêu của Chính phủ cho đầu tư phát triển. Thuế là một định chế tài chính ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách giá cả hàng hóa của doanh nghiệp, đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng và các chủ thể kinh doanh. Tương tự, tăng hoặc giảm chi tiêu của Chính phủ sẽ làm thay đổi quy mô nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hoá, dịch vụ.

- Chính sách tiền tệ: chính sách tiền tệ của Nhà nước có liên quan đến việc huy động các nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, điều tiết cung ứng tiền tệ để kích thích đầu tư và tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến cơ chế lãi suất. Bởi vậy, chính sách tiền tệ của Chính phủ sẽ chi phối đến chiến lược huy động vốn, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Khi phân tích về môi trường pháp luật của một quốc gia cần quan tâm đến các khía cạnh: tính đồng bộ, tính khả thi, tính hiệu quả, tính ổn định và tính quốc tế của hệ thống pháp luật đó. Một môi trường pháp lí đồng bộ, hiệu quả, ổn định… là môi trường tốt cho hoạt động đầu tư chứng khoán, góp phần hạn chế rủi ro, và ngược lại một môi trường pháp lí không đồng bộ, hiệu lực thấp, thay đổi thường xuyên… sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro pháp luật trong đầu tư chứng khoán.

► Phân tích ngành

Phân tích ngành thực chất là phân tích quan hệ cung - cầu một, hoặc một nhóm hàng hóa, dịch vụ do một ngành nào đó đảm nhận. Doanh nghiệp là một trong những hạt nhân trực tiếp cấu thành cung của ngành. Khi phân tích ngành cần quan tâm đến các nội dung cơ bản: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Phân tích chu kỳ sống của sản phẩm: Chu kỳ sống của sản phẩm liên quan trực tiếp tới chiến lược quy mô sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tương thích với các giai đọan trong chu kỳ sống sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đó thay đổi thì hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ bị thay đổi. Dưới góc độ đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư không những quan tâm tới lợi nhuận của một kỳ đầu tư trong hiện tại mà còn phải quan tâm tới lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai đối với các chứng khoán có thể đầu tư. Với khía cạnh đó, khi nào mua, khi nào bán chứng khoán là một trong những vấn đề mà nhà đầu tư phải quan tâm.

- Phân tích cơ cấu và các thế lực của ngành: Thương trường như chiến trường. Đó là hệ quả tất yếu của cơ chế thị trường do sự hiện diện và chi phối của quy luật cạnh tranh. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là tổng hòa của các yếu tố như: khả năng tài chính, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức và quản lý kinh doanh, uy tín tên tuổi của doanh nghiệp…Ảnh hưởng của cạnh tranh tới sự sống còn của các doanh nghiệp thường được biểu hiện dưới các hình thức như: mối đe doạ xâm nhập của các đối thủ cạnh tranh hiện hữu cũng như các đối thủ tiềm năng, sức ép từ các sản phẩm cùng loại thay thế, thế độc quyền của người mua, người bán...

● Phân tích doanh nghiệp

Trong đầu tư, ngạn ngữ thường có câu: “Trông giỏ bỏ thóc”. Không có một nhà đầu tư nào lại

không quan tâm tới địa chỉ nơi mà anh ta muốn đầu tư vốn để tìm kiếm một mức lợi nhuận như mong muốn với rủi ro thấp nhất. Doanh nghiệp là nơi trực tiếp sử dụng vốn đầu tư và là nơi trực tiếp hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư. Bởi vậy, việc phân tích doanh nghiệp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp tới việc lựa chọn chứng khoán để đầu tư.

► Phân tích chiến lược phát triển của doanh nghiệp

Các nội dung chính cần quan tâm trong phân tích chiến lược phát triển doanh nghiệp bao gồm :

* Lịch sử của doanh nghiệp

Đôi khi việc nghiên cứu quá khứ của một doanh nghiệp là điều rất có ích để có thể hiểu rõ được chiến lược phát triển của nó ở hiện tại và tương lai. Ví dụ : một doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ bằng việc thâu tóm các doanh nghiệp khác sẽ hầu như không có sự thay đổi trong chiến lược của nó trong tương lai, trừ khi có biến động lớn về cơ cấu quyền lực.

Con người là yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả kinh doanh, đến sự tồn vong và phát triển của một doanh nghiệp. Trong phân tích về nguồn nhân lực người ta thường quan tâm đến hai dạng sau :

- Người lãnh đạo

Thực tế cho thấy, khả năng của người lãnh đạo, uy tín, tiếng tăm của họ là nguyên nhân dẫn đến những thành công của các doanh nghiệp mà họ điều hành. Người lãnh đạo trong các công ty cổ phần lớn thường có tầm nhìn xa trông rộng hơn các chủ doanh nghiệp nhỏ. Các nhà lãnh đạo sắp đến tuổi nghỉ hưu cũng có xu hướng hạn chế việc theo đuổi các dự án cỡ lớn. Điều này có nguy cơ làm giảm khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhiều năm sau. Chính vì thế tuổi tác cũng có tầm quan trọng như khả năng quản lí của người lãnh đạo.

- Người lao động

Người lao động là hạt nhân của năng lực phát triển của doanh nghiệp. Người lao động có trình độ chuyên môn cao, có kĩ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ có nhiều khả năng trong cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác các chi phí đào tạo và quá trình tuyển dụng các nguồn nhân lực cũng cần được nghiên cứu một cách tỉ mỉ, bởi nó là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp.

* Nguồn lực tài chính

Chiến lược của một doanh nghiệp phải được đặt trong mối quan hệ với khả năng tài chính của nó. Người ta sẽ suy nghĩ như thế nào về một doanh nghiệp khẳng định mong muốn phát triển nhờ vào những nguồn lực bên ngoài, vay nợ nhiều nhưng lại không có tài sản gì đáng kể ? Một doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hùng mạnh là điều kiện tốt để không ngừng nâng cao vị thế, thương hiệu và khả năng chiếm lĩnh thị trường, không chỉ trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

* Khách hàng và nhà cung cấp

Sự phát triển của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng và nhà cung cấp của họ. Hãy thử tưởng tượng, nếu doanh nghiệp có một khách hàng chiếm tới hơn 50% doanh số thì điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng đó chuyển sang mua hàng của một nhà cung cấp khác, hoặc khách hàng đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Vì lí do đó, một doanh nghiệp quá tập trung vào một nhóm khách hàng hay nhà cung cấp, hoặc chỉ có một số khách hàng lớn thường bị đánh giá có mức độ ổn định tài chính và khả năng toán thấp hơn so với những doanh nghiệp có nhiều khách hàng nhỏ.

* Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để xác định lợi nhuận dự kiến của các kỳ đầu tư chứng khoán trong tương lai. Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là các định hướng phát triển có tính chất dài hạn được thể hiện trên các kế hoạch chủ yếu của doanh nghiệp như:

- Kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ, - Kế hoạch sản phẩm,

- Kế hoạch phát triển thị trường, - Kế hoạch huy động vốn dài hạn, - v.v…

Một chiến lược kinh doanh mang tính khả thi là một chiến lược được hoạch định trên cơ sở các tham chiếu về tình hình và triển vọng của thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế, về chính sách kinh tế vĩ mô và sự can thiệp của Chính phủ, về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp cho các chỉ tiêu kế hoạch…Với các nhà đầu tư, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để lựa chọn địa chỉ đầu tư vốn của mình.

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN (Trang 82 - 91)