Khái niệm cơ bản về trạng thái căng thẳng cảm xúc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số chức năng tim mạch, tâm thần kinh của sinh viên đại học y thái bình ở trạng thái tĩnh và sau khi thi (Trang 32 - 37)

1.2. MỘT SỐ CHỈ SỐ CHỨC NĂNG TÂM - THẦN KINH

1.3.1. Khái niệm cơ bản về trạng thái căng thẳng cảm xúc

Trạng thái căng thẳng cảm xúc là một quá trình phức tạp liên quan đến xã hội, yếu tố tâm lý và sinh lý.

Khái niệm stress đầu tiên do Hans Sélye, chuyên gia nội tiết Canada gốc Áo đưa ra năm 1936. Theo tác giả, stress là trạng thái của cơ thể phát sinh khi bị tác động mạnh của các yếu tố từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể.

Trong đó, cơ thể phải thay đổi đột ngột chương trình hoạt động sinh học, nhằm đảm bảo cân bằng nội môi. Những phản ứng của cơ thể trong trạng thái stress được coi là hội chứng thích ứng chung (GAS - general adaptation syndrome). Các kích thích gây trạng thái stress được gọi là các stressor, có thể là các yếu tố hóa học, lý học, sinh học, mất máu, những cảm xúc mạnh đột ngột.

Sự thay đổi chế độ làm việc, thay đổi chỗ ở đều có thể gây ra trạng thái stress [17], [32].

Trong khi Sélye lần đầu tiên đưa ra khái niệm về stress, Cannon là nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa mà ông gọi là phản ứng “Chống hoặc chạy” (fight or flight). Cannon cho rằng khi một sinh vật đương đầu với một sự đe dọa sự sống còn của mình, thì các biến đổi sinh lý sẽ xảy ra theo một mô hình đã được “cài đặt” sẵn do sự kích thích hệ giao cảm tủy thượng thận làm tăng tiết catecholamin, giúp cho cơ thể chống lại hoặc thoát khỏi sự kích thích đe dọa đó.

Theo thuyết tâm lý, stress xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó/ đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại sức khỏe của họ. Stress là kết quả của sự mất cân bằng giữa nhu cầu nhận thức từ môi trường và nguồn lực của cá nhân được nhận thức để đáp ứng với những yêu cầu đó [74]. Một định nghĩa đơn giản về stress có thể được sử dụng là stress xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường của bạn để ứng phó. Theo các định nghĩa này, stress được hiểu dưới góc độ một hiện tượng nhận thức của cá nhân, trong mối quan hệ giữa con người và môi trường bên ngoài. Tuy nhiên yếu tố môi trường không quyết định mức độ của stress mà chính việc nhìn nhận của con người về kích thích từ môi trường mới quyết định mức độ căng thẳng của sự kiện đó.

Theo thuyết stress nghề nghiệpthì stress nghề nghiệp là sự mất cân bằng giữa yêu cầu nghề nghiệp và khả năng cá nhân để hoàn thành công việc.

Nghiên cứu gần đây của Ursin và cs [124] về lý thuyết hoạt động nhận thức của stress (cognitive activation theory of stress - CATS) đã nhấn mạnh các quá trình nhận thức và kích hoạt các quá trình sinh lý thần kinh. Theo tác giả thuật ngữ “stress” bao gồm bốn khía cạnh, đó là sự kích thích căng thẳng, kinh nghiệm của các căng thẳng, các phản ứng sinh lý không đặc hiệu với căng thẳng và kinh nghiệm của các phản ứng căng thẳng. Đáp ứng sinh lý stress phụ thuộc vào thẩm định của cá nhân về trạng thái căng thẳng. Thẩm định gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu liên quan đến việc xác định các yếu tố kích thích và những hệ quả của nó, ví dụ như yếu tố kích thích là có hại, đe dọa hoặc thách thức. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thẩm định liên quan đến việc làm thế nào dung hòa được các yếu tố kích thích gây stress và xác định chiến lược đối phó. Nếu các biện pháp đối phó không có hiệu quả, stress kéo dài có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chức năng. Theo CATS bệnh chỉ xảy ra khi không có sự đáp ứng đối phó thích hợp, điều đó có thể dẫn đến cảm giác bất lực và tuyệt vọng.

Những yếu tố gây stress có thể chia thành nhiều nhóm theo đặc trưng của nó, đó là yếu tố thực thể hay xã hội hoặc tâm lý, theo thời gian (cấp tính hoặc mạn tính) và cường độ. Trong cuộc sống thực tế, nhiều yếu tố gây stress được trộn lẫn và phối hợp với nhau [97]. Các yếu tố gây stress điển hình và thường xuyên xảy ra như áp lực thời gian, tiếng ồn, nhiệm vụ khó khăn, phải thực hiện kéo dài, tốc độ làm việc cao và xung đột xã hội.

Ngày nay, phần lớn các tác nhân gây stress đều có bản chất tâm lý - xã hội, vì thế không còn tuân theo các giải pháp “chống hoặc chạy” nữa, tuy nhiên sự hoạt hóa sinh lý vẫn xảy ra. Khi đối đầu với một mối đe dọa về thể chất, sự hoạt hóa này tương đối ngắn. Chúng ta hoặc sẽ giải quyết thành công mối đe dọa này hoặc là sẽ bị giết chết. Nhưng đối với những tác nhân gây stress về tâm lý - xã hội, sự hoạt hóa sẽ xảy ra thường xuyên và trong một thời gian dài.

Muốn quản lý được căng thẳng và có chiến lược đối phó thích hợp cần phải xác định được các yếu tố qui định mức độ và khả năng thích ứng với căng thẳng.

Các yếu tố qui định mức độ căng thẳng:

- Cường độ của kích thích mạnh, bất ngờ gây stress cấp tính như đối tượng nhìn thấy đám cháy, đám nổ lớn, hoặc trực tiếp bị đe doạ tính mạng hay người thân bị chết đột ngột. Một sự tàn khốc quá sức chịu đựng như chứng kiến sự tàn bạo đẫm máu do giao tranh, khủng bố. Stress mạn tính: người bệnh bị ngược đãi, học sinh tâm lý bị dồn nén trong thi cử - học hành, những người làm việc quá khả năng của mình kéo dài, những cặp vợ chồng hôn nhân không hạnh phúc.

- Thời gian và tần số của kích thích cùng với sự xuất hiện chắc chắn của stress ảnh hưởng lên sự nhận định của đối tượng. Khi một sự kiện trở nên chắc chắn sẽ xảy đến, đối tượng sẽ nhận thấy nó càng lúc càng có tính thách thức và đe dọa. Ví dụ những thí sinh chuẩn bị thi sẽ càng bị lo âu hơn khi kỳ thi đến gần. Một khi kỳ thi thực sự bắt đầu, sẽ có sự giảm nhẹ đáng kể về cảm xúc. Thời gian hiện diện của các tác nhân gây stress cũng thay đổi từ những sự kiện có giới hạn về thời gian như thi cử đến những sự kiện kéo dài như

mâu thuẫn vợ chồng, tham gia chiến đấu hoặc mắc bệnh ung thư. Thời gian và tần số xuất hiện các tác nhân gây stress (tập cộng nhỏ thành lớn) cũng được xem là có vai trò trung tâm trong việc xác định những hậu quả tiêu cực của stress đối với sức khỏe. Nghiên cứu về tương quan dịch tễ và thực nghiệm thấy rằng cú một mối liờn quan rừ rệt, tuy vừa phải, giữa tần số, cường độ và thời gian xảy ra stress với sức khỏe [51].

Khi tần số, cường độ và thời gian xảy ra sự hoạt hóa sinh lý đi kèm theo stress trở nên quá mức, nó có thể gây nên những tác dụng tai hại. Điều này còn tùy thuộc vào sự nhận định của cá nhân về môi trường sống và những kỹ năng ứng phó của họ. Sự hoạt hóa quá mức có thể xảy ra khi cá nhân nhận định sai lầm một sự kiện vô hại thành một sự kiện thật sự đe dọa hoặc có hại và khi họ không có đủ những kỹ năng ứng phó hiệu quả với các tác nhân gây stress.

- Khả năng thích ứng của cơ thể với stress: quyết định mức độ stress.

Các yếu tố qui định khả năng thích ứng của cơ thể

- Khả năng nhận biết và tiên đoán stress. Việc đầu tiên là chúng ta cần nhận ra các dấu hiệu của stress. Các dấu hiệu stress bao gồm những biểu hiện về tâm thần, thể chất và các mối quan hệ xã hội. Cụ thể là sự mệt mỏi, tự nhiên thèm ăn hoặc bỏ ăn, đau đầu, khóc, mất ngủ hoặc là ngủ quên. Ngoài ra, tìm đến rượu, thuốc, hoặc những biểu hiện khó chịu khác cũng là những dấu hiệu của căng thẳng. Căng thẳng còn đi kèm với cảm giác bất an, giận dữ hoặc sợ hãi. Khả năng tiên đoán là sự biết trước khi nào sự kiện sẽ xảy ra. Nói chung, những sự kiện có thể tiên đoán được thì ít gây stress hơn những sự kiện không tiên đoán được. Sẽ rất có lợi nếu ta biết trước được những sự kiện ngoài ý muốn có xảy ra hay không và nếu có thì xảy ra khi nào. Khả năng tiên đoán làm giảm mức độ đe dọa, nguy hại và thách thức, bằng cách cho phép ta chuẩn bị ứng phó sự kiện và biết được khi nào chúng ta được an toàn. Như vậy đáp ứng sinh lý với stress không chỉ có tính không đặc hiệu (giống nhau trong mọi điều kiện có hại) mà các biến đổi sinh lý còn tùy thuộc vào cách thức phản ứng của đối tượng về hành vi và cảm xúc [51].

- Khả năng tiếp nhận stress. Những cá nhân có khả năng tiếp nhận stress và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực có mức độ suy giảm tâm lý ít hơn [115]. Hãy thử để "sử dụng" stress nếu bạn không thể khắc phục, cũng không thoát khỏi những gì đang làm phiền bạn, cố gắng sử dụng nó trong cuộc sống.

- Sự từng trải của cơ thể với stress ảnh hưởng đến đáp ứng cortisol. Ở những đối tượng có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ thì mức cortisol không tăng so với trước khi làm nhiệm vụ, trong khi những đối tượng có ít kinh nghiệm, mức cortisol tăng cao [113]. Kinh nghiệm học tập khởi xướng quá trình củng cố trí nhớ. Thêm vào đó, sự khuấy động cảm xúc (stress) liên quan đến kinh nghiệm học tập kích thích sự giải phóng catecholamin và glucocorticoid từ tuyến thượng thận, hai hormon này tương tác với nhau tại phần đáy bên của hạch hạnh nhân có thể điều chỉnh quá trình ghi nhớ trong các vùng não khác như vùng đồi thị và vỏ não trước trán, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành những ký ức mới, hình dạng nhận thức và sự quan tâm đối với các căng thẳng, giúp cơ thể chống lại căng thẳng tốt hơn [117].

- Khả năng chịu đựng stress và sức đề kháng của cơ thể cũng là những yếu tố quan trọng qui định sự thích ứng của cơ thể với stress. Khi tiếp xúc với căng thẳng không phải người nào cũng phản ứng như nhau. Có những tình huống gây căng thẳng cho người này nhưng lại không có vấn đề gì với người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào sự mạnh, yếu về tâm lí và thể trạng của đối tượng. Ví dụ: đối tượng luôn lo lắng một cách quá mức cho người thân hoặc bất cứ một công việc gì, thời gian kéo dài gây phản ứng với stress [51].

- Khả năng biến đổi stress bằng cách tương kế tựu kế, lợi dụng stress để hoàn thiện. Khi đối đầu với một sự kiện gây stress, con người sẽ cố gắng "hoá giải" sự nguy hại và phòng tránh sự đe doạ bằng những hành động thuộc về nhận thức và hành vi nhằm chế ngự những đòi hỏi của sự kiện được nhận định là có tính gây stress. Mỗi người sẽ lựa chọn hoặc thích nghi để phù hợp tốt hơn với môi trường hoặc thay đổi môi trường để thích hợp với nhu cầu bản thân của mình. Một kiểu cách đáp ứng cũng phải có sẵn trong "vốn sống" của mỗi người, đó chính là bản lĩnh được sử dụng để ứng phó với các tác nhân gây stress [51].

1.3.2. Biểu hiện và cơ chế của trạng thái stress (hội chứng thích ứng chung)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ số chức năng tim mạch, tâm thần kinh của sinh viên đại học y thái bình ở trạng thái tĩnh và sau khi thi (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(186 trang)
w